April 19, 2024

Đọc sách cùng bạn: Chia ly có màu gì?

  • Quang Linh Vlogs và Lôi Con lỡ hẹn về Việt Nam vì sự cố giấy tờ
  • HLV Hoàng Anh Tuấn hy vọng người hâm mộ tin tưởng U23 Việt Nam
  • Bắt nam nghi phạm sát hại nữ chủ quán cà phê

  • Đọc sách cùng bạn: Chia ly có màu gì - Ảnh 1.

    Bernhard Schlink (sinh 1944) là nhà văn và luật sư người Đức. Ông được bổ làm thẩm phán toà án liên bang tại bang Bắc Rhine-Westphalia năm 1988 và là giáo sư giảng dạy về luật công và triết học luật pháp tại Đại học Humboldt (Berlin) từ 1/2006.

    Sự nghiệp văn chương của ông bắt đầu bằng mấy tiểu thuyết trinh thám với nhân vật chính mang tên Selb (nghĩa như từ “Self” trong tiếng Anh – “bản thân”, “chính mình”). Năm 1995 ông xuất bản cuốn tiểu thuyết có tính tự truyện nhan đề “Người đọc” (Der Vorleser). Cuốn sách trở nên bán chạy ở cả Đức và Mỹ và đã được dịch ra 39 thứ tiếng trên thế giới. Đây là tác phẩm văn chương Đức đầu tiên chiếm vị trí số một trong danh sách bán chạy của báo New York Times. Bộ phim cùng tên chuyển thể theo tác phẩm này của đạo diễn Stephen Daldry (2008) đã đưa về giải Oscar nữ diễn viên chính xuất sắc cho diễn viên Kate Winslet.

    9 MÀU CHIA LY

    Tác giả: Bernhard Schlink

    Dịch giả: Lê Quang

    Nhã Nam & Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2022

    Số trang: 252 (khổ 14×20,5cm)

    Số lượng: 2000

    Giá bán: 120.000

    Tập truyện ngắn “9 màu chia ly” là tác phẩm mới nhất của Bernhard Schlink. Nhà văn khai thác những cảnh ngộ khác nhau trong đời của con người mà khi cuối đời nhìn lại, hoặc khi có dịp ngoái lại quá khứ, con người phải đối mặt với những câu hỏi không dễ trả lời. Những cuộc chia ly ở đây diễn ra trong cảm xúc, trong hoài niệm, trong tâm tưởng, trong sự dằn vặt, hoài nghi, luyến tiếc, cả trong hạnh phúc và đau khổ, của các nhân vật kể chuyện trong mỗi truyện. Đó có phải là những sắc màu của chia ly đời người?

    Như ở truyện “Trí tuệ nhân tạo” là sự thật cần nói ra hay không nên nói ra của một người đã bán đứng bạn mình cho mật vụ Đức quốc xã. Đó là một sự phản bội mà dù có biện minh là vì đức tin của mình hay vì lòng thương bạn thì vẫn là sự phản bội.

    Như ở truyện “Picnic với Anna” là tình yêu của một người lớn với một cô bé, phảng phất như trong tiểu thuyết “Lolita” của V. Nabokov, để rồi khi cô bé bị giết thì nhân vật tự hỏi có phải mình gây nên tội.

    Như ở truyện “Con gái yêu” cô con gái riêng của vợ có thai với người bố dượng nhưng đó có phải là chuyện chủ ý từ phía những người phụ nữ trong nhà hay không phải vậy.

    Như ở truyện “Mùa hè ngoài đảo” cậu bé đi nghỉ cùng mẹ tình cờ biết được mẹ mình có quan hệ với một người đàn ông, cậu đã bất ngờ khi hỏi mẹ chuyện đó mẹ cậu đã nói đó là chuyện tuyệt vời, không có gì là sai trái cả, để rồi mãi về sau cậu thấy mẹ đã nói đúng, “những gì tuyệt vời thì không thể sai được“. Câu truyện như thế không đi theo hướng “Người đàn bà và con chó nhỏ” của A. Chekhov, mà theo hướng cảm nhận về sau của người con khi chợt nhận ra hạnh phúc bất ngờ của người mẹ ở ngoài gia đình.

    Như ở truyện “Đồi mồi” người đàn ông sau tiệc mừng sinh nhật tuổi 70 của mình đã nhớ lại cuộc tình một thời với một cô gái trẻ để rồi tìm cách gặp lại cô sau nhiều năm xa cách để muốn biết có phải hồi ấy mình đã huỷ hoại một niềm hạnh phúc cuộc đời của chính mình.

    Như ở truyện “Ngày kỷ niệm” cũng là cuộc tình của một người đàn ông bảy mươi mốt tuổi và một phụ nữ ba mươi ba tuổi. Trong ngày kỷ niệm tròn một năm cô cho ông đến nhà mình, họ vui vẻ bên nhau cho đến khi cô ra nhảy với một thanh niên trong ban nhạc. Khi đó, “một thoáng gợn đã thoáng lướt qua tình yêu của họ, không hơn” vì ông chợt nhận ra “tuổi trẻ trong điệu nhảy của hai người không phải là thế giới mà ông đã khép lại sau lưng, mà là một thế giới huyền diệu xa xăm khép kín không cho ông vào.”

    Đối diện với quá khứ, dù đó là của một dân tộc hay của một con người, là chủ đề quan tâm chính trong sáng tác của Bernhard Schlink. Truyện của ông vì thế ngắn gọn nhưng đầy chiêm nghiệm, suy tư. Dịch giả Lê Quang ở lời giới thiệu ngắn đầu tập truyện này đã viết: “Với những cốt truyện đầy kịch tính tương tự ở cả chín truyện ngắn, khó ngờ là tác giả viết được với giọng điềm tĩnh để giữ cái kết ở tình trạng lửng lơ. Những màu của chia ly đều ở gam trầm, ngả về tiết thu chứ không phải xuân hè rực rỡ.” Vì thế theo người dịch, tập truyện này “không thích hợp để đọc nhanh giết thì giờ một cách vô nghĩa, mà phải thấy giờ đọc là giờ quý giá của cuộc đời ta cần nâng niu.

    Đây là một tập truyện hay, sâu sắc, đọc nhẹ nhàng nhưng để lại dư vị ngậm ngùi. Chuyển tải được giọng điệu văn không tỏ ra kiểu cách nhưng vẫn thâm trầm của tác giả đến được với độc giả Việt Nam là một thành công của dịch giả Lê Quang. Anh có cái vốn hiểu biết ngôn ngữ và văn hoá văn học Đức của một người từng có gần ba mươi sống học tập làm việc tại Đức. Anh nắm vững tiếng Việt. Vâng, tôi nói điều này cho một dịch giả, vì không phải cứ người bản ngữ là đã tự khắc hiểu biết và nắm vững được tiếng mẹ đẻ của mình. Chính sự thông thạo hai thứ tiếng Việt – Đức đã giúp Lê Quang trở thành một dịch giả nổi tiếng từ Đức sang Việt. Cho đến nay anh đã có hàng chục tác phẩm dịch. Riêng với tác giả Bernhard Schlink anh đã dịch 4 trong 5 tác phẩm đã được dịch ra tiếng Việt. Đó là các bản dịch: “Người đọc” (2006), “Người đàn bà trên cầu thang” (2017), “Mùa hè dối trá” (2019) và “9 màu chia ly” (2022). Tập sách này sẽ được giới thiệu ra mắt vào 18h ngày 11/5/2022 tại Viện Goethe (Hà Nội) trong khuôn khổ “Những ngày văn học châu Âu tại Việt Nam”. Tại cuộc này dịch giả Lê Quang đang ở Đức sẽ tham gia giao lưu qua trực tuyến.

    Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác!

    Hà Nội, 10/5/2022

    Văn hóa – Giải trí | Cập Nhật Thông Tin 24h Nhanh Nhất
    Nguồn: Sưu Tầm


    Speak Your Mind

    *