April 27, 2024

Vì sao phim về chuyện ngoại tình thất bại thảm hại trên rạp chiếu?

  • Thỉnh thoảng mới ghi bàn, Antony không cứu được Man United
  • Người đàn ông chết tại chỗ sau tiếng nổ lớn, bay cả mái nhà
  • Tuyển futsal Việt Nam tiếp tục gắn bó với HLV vô địch World Cup

  • Phim rạp về đề tài ngoại tình thất thế

    Dịp Tết Nguyên đán 2024, phim Trà của đạo diễn Lê Hoàng ra rạp từ 10/2 (mùng 1 Tết) và chủ động rời rạp từ 14/2 (mùng 5 Tết). Trà khai thác về chuyện ngoại tình. Phim xoay quanh việc giám đốc Hải (NSƯT Trương Minh Quốc Thái đóng) ngoại tình cùng Chích (Đoàn Trinh đóng), cô gái kém nhiều tuổi. Hải quyết định cắt đứt với Chích để toàn tâm toàn ý với gia đình là vợ (Việt Hương đóng) và con gái sau khi chứng kiến cảnh chém giết vì ghen.

    Vì sao phim về chuyện ngoại tình thất bại thảm hại trên rạp chiếu?- Ảnh 1.

    Đạo diễn Lê Hoàng cùng các diễn viên đóng “Trà” trong buổi ra mắt phim. Ảnh: NSX

    Do quá yêu Hải, Chích xin vào làm giúp việc trong biệt thự của người tình và gây ra nhiều tình huống dở khóc, dở cười. Phim không được lòng người xem do phần kịch bản lỗi thời, thiếu nhất quán, tình tiết vô lý. Phần thoại cũng chưa thuyết phục được khán giả. Diễn xuất của nữ diễn viên mới Đoàn Trinh bị cho là lố ở nhiều phân cảnh khiến người xem bật cười vì ngô nghê hơn là thương cảm.

    Sau 5 ngày trụ rạp, phim thu được hơn 1,6 tỉ đồng. Tác phẩm rời rạp và hứa hẹn trở lại vào một thời điểm chưa xác định. Khả năng trở lại rạp của Trà khá mong manh khi nhiều khán giả đã xem cho rằng Trà không có gì hấp dẫn.

    Trước đó, cuối năm 2023, bộ phim Chiếm đoạt từng khiến khán giả rất mong đợi do đây là phim điện ảnh Việt đầu tiên được Đài KBS (Hàn Quốc) đầu tư. Phim quy tụ dàn diễn viên: Miu Lê, Lãnh Thanh, Phương Anh Đào, Karik. Dài 113 phút, Chiếm đoạt được chia làm ba hồi, mở đầu với lời dẫn chuyện của Thảo My (Miu Lê đóng) – một nữ sinh mới ra trường. Cô xin làm bảo mẫu, tìm cách thâm nhập vào gia đình vợ chồng Sơn (Lãnh Thanh đóng) và Hà (Phương Anh Đào đóng). Vẻ ngoài hiền lành, cô tạo được niềm tin ở Hà, quyến rũ Sơn bằng lối trò chuyện gợi mở, tâm lý.

    Cô cũng tiếp cận Hoàng (Karik) – bạn thân của Sơn – với sự khôn khéo, trải đời, từ đó đưa anh vào bẫy tình. Hà phát giác chồng ngoại tình, yêu cầu ly hôn. Lúc này, My mới tiết lộ chuyện phá hoại hôn nhân vợ chồng Hà vì một sự kiện từng khiến gia đình My lao đao.

    Đạo diễn Thắng Vũ chọn thể loại tâm lý – giật gân, khai thác chủ đề ngoại tình, lòng thù hận. Môtíp tác phẩm có phần tương đồng với nhiều phim Việt trước đó, như: Bẫy ngọt ngào (2022), Chị chị em em (2019) khi xoay quanh âm mưu trả thù của các nhân vật. Trái với kỳ vọng, Chiếm đoạt chỉ thu về 22 tỷ đồng.

    Chuyện ngoại tình có còn thu hút?

    Những tình huống ngoại tình, tình tay ba, sự xuất hiện của người khác dẫn đến hôn nhân tan vỡ đã được sản xuất rất nhiều.

    Ngay cả trên phim truyền hình gần đây, đề tài ngoại tình đã được khai thác rất sâu và đa chiều. Khán giả đã được xem nhiều nên họ sẽ có những đòi hỏi ngày càng cao hơn từ  chuyện phim, dàn diễn viên, lối diễn xuất, phong cách phim cho đến lời thoại. Nếu không đáp ứng được điều này, phim rất khó thuyết phục và kéo khán giả đến rạp.

    Dù đề tài ngoại tình luôn hấp dẫn, gây tò mò nhưng nếu câu chuyện được kể theo lối mòn, nhàm chán, cũ kỹ, chưa kể là tình tiết còn phi lý, thiếu thuyết phục khiến khán giả khó lòng chấp nhận được. Điều này được các nhà chuyên môn nhận định do những người thực hiện tác phẩm chưa đầu tư cho việc sáng tạo kịch bản, xây dựng nhân vật, tình tiết, nội dung câu chuyện.

    NSND, nhà quay phim Lý Thái Dũng cũng từng đưa ra quan điểm rằng: “Nếu muốn làm một bộ phim xuất chúng, bạn cần ba thứ, đó là kịch bản, kịch bản và kịch bản! Nhưng đáng buồn là kịch bản hay lại là thứ đang thiếu trầm trọng ở nước ta. Chúng ta có tiền, có công nghệ nhưng lấy thứ gì để kể đây nếu không có một kịch bản hay?”.

    Vì sao phim về chuyện ngoại tình thất bại thảm hại trên rạp chiếu?- Ảnh 3.

    Câu chuyện trong phim Trà được cho là nhạt nhòa, có nhiều tình tiết vô lý. Ảnh: NSX

    “Phim Trà có hạn chế là kịch bản cũ kỹ, theo lối mòn nhàm chán, phi lý thiếu thuyết phục. Phim Trà cố gắng tạo ra góc nhìn khác biệt khi đưa tình huống vợ và “tiểu tam” không ai là phản diện, nhưng cách lý giải không thuyết phục dẫn đến được hiểu như một sự biện hộ cho “tiểu tam”. Phần diễn xuất lố của nữ diễn viên góp phần khiến khán giả mất thêm thiện cảm” – biên kịch Kim Ngọc đánh giá.

    Còn với Chiếm đoạt, nội dung phim không hề mới. Thậm chí, những phút mở đầu phim còn không khác gì Chị chị em em. Vẫn là câu chuyện hai vợ chồng cưu mang một cô gái trẻ rồi phát sinh việc ngoại tình. Song, tác phẩm Chị chị em em của Kathy Uyên được cho là hợp lý hơn khi hành động của Thiên Kim (Thanh Hằng) xuất phát từ sự thương cảm dành cho số phận của Nhi (Chi Pu).

    Trong khi đó ở Chiếm đoạt điểm vô lý lớn là Hà (Phương Anh Đào) lại chọn một nữ sinh vừa ra trường, gần như không có kinh nghiệm với trẻ em (Miu Lê) về làm bảo mẫu cho đứa con chỉ mới hơn 1 tuổi. Vốn là người từng bị bạn trai cũ “cắm sừng”, Hà cũng không hề có sự nhạy cảm của phụ nữ khi để một cô gái trẻ trung, ăn mặc gợi cảm loanh quanh trong nhà, trước mặt chồng mình.

    Bước đầu đã phi lý, những hạt sạn trong phim về sau xuất hiện ngày càng nhiều. Vì sao Hoàng (Karik) dễ dàng kể hết những chuyện “thâm cung bí sử” của mình và bạn thân cho một cô gái mới quen? Vì sao My (Miu Lê) không tìm cách để Sơn (Lãnh Thanh) thú nhận tội lỗi để báo cảnh sát mà chỉ muốn làm “tiểu tam” phá vỡ hạnh phúc gia đình Sơn?

    Cảnh nóng không còn là “miếng mồi ngon”

    Những cảnh nóng của các diễn viên tên tuổi chắc chắn là một trong những yếu tố quan trọng để Chiếm đoạt nằm trong mong đợi sự chú ý của khán giả. Với một tác phẩm khai thác đề tài ngoại tình thì việc những màn tình tứ của các nhân vật xuất hiện trên màn ảnh để đẩy cảm xúc phim là hợp lý và cần thiết.

    Tuy nhiên, các cảnh nóng xuất hiện dày đặc nhưng được dàn dựng khá sơ sài, sống sượng. Dù không hở quá nhiều da thịt, một số màn “mây mưa” trong phim khá thô, không có nhiều ý nghĩa về mặt phát triển câu chuyện.

    Vì sao phim về chuyện ngoại tình thất bại thảm hại trên rạp chiếu?- Ảnh 4.
    Vì sao phim về chuyện ngoại tình thất bại thảm hại trên rạp chiếu?- Ảnh 5.

    Cảnh nóng tràn ngập không còn là điểm thu hút của phỉm rạp Việt. Ảnh: NSX

    Bên cạnh việc bị quá lạm dụng, một lý do khác khiến các cảnh nóng trong phim không đạt được hiệu quả như ê-kíp mong muốn đến từ phản ứng hóa học của các cặp tình nhân trong phim. Mối quan hệ giữa họ vốn dĩ đã không được xây dựng một cách kín kẽ, hợp lý. Cộng thêm khả năng diễn xuất của dàn diễn viên có phần hạn chế, không đồng đều cũng càng khiến những phân đoạn nóng bỏng bị phản tác dụng.

    Ở phim Trà, Lê Hoàng thừa nhận phim nhiều cảnh nóng, có cảnh ở mức độ dữ dội, bạo liệt. Ông tin để làm rõ tình huống ngoại tình giữa hai nhân vật quá chênh lệch về điều kiện, trong tình huống chóng vánh cần cảnh nóng tương xứng nên quay thật táo bạo từ đầu. Phim Trà được Hội đồng thẩm định và phân loại phim duyệt đến 3 lần trước khi dán nhãn T18 – phim dành cho đối tượng khán giả từ đủ 18 tuổi. Tác phẩm bị cắt nhiều phân cảnh, một cảnh nóng dài hơn 3 phút bị cắt 70%.

    Ngay từ những cảnh đầu tiên, đạo diễn đã tung ra những cảnh nóng bị cho là thô. Các diễn biến sau đó đều đơn giản và dễ đoán, khiến bộ phim thiếu đi yếu tố bất ngờ và hấp dẫn.

    Đa số cảnh quay khiến người xem khó chịu. Đơn cử, trong một phân đoạn Hải đang nằm ngủ với vợ (Việt Hương) thì lén ra khỏi phòng giữa đêm, nhanh chóng tìm đến nhân tình ngay trong chính căn nhà của mình. Sau đó, cả hai lao vào cuộc vui tình ái mà không hề quan tâm đến bất kỳ ai.

    Vì sao phim về chuyện ngoại tình thất bại thảm hại trên rạp chiếu?- Ảnh 6.

    Trương Minh Quốc Thái trong phim Trà. Ảnh: NSX

    Suốt thời lượng 122 phút, Lê Hoàng dùng nhiều cảnh nóng thiếu tinh tế. Thậm chí, ở kết phim, đạo diễn cũng cố ý chèn vào một cảnh để nhắc rằng đây là phim chỉ dành cho người lớn.

    Sự thất bại của Trà là minh chứng cho thấy cảnh nóng không còn là “mồi câu” hiệu quả. Khi được sử dụng không khéo, chúng chắc chắn sẽ trở thành con dao hai lưỡi, không chỉ khiến tác phẩm thất bại mà còn giảm uy tín người làm phim.

    Chia sẻ với Dân Việt, đạo diễn Hoàng Duy của phim Quý cô thừa kế 2 cũng thừa nhận rằng: “Khi làm phim này, tôi xác định luôn với bà xã là khi mình làm đề tài phim không mới thì phải chấp nhận có khen có chê. Chê thì phải học hỏi rút kinh nghiệm cho tập phim sau, phải đón nhận để nhìn ra điều chưa chuẩn mà chỉnh để hoàn thiện bản thân mình hơn.

    Có dư luận chứng tỏ phim mình được quan tâm. Còn làm nghề lâu dài thì phải có sự chấp nhận thay đổi và đi tiếp. Trường hợp phim trước khi ra rạp tưởng thắng thì thua hay ngược lại thì tôi không thể biết trước được”.

    Nhiều phim doanh thu cao thời gian gần đây như Mai, Gặp lại chị bầu, Đào, phở và piano cho thấy nhu cầu giải trí bằng điện ảnh của khán giả Việt ngày càng cao. Cùng thời điểm lại có các phim doanh thu thấp ngoài kỳ vọng cho thấy thị hiếu khán giả hiện nay đã có nhiều thay đổi. Sự trái ngược về doanh thu của các phim rạp gần đây cũng khiến các nhà làm phim có thêm thách thức, động lực, và tâm huyết để sáng tạo ra những tác phẩm điện ảnh có nhiều tìm tòi, mới mẻ và in đậm dấu ấn cá nhân thì mới có thể thu hút khán giả.


    Speak Your Mind

    *