May 3, 2024

Kể chuyện làng: Xuân xưa xem hát bội cúng đình

  • Giải mã cơn sốt “Lật mặt 7: Một điều ước” và nguyên tắc làm phim trăm tỷ của Lý Hải
  • Chung kết U23 Nhật Bản – U23 Uzbekistan: Rất khó lường!
  • Kỳ Duyên gợi ý bài tập không đổ mồ hôi nhưng có vai thon, bắp tay săn gọn

  • Ông ngoại tôi lúc bấy giờ được cử giữ chức “chánh bái” trong ban tế tự của đình. Ông từng kể cho con cháu biết rằng, đình làng nhiều nơi do người dân tự dựng để hương khói người có công lập làng hay nhờ công lao phát triển nghề nghiệp thuở ban đầu có khi sử sách không ghi rõ chi tiết. Nhưng đình làng Tân Hưng là đình thần có sắc phong của triều đình, thành hoàng bổn cảnh của làng là nhân vật lịch sử. 

    Lẽ ra sắc phong ấy được an vị trong đình nhưng để bảo vệ an toàn nên ban tế tự giao cho ông tôi giữ. Ông thỉnh sắc phong đó đặt trên bàn thờ giữa nhà, phải bắc thang mới lên được. Sắc phong thần đó có lần theo ông đi cúng đình tôi thấy đựng trong một ống gỗ tròn dài tầm 80cm, sắc phong ấy bằng lụa, viết chữ nho, có đóng dấu triện trên góc. 

    Kể chuyện làng: Xuân xưa xem hát bội cúng đình- Ảnh 1.

    Hát bội trong lễ cúng đình. Ảnh: Tác giả cung cấp

    Khi tôi hỏi nội dung tờ sắc đó viết gì, ông lắc đầu bảo đấy là văn bản của vua ban không thể tùy tiện đọc. Chỉ hôm cúng đình tức là vào ngày sắc phong về với đình mới được ban tế tự mở ra đọc một lần duy nhất mà thôi. 

    Điều tôi nhớ sâu sắc là những buổi được ngồi cạnh ông xem hát bội. Bà con miền Nam gọi là hát bội sau này lớn lên đi học tôi mới biết còn gọi là hát bộ tức ca ra bộ. Lễ cúng đình làng tôi trùng với những ngày đầu xuân nên rất đông người đến xem.

    Kể chuyện làng: Xuân xưa xem hát bội cúng đình- Ảnh 2.

    Sắc phong Thành hoàng bổn cảnh của vua nhà Nguyễn. Ảnh: Tác giả cung cấp

    Gian giữa của đình dành riêng cho việc tế lễ chỉ những ai có chức sắc trong làng mới được vào khu vực này. Nơi đây có ban thờ có đặt giàn binh khí cổ các loại rất oai nghiêm cùng cờ phướng hương hoa quanh năm. Chỉ những đình lớn, khi cúng mới rước các đoàn hát bội về diễn cho bà con xem. Không bán vé nhưng người xem chỉ được ngồi ở hai gian trái, phải trong gian thờ, gọi là võ ca, trông giống khán đài xem bóng đá ngày nay.

    Sân khấu để đoàn hát diễn là ngay gian chính. Các vị chức sắc được mới ngồi ngay chính diện. Nơi ấy có để một cái trống chầu to thường đặt trước người có địa vị lớn trong làng. Tình tiết nào hay, vị này sẽ đánh tiếng thùng trên mặt trống thay cho lời khen, sẽ có thưởng, có khi là những đồng tiền tung ngay lên sàn diễn. 

    Kể chuyện làng: Xuân xưa xem hát bội cúng đình- Ảnh 3.

    Tháo dỡ các cột trong đình làng. Ảnh: Tác giả cung cấp

    Tình tiết, cách diễn xuất, lời ca nào vị này không hài lòng cho rằng không đạt sẽ có một tiếng gõ vào tang trống, tức là chê. Lắm khi vì cảm nhận cá nhân nên tiếng khen chê chưa hợp với bà con nên có xầm xì to nhỏ nhưng nể vì chức sắc không ai dám nói. Về sau tôi hiểu được câu “Ở đời có bốn cái ngu, làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu” chính là chỉ việc cầm chầu trong thưởng thức, đánh giá đào kép diễn xuất trong hát bội.

    Thật ra với một đứa bé mười tuổi, tôi không hiểu gì về tuồng tích của đoàn hát lại càng không đủ kiên nhẫn ngồi nghe có một câu hát mà quá nhiều từ ư, a, ự, ứ… cùng các động tác ước lệ, co chân, chỉ tay… của diễn viên. Cái tôi mê nhất là trang phục của họ. Tôi mê mẩn nhìn những bộ áo có gắn cờ phướn sau lưng bay phấp phới theo nhịp di chuyển trên sân khấu. 

    Kể chuyện làng: Xuân xưa xem hát bội cúng đình- Ảnh 4.

    Đình làng ở góc trái đang chìm xuống sông. Ảnh: Tác giả cung cấp

    Tôi bị cuốn hút bởi những áo mão, cân đai, những đôi hài võ, hài văn và bởi hai cọng lông trĩ gắn trên mão diễn viên lấp lánh hạt kim sa. Tôi cũng băn khoăn không hiểu sao chỉ với một cây roi có gắn những dải lụa ngắn, trong tay những đào kép ấy lại trở thành một chú ngựa kiêu hùng. Rồi mỗi bước di chuyển mỗi động tác cùng lời ca ngắn gọn lại trở nên dễ hiểu trong lòng người xem. Ấy là lên ngựa, nọ là xuống xe, đây là vuốt tóc, kia là vẫy tay…

    Điều gây ấn tượng nhất trong tôi là sự hóa trang, tô vẽ trên khuôn mặt của diễn viên. Chưa biết tuồng tích thế nào nhưng nhìn thấy mặt tô đỏ là biết trung quan, nghĩa khí, mặt màu xám là phường xu nịnh gian ác, mặt trắng là thư sinh trong sáng. Rồi còn bộ râu năm chòm là người đạo đức, hiền lương, kẻ lưa thưa mấy sợi đích thị kẻ gian. Vai trung, đi đứng hiên ngang, vai nịnh thì đi đứng ngả nghiêng, luồn cúi… 

    Kể chuyện làng: Xuân xưa xem hát bội cúng đình- Ảnh 5.

    Ghe thuyền ứng cứu khi di dời đình. Ảnh: Tác giả cung cấp

    Cứ mỗi năm theo ông đi xem cúng đình, xem hát bội dần dần tôi cảm nhận được lời ca, điệu bộ của diễn viên trong đoàn. Có lần đoàn diễn xong, tôi không về mà lẻn vào hậu trường của đoàn, chính là một gian phòng nhỏ phía sau gian thờ. Tôi thấy tận mắt những mũ mão, cân đai, nhưng cờ phướn, binh khí mới vừa rồi hào hùng trên sân khấu nay được xếp thành hàng dựa vào vách. 

    Tôi tận mắt thấy những diễn viên xinh đẹp dưới ánh đèn sân khấu nay mệt mỏi ngồi tẩy trang trên những thùng gỗ đựng trang phục. Những người lao động bình thường hiện ra trước mắt tôi, không khác gì những người thân của tôi trong gia đình. Thay lớp áo diễn lộng lẫy, ngừng lời ca, điệu bộ trên sân khấu, họ trở lại với đời thường. Trông thật dễ mến, dễ gần ngay cả vai diễn hung ác, xấu xí tôi vừa nhìn trước đó.

    Kể chuyện làng: Xuân xưa xem hát bội cúng đình- Ảnh 6.

    Không còn dấu tích của một ngôi đình lớn ở miền Tây. Ảnh: Tác giả cung cấp

    Tôi cảm nhận vị mồ hôi mặn chát trên mặt, trên lưng của họ. Để có những tiếng trống chầu khen ngợi, để có những phần thưởng cho đêm hát là những vất vả, mệt nhọc của người diễn viên. Tôi cũng thấy bữa ăn vội vàng không có gì gọi là sang trọng của các thành viên đoàn hát. Song ai nấy lần lượt tìm chỗ ngả lưng để lấy sức cho đêm diễn sau trước khi rời đi. Có người còn cho tôi chạm tay vào trang phục diễn với lời nói đùa: “Thích bộ nào, cứ mặc thử!”.

    Rồi như thế, tôi biết đến những vở diễn Sơn Hậu Thần Nữ dâng Ngũ Linh kỳ, Tiêu Anh Phụng loạn trào, biết phân biệt đâu là tiếng nhạc từ đàn nhị, đàn tranh, đàn bầu, thấm dần tình yêu với văn hóa dân tộc. Vì thế khi trở thành thầy giáo, tôi luôn cố gắng thổi bùng ngọn lửa trân quý với nghệ thuật tuồng trong học sinh qua lời giảng, hình ảnh, clip, sách truyện…

    Cho đến cuối những năm 70, con sông Tiền với sức tàn phá dữ dội đã nhấn chìm làng Tân Hưng của tôi xuống dòng nước. Đình làng cũng chìm vào đáy sông. Những đêm xuân cúng đình có hát bội mãi không còn nữa. Mùa xuân không trở lại với phong tục cúng đình ở quê tôi, những vai diễn của đoàn hát bội năm nào, tôi không bao giờ còn gặp lại được. Mỗi năm mỗi Tết, hình ảnh của đoàn hát đình năm xưa lại sống lại trong tim, không gì thay thế được.

    Đình làng đã dời đi nơi khác, không còn quy mô như xưa. Ngày Tết không còn mời các đoàn hát bội về diễn như trước. Những người trẻ giờ đây thích thú với những trò chơi trong hội chợ, xem ca nhạc, diện đồ đẹp đi chơi phố mà thôi.

    Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục “Kể chuyện làng” từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

    Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

    Bài viết cộng tác với chuyên mục “Kể chuyện làng” xin gửi về email: [email protected]; điện thoại liên hệ: 0903226305.


    Filed Under: Giải trí Tagged With: , , , , , , , ,

    Speak Your Mind

    *