May 3, 2024

Diễn đàn 'Bóng đá Việt Nam làm gì để lấy lại vị thế?': CLB và mạng lưới đào tạo học đường

  • “Lý Mạc Sầu đẹp nhất màn ảnh“ quyến rũ nồng nàn ở tuổi U40 nhờ ngủ đủ giấc, ăn đúng cách
  • Hôn nhân nhiều sóng gió của Quách Tuấn An
  • Lương của HLV Kim Sang Sik thấp hơn ông Park Hang Seo

  • Được xem là học viện hàng đầu châu Á, nhưng một PVF chưa đủ để giúp bóng đá Việt Nam phát triển - Ảnh: HUY ĐĂNG

    Được xem là học viện hàng đầu châu Á, nhưng một PVF chưa đủ để giúp bóng đá Việt Nam phát triển – Ảnh: HUY ĐĂNG

    Có thể nói cho đến nay lò đào tạo hiện đại nhất chúng tôi từng chứng kiến vẫn là Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF của Việt Nam.

    Một trâu tam đẳng, không bằng trăm trâu nhất đẳng

    Học viện PVF cũng là nơi làm việc đầu tiên tại Việt Nam của HLV Philippe Troussier. Tuy thất bại trong cương vị HLV trưởng tuyển Việt Nam, nhưng cần phải thừa nhận rằng với 30 năm rảo bước khắp các nền bóng đá toàn cầu, ông Troussier sở hữu khối lượng kiến thức đồ sộ, đáng ngưỡng mộ với những người làm bóng đá. 

    Năm 2018, việc PVF mời được ông Troussier đảm nhiệm vị trí giám đốc kỹ thuật cho học viện khiến nhiều nền bóng đá tầm cỡ ở châu lục cũng phải trầm trồ.

    PVF khi đó đáp ứng tất cả những tiêu chuẩn cao nhất của một lò đào tạo tầm cỡ châu lục, bao gồm những công nghệ hiện đại, sân bãi chỉn chu, những chuyên gia nước ngoài hàng đầu (như ông Troussier) và chăm lo đời sống các học viên đầy đủ đến tận răng. 

    Năm 2020, học viện được LĐBĐ châu Á (AFC) cấp chứng nhận “học viện 3 sao” – mức độ cao nhất với các lò đào tạo ở châu Á, ngang với những lò đào tạo trứ danh như Jeonbuk (Hàn Quốc) hay Aspire (Qatar).

    Trong khoảng thời gian phát triển của PVF, phóng viên Tuổi Trẻ từng nhiều lần tiếp cận các lò đào tạo của Thái Lan, ở những CLB lớn như MuangThong hay Buriram. Và chẳng nơi nào ở Thái Lan có thể hơn hay thậm chí sánh bằng PVF, xét ở mức độ đầu tư. Dù vậy, Thái Lan vẫn có một nền bóng đá khiến Việt Nam phải ngưỡng mộ.

    Điểm đầu tiên, không thể lấy PVF làm đại diện cho hệ thống đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam. Học viện ra đời từ năm 2007 này được xem là lò đào tạo số 1, và vượt xa các lò đào tạo của CLB ở Việt Nam. 

    Trong khi đó, Thái Lan sở hữu vô số những lò đào tạo chất lượng khá. Thêm vào đó, từ lâu các CLB ở Thai League đều đã xây dựng được mô hình “mạng lưới đào tạo”, phủ khắp đến các trường học.

    CLB bắt tay với trường học

    Người hâm mộ Thái Lan không xa lạ với Trường Assumption Thonburi, nơi được xem là “lò đào tạo sơ cấp” hàng đầu của bóng đá Thái. Đây là một ngôi trường Công giáo tọa lạc ở thủ đô Bangkok, từ tiểu học đến hết trung học phổ thông. 

    Trường có một sân vận động với khán đài khoảng 2.000 chỗ ngồi. Ngay sát bên là hai sân tập, cùng phòng tập gym, phòng họp báo, phòng khám sức khỏe…

    Rất nhiều ngôi sao hiện tại của tuyển Thái Lan xuất thân từ Trường Assumption Thonburi như: Teerasil Dangda, Theerathon Bunmathan, Kawin Thamsatchanan hay Sarach Yooyen. Với Bunmatha và Dangda, họ chuyển đến học tại đây ở tuổi 15, thời điểm đã là một cầu thủ trẻ có tiềm năng. Nhưng Thamsatchanan và Yooyen được phát hiện, rồi đào tạo hoàn toàn tại nơi đây.

    Assumption Thonburi sở hữu một đội bóng chơi ở Giải hạng nhì Thái Lan (Thai League 3), giải đấu bao gồm trên dưới 80 đội bóng. Trường còn ký hợp đồng với CLB MuangThong United để trở thành một phần của lò đào tạo từ đội bóng danh tiếng này. 

    Hằng năm, MuangThong tài trợ và hỗ trợ nhà trường phát triển bóng đá bằng cách cử các chuyên gia và trao cơ hội cho những học sinh tài năng của trường.

    Bầu không khí bóng đá

    Tất cả những yếu tố đó có thể khái quát thành một nguồn cảm hứng mạnh mẽ, mà một CLB danh tiếng như MuangThong mang đến cho hệ thống bóng đá học đường của Thái Lan. 

    Đó cũng là phương thức mà thể thao Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như các nước phương Tây từ lâu đã định hướng.

    Như ở Nhật Bản, các CLB bóng bàn trong trường trung học có mối liên kết chặt chẽ với những CLB chuyên nghiệp, cũng như đội tuyển bóng bàn quốc gia các lứa tuổi. Các học sinh thường xuyên được tiếp cận với giới thể thao đỉnh cao. 

    Qua đó, họ có một định hướng rõ ràng về con đường VĐV chuyên nghiệp. Với bóng đá, sự liên kết này lại càng chặt chẽ hơn. Hàn Quốc thậm chí còn có cả liên đoàn bóng đá các trường đại học.

    Simon Chadwick, giáo sư chuyên ngành thể thao Á – Âu, nhận định: “Đây là một khái niệm còn rộng hơn thể thao học đường. Chúng ta có thể gọi đó là một bầu không khí bóng đá. Các đứa trẻ lên trường chơi bóng mỗi ngày. 

    Hằng tuần được cha mẹ dắt đi xem các trận đấu của đội bóng địa phương và gặp gỡ các thần tượng mỗi tháng. Cứ như vậy, bóng đá trở thành một nghề nghiệp như mọi nghề khác trong xã hội”.

    Ông Trần Văn Nghĩa – nguyên tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền TP.HCM, một doanh nhân ngành thể thao, từng bỏ công bỏ sức tìm hiểu nền thể thao các nước – đưa ra quan điểm: “Trước đây, tôi từng cố gắng đi theo mô hình này. Đó là đưa các CLB, các VĐV chuyên nghiệp đến với một số trường học. 

    Các học sinh sẽ thường xuyên được tiếp xúc với giới thể thao đỉnh cao, từ đó các em sẽ yêu thích thể thao hơn, có suy nghĩ nghiêm túc hơn về nghề VĐV. Kể cả không theo nghiệp VĐV, phong trào tập luyện cũng sẽ được lan rộng. Nhưng làm được như vậy không dễ, vì cần sự liên kết chặt chẽ giữa hai ngành thể thao và giáo dục”.

    Một lò đào tạo, dù hiện đại đến đâu cũng khó lòng hùng mạnh mãi. Việc PVF liên tục sang tay đổi chủ, với quy mô mỗi lúc một giảm dần sau từng năm là ví dụ điển hình. Trong khi đó, một “bầu không khí bóng đá” lại là thứ trường tồn!

    Nhiều học viện chưa chắc đã tốt

    Năm 2015, Trung Quốc đề ra “dự án 2050”, chia làm 3 bước quan trọng gồm phát triển hệ thống giải đấu (bằng việc lôi kéo nhiều siêu sao nước ngoài), nâng cao thành tích các đội trẻ và xây dựng 20.000 trung tâm huấn luyện chất lượng cao. Theo kế hoạch, đến năm 2050 tuyển Trung Quốc sẽ đủ sức tranh chức vô địch World Cup.

    Đến nay, tuy dự án đã đi được 1/3 quãng đường, nhưng nhìn chung nó không được đánh giá cao. Không phải vì Trung Quốc không quyết liệt, mà theo các chuyên gia Tây phương, ngay từ đầu họ đã đi sai đường.

    “Dù có xây nhiều học viện đến đâu đi nữa, một nền bóng đá vẫn cần một bầu không khí như đã nói ở trên để có thể phát triển lâu dài. Đó là điều mà hiện Trung Quốc chưa làm được”, giáo sư Chadwick nói.


    Speak Your Mind

    *