May 9, 2024

Chuyện lạ làng Quan họ cổ Hoài Trung: Sáng làm nông dân, tối làm nghệ nhân! (bài 2)

  • 5 cầu thủ Hà Tĩnh dính ma túy, các HLV tiết lộ hiếm thấy xét doping, chất gây nghiện
  • Bắt 2 đối tượng đi xe tải từ Đắk Nông đến Bình Thuận trộm hàng chục con bò
  • VĐV thể dục dụng cụ Nguyễn Minh Triết qua đời

  • Sáng làm nông dân tối làm nghệ nhân

    Cũng như bao làng Quan họ khác, câu Quan họ Hoài Trung cũng có quãng thời gian không thể cất vang bởi chiến tranh; phải nhường chỗ cho các hoạt động sản xuất và chiến đấu. Nhưng mạch nguồn Quan họ nơi đây chưa bao giờ ngừng chảy, ngấm vào máu thịt của các liền anh, liền chị mà bao năm tháng vẫn không thể phai nhạt.

    Chính từ những miền ký ức còn sót lại, những câu Quan họ cổ được các nghệ nhân cao tuổi bao đời truyền trao; và chính từ cái niềm yêu, say mê câu quan họ của các lớp thế hệ sau này nên làng Quan họ Hoài Trung hiện tại vẫn tiếp nối được dòng chảy của một làng Quan họ gốc nức tiếng thuở nào. Với nhiều thế hệ và đông đảo các liền anh, liền chị, Quan họ Hoài Trung luôn thu hút bạn Quan họ nhiều nơi tìm đến giao lưu, ca hát, học thêm những câu hay của làng.

    Chuyện lạ làng Quan họ cổ Hoài Trung: Sáng làm nông dân, tối làm nghệ nhân! (bài 2)- Ảnh 1.

    Một buổi tái hiện canh hát truyền thống của CLB Quan họ Hoài Trung. Ảnh: D.Đ.T.

    Các nghệ nhân miêu tả niềm say mê ấy bằng câu nói “bỏ công bỏ việc” để đi chơi Quan họ hay “làm gì cũng hát Quan họ”. Như cố nghệ nhân Dương Thị Tiếp hằng ngày phải lo toan, bươn chải với cuộc sống, lúc thì đi bán khoai hoặc hái dâu nuôi tằm. Nhưng hễ bạn mời đi hát, dù xa đến đâu cụ cũng bỏ đấy mà đi. Có lần đang hái dâu, cụ nhận được tin các anh ở Diềm mời lên Xà Ngọt hát, cụ định bỏ về ngay để chuẩn bị cho kịp. Nếu các chị em cùng bọn không xúm vào hái giúp, thì tằm hôm ấy đã bị bỏ đói.

    Những ngày tháng Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh về làng Hoài Trung để học từ các nghệ nhân, phải tham gia sinh hoạt, giúp đỡ bà con trong việc sản xuất, phát triển kinh tế như làm ruộng; rồi tối đến mới trải chiếu ngoài đình mà học hát Quan họ. Các nghệ sĩ nổi tiếng như Thúy Cải, Thúy Hường… cũng đều từng về đây và được các cụ nghệ nhân như: Dương Văn Quyến, Dương Thị Tiếp trực tiếp chỉ dạy.

    Bài hát Quan họ nổi tiếng “Ruộng năm sào” được NSND Thúy Cải hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1976 cũng chính là học từ làng Hoài Trung: “Ruộng năm sào ai cấy người gặt/ Em qua bờ em ngắt một bông/ Gié lúa vàng nấu cơm càng dẻo/Bông Sói vàng càng héo càng thơm…”.

    Nghệ nhân Dương Thị Tiếm vẫn còn nhớ những buổi tối, mấy chị em trong làng trải tấm chiếu ngồi nói chuyện với nhau. Vài ba câu chuyện rồi cũng hết, sau đấy những câu Quan họ được các liền chị cất lên “mãi chẳng chán”. Già bảo thế là còn ít, các cụ ngày xưa hát canh còn tới hết đêm, thậm chí cả mấy ngày.

    Nghệ nhân Dương Thị Tương, chị gái nghệ nhân Dương Thị Tiếm, năm nay cũng đã bước sang tuổi 90. Cụ phấn khích chia sẻ cái niềm say mê với Quan họ và quãng thời gian câu dân ca Quan họ trong quá trình khôi phục: “Thời xưa ham mê lắm anh ạ. Đi cấy đi cày trời rét buốt, nhưng cứ hát véo von, quên cả rét đấy! Tôi giờ thành người cổ rồi, chẳng nhớ được nhiều đâu. Nhưng vẫn nhớ cái năm bảy ba, bảy tư (1972-1973) thì phải, chị Thúy Cải về đây thì tôi cũng ra học cùng. Bấy giờ tôi cũng biết nhiều câu rồi, nhưng cứ ra học thêm”.

    Chuyện lạ làng Quan họ cổ Hoài Trung: Sáng làm nông dân, tối làm nghệ nhân! (bài 2)- Ảnh 2.

    Tình yêu say mê Quan họ ở Hoài Trung được tiếp nối từ đời này sang đời khác. Ảnh: D.Đ.T.

    Cụ bảo cái thời nghèo khó, chẳng có gì ngoài câu dân ca nên lúc nào cũng hát, có những lúc hát chỉ để cho qua ngày. Nhưng chính từ những cái đó mà câu Quan họ mới ngấm, chẳng thể nào quên.

    CLB Quan họ Hoài Trung hiện tại cũng có đủ thành viên từ em nhỏ, thanh niên, trung niên tới người già. Mỗi người mỗi công việc, nhưng hễ cứ có việc Quan họ là lại thành nghệ nhân, chăm chỉ tập luyện, xúng xính trang phục.

    Ông Nguyễn Thành Mạnh, nguyên Chủ tịch UBND xã Liên Bão bây giờ đã nghỉ hưu và là một liền anh của CLB Quan họ Hoài Trung. Ông khoe với chúng tôi vài cuốn tài liệu để học hát Quan họ, trong đó có cả những cuốn do tự ông chép tay. Ông tự hào kể về Quan họ Bắc Ninh, tự hào kể về quê hương làng Hoài Trung của ông là làng Quan họ gốc lâu đời.

    Ông cũng tự hào vì chính ông hiện tại được học Quan họ, hát Quan họ: “Từ lúc tôi sinh ra cũng đã được ông bà và mẹ truyền dạy cho những câu Quan họ. Thời trẻ đã phục vụ cho đất nước, tới giờ nghỉ hưu tôi lại được mang những câu ca Quan họ phục vụ cho bà con. Về hưu cũng là một điều rất thuận lợi cho tôi để nghiên cứu, tìm hiểu. Có những bài ca từng thất lạc nhưng khi tìm lại được và hát lên thì thấy quá hay. Tôi cảm nhận được những lời ca ấy đi vào lòng người, rất tình cảm, tình tứ. Câu Quan họ đi sâu vào trong tâm thức tạo cho tôi cái nếp từ lời ăn tiếng nói rất tốt đẹp để truyền lại cho con cháu sau này”.

    Đậm nghĩa tình nhân văn Quan họ

    Chuyện Quan họ kể cả tháng cả năm chưa hết, nhưng nghe mà mãi cũng chẳng chán. Các liền anh, liền chị Hoài Trung cứ thế say sưa kể với tôi về những cái “trọng nhau vì nết, mến nhau vì tình và say nhau bằng câu ca” của người Quan họ.

    Anh Thắng ngân nga câu hát: “Trong tứ trấn người đà chưa tỏ/ Ngoại năm thành chỉ có Bắc Ninh/ Yêu nhau trở lại xuân đình/ Nghề chơi Quan họ có tinh mới tường”.

    “Phải tinh mới tường, phải am hiểu sâu sắc về Quan họ mới thấm cảm đầy đủ vẻ đẹp tinh túy, cái sang trọng, lịch lãm của một lối chơi văn hóa hết sức công phu”, anh Thắng nhấn mạnh.

    Xưa kia, thời phong kiến, trai gái trong làng không được phép kết thân. Nhưng những ngày hội làng ở xứ Kinh Bắc, nam nữ lại được phép quây quần, hội tụ với nhiều các hoạt động. Đặc biệt trong Quan họ thì nhất thiết phải là nam Quan họ làng này kết bạn với nữ Quan họ làng kia mới được phép ca đối đáp với nhau. Các anh hai, chị hai không những được phép kết bạn thân tình với nhau mà người phụ nữ trong Quan họ cũng được hết sức tôn trọng.

    Chuyện lạ làng Quan họ cổ Hoài Trung: Sáng làm nông dân, tối làm nghệ nhân! (bài 2)- Ảnh 3.

    Người Quan họ trọng nhau vì nết, mến nhau vì tình và say nhau bằng câu ca. Ảnh: D.Đ.T.

    Đình làng của xã hội phong kiến là nơi quyền lực nam giới lên ngôi, đàn bà con gái thậm chí không được phép bước vào mà chỉ được từ xa vái vọng. Nhưng ở nghi thức ca thờ Quan họ, các liền chị được “rước” vào trang trọng để làm lễ và ca hầu thánh. Rồi các liền anh Quan họ không bao giờ gọi các liền chị Quan họ là em, là cô… mà gọi bằng chị hai, chị ba, chị tư… gọi bằng “người ngoan”, “người ơi” hay “Quan họ ơi”… và xưng “anh em chúng em”, có “thưa – gửi”, “dạ – vâng” khiêm cung với các liền chị.

    Đó là cái nhân văn nói chung của Quan họ, còn với làng Hoài Trung, những câu chuyện mang đậm cái nghĩa tình, nhân văn quan họ cũng không ít. Tôi được nghe kể câu chuyện về chính thân mẫu của hai nghệ nhân Dương Thị Tiếm và Dương Thị Tương là cụ Nguyễn Thị Tương (hay gọi là cụ Tư) – nghệ nhân quan họ danh tiếng một thời.

    Liền anh bạn Quan họ của cụ Tư là cụ Lý Hoạch người làng Diềm. Vì muốn để hôm sau bạn Quan họ của mình có thể yên tâm đi chơi Quan họ trên Diềm, cụ Hoạch đã đánh trâu, vác cày đi cả đoạn đường dài từ Diềm xuống Hoài Trung để cày xong thửa ruộng cho cụ Tư chỉ trong một đêm. Rồi lại vác cày, đánh trâu về Diềm cũng là khi trời rạng sáng. Sớm hôm sau, cụ Tư ra ruộng để cuốc đất làm vụ, thì thấy ruộng của nhà đã cày gọn ghẽ tinh tươm thế là chả có lý do gì mà không cùng chị em lên Diềm chơi Quan họ.

    Chuyện lạ làng Quan họ cổ Hoài Trung: Sáng làm nông dân, tối làm nghệ nhân! (bài 2)- Ảnh 4.

    Chân dung nghệ nhân Dương Văn Quyến – người có công truyền dạy cho Đoàn Quan họ Bắc Ninh năm 1972-1973. Ảnh: D.Đ.T.

    Hay tôi lại được nghe một số chuyện câu Quan họ thời kháng chiến như của chính cụ Dương Văn Quyến là ông nội anh Dương Đức Thắng. Những năm 1946-1954, cũng như bao liền anh khác, cụ Quyến cũng tham gia bộ đội địa phương và bị bắt giam ở Hòa Bình phải đi khai thác đá. Nhưng cụ vẫn luôn tin tưởng vào tương lai tương sáng, vẫn cất cao câu Quan họ để động viên anh em đồng chí cùng cảnh ngộ.

    Viên cai ngục ở đó cũng được nghe và thấy mê. Sau đấy, hắn không bắt cụ đập đá nữa mà bắt cụ thường xuyên hát cho hắn nghe. Cụ kể cho viên cai ngục về cái nghĩa, cái tình của Quan họ. Cũng vì thế mà dù phải đi tù 10 năm nhưng mới chỉ 7 năm cụ đã được thả về. 


    Speak Your Mind

    *