May 12, 2024

Lễ công bố Bảo vật Quốc gia bộ tượng Tam Thế Phật, khai hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc

  • CLB Công An Hà Nội thắng đậm Khánh Hòa trong trận 'thủy chiến'
  • Hương Tràm buộc phải hủy minishow tại Hà Nội ngay trước giờ biểu diễn
  • CLB B.Bình Dương 'hụt hơi' trong cuộc đua vô địch

  • Tham dự buổi lễ có các đồng chí Lương Quốc Đoàn – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Trần Đức Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương; Hoàng Đạo Cương – Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch; Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương giáo hội Phật giáo,Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam; cùng đông đảo tăng ni, phật tử, nhân dân và du khách thập phương.

    Lễ công bố Bảo vật Quốc gia bộ tượng Tam Thế Phật, khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc- Ảnh 1.

    Quang cảnh lễ công bố và khai hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc. Ảnh: Nguyễn Việt.

    Trước đó, ngày 18/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 73/QĐ-TTg về việc công nhận bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn là Bảo vật Quốc gia.

    Theo tài liệu, bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn có  niên đại từ thế kỷ XVII. Đây là bộ tượng có phong cách riêng, khác hẳn phong cách của các tượng khác trong chùa và được đánh giá vào loại quý hiếm bậc nhất của nước ta.

    Lễ công bố Bảo vật Quốc gia bộ tượng Tam Thế Phật, khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc- Ảnh 2.

    Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng trình bày diễn văn khai hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc. Ảnh: Nguyễn Việt.

    Bộ tượng Tam Thế bao gồm 3 vị Phật: Quá Khứ, Hiện Tại và Vị Lai, tên gọi đầy đủ là: “Tam Thế thường trụ diệu Pháp thân” hay là “Tam Thế Tam Thiên Phật”, bao gồm “Quá Khứ Thế” (cũng gọi Trang Nghiêm Kiếp) có 1.000 vị Phật khác nhau đứng chủ; “Hiện Tại Thế” (gọi: Hiền Kiếp) gồm 1.000 vị Phật khác; “Vị Lai Thế” (Tinh Tú Kiếp) có 1.000 vị.

    Bộ tượng Tam Thế tuy chỉ có ba pho, nhưng tượng trưng cho 3.000 vị Phật, ở ba đại kiếp (mỗi đại kiếp tương ứng 1.344.000.000 năm) mà không nhằm chỉ đích danh một vị Phật nào.

    Lễ công bố Bảo vật Quốc gia bộ tượng Tam Thế Phật, khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc- Ảnh 3.

    Đồng chí Lương Quốc Đoàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam dự lễ công bố và khai hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc. Ảnh: Nguyễn Việt.

    Lễ công bố Bảo vật Quốc gia bộ tượng Tam Thế Phật, khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc- Ảnh 4.

    Đông đảo Đại biểu và du khách thập phương dự lễ khai hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc. Ảnh: Nguyễn Việt.

    Thông thường trên Thượng điện, Tam Thế Phật được đặt ở hàng trên cùng, bộ tượng Di Đà tam tôn hàng thứ 2. Ở chùa Côn Sơn, do kích thước pho tượng A Di Đà quá lớn nếu đặt ở hàng thứ 2 sẽ che khuất tượng Tam thế Hiện Tại nên 2 pho tượng được đổi chỗ cho nhau.

    Hiện nay, vị trí tượng Tam Thế Phật được bài trí với Phật Quá Khứ và Phật Vị Lai đặt 2 bên tượng Phật A Di Đà ở hàng trên cùng, tượng Phật Hiện Tại đặt chính giữa hàng thứ 2.

    Lễ công bố Bảo vật Quốc gia bộ tượng Tam Thế Phật, khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc- Ảnh 5.

    Thượng toạ Thích Thanh Vân cung tuyên thân thế Đệ tam tổ Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả. Ảnh: Nguyễn Việt.

    Ba pho tượng Tam Thế chùa Côn Sơn có kích thước xấp xỉ người thực, hình dáng giống nhau, ngồi trên toà sen trong tư thế kiểu “Hàng ma”, chỉ lộ một bàn chân phải.

    Tượng được tạc với thân hình nở nang, tóc kết xoắn ốc nổi nhục kháo thể hiện sự sáng suốt vô biên. Khuôn mặt bầu bĩnh mang nét chân dung chuẩn mực, miệng thoáng nụ cười biểu thị sự cảm thông, cứu độ mọi chúng sinh.

    Phật Quá Khứ, tư thế kết ấn “Tam muội”, tay phải chồng lên tay trái, lòng bàn tay hướng lên trên, 2 ngón cái chạm nhau ấn này còn gọi là “Giới định” hoặc “Phát giới định”, giữ cho tâm thanh lòng tịnh.

    Lễ công bố Bảo vật Quốc gia bộ tượng Tam Thế Phật, khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc- Ảnh 6.

    Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Trần Đức Thắng đánh trống khai hội. Ảnh: Nguyễn Việt.

    Phật Hiện Tại, tay trái kết ấn “Cam lồ” với ý nghĩa chống lại phiền não. Lòng bàn tay đặt bông hoa sen. Bông sen, biểu tượng của sự tự tính trạm viên tức là tự tìm thấy tâm tròn đầy, trong sáng, đẹp đẽ của mình, đấy là Phật tính.

    Phật Vị Lai, tay phải giơ ngang vai kết ấn “Vô úy” trừ quỷ dữ tà ma (ngoại ma) tác động đến thân tâm, tay trái úp, các ngón tay duỗi thẳng đặt trên đùi, kết ấn “xúc địa” cũng gọi là ấn “đất chứng giám”.

    Bộ tượng Tam thế Phật được công nhận Bảo vật Quốc gia

    Ba pho tượng Tam thế được tạc bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng, ngồi trên bệ sen gồm 6 lớp cánh (4 lớp cánh chính, 2 lớp cánh phụ), mỗi lớp 10 cánh, các cánh sen mập. Hai lớp cánh chính, phía trên trang trí hình bánh xe chuyển pháp luân cách điệu.

    Lễ công bố Bảo vật Quốc gia bộ tượng Tam Thế Phật, khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc- Ảnh 7.

    Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bộ tượng Phật Tam Thế là Bảo vật Quốc gia cho lãnh đạo tỉnh Hải Dương. Ảnh: Nguyễn Việt.

    Theo tài liệu văn bia và theo tư liệu lưu truyền tại khu di tích, bộ Tam Thế Phật chùa Côn Sơn là bộ tượng cổ nhất tại chùa, gắn liền với quá trình trùng tu, xây dựng chùa và được thờ phụng từ thế kỷ XVII. Từ đó đến nay, trải qua thời gian, chiến tranh, chùa nhiều lần được trùng tu, tôn tạo, quy mô chùa, hệ thống tượng pháp có nhiều thay đổi.

    Song bộ tượng Tam Thế Phật tại chùa Côn Sơn với các đặc điểm tạo hình, trang trí, sơn son thếp vàng nhiều lớp, mang những hoa văn trang trí tiêu biểu trên tượng, không những kế thừa được những nét tinh túy của nghệ thuật thời trước mà còn tôn vinh được vẻ đẹp lý tưởng của Phật pháp và những đặc điểm chung về mặt tạo hình so với các bộ tượng Tam Thế cùng thời.

    Lễ công bố Bảo vật Quốc gia bộ tượng Tam Thế Phật, khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc- Ảnh 8.

    Các đại biểu vào chùa Côn Sơn làm lễ dâng hương. Ảnh: Nguyễn Việt.

    Điểm độc đáo khiến cho những pho tượng này khác biệt với tất cả các bộ tượng Tam Thế khác đều là các hiện vật gốc độc bản, được bảo toàn nguyên bản và trọn vẹn từ thời Lê Trung Hưng đến nay.

    Với những giá trị tiêu biểu về trang trí mỹ thuật độc đáo, niên đại cụ thể, được bảo toàn nguyên bản và trọn vẹn, chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật đặc sắc, ngày 18/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 73/QĐ-TTg về việc công nhận bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn là Bảo vật Quốc gia.

    Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã trao Quyết định công nhận “Bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn” là Bảo vật Quốc gia của Thủ tướng Chính phủ cho đại diện lãnh đạo và nhân dân tỉnh Hải Dương. Đây là Bảo vật Quốc gia thứ ba hiện có tại chùa Côn Sơn sau: bia “Thanh Hư Động” và bia “Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi”.

    Lễ công bố Bảo vật Quốc gia bộ tượng Tam Thế Phật, khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc- Ảnh 9.

    Du khách về dự lễ khai hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc 2024. Ảnh: Nguyễn Việt.

    Trong diễn văn khai hội và tưởng niệm 690 năm ngày viên tịch của Đệ tam tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Huyền Quang Tôn giả, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng nêu rõ, Côn Sơn – Kiếp Bạc có ý nghĩa, tầm quan trọng trong lịch sử, thể hiện công lao to lớn của thiền phái Trúc Lâm với sự nghiệp dựng nước, giữ nước, lòng tự tôn dân tộc.

    Từ thế kỷ XIV Côn Sơn đã trở thành một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Thiền phái Trúc Lâm – một thiền phái thuần Việt góp phần làm nên sức mạnh “Đông A” điểm tựa tinh thần cho quân dân Đại Việt giữ vững nền độc lập, chủ quyền trước âm mưu xâm lược của các thế lực thù địch.

    Nơi đây, mỗi độ Xuân về đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài lại nô nức trẩy hội, thắp nén tâm hương để tưởng nhớ vị tổ Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả.

    Lễ công bố Bảo vật Quốc gia bộ tượng Tam Thế Phật, khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc- Ảnh 10.

    Đồng chí Lương Quốc Đoàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam dâng hương tại chùa Côn Sơn. Ảnh: Nguyễn Việt.

    Huyền Quang Tôn giả tên thật là Lý Đạo Tái, sinh năm 1254 tại hương Vạn Tư (nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), thuộc dòng dõi quan lại nhà Lý. Năm 21 tuổi, ông đỗ đầu khoa thi Giáp Tuất vào năm 1274.

    Đương thời, Huyền Quang được mệnh danh là thần đồng, là một trong những trí thức tài năng, nổi tiếng khắp xứ Kinh Bắc và cả nước về thơ văn, đã làm việc tại Viện Hàn lâm nhà Trần và được giao tiếp sứ Bắc triều.

    Cũng như vua Trần Nhân Tông, ông đã từ bỏ chốn quan trường, tìm đến với tôn giáo, kiên trì học đạo và biên soạn kinh sách. Huyền Quang cùng với Phật hoàng đi đến mọi miền đất nước để thuyết pháp, giảng kinh và trở thành vị tổ thứ ba của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm.

    Lễ công bố Bảo vật Quốc gia bộ tượng Tam Thế Phật, khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc- Ảnh 12.

    Đồng chí Trần Đức Thắng, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương dâng hương tại chùa Côn Sơn. Ảnh: Nguyễn Việt.

    Ông từng trụ trì ở chùa Siêu Loại (Bắc Ninh), chùa Thanh Mai (Chí Linh), chùa Vân Yên là một trong những trung tâm Phật giáo lớn tại Yên Tử. Cuối đời, ông về trụ trì tại chùa Côn Sơn, lập đài Cửu Phẩm Liên Hoa, biên soạn kinh sách truyền lại cho đời sau.

    Ngày 23 tháng Giêng năm 1334, ông viên tịch tại chùa Côn Sơn, thọ 80 tuổi. Ngày mất của ông trở thành ngày giỗ Tổ của chùa Côn Sơn hàng năm. Từ đó, di tích Côn Sơn luôn giữ vai trò là trung tâm Phật giáo xứ Đông xưa.

    Lễ công bố Bảo vật Quốc gia bộ tượng Tam Thế Phật, khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc- Ảnh 13.

    Các đồng chí đại biểu lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tỉnh Hải Dương cầu mong quốc thái dân an. Ảnh: Nguyễn Việt.

    Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đã được Nhà nước xếp hạng Di tích quốc gia năm 1962. Đến năm 2012, khu di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

    Ngay sau Lễ khai hội, các đại biểu, nhân dân và du khách thập phương đã thành kính dâng hương tưởng niệm 690 năm ngày viên tịch của Đệ tam tổ Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả.


    Filed Under: Giải trí Tagged With: , , , , , , , , , , , , , , , ,

    Speak Your Mind

    *