May 10, 2024

Dân ca Soọng cô: Mến nhau, yêu nhau, thành vợ thành chồng nhờ câu hát (Bài 1)

  • Leverkusen lập kỉ lục 49 trận bất bại, vào chung kết Europa League
  • Met Gala 2024: Giá trị thời trang phai nhạt trước toan tính “đẫm mùi tiền” của “bà trùm” Vogue?
  • Báo chí Indonesia chỉ trích trọng tài gay gắt sau 2 quả phạt đền và thất bại

  • “Quan họ” của đồng bào Sán Dìu

    Những ngày giữa tháng 2, tôi được dịp về Tây Thiên trẩy hội và hòa mình vào các hoạt động văn hóa của người Sán Dìu. Nam trong trang phục được may theo kiểu áo bà ba có hai túi rộng; nữ trong trang phục váy áo xẻ nhiều lớp, dài quá đầu gối, khăn đội đầu, bắp chân đeo xà cạp trắng; háo hức chuẩn bị lên tham gia biểu diễn tại hội thi Giao lưu dân ca Soọng cô.

    Theo những cụ cao niên, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Dìu đã có từ thời xa xưa và giữ gìn cho đến hiện tại và dân ca Soọng cô là nét văn hóa đặc trưng nhất. Trong hội thi, họ hát hoặc đọc theo tiếng bản địa, sau đó theo phiên dịch lại theo tiếng phổ thông để đại chúng cùng hiểu được ý nghĩa.

    Dân ca Soọng cô: Mến nhau, yêu nhau, thành vợ thành chồng nhờ câu hát (Bài 1)- Ảnh 1.

    Biểu diễn dân ca Soọng cô tại Hội thi giao lưu dân ca Soọng cô trong lễ hội Tây Thiên 2024. Ảnh: Phạm Thứ.

    Từng lời thơ khi được dịch ra đều rất thu hút tôi bởi những thông điệp nhân văn được truyền tải. 

    Trái quả còn xanh chờ nắng chiều/ Em còn nhỏ tuổi chưa biết yêu/ Đợi em vài năm tuổi xuân thời/ Cùng anh ước hẹn ngỏ kết lời, một trong những bài hát của thiếu niên từ 15 tuổi trở xuống để giáo dục về việc tảo hôn.

    NNƯT Lê Đại Năm – Trưởng ban liên lạc các CLB Sán Dìu Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cho biết: “Dân ca Sán Dìu là những giá trị tinh hoa văn hóa bền vững được vun đắp theo dòng chảy thời đại lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, đó là lòng yêu nước nồng nàn, là tinh thần đoàn kết, là sự gắn bó làng xã, là đạo đức bao dung nhân ái, trọng nghĩa tình đạo lý, là đức tính cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, là sự tinh tế trong ứng xử, dạy người Sán Dìu về lối sống giản dị, là nền tảng tinh thần phát triển đồng hành cùng xã hội. Chúng tôi hiện nay vẫn đang cố gắng coi trọng, kế thừa và gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phi vật thể mà cha ông ta đã sáng tạo nên”.

    Qua những lời của ông Năm, bất chợt trong tôi liên tưởng tới dân ca Quan họ Bắc Ninh, bởi tinh hoa của Quan họ, qua từng lời hát cũng dạy con người những lề lối, cách thức ứng xử làm người, trọng nghĩa tình.

    Tôi bắt đầu lân la hỏi chuyện thêm các nghệ nhân và biết rằng, hình thức của dân ca Soọng cô cũng chủ yếu là theo lối hát đối đáp, giao duyên giữa nam và nữ giống như hình thức hát canh của Quan họ. Người Sán Dìu xưa cũng có các hoạt động đi chơi, giao lưu giữa các làng bản, cũng rủ nhau về nhà và hát tới hết đêm hay cả mấy ngày mấy đêm. Hát Soọng cô không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, hoàn cảnh hay môi trường diễn xướng. Họ có thể hát trong lao động sản xuất, hát ru con, hát chúc mừng năm mới, hát trong các dịp lễ hội, hát mừng đám cưới hay trai hát hát giao duyên tìm hiểu trong lúc đến chơi làng. 

    Dân ca Soọng cô: Mến nhau, yêu nhau, thành vợ thành chồng nhờ câu hát (Bài 1)- Ảnh 2.

    Ẩn chứa trong từng câu hát Soọng cô là những ý nghĩa văn hóa vô cùng nhân văn, dạy người Sán Dìu những nếp sống, cách làm người. Ảnh: Thái Sinh Trần.

    Theo NNƯT Lê Đại Năm, tùy từng lứa tuổi mà loại hình dân ca này chia thành các hình thức hát khác nhau. Đó là hát đọc (từ 15 tuổi trở xuống) và hát luyến (từ 15 tuổi trở lên) hoặc ở một trình độ cao hơn là hát ru lời.

    Trong làn điệu Soọng cô của ngày nay vẫn duy trì các câu hát cũ và sáng tác thêm các bài hát sát thực với hiện tại như ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ và ca ngợi tình yêu quê hương đất nước.

    Với những giá trị nhân văn đó, dân ca Soọng cô của người Sán Dìu đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở các tỉnh như Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Thái Nguyên.

    Hát Soọng cô để nên duyên

    Người Sán Dìu thời xưa trong các sinh hoạt đều không thể thiếu câu hát Soọng cô. Cũng từ câu hát, họ mến nhau, hiểu nhau, yêu nhau mà kết nên duyên vợ chồng.

    Cũng trong Hội thi hát giao lưu Soọng cô, tôi gặp gỡ nghệ nhân Trương Thị Chong (CLB Soọng cô xã Tam Quan, Tam Đảo, Vĩnh Phúc) và nghệ nhân Trần Văn Đạo (CLB Soọng cô xã Minh Quang, Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Hai nghệ nhân chính là bạn hát đối đáp của nhau thời xưa. Bà Chong kể, thời xưa, nhà bà thường tập trung đám thanh niên làng khác đến hát, hát thâu đêm, suốt sáng, trong đó có ông Đạo. Cũng nhờ đó mà bà học và biết được nhiều bài hát.

    “Bà này (vừa nói vừa chỉ vào bà Chong) hát hay mà thuộc nhiều câu khó đối lắm. Ngày đó, tôi còn tưởng lấy được bà ấy rồi (cười), giờ nhiều khi nói vui vẫn còn tiếc”, ông Đạo vui vẻ kể lại.

    NNƯT Lục Văn Bảy (chủ nhiệm CLB Soọng cô xã Ninh Lai, Sơn Dương, Tuyên Quang) chia sẻ, thuở mới 16 – 17 tuổi, trong những lần đi xéo lúa, ông đã nghe các anh hát Soọng cô và học theo. Câu hát Soọng cô thuở ấy cũng chủ yếu được truyền miệng. Dần dần học được nhiều bài hát. Mặc dù ông Bảy không thuộc, nhưng trong nhóm chỉ cần 1 người biết hát, biết đối đáp và hát trước, còn ông hát theo sau, cứ nhiều lần như thế là thuộc.

    Dân ca Soọng cô: Mến nhau, yêu nhau, thành vợ thành chồng nhờ câu hát (Bài 1)- Ảnh 3.

    Người Sán Dìu thời xưa đa phần đều nên duyên vợ chồng từ hát Soọng cô. Ảnh: Học viện Dân tộc.

    “Học hát mãi cũng mê, ham lắm! Thuở ấy, tôi chỉ mong có các chị em đến chơi làng hoặc tôi cũng nhiều lần các anh đi các làng khác, thậm chí sang tận Thái Nguyên để hát”, ông Bảy nhớ lại.

    Theo NNƯT Lục Văn Bảy, người Sán Dìu thời xưa đa số đều nên duyên từ câu hát Soọng cô. Trong những lần hát giao duyên, các cặp trai gái được gần gũi, được thể hiện tình cảm, ứng xử, rồi có ý tứ với nhau. 

    Sau thời gian tìm hiểu thông qua hát mà cảm thấy mến mộ, các chàng trai sẽ về thưa chuyện với cha mẹ mang cơi trầu qua để xin cưới. Hoặc nếu không quen biết từ trước, chàng trai muốn đi xem mắt phải rủ theo các bạn xuống nhà gái để hát giao duyên hôm đó. Qua đêm hát ấy, nhà gái quan sát và mới quyết định có gả con gái hay không.

    Chính từ một lần sang làng bên để hát, ông đã gặp một người con gái hát rất hay và đối đáp giỏi hơn mình. Trong nhiều cuộc hát về sau, cả hai đã mến nhau vì câu hát, dần dần tìm hiểu và đến với nhau. Đó cũng là lý do ông Bảy luôn trân quý, tự hào và say đắm câu hát của dân tộc mình. Với những người cùng thời của thế hệ ông Bảy, đó là một thứ men tình không thể thiếu; là báu vật của người Sán Dìu và phải giữ gìn cho tới mai sau. 

    (Còn tiếp)


    Speak Your Mind

    *