April 19, 2024

Ca sĩ Kyo York: “Tôi thấy người Sài Gòn đau, mình cũng đau lây”

  • Người đàn ông bị đâm gục ở Thanh Xuân, Hà Nội
  • Son Ye Jin được ví như “tiên nữ“, chăm chỉ làm điều này để có vẻ ngoài không tuổi
  • Lại dùng thủ môn đá tiền đạo, U23 Trung Quốc vẫn không thể ghi bàn

  • “Sài Gòn thương, thương bao em thơ mong sẽ đến trường/ Sài gòn thương, thương ai xa quê sẽ được hồi hương/Thương khắp phố phường, chợ chiều nay vắng bóng người/ Đìu hiu ngóng dòng mây đen sẽ chóng tan…”.

    Giai điệu quê hương da diết, cùng những cảm xúc tuôn trào trong từng câu hát, với niềm tin lạc quan ngày mai tươi sáng đã khiến bài hát thấm sâu vào lòng người. Ca sĩ Kyo York đã chia sẻ với PV Dân Việt về những điều khiến anh gắn bó dài lâu với mảnh đất này.

    Ca khúc “Sài Gòn thương” do Kyo York thể hiện, Khúc Đạo Minh sáng tác, Lê Sa Long vẽ tranh. Clip: NVCC.

    “Sài Gòn thương” vừa ra mắt đã gây xúc động cho người xem, nhất là những người dân đang ở trong tâm dịch. Vì sao anh chọn ca khúc của Khúc Đạo Minh và ra mắt trong bối cảnh này?

    – Kyo có sự kết hợp thú vị với nhạc sĩ Khúc Đạo Minh – giảng viên Nhạc viện TP.HCM khi bắt tay thực hiện dự án. Trong suốt 3 tháng qua, thấy bà con rất vất vả và không chỉ riêng gì họ, những y bác sĩ trên tuyến đầu đang ngày đêm căng sức ra chống dịch cũng nhọc nhằn không kém.

    Tôi rất xúc động trước hành động giúp nhau của người dân Sài Gòn, cũng như sự gắn kết của người Việt mình, nên muốn hát một ca khúc có ý nghĩa ngợi ca tinh thần ấy. Theo tôi nghĩ, âm nhạc như liều thuốc bổ cho tâm hồn xoa dịu vết thương, nhất là với những người trải qua nhiều mất mát. Có thể, họ không đến được với những người thân, hoặc có cả một cuộc chia ly đau đớn. Tôi hy vọng qua bài hát này, họ có thể được an ủi phần nào, cũng như muốn đưa ra lời động viên mọi người cùng nhau vượt qua đại dịch.

    Ca sĩ Kyo York: "Tôi thấy khi người Sài Gòn đau, mình cũng đau lây" - Ảnh 2.

    Tranh của họa sĩ Lê Sa Long tạo cảm hứng cho nhạc sĩ Khúc Đạo Minh sáng tác “Sài Gòn thương”.

    Dường như ẩn trong từng câu chữ của bài hát là những tình cảm sâu nặng anh gửi đến bạn bè, người thân?

    – May mắn là bạn bè tôi chưa ai mắc Covid-19, nhưng năm ngoái, cha tôi từng bị nhiễm bệnh. Thời gian đó đang là giai đoạn giãn cách xã hội, tôi rất lo cho cha mà không thể sang Mỹ chăm sóc ông. Là người trực tiếp nếm trải cảm giác người thân bị bệnh nặng nên tôi hiểu được những gì mà mọi người đang phải trải qua. Sau này, cha tôi đã phục hồi sức khỏe nhưng cảm giác lo lắng trước biến cố đó vẫn còn trong tôi.

    Tuy nhiên, lần này, dịch Covid ở Sài Gòn khiến nhiều người, trong đó có cả người trẻ không thể vượt qua được. Thật đau lòng vì điều đó. Vì có được trải nghiệm mà tôi cảm nhận được từng câu chữ trong bài hát và truyền tải sự xúc động ấy đến người nghe.

    Phải chăng vì thế mà khi thu âm “Sài Gòn thương”, anh đã nhiều lần rơi nước mắt?

    Ca sĩ Kyo York: "Tôi thấy khi người Sài Gòn đau, mình cũng đau lây" - Ảnh 3.

    Tranh của Lê Sa Long.

    – Tôi khóc một phần vì… bài hát quá khó. Một phần đương nhiên do xúc động thực sự, nhất là khi tôi nghe qua lời và giai điệu, cùng ngắm những bức tranh minh họa của anh Lê Sa Long. Những bức tranh cộng với âm nhạc làm tôi lay động. Tôi cho rằng đây là bài hát rất hay, có giá trị trong thời điểm này, nên muốn làm một điều ý nghĩa cho xã hội.

    Vì sao anh chọn họa sĩ Lê Sa Long hợp tác trong dự án này?

    – Anh Long là họa sĩ có tài, Kyo tự liên hệ với anh để xin đưa những tác phẩm anh vẽ trong thời Sài Gòn giãn cách vào MV của mình. Tôi nhìn thấy những bức tranh của anh xuất hiện trên báo thì liền chủ động gọi cho anh. 

    Trong thời điểm khó khăn không thể đến phòng thu, tôi phải tự thu bằng điện thoại. Thu xong gửi qua studio để mix. Còn anh Long vẽ thêm một vài tấm hình riêng cho dự án. Anh Khúc Đạo Minh thì phối nhạc. Mỗi người một nơi cùng nhau góp sức cho dự án. Khi có hai người tài giỏi hỗ trợ thì tôi an tâm, chỉ cần tập trung hát mà thôi.

    Ca sĩ Kyo York: "Tôi thấy khi người Sài Gòn đau, mình cũng đau lây" - Ảnh 4.

    Trước đó, anh từng kết hợp với nhạc sĩ Khúc Đạo Minh làm ca khúc “Trống cơm”, viết lại lời cho phù hợp với thời Covid, cổ vũ mọi người thực hiện tốt 5K?

    – Khúc Đạo Minh là người rất giỏi. Có dịp hợp tác với anh, tôi thật sự vui. Riêng tôi sống trong khu phong tỏa, thấy các bạn mình đi hỗ trợ tiêm vaccine, mang cơm cho người nghèo thì rất cảm phục họ. Kyo không thể ra ngoài vì đang ở trong khu cách ly, có thể ảnh hưởng đến người khác, nên chỉ mong làm điều gì đó thông qua âm nhạc. Đó cũng là sự đóng góp bằng một cách nào đấy để nâng dậy tâm hồn và tinh thần của người dân vùng dịch.

    Thế còn “Ghen cô vy”, với phần dịch lời sang tiếng Anh, anh đã khiến thế giới biết đến một ca khúc lạc quan của người Việt?

    Ca sĩ Kyo York: "Tôi thấy khi người Sài Gòn đau, mình cũng đau lây" - Ảnh 5.

    Kyo York từ New York đến Việt Nam cách đây 10 năm, bắt đầu sự nghiệp ca hát của mình. Ảnh: NVCC.

    – Bài hát tự thân đã gây “sóng gió” trong nước, nên tôi muốn dịch ra tiếng Anh để đồng hương của tôi ở bên Mỹ có thể cảm nhận được nhạc Việt.

    Trong những album của mình như “Cho những điều đã qua”, “Xuân yêu thương” 2015, “Missing Home”, “Xuân kỷ niệm”…, anh thích nhất thể loại nhạc nào?

    – Mỗi album là một món ăn tinh thần, tôi chọn loại nhạc nào cũng có lý do của nó.  Tôi thử sức với âm nhạc Tây Bắc, quan họ Bắc Ninh, dân ca Nam Bộ…, thử sức với bản thân mình, cố gắng để làm nhiều thể loại. Tôi vẫn thích tình ca vì hợp với giọng hát của mình hơn cả.

    Anh có thể chia sẻ cơ duyên hát nhạc Trịnh ngay từ khi mới bước vào nghề?

    – Tôi hát nhạc Trịnh từ những ngày đầu đến Việt Nam. Nhạc Trịnh rất hay, nhiều ẩn nghĩa, là những tác phẩm có giá trị không chỉ về âm nhạc mà còn về ngôn ngữ. Nhiều người nói, tôi có duyên hát nhạc Trịnh. Nam ca sĩ Tuấn Ngọc hay đùa, tôi là “con rơi” của nhạc sị Trịnh Công Sơn hay sao mà hát nhiều bài như vậy, lại rất hợp với chất giọng. 

    Bản thân tôi từng hát ở nhiều phòng trà trong thành phố, lúc đó, những bài của Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An – những nhạc sĩ gạo cội của Việt Nam đang rất ăn khách. Trước khi là ca sĩ thực thụ, tôi trau dồi giọng hát, trau dồi kỹ năng tiếng Việt. Thông qua những bài hát đó tôi mới hoàn thiện hơn giọng hát hôm nay.

    Ca sĩ Kyo York: "Tôi thấy khi người Sài Gòn đau, mình cũng đau lây" - Ảnh 6.

    Tranh của họa sĩ Lê Sa Long về Sài Gòn ngày giãn cách.

    Có cảm giác tâm hồn Kyo rất gần gũi với người Việt…?

    – Việt Nam như là quê hương thứ 2 của tôi sau 10 năm sinh sống và ca hát. Riêng với Sài Gòn, sống gần 8 năm, những con người, những quán ăn cùng nếp sống và văn hóa Sài Gòn như ăn sâu vào con người tôi. Tôi cũng thấy khi người Sài Gòn đau thì mình cũng đau lây. Thậm chí, khi sang Mỹ, tôi lại nhớ Việt Nam, còn khi ở Việt Nam thì lại nhớ quê nhà! Giống như Sài Gòn là 1 phần trong mình vậy.

    Trong những ngày giãn cách, anh thường làm gì?

    – Rèn luyện sức khỏe, hát online. Hiện tôi đang sống ở quận 3 và cố gắng lạc quan, giữ tâm lý ổn định.

    Những ngày qua, tôi thấy cuộc sống rất mong manh, không biết ngày mai sẽ ra sao. Có lẽ, nhiều người nghĩ việc thức dậy mỗi sáng là điều tất nhiên mà không nghĩ rằng chỉ trong vòng một nốt nhạc, mọi thứ có thể kết thúc.

    Tôi nghĩ đây là cơ hội mọi người nhìn xung quanh và xem xét cách sống của mình để đề phòng bệnh tật và hiểu rằng cuộc sống này rất có giá trị, thật đáng tiếc nếu chúng ta trải qua 1 cuộc đời vô nghĩa. Hy vọng mọi người sử dụng thời gian này để cùng nhau yêu thương nhiều hơn và có thể chính sự yêu thương đó là thuốc bổ cho những người thực sự cần.

    Tin rằng tất cả nỗi buồn hôm nay sẽ qua. Với sự gắn kết, yêu thương của mọi người, Sài Gòn sẽ vượt qua tất cả!

    Xin cảm ơn ca sĩ Kyo York!

    Họa sĩ Lê Sa Long: “Kyo York – một người Mỹ có trái tim Việt”.

    Có thể nói, Sài Gòn thương là một bài hát xúc động của nhạc sĩ Khúc Đạo Minh và ca sĩ Kyo York.

    Thương xót vui buồn cho nhau

    Những khó khăn vượt mau

    Tinh người vẫn luôn thẳm sâu…”

    Tôi biết Kyo từ lâu. Anh là một ca sĩ ngoại quốc hát tiếng Việt thật cảm xúc cùng những hoạt động âm nhạc cộng đồng của anh. Anh từng nói: “Tôi cảm thấy ấm lòng khi đã lan tỏa thông điệp ca khúc rộng rãi trên khắp mọi miền đất nước, cũng như bạn bè quốc tế và hàng ngàn bản cover xuất hiện ở khắp nơi”. Tôi vội gửi bạn file như anh yêu cầu và vui khi công việc tiến hành nhanh, chuyên nghiệp.

    Quý mến tài năng và tình cảm dành cho Sài Gòn của Kyo “xem Việt Nam như quê hương”, tôi có vẽ tặng Kyo một chân dung. Kyo nhận và hồi âm: “Kyo cũng rất trân trọng tài năng và đã xem qua những dấu ấn nghệ thuật của anh, rất vui và vinh dự khi được anh vẽ Kyo và xin đưa vào MV…”.

    Còn nhạc sĩ Khúc Đạo Minh, khi trao đổi công việc, đã viết cho tôi những dòng thật cảm động: “Bài hát ra đời cũng phần nào nhờ cảm hứng từ những bức tranh anh vẽ. Xem thôi, em đã khóc, vì cảm xúc của những người đã từng có bạn bè, người thân bị bệnh này và có người cũng đã ra đi”.

    Tôi rất xúc động khi những bức tranh của mình trong dự án Mỹ thuật “Sài Gòn trong những ngày giãn cách” như một tập hợp những ghi chép bằng đường nét và màu sắc, được người xem ưu ái quan tâm. Qua đó, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn với thành phố thân thương đã nuôi nấng, đùm bọc ba mình (giai đoạn 1958-1964) và bản thân mình hơn 30 năm qua!

    Ngoài ra, thời gian qua tôi có bán một số tranh. Qua đó có tài chính góp một phần nhỏ vào việc chung tay đẩy lùi dịch bệnh của đồng bào.

    Tôi nghĩ, tác phẩm được mọi người đồng cảm chia sẻ – đó là phần thưởng quý nhất mà người làm nghệ thuật may mắn có được. Và cá nhân tôi xem đó cũng là trách nhiệm của một công dân khi Sài Gòn thân thương đang ở trong những ngày trầm lắng và khó khăn nhất!”.

    Văn hóa – Giải trí | Cập Nhật Thông Tin 24h Nhanh Nhất
    Nguồn: Sưu Tầm


    Speak Your Mind

    *