May 3, 2024

Tại sao Mo Mường và Chèo được chọn trình UNESCO ghi danh di sản nhân loại?

  • Chuyên gia đặt niềm tin ở tân HLV tuyển Việt Nam Kim Sang Sik
  • Sắp xử phúc thẩm cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và 11 bị cáo trong vụ án Việt Á
  • Lợi thế của HLV Kim Sang Sik với bóng đá Việt Nam

  • Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đồng ý đệ trình UNESCO xem xét, đưa Di sản văn hóa phi vật thể “Mo Mường” (Hòa Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình, Phú Thọ, Sơn La, Hà Nội và Đắk Lắk) vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và Di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật Chèo” (Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nội và Hải Phòng) vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; ủy quyền Bộ trưởng Bộ VHTTDL ký các Hồ sơ theo quy định.

    Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ VHTDL làm các thủ tục cần thiết để gửi các Hồ sơ di sản tới UNESCO, bảo đảm thời gian theo quy định của Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể 2003 và pháp luật về di sản văn hóa.

    Mo Mường – kho di sản văn hóa dân gian độc đáo

    Mo Mường là hoạt động diễn xướng dân gian được thể hiện trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng tâm linh của người Mường. Không gian tổ chức các hoạt động diễn xướng và lời mo được diễn ra trong đời sống cộng đồng và trong từng gia đình tổ chức một nghi lễ.

    Tại sao Mo Mường và Chèo được chọn trình UNESCO ghi danh di sản nhân loại?- Ảnh 1.

    Khi thực hành nghi lễ, thầy mo là người nói, đọc, hát các bài mo khi làm lễ. Ảnh: TL

    Chủ thể thực hành Mo Mường là các thầy mo, đây là những người giữ tri thức mo, thuộc lòng hàng vạn câu mo và thông thạo các nghi lễ, tập quán, là người uy tín được cộng đồng tin tưởng. Khi thực hành nghi lễ thầy mo là người nói, đọc, hát các bài mo khi làm lễ.

    Người Mường không có chữ viết riêng nên các bài mo (bài khấn) của người Mường được lưu truyền từ thế hệ thầy mo này qua thế hệ thầy mo khác bằng phương pháp truyền miệng, được tồn tại và duy trì thông qua các nghi lễ trong dân gian của người Mường.

    Mo Mường bao gồm rất nhiều bài mo, đoạn mo được sử dụng trong từng nghi lễ cụ thể. Mo Mường có 09 thể loại: Mo trong Lễ tang (Mỏ ma), Mo vía (Mo Voái), Mo giải hạn, Mo xin số, Mo ngày tết, Mo Thổ công thổ địa, Mo đôi đũa, Mo Mát nhà, Mo Mụ.

    Đề cập đến những giá trị đặc biệt của Mo Mường, Nhà nghiên cứu, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Nợi cho rằng, giá trị đầu tiên nổi bật là tính sử thi gắn liền những nội dung liên quan lịch sử dân tộc và nhân loại, từ chuyện đẻ đất, đẻ nước, đẻ người, lúc còn ăn lông ở lỗ đến khi tìm ra lửa, tơ tằm, lúa gạo, làm nhà, có gia đình, biết chế tạo công cụ đồng làm nồi xanh, xây cung điện…

    Bên cạnh đó là giá trị về tâm linh, phong tục. Người Mường quan niệm chết không phải là hết. Sang cõi Mường Ma tối tăm ban đầu còn lạ lẫm, linh hồn cần ông Mo dẫn dắt chỉ bảo mới biết ăn uống, nhận biết anh em họ hàng, nhận ruộng nương, nhà cửa, thuộc đường đi lối về phù hộ độ trì cho con cháu. Qua ông Mo, người mất dặn con cháu phải biết sống nhân đạo, thương yêu, quý trọng mọi người; anh chị em trong nhà luôn phải biết nhường nhịn, cảm thông, tha thứ… Ngoài ra, Mo Mường còn dạy con người về giá trị của lao động sáng tạo và hàm chứa nhiều giá trị khác về tư tưởng triết học, nghệ thuật biểu diễn, ngôn ngữ thể hiện…

    Trong khi đó, TS Ðỗ Quang Trọng – Phó Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa và TS Nguyễn Văn Hải – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn Di sản Văn hóa tỉnh Thanh Hóa khẳng định, nói đến Mo Mường là nói đến những nghi lễ dân gian có tính thiêng được sử dụng trong tang lễ hay nghi lễ cầu cho mọi điều tốt lành của người Mường. Mo gắn liền với vòng đời của con người, từ khi sinh ra cất tiếng khóc chào đời, ông Mo cầu cho trẻ hay ăn, chóng lớn. Tuổi trưởng thành, khi đau yếu, Mo làm vía giải hạn, trừ tà ma.

    Vai trò của ông Mo còn thể hiện qua đám cưới, trong lễ cúng gia tiên hai họ đến đón dâu hay lễ mừng nhà mới, lễ mát nhà, cầu sức khỏe, bình an… Khi nhắm mắt xuôi tay về với Mường Trời, ông Mo đóng vai trò là cầu nối tiễn hồn người chết sang thế giới bên kia.

    Chèo – Loại hình nghệ thuật dân gian đậm đà tính dân tộc

    Theo nhiều tài liệu nghiên cứu để lại, Chèo được khởi nguồn từ kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) vào thế kỉ X và người sáng lập là bà Phạm Thị Trân, một vũ ca nổi tiếng trong hoàng cung nhà Đinh. Từ kinh đô Hoa Lư, nghệ thuật Chèo được phát triển rộng khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ, mạnh nhất là ở một số địa phương Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nam, Hưng Yên, Hà Nội… rồi lan dần sang cả khu vực miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

    Tại sao Mo Mường và Chèo được chọn trình UNESCO ghi danh di sản nhân loại?- Ảnh 2.

    Chèo là một loại hình sân khấu kết hợp của các yếu tố hát, múa, nhạc, kịch vô cùng độc đáo. Ảnh: TL

    Khác với các loại hình nghệ thuật dân gian khác, Chèo là một loại hình sân khấu kịch hát đậm đà tính dân tộc với sự kết hợp của các yếu tố hát, múa, nhạc, kịch vô cùng độc đáo. Hát Chèo là lối hát sân khấu, có thể đơn ca, song ca hoặc đồng ca. Giai điệu của các làn điệu hát chèo rất phù hợp với giọng tự nhiên và ngôn ngữ của người Việt. Một vở Chèo có thời lượng khoảng 2 tiếng đồng hồ. Khi diễn Chèo đòi hỏi diễn viên phải thể hiện đủ các kỹ năng hát, múa, diễn trên nền nhạc do các nhạc công hòa tấu bằng nhiều nhạc cụ như trống, mõ, sáo, nhị, tam thập lục… tạo hiệu ứng lan tỏa của lời hát.

    Nội dung các vở Chèo thường miêu tả cuộc sống bình dị của người nông dân, ca ngợi những phẩm chất cao quý của con người, phê phán những thói hư, tật xấu, chống lại bất công, thể hiện tình yêu thương, lòng bao dung, sự tha thứ. Chính vì thế, khi xem Chèo, người ta không chỉ được tận hưởng những phút giây thư giãn đầy tiếng cười, mà còn có cơ hội trải nghiệm và suy ngẫm về sự đời.

    Nhân vật trong chèo thường mang tính ước lệ, có tính văn học cao. Đáng chú ý, hề Chèo tuy là một vai diễn phụ nhưng lại khá quan trọng đến mức dân gian có câu “phi hề bất thành Chèo”. Với lối diễn tung hứng, dí dỏm, hề Chèo không chỉ mang lại tiếng cười cho người xem thông qua việc đả kích những thói hư tật xấu của xã hội phong kiến như vua quan, những người có quyền, có của trong làng xã, mà còn chứa đựng, chuyển tải cả những tinh thần, tư tưởng khác của vở diễn.

    Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, không gian biểu diễn nghệ thuật Chèo cũng dần thay đổi. Ngày nay, Chèo không chỉ được biểu diễn ở sân đình làng quê mà còn được dàn dựng để biểu diễn trên những sân khấu lớn có sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị âm thanh ánh sáng hiện đại. Xu hướng sân khấu hóa cũng kéo theo sự hình thành, phát triển của những vở Chèo hiện đại có nội dung mang tính thời sự, mang hơi thở của cuộc sống, thời đại để dễ hướng tới người xem hơn.

    NSƯT.TS Lê Tuấn Cường – Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Việt Nam cho rằng, thoát thai từ văn minh lúa nước, Chèo là hình thức nghệ thuật độc đáo được sinh ra từ làng quê châu thổ Bắc Bộ, qua hàng nghìn năm gắn bó với đời sống của nông dân. Với những đặc sắc riêng có trong nghệ thuật và tiềm ẩn nhiều giá trị thẩm mỹ, nhân văn, chèo không chỉ là món ăn tinh thần trong lúc thư nhàn của người dân quê mùa chất phác mà còn đi vào đời sống với những bài học sâu sắc về đạo lý, nhân sinh. 

    “Chính vì vậy, chèo luôn có sức sống mãnh liệt. Những vở chèo như: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình – Dương Lễ, Tôn Mạnh – Tôn Trọng, Từ Thức, Trương Viên, Kim Nham, Chu Mãi Thần… sẽ mãi là viên ngọc quý của sân khấu truyển thống Việt Nam.

    Chính vì hòa cảm trong mạch nguồn đời sống, văn hóa tinh thần của người Việt nên chèo đã chịu tác động sâu sắc trước những thăng trầm thời cuộc và sự biến đổi của xã hội. Từ một loại hình văn hóa nghệ thuật sân khấu dân gian gắn với di sản làng, chèo được hiện đại hóa, đưa lên các sân khấu nhà hát với lối thể hiện bài bản, chuyên nghiệp. Theo các nhà nghiên cứu, điều này một mặt giúp chèo lan tỏa đến đông đảo đối tượng khán giả, mặt khác cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc lưu giữ, phát huy những giá trị cổ, để chèo không bị cách tân quá đà, không bị lai tạp, đánh mất bản sắc”, NSƯT Lê Tuấn Cường nói.


    Speak Your Mind

    *