May 14, 2024

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Một nữ kiểm sát viên bị bắt; thuê người giả làm… cha ruột để lừa đảo

  • Khởi tố vụ cố tình xây dựng khi chưa được phép khiến 1 người tử vong, 4 người bị thương ở Thái Bình
  • Bắt tạm giam đối tượng “kêu gọi từ thiện” rồi chiếm đoạt hơn 400 triệu đồng
  • Nữ sinh lai Tây ở Cần Thơ body đầy đặn, nét đẹp sắc sảo, từ chối thi hoa hậu vì điều này

  • Một nữ kiểm sát viên bị khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng

    Ngày 20/11, theo nguồn tin của Dân Việt, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố bị can, khám xét nơi ở và nơi làm việc một kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) để điều tra làm rõ hành vi cho vay lãi nặng.

    Một Kiểm sát viên ở Đắk Lắk bị bắt - Ảnh 1.

    Một kiểm sát viên của Viện KSND TP.Buôn Ma Thuột bị khởi tố, bắt tạm giam. Ảnh: Ngọc Giàu

    Người bị khởi tố, bắt tạm giam là bà Đinh Thị Hiếu – kiểm sát viên của Viện KSND TP.Buôn Ma Thuột.

    Nguồn tin cho biết, bà Hiếu bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk thực hiện lệnh bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra về hành vi cho vay lãi nặng.

    Vụ việc đang được cơ quan chức năng củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật.

    Thuê người giả làm cha ruột để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

    Ngày 20/11, Cơ quan CSĐT Công an TP.Châu Đốc (tỉnh An Giang) vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh tạm giam đối với Võ Thành Đô (SN 1999; trú thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân, An Giang) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Một nữ kiểm sát viên bị bắt; thuê người giả làm... cha ruột để lừa đảo - Ảnh 2.

    Võ Thành Đô bị bắt tạm giam. Nguồn: CAND

    Theo kết quả điều tra ban đầu, do cần tiền sử dụng cho mục đích cá nhân và mua ma tuý, Đô nảy sinh ý định đến các cửa hàng bán xe máy đã qua sử dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

    Để thực hiện, Đô đến gặp ông Nguyễn Văn Nhơn (làm người chạy xe ôm) nói dối cần mua xe máy đã qua sử dụng và nhờ ông Nhơn giả làm cha ruột để được giảm giá và hứa sẽ trả công cho ông Nhơn.

    Tin lời Đô, ông Nhơn chở Đô đến TP.Châu Đốc tìm cửa hàng bán xe máy đã qua sử dụng để Đô chọn. Khi đến khu vực tổ 10, khóm 7, phường Châu Phú A, TP.Châu Đốc, Đô thấy trước cửa nhà ông Nguyễn Văn Hiển có trưng bán 2 chiếc xe máy nên kêu ông Nhơn cùng Đô ghé coi xe.

    Đô giới thiệu với ông Hiển, ông Nhơn là cha ruột và hỏi giá chiếc xe máy. Sau khi thoả thuận giá xong, Đô kêu ông Hiển cho chạy thử xe. Nghĩ cha ruột Đô còn ở cửa hàng, nên ông Hiển tin tưởng giao xe cho Đô.

    Lấy được xe, Đô điều khiển đến tiệm cầm đồ tại huyện Phú Tân cầm được 10 triệu đồng. Sau khi mua ma tuý sử dụng và tiêu xài hết số tiền cầm xe, ngày 4/11, Đô quay lại tiệm cầm đồ với ý định bán luôn chiếc xe của ông Hiển thì bị bắt giữ.

    Đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét lại bản án đã tuyên liên quan Phan Văn Anh Vũ

    Như Dân Việt đã thông tin: Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 20/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

    Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) góp ý về 2 vụ án của người dân liên quan đất đai xảy ra tại TP.Đà Nẵng trong các năm 2011, 2012. 

    Đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét lại bản án đã tuyên liên quan Vũ "nhôm" - Ảnh 1.

    Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng). Ảnh: Quốc hội

    Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, qua nghiên cứu đơn và các bản án, bà nhận thấy có sự khó hiểu và khó lý giải về các bản án đã tuyên.

    Vụ thứ nhất là vụ Phan Văn Anh Vũ và các bị cáo phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, được Tòa án nhân dân TP.Hà Nội xử sơ thẩm Bán án số 48 ngày 30/1/2019 và TAND Cấp cao xử phúc thẩm ngày 13/6/2019 xác định thiệt hại của vụ án là 7 tài sản của Nhà nước mua, thuê trái phép, trị giá thiệt hại của tài sản được xác định tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là năm 2010 và 2011.

    Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã kháng nghị bản án nói trên và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao sửa bản án theo cách xác định trị giá thiệt hại tại thời điểm khởi tố.

    Vụ thứ hai là vụ Trần Văn Minh và các bị cáo phạm tội Vi phạm quy định về sử dụng, quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Vi phạm các quy định về quản lý đất đai. 

    Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nhận thấy, trong vụ án này, cả Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP.Hà Nội số 20 ngày 13/1/2020 và Bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội số 158 ngày 12/5/2020 lại xác định trị giá tài sản thiệt hại tại thời điểm khởi tố vụ án, tức là thời điểm năm 2018.

    Dẫn hai vụ án nêu trên, bà Thuý nhận định cả hai vụ đều được TAND TP.Hà Nội và TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử, đều liên quan tới ba tài sản Nhà nước tại TP.Đà Nẵng (nhà đất số 319 đường Lê Duẩn, dự án Vệt ven biển đường Trường Sa, đất công viên An Đồn cũ) nhưng lại không thống nhất trong cách xác định trị giá thiệt hại của tài sản. 

    “Một vụ thì trị giá thiệt hại được xác định tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, một vụ thì xác định tại thời điểm khởi tố vụ án, trong khi Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành quyết định giám đốc thẩm số 14 (trước thời điểm xét xử vụ án Trần Văn Minh và đồng phạm) là đã xác định thiệt hại phải được tính từ thời điểm thực hiện hành vi phạm tội”, bà Thuý nói.

    Theo đại biểu TP.Đà Nẵng, tại phiên họp thứ 21 ngày 20/3/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trả lời chất vấn của bà, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình đã tái khẳng định: “Theo quy định của luật hiện hành cũng như nguyên tắc khoa học pháp lý, hậu quả của các vụ án được xác định tại thời điểm phạm tội; tất cả tình tiết khách quan, động cơ, mục đích, hành vi và ngay cả thủ đoạn cũng phải tính cùng thời điểm. Nếu mà tính hậu quả hành vi vi phạm ở thời điểm khác thì không bảo đảm tính khoa học”.

    “Tôi đã tranh luận lại về tình trạng áp dụng pháp luật thiếu thống nhất và minh chứng bằng những bản án cụ thể. Chánh án trả lời là chưa có bản án trong tay nên chưa thể trả lời ngay nhưng sẽ kiểm tra cụ thể để trả lời. Nhưng sau phiên họp của UBTVQH, trong thư trả lời chất vấn của tôi ngày 29/3/2023, Chánh án cho rằng, những vụ án này đã xét xử đúng pháp luật, được dư luận, nhân dân đồng tình, đánh giá cao”, bà Thuý thông tin và cho rằng ý kiến của Chánh án không thuyết phục.

    Theo bà Thuý, cùng tài sản, cùng tòa án nhưng mỗi vụ án lại tuỳ nghi xác định thiệt hại tại một thời điểm khác nhau là trái với khoa học pháp lý và luật hiện hành “như Chánh án đã từng trả lời”.

    Do đó, bà Thuý đề nghị Chánh án TAND Tối cao trả lời cho đại biểu Quốc hội và cử tri được biết vì sao toà án lại áp dụng không thống nhất việc xác định trị giá tài sản thiệt hại đối với ba tài sản Nhà nước ở hai vụ án nói trên.

    Nữ đại biểu TP.Đà Nẵng cũng thẳng thắn đặt câu hỏi tới Chánh án: Quyết định giám đốc thẩm số 14 khẳng định một bản án phúc thẩm đã xử đúng thì bản án phúc thẩm còn lại có xử sai quy định pháp luật về xác định trị giá tài sản thiệt hại hay không?

    Bà Thuý dẫn ví dụ tính giá trị tài sản tại đất công viên An Đồn cũ. Bản án phúc thẩm số 346 xác định giá trị thiệt hại tại thời điểm vi phạm năm 2010 chỉ có hơn 32 tỷ đồng, nhưng bản án phúc thẩm số 158 lại tính giá trị thiệt hại tại thời điểm khởi tố vụ án (năm 2018) thì giá trị là hơn 167 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần.

    Trương Huệ Vân làm theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan, lập công ty “ma”, chiếm đoạt hơn 1.088 tỷ đồng

    Như Dân Việt đã thông tin: Kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP) và các đơn vị liên quan, bị can Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn VTP) bị đề nghị truy tố tội “Tham ô tài sản”.

    Kết luận nêu, Trương Huệ Vân là cháu ruột của Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát). 

    Vân được bà Lan tin tưởng giao đứng tên cổ phần, vốn góp, tham gia quản lý, điều hành nhiều công ty khác nhau có hoạt động kinh doanh thuộc Tập đoàn VTP như: Tổng Giám đốc, đại diện theo pháp luật Công ty CP Đầu tư Tập đoàn VTP, Công ty CP Tập đoàn Quản lý bất động sản Windsor, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Eurasia Concept và điều hành hoạt động Công ty CP Lavifood, Công ty Tanifood, Công ty CP Sài Gòn Galleria.

    Trương Huệ Vân làm theo chỉ đạo của bà, lập công ty "ma", chiếm đoạt hơn 1.088 tỷ đồng trong vụ Vạn Thịnh Phát - Ảnh 1.

    Bị can Trương Mỹ Lan (trái) và Trương Huệ Vân. Ảnh: Bộ Công an

    Năm 2021, Trương Mỹ Lan mua lại Công ty CP Lavifood từ ông Lê Thành để đưa vào vận hành, hoạt động trong lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp và giao cho Trương Huệ Vân quản lý, điều hành thông qua Nguyễn Phi Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Lavifood, cùng với Võ Hồng Khanh, Hồ Xuân Dũng.

    Quá trình hoạt động, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Vân sử dụng pháp nhân Công ty CP Lavifood vay vốn tại ngân hàng SCB để phục vụ mục đích kinh doanh và trả nợ vay tại các ngân hàng khác. Ngoài ra, Lan còn thống nhất, chỉ đạo Vân cho thành lập các công ty “ma” để lấy phương án kinh doanh mua bán nông sản với Công ty CP Lavifood nhằm lập hồ sơ vay vốn khống, tạo lập khoản vay, rút tiền từ SCB để sử dụng cho các mục đích của Lan và Vân.

    Quá trình điều hành Công ty CP Sài Gòn Galleria, Công ty CP Eurasia Concept, Vân còn chỉ đạo nhân viên cấp dưới là Trần Minh Xuyên và Hạ Đình Hân (nhân viên kế toán của 2 công ty) phối hợp với SCB lập hồ sơ vay vốn tại ngân hàng SCB để lấy tiền chi cho hoạt động của các công ty này. Khi cần trả nợ, Vân không sử dụng nguồn tiền từ hoạt động kinh doanh, mà lấy tiền từ các khoản vay của các công ty, cá nhân khác được tạo lập khống tại ngân hàng SCB để trả nợ chính SCB.

    Từ năm 2020, Trương Huệ Vân đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới thành lập, sử dụng 52 công ty “ma” và 4 công ty có hoạt động thật (50 khoản vay), tạo lập 155 khoản vay khống để rút tiền khỏi Ngân hàng SCB.

    Tính đến ngày 17/10/2022, 155 khoản vay này còn dư nợ hơn 2.800 tỷ đồng.

    Cơ quan điều tra khẳng định đủ căn cứ xác định Trương Huệ Vân đã thực hiện hành vi giúp sức, đồng phạm với Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi phạm tội “Tham ô tài sản”, liên đới chiếm đoạt số tiền hơn 1.088 tỷ đồng, gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh hơn 25 tỷ đồng.

    Quá trình điều tra, bị can Trương Huệ Vân thành khẩn khai báo, đã tự nguyện phối hợp với gia đình nộp tiền khắc phục hậu quả của vụ án.

    Tạm giữ hình sự nghi phạm dâm ô nhiều nữ sinh, phụ nữ

    Như Dân Việt đã đưa tin: Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh) đã tạm giữ hình sự Hồ Thanh Tài (SN 1991, ngụ huyện Tân Biên) để điều tra, làm rõ về hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

    Tạm giữ hình sự nghi phạm dâm ô nhiều nữ sinh, phụ nữ - Ảnh 1.

    Đối tượng Hồ Thanh Tài. Nguồn: BVPL

    Trước đó, vào ngày 11/11, Công an huyện Tân Biên tiếp nhận tin báo của một trường THPT trên địa bàn về việc, nhiều nữ sinh của trường bị nam thanh niên chạy xe mô tô bám theo và có hành vi sàm sỡ.

    Nhận tin báo, công an vào cuộc điều tra, xác minh vụ việc. Từ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, công an bắt giữ Tài về hành vi trên.

    Qua điều tra đến nay, Tài khai nhận: Để thỏa mãn dục vọng thấp hèn của bản thân, Tài điều khiển xe mô tô rảo quanh các tuyến đường xung quanh trường học và chợ. Quan sát thấy phụ nữ hoặc nữ sinh đi trên đường một mình, Tài liền bám theo phía sau. Đến đoạn đường vắng, đối tượng ra tay sàm sỡ các nạn nhân rồi rồ ga bỏ chạy. Tài đã sàm sỡ đối với 10 nữ sinh, phụ nữ.

    Nguồn: Sưu tầm


    Speak Your Mind

    *