April 27, 2024

Phim Hàn “chất đống” chờ ngày lên sóng

  • Người đẹp Việt có đường cong quyến rũ, body “hồ lô“ nhờ chăm bơi xuồng
  • Thỉnh thoảng mới ghi bàn, Antony không cứu được Man United
  • Người đàn ông chết tại chỗ sau tiếng nổ lớn, bay cả mái nhà

  • Sau những tác phẩm điện ảnh thành công toàn cầu như “Parasite” (Ký sinh trùng) và “Squid Game” (Trò chơi con mực), ngành công nghiệp phim ảnh xứ kim chi lại đang rơi vào giai đoạn suy thoái. Hàng loạt phim điện ảnh và truyền hình đã hoàn thiện khâu sản xuất nhưng vẫn không được phát hành tại rạp hay trên các nền tảng trực tuyến OTT.

    Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc cho biết, khoảng 130 bộ phim truyền hình và điện ảnh đang bị “treo”, phim đã hoàn thành nhưng không có kế hoạch phân phối rộng rãi. Điều này dẫn đến tình trạng gia tăng mức đầu tư “đắp chiếu” đáng kể, các dự án mới bị ngưng trệ vì không tìm được nguồn tài trợ. Suy thoái đáng chú ý nhất ở mảng phim độc lập, kinh phí thấp – vốn là con đường quan trọng đối với các tài năng mới, nay đối mặt với trở ngại to lớn do cắt giảm hỗ trợ từ Chính phủ.

    Phim Hàn “chất đống” chờ ngày lên sóng

    Phim Hàn "chất đống" chờ ngày lên sóng- Ảnh 1.

    Sự bùng nổ sản xuất phim truyền hình bắt nguồn từ sự nổi tiếng toàn cầu của “Squid Game” năm 2021 của Netflix. Ảnh: Netflix

    Nạn nhân của tình trạng này có thể kể tới bộ phim tình cảm lãng mạn “Bad Memory Eraser” với Kim Jaejoong (TVXQ/JYJ) và nữ diễn viên Jin Se-yeon. Bộ phim hoàn thành từ đầu năm 2022 nhưng vẫn đang chờ đợi ngày công chiếu.

    Dù nhận được sự quan tâm đáng kể, đặc biệt là từ thị trường quốc tế như Nhật Bản, nhưng việc tìm một nền tảng trong nước để phát hành bộ phim này đang rất khó khăn. Vấn đề này không phải cá biệt, các phim “Bogota” (do Song Joong-ki đóng chính) hay “The Blue House Family” (gắn với tên tuổi diễn viên Cha In-pyo) cũng sản xuất xong từ 2021 nhưng chưa tìm được con đường đến với khán giả.

    Hậu quả kéo dài của đại dịch Covid-19 và sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng OTT đã làm gián đoạn đáng kể các kênh phân phối truyền thống, dẫn đến tình huống chưa từng có – hơn một trăm dự án đã được hoàn thiện nhưng bị mắc kẹt không có nơi trình chiếu.

    Sự dư thừa này khiến khoản đầu tư không thể thu hồi tăng vọt, dẫn tới các nguồn tài trợ mới đóng băng, tác động nặng nề đến lĩnh vực phim độc lập và kinh phí thấp. Đây vốn là “mảnh đất” quan trọng cho các tài năng mới nổi, giờ lâm vào thách thức nghiêm trọng do  Chính phủ cắt hỗ trợ.

    Khó khăn của ngành điện ảnh cũng đang ảnh hưởng đến đội ngũ sản xuất, với số vụ nợ lương tăng lên vì các dự án không thể đảm bảo việc phát hành. “Năm ngoái, số lượng các vụ “quỵt lương” được báo cáo bởi nhân viên sản xuất phim truyền hình đã đạt mức 192 – cao gấp 2,6 lần mức trung bình hàng năm là 72″, Hong Tae-hwa, một quan chức cấp cao của Korean Film Sinmungo – tổ chức về quyền lợi của diễn viên cho biết. Ông nhấn mạnh sự bất ổn về tài chính đang lan rộng trong ngành.

    Phim Hàn "chất đống" chờ ngày lên sóng- Ảnh 2.

    Cha In-pyo trong một cảnh của “The Blue House Family”. Ảnh: Korea Times.

    Tương lai mù mịt cho K-drama?

    Một yếu tố đáng chú ý trong thách thức của ngành giải trí là mức cát-xê diễn viên leo thang chóng mặt, do sự cạnh tranh giữa các nền tảng OTT toàn cầu để giành các ngôi sao hàng đầu. Sự cạnh tranh này đã đẩy chi phí sản xuất tăng cao, bào mòn thêm nguồn lực tài chính của các công ty sản xuất.

    Khi số lượng dự án mới bị thu hẹp, các diễn viên cũng cảm nhận rõ khó khăn. Việc các vai diễn trở nên khan hiếm là mối lo ngại lớn và nhiều nghệ sĩ đã không giấu sự thất vọng về tình trạng này.

    Giới chuyên môn trong ngành tương đối bi quan trước viễn cảnh tương lai của điện ảnh Hàn Quốc. Khủng hoảng hiện tại không chỉ đe dọa khối lượng dự án tầm trung, mà còn làm lung lay nền tảng nâng đỡ tài năng mới. Sự “suy thoái” này đến sau một thời kỳ được thế giới tung hô chưa từng có, cho thấy sự cân bằng mong manh giữa thành công và tính bền vững trong nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc.

    Chi phí sản xuất leo thang, phần lớn do mức thù lao của các ngôi sao hàng đầu tăng vọt vì các nền tảng OTT toàn cầu tham gia thị trường Hàn Quốc, khiến gánh nặng cho các công ty sản xuất càng lớn.

    “Cát-sê diễn viên tăng chóng mặt. Vai chính trong các sản phẩm như “Squid Game 2″ có thể hưởng tới 1 tỷ won cho mỗi tập, tăng mạnh so với mức 100 – 200 triệu won trước đây. Điều này đã đẩy chi phí sản xuất trung bình từ 500-600 triệu won năm 2018 lên khoảng 1 tỷ won mới đây”, một người trong ngành này cho biết.

    Phim Hàn "chất đống" chờ ngày lên sóng- Ảnh 3.

    Các diễn viên Kim Ji Seok (trái) và Lee Dong Gun than vãn lượng kịch bản anh có thể chọn lựa hàng năm đang giảm mạnh. Ảnh: YouTube.

    Các diễn viên cũng đối mặt với thách thức khi lượng dự án bị thu hẹp. Diễn viên Lee Dong-gun than thở trên kênh YouTube của một người bạn: “Trước đây, tôi có thể chọn từ hai hoặc ba kịch bản cho dự án tiếp theo, nhưng ngày nay may ra có hai kịch bản trong cả năm”. Tương tự, diễn viên Han Ye-seul và Oh Yoon-ah cũng không ngại bày tỏ mối lo ngại về việc thiếu vai diễn qua mạng xã hội cá nhân.

    Giới chuyên môn dự báo các sản phẩm nội dung Hàn Quốc sẽ còn ảm đạm lâu dài. Đại diện một hãng sản xuất, yêu cầu giấu tên bày tỏ với Korean Times: “Với các nhà sáng tạo và diễn viên tài năng, các tác phẩm chất lượng sẽ tiếp tục xuất hiện. Nhưng môi trường sản xuất phim ảnh đang xấu đi. Nếu xu hướng này không cải thiện thì chúng ta có nguy cơ mất đi mảng dự án tầm trung và làm suy yếu nền tảng nuôi dưỡng tài năng mới, dẫn tới bất ổn sau nhiều thập kỷ nội dung Hàn Quốc phát triển vươn tầm thế giới”.


    Speak Your Mind

    *