April 27, 2024

Kể chuyện làng: Nghề nuôi tằm quê tôi

  • Thỉnh thoảng mới ghi bàn, Antony không cứu được Man United
  • Người đàn ông chết tại chỗ sau tiếng nổ lớn, bay cả mái nhà
  • Tuyển futsal Việt Nam tiếp tục gắn bó với HLV vô địch World Cup

  • Nhìn chiếc khăn mịn màng, chất liệu mỏng nhẹ rất đẹp khiến tôi nhớ đến khoảng đời thơ ấu được chứng kiến mẹ đã vất vả nuôi tằm để lấy tơ như thế nào. Bất giác những kỷ niệm xa xưa cứ thế chầm chậm quay lại trong ký ức tôi.

    Quê tôi xưa kia là một làng nhỏ thuộc lưu vực sông Hồng nhưng đồng thời cũng là khởi nguồn của sông Nhuệ. Chắc cũng vì lẽ đó nên vùng đất quê tôi là không chỉ giàu phù sa màu mỡ lại còn mát mẻ, thoáng đãng, thích hợp với việc trồng dâu, nuôi tằm để phục vụ cho các nghề truyền thống như: canh cửi, thêu thùa, ươm tơ dệt lụa, sau này là làm ren… Đặc biệt là ở mạn xóm bãi, chỉ cần tiện tay cắm vài cành dâu xuống là ngoảnh đi ngoảnh lại, lá dâu đã xanh tốt. Lá dâu rất to bản, dày dặn, xanh mướt khiến lũ tằm mê mải cắn ngập chân răng.

    Kể chuyện làng: Nghề nuôi tằm quê tôi- Ảnh 1.

    Nuôi tằm. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

    Bà tôi, khi còn sinh thời, thường nhắc đi nhắc lại câu tục ngữ: “Chăn lợn ba năm không bằng nuôi tằm một lứa” hoặc “Chăn tằm ba lứa còn hơn làm ruộng ba mùa” để khuyên nhủ con cháu trong nhà cố gắng theo nghề truyền thống. Chẳng rõ hiệu quả kinh tế thế nào, chỉ biết rằng những lúc nông nhàn, mẹ tôi vẫn thường xuyên nuôi tằm. Vốn bản tính tỉ mỉ lại rất đỗi cần mẫn nên mẹ tôi nuôi tằm rất thành công, dù không thật sự có nhiều kinh nghiệm.

    Lại nhớ những ngày còn bé, chúng tôi thường theo mẹ đi hái dâu để tranh thủ hái ít quả, loại quả nhỏ thường mọc sần sùi quanh thân cây dâu to bằng cổ tay. Với những đứa trẻ nông thôn như chúng tôi khi ấy, loại quả chín đỏ hoặc vàng là một thức quả cực kỳ hấp dẫn. Chúng tôi mê vị chua chua ngọt ngọt của nó đến nỗi môi đứa nào cũng đen thẫm như mực. Ngoài mê vị chua của quả dâu, chúng tôi cũng thích theo mẹ ra bãi dâu vì đặc biệt thích cảm giác được tự do chạy nhảy hoặc sa vào bắt cào cào, châu chấu. Tuổi nhỏ vô tư nên mấy chị em tôi chẳng mấy quan tâm đến nỗi vất vả của mẹ khi bận rộn hái vừa quả vừa lá dâu đến tận chiều tối.

    Khi hoàng hôn buông dần, mẹ tôi mỏi mệt hái đầy hai thúng dâu gánh về nhà. Sau khi cho các con ăn uống, mẹ tôi lại tỉ mỉ ngồi nhặt lá non hơn cuộn rồi thái nhuyễn rắc vào cái mẹt nhỏ. Đây là chiếc mẹt chứa đầy các con tằm bé tí tẹo như chiếc tăm đang ngọ nguậy, thi thoảng ngóc đầu lên loay hoay tìm lá dâu để ăn. Tằm con khi mới nở thông thường có màu xám đen, kích thước khá nhỏ, chỉ li ti như đầu sợi tóc. Mẹ tôi bảo lũ tằm con thông thường không ăn lá, chỉ cần hút nhựa lá dâu.

    Bọn tằm rất mau lớn. Chỉ một thời gian ngắn, chúng từ chỗ bằng đầu sợi tóc đã lớn dần thành đầu tăm rồi bằng đầu đũa. Thậm chí, từ cái mẹt con, mẹ tôi phải chuyển lũ tằm sang cái nia và cuối cùng là thay thế bằng những cái nong to đại. Những năm về sau, mẹ tôi tích luỹ được nhiều kinh nghiệm hơn, đã dành hẳn cả gian nhà hướng đông nam có khí hậu mát mẻ, dễ chịu để làm buồng nuôi tằm. Các cửa sổ đều được ba tôi tỉ mỉ chắn bằng vải thưa nhằm tạo cảm giác thoáng đãng đồng thời cũng là cách ngăn côn trùng đặc biệt là ruồi vàng xâm nhập vào buồng tằm. Cũng bởi, ruồi vàng là loại côn trùng gây hại, đã đốt con tằm nào là con ấy bị thui đi hoàn toàn không thể chín được. Trong buồng tằm, mẹ tôi cũng cẩn thận kê nhiều giá đỡ đóng bằng tre. Các loại giá này được chia thành nhiều tầng để đặt nong tằm lên.

    Kể chuyện làng: Nghề nuôi tằm quê tôi- Ảnh 2.

    Nuôi tằm ở quê. Ảnh tác giả cung cấp

    Một ngày trong buồng tằm của mẹ tôi thường rất bận rộn khi phải liên tục cho tằm ăn và thay phân tằm mấy lần. Bọn tằm nhà tôi do ăn nhiều suốt ngày nên chúng đào thải cũng vô cùng nhiều. Chị em tôi thường được mẹ sai nhặt nhạnh những hạt phân tằm tròn nhỏ để dành làm phân bón cây rất tốt. Mẹ tôi còn rất tỉ mỉ khi liên tục nhặt những con tằm chín đỏ để nuôi riêng một nong rồi nhẹ nhàng bện rơm quây kín từng bó rỗng ở giữa, tỉ mỉ gài thành phên dựng lên rồi thả những con đã chín vào quây tổ nhả tơ.

    Trên các kệ bằng tre ba tôi đóng sẵn, có đến 4, 5 tầng đặt các nong, mẹt tằm lên. Việc nuôi tằm tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi nhiều tâm sức của người theo nghề. Khoảng thời gian theo nghề nuôi tằm, mẹ tôi thường ngủ rất muộn để theo dõi từng nong. Không những thế, mỗi đêm mẹ tôi còn cần mẫn cầm đèn dầu soi từng nong để cho tằm ăn thêm. Bản thân tôi trong nhiều đêm tỉnh giấc, chẳng thấy mẹ đâu, bèn bần thần chạy xuống bếp lặng lẽ bóng mẹ đang hì hụi bên đèn dầu mờ ảo, cho bọn tằm ăn lá mà thấy lòng nôn nao biết bao nỗi niềm.

    Nhưng có lẽ bận rộn nhất chính là giai đoạn tằm sắp chín. Vài ngày trước đó, ba mẹ tôi thường chuẩn bị sẵn hàng chục cái né. Né tằm vốn đơn thuần là loại phên nứa được bà con quê tôi cố tình đan thưa, nhằm tạo nhiều khe vuông để người ta dễ dàng nhét búi rơm vào nhằm giữ ấm và tạo điều kiện thuận lợi cho tằm vào làm tổ. Thông thường, né sẽ được dựng hơi nghiêng để dễ thả tằm khi đã chín vào. Mẹ tôi thường bảo khi tằm chín, chúng ta phải tập trung nhìn trên nong, phát hiện ra con tằm nào có thân ửng đỏ là phải bắt vội thả vào né. Nếu thao tác của người nuôi tằm không nhanh thì những con tằm chín này sẽ mau chóng quây kén ở ngay cái nong đầy cuống lá dâu, gây ảnh hưởng đến mùa vụ.

    Bọn trẻ con chúng tôi khi ấy rất háo hức quan sát những búi rơm trên né, nhìn bọn tằm chín bò đi bò lại chỉ một lát sau, đã thấy cuộn thành cái kén vàng ươm. Khoảng độ nửa giờ đồng hồ, những chiếc kén của tằm đã vô cùng dày dặn và chắc chắn. Tằm sẽ nằm yên vị trong kén, sau khi đã hoàn thành giai đoạn quan trọng nhất của mình là rút ruột nhả tơ. Khoảng độ vài ngày sau, mẹ tôi sẽ nhẹ nhàng bóc từng cái kén trên né cho vào một chiếc rổ cái. Kén tằm sau khi thu hoạch thường sẽ được đem bán cho các xưởng quay tơ hoặc mẹ tôi tự quay lấy. Khi các con tằm chín đã nhả hết tơ dệt thành kén vàng chắc nịch bên ngoài, mẹ gỡ vào thúng đem tới xưởng ươm tơ.

    Xưởng ươm quê tôi khi xưa được đặt trong ngôi chùa ở giữa làng. Ba tôi kể rằng, từ sau khi cả làng tôi tiến hành những chính sách cải cách ruộng đất thì không gian ở đình chùa được dùng làm trường học và xưởng ươm tơ. Mẹ tôi cũng tham gia vào công việc ươm và quay tơ. Khi quay tơ, mẹ sẽ từ từ thả từng mẻ kén vào nồi nước nóng, móc sợi tơ mỏng mảnh cho vào guồng quay. Chỉ trong thoáng chốc, mẹ tôi đã thu những cuộn tơ vàng óng mới quay đặt vào một cái rổ sạch sẽ. Trong nồi nước còn bốc hơi nghi ngút, lõi kén chứa con tằm đã thành nhộng nổi lều bều.

    Thông thường, tơ gỡ khỏi guồng rất mỏng manh, chỉ có đường kính khoảng chừng nửa mét. Mẹ tôi thường bảo những sợi tơ vàng óng còn thô ráp đó sẽ được nhập cho nhà máy dệt vải để tạo nên biết bao sản phẩm thật đẹp cho đời. Những sợi tơ nhìn mỏng manh nhưng là sự chắt chiu công sức lao động biết bao ngày tháng của mẹ tôi để nuôi lớn chúng tôi trong suốt khoảng đời tuổi thơ khó khăn và thiếu thốn.

    Nhiều năm trôi qua, khi tôi trưởng thành đủ để lo cho gia đình một cuộc sống đủ đầy hơn thì mẹ đã lặng lẽ ra đi. Thi thoảng, có dịp về quê, tôi hay thơ thẩn đi dọc bờ sông có những bãi trồng dâu xanh mướt mát, thoáng nghe trong gió tiếng rào rào của tằm ăn rỗi, thấy lòng cồn cào biết bao nỗi nhớ mẹ và nghề nuôi tằm khi xưa.

    Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục “Kể chuyện làng” từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

    Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

    Bài viết cộng tác với chuyên mục “Kể chuyện làng” xin gửi về email: [email protected]; điện thoại liên hệ: 0903226305.


    Speak Your Mind

    *