May 18, 2024

Những miền phù sa cổ

  • Phan Thị Mơ khiêm tốn khi được gọi là “diễn viên hài”
  • Vua đấu cúp sẽ 'phục hưng' Premier League
  • Beckham thổ lộ lý do công khai chuyện ngoại tình

  • Bây giờ không biết sao, chứ thời con người còn chịu khổ quen, ngủ trên nền nhà anh, chỉ cần thêm một cái quạt nan là đủ; không cần máy điều hòa, cũng chả cần quạt điện…

    Ngoài cái mát rượi, cơm rau muống luộc của nhà anh cũng rất nên nhớ. Nó xanh mơn mởn, mềm mà giòn; nước rau muống luộc không giống canh, không phải nước giải khát mà uống sau khi ăn người cứ nhẹ nhõm thanh khiết như tiên. Thời trước, dân Phù Sa cho ngọn rau muống mọc chui qua vỏ ốc, thân rau phình to như ruột ốc trắng ngần, ăn ngọt khác thường. Để đảm bảo cho rau tươi lâu, người ta đào cả nền đất mỏng, đặt trên những cái giành sặt chở vào tận kinh đô Huế tiến vua.

    Tôi yêu phù sa từ đấy, thường học hỏi các kỹ sư thổ nhưỡng và học được nhiều điều. Cho đến khi tin chắc rằng, nếu vẽ một bản đồ các cây trồng nổi tiếng ta sẽ buộc phải vẽ các dòng sông đi qua các địa danh ấy. Như vùng chè Tân Cương phải có dòng sông Công, nghe đâu nó đã quẫy mình nắn dòng chính sang bên kia dành đất cho cây chè. Vùng bưởi Chí Đám đi ngay cạnh sông Đáy. Nhãn Hưng Yên mọc trên đáy sông Hồng xưa. Vải thiều nức tiếng Thanh Hà mọc trên đất phù sa do sông Thái Bình và sông Văn Úc vun bồi. Lúa tám thơm Hải Hậu được phù sa sông Ninh Cơ nuôi dưỡng mà thơm lâu dẻo bền.

    * * *

    Vì sao đất phù sa khiến hoa màu sống tốt, hương vị đậm đà đặc biệt?

    Tra Google, chúng ta có ngay thành phần của nó. Các nhà khoa học từng nuôi hy vọng bổ sung dưỡng chất, vi lượng qua phân hóa học. Nhưng đó lại là quy đình đi ngược lại cách mà đất phù sa hình thành, nó vốn là đất mùn tạo bởi thảm thực vật, xác động vật hoai mục từ các triền rừng núi cao bị mưa xói rửa trôi, đó là phù sa. Lũ đưa phù sa về hạ lưu các sông, vừa đi vừa lắng; phần nhẹ hơn thì về xuôi mà làm nên bờ xôi ruộng mật là mênh mông châu thổ. Thành phần cơ giới của đất do đó mà từ nhẹ đến trung bình, mịn nhưng tơi xốp, vừa dễ thấm nước lại vừa không bị rửa trôi cả bề mặt lẫn bề sâu. Dễ thấm nước thì dưỡng chất pha trong nước ngấm sâu xuống đất, bao gồm cả đạm (N) trong những cơn mưa; không bị rửa trôi thì đất màu mỡ lâu bền. Đất màu mỡ lâu bền thì cây phát triển liên tục, như con cái nhà đủ ăn thì sức khỏe tốt, tránh được còi xương suy dinh dưỡng và những bệnh cảm mạo vặt; thời gian tích tụ dưỡng chất chuyển hóa thành hàm lượng sinh tố đều thì thân cây to, tươi tốt cho hạt mẩy vị thơm ngon, quả mập mạp ngọt ngào.

    Những miền phù sa cổ- Ảnh 1.

    Cánh đồng Tà Pạ(huyện Tri Tôn, An Giang). Kỳ Nhân

    Vì đi ngược quy trình thành lập đất phù sa nên các tiến bộ kỹ thuật canh tác chỉ cho năng suất sản lượng cao chứ ngon ngọt vẫn phải nhường đất phù sa mấy phần. Dân trồng vải thiều Lục Ngạn, dân trồng chè Phú Thọ thừa khôn ngoan để làm đất tơi mềm, ủ phân hữu cơ dưới gốc cây – nghĩa là học cách phù sa sinh thành. Sản lượng chè Phú Thọ từng đạt 26 – 30 tấn/ha; vải Lục Ngạn to, sáng, đỏ tươi hơn vải Thanh Hà. Chỉ tiếc, chè Phú Thọ hái tươi, sao suốt thì nước xanh, hương thơm, hậu vị na ná chè Tân Cương nhưng đều kém Tân Cương vài phần; như vải Lục Ngạn nhường vải Thanh Hà phần hạt nhỏ, ngọt thanh mà thơm sâu.

    Bạn đã tắm nước phù sa bao giờ chưa? Khi đã vào đến cánh đồng, mương đầm thì phù sa đã bớt đục, có thể tắm tuy tắm rồi phơi nắng thì da bạn sẽ nâu nâu tươi màu suy nghĩ đấy. Nhưng mát lắm (nước phù sa mát hơn nước máy vài ba độ trong cùng một vùng thời tiết) và mát lâu; kể cả khi bạn đã giội tráng nước máy. Người làng tôi có mẹo chữa người đói lả (hạ đường huyết, sốt cao…) bằng cách cho nằm trên nền nhà đất nện hay bờ ruộng, bờ mương. Cứ nằm mươi mười lăm phút, tự nhiên tỉnh táo trở lại, có thể đi bộ từ đồng về nhà.

    Chuối và tre quê tôi Tiền Hải (Thái Bình) không tốt ngần ngật như tre chuối Lâm Thao, Thanh Thủy (Phú Thọ). Có lẽ chất lượng phù sa sông Hồng, sông Đà hơn sông Trà Lý của tôi; chúng cũng trực tiếp, hằng năm bồi tụ hơn. Là vì bồi bón cho tre chuối quê tôi là bùn ao, nạo vét mương hoặc thậm chí là đất ải từ ruộng mang về; mà cũng mấy năm mới cất công vậy. Nhưng phù sa “gián tiếp” này cũng khiến làng tôi quanh năm và đời đời xanh tốt.

    Từ ngày thủy điện hóa các dòng sông, phù sa về đến Lâm Thao, Thanh Thủy đã không còn “đỏ nặng” nữa. Trong khi màu mỡ, thảm thực vật và xác động vật thì có chiều hướng tăng lên vì mưa rửa trôi trên đồi núi rừng ngày một thưa hơn. Tôi trộm nghĩ hàng triệu, triệu mét khối phù sa lắng tại các lòng hồ thủy điện nếu được hút lên, được đem bán cho các miệt vườn trồng cây ăn trái thì quý hóa biết bao? Vất vả đấy, gian nan đấy, và cố nhiên phải có quy trình nghiêm ngặt; nhưng đấy là phù sa cổ, là nền tảng để cây ăn trái nước Nam ta bật mình, vươn tới các thị trường khôn ăn, kỹ tính.

    Những miền phù sa cổ- Ảnh 2.

    Bãi giữa sông Hồng (đoạn qua quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) do phù sa bồi đắp, nhiều nông dân đang trồng trọt quanh năm. Ảnh: Hữu Nghị

    Phù sa, đất phù sa đã nuôi dưỡng con người Việt, văn minh Việt như lịch sử đã ghi nhận người Việt theo sông suối mà đi dần về xuôi, tức là đi theo phù sa vậy. Lịch sử cũng ghi nhận, sông Hồng và sông Ninh Cơ đã chở phù sa từ thượng nguồn về mà vun thành huyện Hải Hậu ba, bốn trăm năm trước. Hơn 600 năm trước, cửa sông Trà Lý (bấy giờ còn gọi là sông Bạch Lãng) nằm ở Cầu Bo bây giờ và mang tên Bố Cái Hải Khẩu. Có thể nói chắc rằng, sông Trà Lý và sông Hồng đã tạo ra hai phần ba tỉnh Thái Bình của tôi.

    Do tập quán nông gia, quanh năm gối vụ nên lúc nào đất cũng sinh sôi ra cái ăn được, ngày nay nhiều giống mới, rải vụ quanh năm nên xem tivi lúc nào cũng có nơi đang gặt, đang cấy hay là đang làm đất. Nhìn thôi cũng thấy an yên trong lòng… Từ cái tâm thế của những đứa trẻ đủ ăn, những gia đình đủ ăn có thể yên tâm về tâm lý cũng như sức vóc người Việt ta vài ba thế hệ nữa. Lòng người thơm thảo hơn, thật thà hơn, thương yêu nhau hơn. Và cũng mạnh mẽ hơn. 


    Speak Your Mind

    *