April 25, 2024

Vì sao vị Thái sư “trao chìa khóa” thành Đại La cho vua Lý Thái Tổ chưa được đặt tên đường ở Hà Nội?

  • Sáp nhập quê hương “Bà chúa thơ Nôm”: Địa phương lý giải tên mới Quỳnh An
  • Tuyển futsal Việt Nam sẵn sàng tranh vé vớt World Cup
  • Bí mật vẻ đẹp “nghiêng nước nghiêng thành“ của “nàng Tây Thi“ xứ Tân Cương ở tuổi U45

  • Thái sư Lưu Cơ có 40 năm cai quản và tu sửa thành Đại La

    Theo đề dẫn tại hội thảo, Thái sư Lưu Cơ sinh năm 940 tại Tri Hối, châu Đại Hoàng – nay là xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Năm 20 tuổi, ông đã cùng Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Trịnh Tú sát cánh cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Ông trực tiếp cầm quân đánh dẹp sứ quân Lý Khuê (tứ Lý Lãng Công) ở Siêu Loại – Bắc Ninh.

    Vì sao vị Thái sư “trao chìa khóa” thành Đại La cho vua Lý Thái Tổ chưa được đặt tên đường ở Hà Nội? - Ảnh 1.

    Tượng thờ Thái Sư Lưu Cơ ở đình Đại Đồng – Hưng Yên. Ảnh: BTC.

    Năm 971, sau khi lên ngôi hoàng đế, Đinh Tiên Hoàng đã phong cho Lưu Cơ làm Thái sư Đô hộ phủ. Ông cũng được giao cai quản thành Đại La và quản lý cả vùng Giao Châu cũ (tức Bắc Bộ ngày nay). Thái sư Lưu Cơ có công lớn trong việc cải tạo, xây dựng thành Đại La – tòa thành của An Nam Đô Hộ phủ từ thời nhà Đường thành tòa thành của nước Đại Cồ Việt độc lập. Từ tòa thành hướng vọng về phía Bắc, Lưu Cơ đã cho sửa sang tòa thành hướng về phía Nam – nơi định đô của Đinh Tiên Hoàng tại Hoa Lư.

    Thái sư Lưu Cơ là vị tướng đã cai quản, tôn tạo thành Đại La liên tục trong vòng 40 năm (971-1010). Ông cũng chuẩn bị về mọi mặt cho cuộc dời đô của Lý Công Uẩn từ Hoa Lư về Thăng Long năm 1010 thành công tốt đẹp. Chính ông là người đã “trao chìa khóa” thành Đại La cho triều đại mới và cao quan về ở ẩn khi đã 70 tuổi.

    Trong tham luận “Thái sư Đô hộ phủ Lưu Cơ và thành Đại La”, TS Nguyễn Việt – Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á nhấn mạnh: “Theo Việt sử lược, khi lên ngôi hoàng đế, Đinh Bộ Lĩnh lập triều đình, Lưu Cơ đứng đầu bá quan văn võ. Với cương vị trông coi Giao Châu, Lưu Cơ có thể coi như một Phó Vương của Đinh Bộ Lĩnh. Trong cuộc tiếm quyền của Lê Hoàn, các trung thần triều Đinh chống lại bị giết, không có tên Lưu Cơ. Có lẽ ông vẫn làm Thái sư Đô hộ phủ trông coi Đại La và giúp Lê Hoàn huy động nhân tài vật lực tổ chức chống Tống…”.

    Vì sao vị Thái sư “trao chìa khóa” thành Đại La cho vua Lý Thái Tổ chưa được đặt tên đường ở Hà Nội? - Ảnh 2.

    Hội thảo “Vai trò lịch sử của Thái sư Lưu Cơ”. Ảnh: Hà Tùng Long.

    Theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Việt thì sách Toàn thư mô tả, khi Lý Công Uẩn về Thăng Long, gần như tòa thành đã được chuẩn bị sẵn sàng cho một triều đình mới. Tòa thành vốn ngảnh Bắc nay đã là tòa thành Đại Việt ngảnh Nam. Và toàn bộ việc này diễn ra dưới thời cai quản của Lưu Cơ. Điều đó giải thích tại sao khảo cổ học lại phát hiện nhiều vật liệu kiến trúc thời Hoa Lư trong quá trình khai quật Hoàng thành Thăng Long. Tiếc rằng, công lao của Thái sư Lưu Cơ rất lớn nhưng không được nhắc đến nhiều trong chính sử.

    Cần phải sớm có tên đường Thái sư Lưu Cơ ở Hà Nội?

    Trong bài tham luận “Danh nhân Lưu Cơ với Lưu tộc Việt Nam”, TS Lưu Tất Thắng và Lưu Ngọc Anh, cho rằng, Thái sư Lưu Cơ được ghi trong “Phả ký tông từ họ Lưu” – một bộ gia phả quý và cổ nhất Việt Nam, được viết lần đầu vào năm 1138. Thái sư Lưu Cơ hiện được thờ phụng ở nhiều di tích của Ninh Bình, Hưng Yên, Hà Nội, Thanh Hóa. Ở Ninh Bình, ông được thờ ở Đền vua Đinh, vua Lê và đền Trình. Ở Hưng Yên, ông được tôn xưng là Thành hoàng, thờ ở đình Đại Từ (xã Đại Đồng, Văn Lâm). Ở Hà Nội, ông được thờ ở đình Bát Tràng (Gia Lâm) và đền Hoàng Trung (Thanh Oai).

    Vì sao vị Thái sư “trao chìa khóa” thành Đại La cho vua Lý Thái Tổ chưa được đặt tên đường ở Hà Nội? - Ảnh 3.

    Hội thảo về Thái sư Lưu Cơ đã thu hút 18 bản tham luận của các nhà khoa học và con cháu dòng tộc họ Lưu. Ảnh: Hà Tùng Long.

    Thái sư Lưu Cơ được xem là người đã đưa những người thợ gốm ở Bồ Bát, ngay sát di chỉ Mán Bạc (nay là thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) ra phường Bạch Thổ (nay là làng Bát Tràng) sản xuất đồ gốm làm vật liệu xây dựng và đồ gốm mỹ nghệ. Chính vì thế, nhân dân ở vùng này tôn ông làm Thành hoàng với mỹ tự “Lưu Thiên tử Đại vương”.

    Mặc dù có công trạng rất lớn đối với đất nước qua 3 triều đại: Đinh, Tiền Lê và Lý nhưng Thái sư Lưu Cơ hiện vẫn chưa có tên đường tại Thành phố Hà Nội. TS. Nguyễn Thị Dơn – Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội cho rằng, tại thành phố Ninh Bình đã có tên đường Lưu Cơ. Tuyến đường này dài 1.024m thuộc phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình. Tuy nhiên, Hà Nội chưa có tên đường Lưu Cơ.

    “Đặt tên danh nhân cho đường phố Hà Nội cũng là một hình thức tưởng niệm công đức của những nhân vật lịch sử đã có công lao to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển vùng đất này. Chúng tôi mong muốn và hy vọng, thành phố Hà Nội sớm nghiên cứu, xem xét và xây dựng hồ sơ cho một đường phố xứng tầm ở Thủ đô mang tên Thái sư Lưu Cơ – một trong 4 vị khai quốc công thần của triều Đinh. 

    Kết quả của hội thảo khoa học này chính là những tư liệu khoa học lịch sử minh chứng cho công tích cống hiến của danh nhân cùng tâm nguyện chính đáng của dòng tộc để trình với các cấp chính quyền và cơ quan chức năng giải quyết”, TS Nguyễn Thị Dơn nhấn mạnh.

    Trao đổi với Dân Việt bên lề hội thảo về việc đặt tên đường phố Lưu Cơ, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Với những công trạng của Thái sư Lưu Cơ đã được làm sáng tỏ trong hội thảo, cụ xứng đáng được tôn vinh trong lòng người dân và trong các cơ chế xã hội. Việc đặt đường phố mang tên Lưu Cơ ở Hà Nội cũng là một hình thức để tôn vinh, ghi nhận công lao, đóng góp của cụ. 

    Chúng ta đã bỏ quên, lãng quên Thái sư Lưu Cơ quá lâu và trách nhiệm của chúng ta bây giờ là phải nhớ lại, không được phép lãng quên nữa. Tôi nghĩ rằng, sau hội thảo này sẽ có một kiến nghị gửi đến các cơ quan có trách nhiệm về chuyên môn và quản lý nhà nước để đặt tên đường phố và các thiết chế xã hội khác ở Thủ đô nhằm vinh danh Thái sư Lưu Cơ một cách xứng đáng”.

    Văn hóa – Giải trí | Cập Nhật Thông Tin 24h Nhanh Nhất
    Nguồn: Sưu Tầm


    Speak Your Mind

    *