April 25, 2024

NSƯT Tạ Tuấn Minh: “Tôi moi hết tâm can khi đóng Thái sư Trần Thủ Độ”

  • Bí mật vẻ đẹp “nghiêng nước nghiêng thành“ của “nàng Tây Thi“ xứ Tân Cương ở tuổi U45
  • “Mở lòng” để lắng nghe tâm sự của “những đứa trẻ lầm lỡ”
  • Xuất bản truyện ký tái hiện cuộc đời của cố Tổng Bí thư Trần Phú

  • Anh từng đóng Nguyễn Huệ, Từ Hải, Hamlet và hiện tại là Trần Thủ Độ trong vở “Thiên mệnh”… Toàn những vai “tầm vóc” của văn học và lịch sự. Đã bao giờ anh lý giải cơ duyên đặc biệt này?

    – Trước hết, tôi phải thú nhận là mình rất may mắn khi được các đạo diễn toàn nhắm cho những vai nặng ký. Đó là những hình tượng nổi tiếng trong các tác phẩm văn học hoặc những nhân vật tầm vóc của lịch sử. Đặc điểm chung của các nhân vật kể trên là đều rất anh hùng, chính trực và mang khát vọng lớn. Có những vai tôi cho rằng, ngoại hình của tôi không hợp lắm, chẳng hạn như vai Từ Hải trong vở “Kiều”.

    NSƯT Tạ Tuấn Minh: “Tôi moi hết tâm can khi đóng Thái sư Trần Thủ Độ” - Ảnh 1.

    Nghệ sĩ Tạ Tuấn Minh trong vai Trần Thủ Độ. Ảnh: NHKVN.

    Từ Hải trong “Truyện Kiều” của cụ Nguyễn Du là “Râu hùm hàm én mày ngài/Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” trong khi tôi ở ngoài đời không được lực lưỡng như thế. Vậy mà đạo diễn vẫn nhắm vai đó cho tôi. Có thể trong nét diễn của tôi có phong thái đó hoặc cũng có thể cái duyên của tôi với những vai này nữa.

    Nhân vật Trần Thủ Độ lần này có mang đến cho anh những cảm xúc giống những lần đóng vai “anh hùng” lần trước?

    – Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được đóng vai Trần Thủ Độ trong “Thiên mệnh”. Đây là một nhân vật có quá nhiều điều bí ẩn mà đến nay sử sách vẫn chưa làm rõ hết được. Đa phần các vở trước đây toàn khai thác ông ở góc độ gian hùng, người thao túng quyền lực.

    Nhưng vở “Thiên mệnh” lại khai thác phần “người” của Trần Thủ Độ khi ông đã 61 tuổi và quân Nguyên Mông chuẩn bị xâm lược Đại Việt lần thứ nhất. Ở đây, chúng ta sẽ thấy một vị tướng họ Trần rất con người, rất tình, rất nghĩa lớn.

    Có một chi tiết thể hiện rất rõ cái nghĩa lớn của nhân vật này đó là khi vua Trần Thái Tông định phong Tể tướng cho An Quốc (anh trai của Trần Thủ Độ) thì ông liền tâu: “An Quốc là anh thần, nếu cho giỏi hơn thần thì thần xin trí sĩ, nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc. Nếu anh em đều làm Tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra làm sao?”.

    Tôi cho rằng, đây là một câu chuyện mang tính thời đại. Vì đến thời điểm này vẫn còn những chuyện “cha làm quan, con làm quan”. Và đây như lời nhắc nhở đối với hậu thế về việc noi gương các bậc tiền nhân trong việc phân định rõ công – tư vì đại cục.

    NSƯT Tạ Tuấn Minh: “Tôi moi hết tâm can khi đóng Thái sư Trần Thủ Độ” - Ảnh 2.

    Cảnh trò chuyện giữa Trần Thủ Độ và vua Trần Thái Tông (tức Trần Cảnh). Ảnh: NHKVN.

    Trong vở này cũng cho thấy, Trần Thủ Độ rất tin dùng Trần Hưng Đạo mặc dù Trần Hưng Đạo là con của Trần Liễu. Trong sử sách ghi rõ, chính Trần Thủ Độ đã ép Trần Cảnh (tức vua Trần Thái Tông) lấy vợ của Trần Liễu – anh trai mình. Cái hay của Trần Thủ Độ là không sợ bị trả thù khi dùng Trần Hưng Đạo mặc dù rất nhiều người can ngăn chuyện này.

    Ông thấy được Trần Hưng Đạo là một tướng giỏi, có thể gánh vác được việc lớn của đất nước sau này nên đã gạt việc riêng, đặt việc chung lên trước. Trong kịch bản có một câu của Trần Thủ Độ rất hay: “Ta đâu thể vì lo cho sinh mệnh của mình mà bỏ lỡ đi hồng phúc của nhà Trần”. Chỉ ở chi tiết này thôi chúng ta đã thấy ông là một người công tư phân minh. Ông luôn hết lòng vì quốc gia, vì nhà Trần.

    Tôi nghĩ rằng, bất kỳ diễn viên nào cũng khao khát được một lần đóng Trần Thủ Độ, nhất là trong vở “Thiên mệnh” này. Đây là một vai diễn có quá nhiều điều thú vị để có thể bung tỏa hết mình ra.

    Tôi đã từng rất hào hứng khi đóng Hamlet, Từ Hải, Nguyễn Huệ… những nhân vật “lẫy lừng” trong văn học và lịch sử. Nhưng lần này, khi đóng Trần Thủ Độ, tôi còn hào hứng hơn nữa vì đây là nhân vật quá nhiều màu sắc để thể hiện.

    Tôi phỏng đoán, khi tôi diễn nhân vật Trần Thủ Độ trong “Thiên mệnh” sẽ có ý kiến cho rằng, nhân vật này bị thiếu mất chất gian hùng nhưng tôi muốn làm mới vai diễn này. Tôi rất muốn móc ra tất cả tâm tư, tình cảm và những gì con người nhất của một vị Thái sư nổi tiếng nhà Trần có rất nhiều điểm mờ và điểm sáng trong lịch sử để đưa lên sân khấu.

    Vốn dĩ kịch lịch sử vẫn luôn gây áp lực cho đạo diễn đến diễn viên và cả hoạ sĩ sân khấu vì tính “chân thật” của nó. Chúng ta có quyền sáng tạo nhưng vẫn trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử. Vậy, khó khăn lớn nhất với anh trong vai này là gì?

    – Kịch lịch sử thì mọi người biết rồi. Nhớ được lời kịch lịch sử không hề dễ một chút nào. Có những câu thoại dài đến nửa trang giấy A4. Những lời thoại đó đôi khi tôi phải dồn lại và buộc người diễn viên phải hiểu được những lời thoại ấy. 

    NSƯT Tạ Tuấn Minh: “Tôi moi hết tâm can khi đóng Thái sư Trần Thủ Độ” - Ảnh 3.

    Tạ Tuấn Minh thừa nhận, anh cảm thấy hạnh phúc và tự hào khi được vào vai Trần Thủ Độ. Ảnh: NHKVN.

    Người diễn viên phải sống được với nhân vật ấy và hiểu được tư tưởng của nhân vật ấy thì mới làm tốt được. Vai Trần Thủ Độ luôn mang đến cho tôi một cảm giác hạnh phúc, tự hào, vừa gần vừa xa… bởi ở ngoài đời thường, tôi cũng rất ngưỡng mộ nhân vật lịch sử này.

    Anh từng chia sẻ, khi thể hiện các nhân vật lịch sử, anh thường rất hay làm các thủ tục tâm linh. Điều này giúp giải quyết điều gì về mặt tâm lý?

    – Tôi là người rất tâm linh nên mỗi khi đóng các nhân vật lịch sử tôi thường thực hiện các thủ tục tâm linh rất trịnh trọng. Đó không phải là điều gì mê tín mà tôi muốn xác lập một sợi dây giao cảm vô hình với họ. Mỗi khi tôi muốn thêm hoặc bớt cái gì vào cuộc đời của họ trên sân khấu thì tôi thường xin phép họ. Tôi thường có câu cửa miệng “Không thể đùa được”. 

    Chính vì “không thể đùa được” nên tôi buộc mình phải đọc cả chính sử, huyền sử, dã sử… và cả những bài lý luận phê bình của các nhà nghiên cứu về nhân vật Trần Thủ Độ để soi rọi vào kịch bản trên cơ sở dàn dựng của đạo diễn. Từ đó, tôi sẽ bàn với đạo diễn xem nên diễn góc nào của Trần Thủ Độ.

    Nhiều người cho rằng, ở Trần Thủ Độ lẫn lộn giữa chính – tà, thiện – ác, đen – trắng, yêu – ghét… nhưng tôi lại thấy ở nhân vật này rõ nét về mọi thứ, quan trọng là người ta nhìn ông ở góc nhìn nào. Nếu mọi người nhìn vào những hành động quả quyết của ông thì sẽ cho ông là người tàn bạo, nhưng tại sao mọi người không đặt câu hỏi vì sao ông ấy tàn bạo?

    NSƯT Tạ Tuấn Minh: “Tôi moi hết tâm can khi đóng Thái sư Trần Thủ Độ” - Ảnh 4.

    Một cảnh trong “Thiên mệnh”. Ảnh: NHKVN.

    Tôi là người rất hay đặt câu hỏi cho chính mình. Lúc làm diễn viên hay lúc làm đạo diễn, tôi thường dỡ kịch bản ra để lật lên lật xuống mà trả lời các câu hỏi. Tại sao thế này, tại sao thế kia?

    Với vai Trần Thủ Độ cũng thế, tôi cũng đặt rất nhiều câu hỏi “Ông làm vậy để làm gì?”, “Ông làm vậy để được gì?”, “Làm vậy để được cái lợi cho cá nhân hay cái lợi cho quốc gia xã tắc?”… Thực tế, nếu khách quan nhìn nhận chúng ta sẽ thấy, trong lịch sử nhân loại, những người làm chính trị không có ai hiền lành theo đúng nghĩa cả.

    Anh nhìn nhận như thế nào về thủ pháp dàn dựng của NSƯT Đỗ Kỷ trong vở kịch lịch sử này?

    – Trước đây, khi còn ở Nhà hát Kịch Việt Nam, nghệ sĩ Đỗ Kỷ đã dừng dựng một số vở khá hay. Tuy nhiên, sau này, khi chuyển qua công tác ở Cục Nghệ thuật biểu diễn, do đặc thù công việc nên anh ấy ít dựng hơn. Sau nhiều năm quay lại dựng ở, tôi thấy nghệ sĩ Đỗ Kỷ đằm chín hơn, sâu lắng hơn và kỹ càng hơn.

    Trong vở này, nghệ sĩ Đỗ Kỷ rất muốn làm nhiều thứ nhưng vẫn chưa đạt được như mong muốn. Chẳng hạn, anh ấy muốn tái hiện một trận chiến lớn bằng màn hình 3D nhưng kinh phí lớn quá nên đành phải thể hiện bằng “thủ công”. Mặc dù “thủ công” nhưng nghệ sĩ Đỗ Kỷ vẫn luôn tìm cách làm mới bằng sự sáng tạo riêng.

    Vì chúng ta đều biết, kịch lịch sử rất khô khan. Làm không khéo lại thành một thứ tuyên truyền, đọc tuyên ngôn. Với khán giả hiện đại bây giờ, kịch phải thực sự có sức hấp dẫn lớn, nếu không đủ sức hấp dẫn sẽ không kéo được họ đến xem. Người ta đến xem ít nhất cũng phải được thỏa mãn phần thị giác.

    NSƯT Tạ Tuấn Minh: “Tôi moi hết tâm can khi đóng Thái sư Trần Thủ Độ” - Ảnh 5.

    Nghệ sĩ Đỗ Kỷ dành trọn tâm huyết cho vở kịch “Thiên mệnh”. Ảnh: NHKVN.

    Nghệ sĩ Đỗ Kỷ đã rất cố gắng khi pha trộn giữa hai dòng nhạc dân gian và hiện đại để tạo ra một bản phối mới; cố gắng để đưa rùa 3D vào. Anh ấy cũng là người rất có tư duy, sự hiểu biết và đặc biệt là rất am hiểu lịch sử. Làm kịch lịch sử mà không am hiểu lịch sử thì sẽ rất khó để làm. Chưa tính đến chuyện hay dở, nếu làm kịch lịch sử mà sai là hỏng. Có sáng tạo gì đi nữa thì cũng phải trên cơ sở sự kiện lịch sử đúng. Không thể biến một nhân vật lịch sử sừng sững như vậy trở nên méo mó được. Méo mó là hỏng, là có tội.

    Và tôi cho rằng, trong vở “Thiên mệnh” này, anh Đỗ Kỷ đã nâng lên một tầm mới về độ chín, độ tâm huyết và khát vọng tạo ra một vở kịch hay. Trong thời buổi sân khấu khó khăn như hiện nay thì việc tạo ra được một vở kịch hay là điều không dễ.

    Cảm ơn NSƯT Tạ Tuấn Minh đã chia sẻ thông tin.

    Vở kịch “Thiên mệnh” với kịch bản của Hoàng Thanh Du, do NSƯT Đỗ Kỷ dàn dựng. Vở kịch lịch sử này nói về cuộc đời của Thái sư Trần Thủ Độ, trước khi đi đánh giặc ngoại xâm đã quyết tâm dẹp loạn trong nhà để giữ yên kỷ cương phép nước.

    Câu chuyện Thái sư Trần Thủ Độ khi ấy khẳng định cho tính kỷ cương phép nước phải được giữ gìn, không thể bị phá vỡ bởi bất cứ lý do gì hoặc bất kỳ một ai, kể cả đó là tình anh em ruột rà thân thích. Vở diễn giúp khán giả hiểu rõ hơn về những chuyển biến xã hội, những giằng co tâm lý của từng nhân vật, những bí ẩn sau những trang sử sách chói lọi của dân tộc Việt Nam.

    “Thiên mệnh” có sự tham gia của dàn nghệ sĩ kỳ cựu, các diễn viên tài năng của Nhà hát Kịch Việt Nam: NSƯT Tạ Tuấn Minh, NSƯT Lâm Tùng, NSƯT Dũng Nam, diễn viên Hồ Liên, Khuất Quỳnh Hoa, Minh Hải, Lưu Hoàng, Thế Nguyên, Tống Minh Tùng, Minh Thu, Quang Đạo, Mai Duyên, Hồng Phúc…

    Lịch biểu diễn vở kịch “Thiên mệnh”: 20h00 ngày 03/11 và 4/11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội; 20h00 ngày 09/11 tại Rạp tháng 8, TP. Hải Phòng.

    Văn hóa – Giải trí | Cập Nhật Thông Tin 24h Nhanh Nhất
    Nguồn: Sưu Tầm


    Speak Your Mind

    *