May 2, 2024

Doanh thu hơn 20 tỷ đồng, “Đào, phở và piano” vẫn chưa phải phim Nhà nước có doanh thu “khủng” nhất?

  • Phim Việt vượt phim ngoại dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, “Lật mặt 7” của Lý Hải xếp ở vị trí nào?
  • Tay đua 19 tuổi Phạm Lê Xuân Lộc lập kỷ lục chưa từng có trong làng xe đạp Việt Nam
  • 4 cách bổ sung tăng cường collagen cho da cực kỳ đơn giản

  • Doanh thu Đào, phở và piano là bao nhiêu?

    Đào, phở và piano – bộ phim sử dụng ngân sách Nhà nước gây sốt thời gian qua, thu về gần 21 tỷ đồng và hòa vốn sau gần 3 tháng công chiếu. Sở dĩ, con số này lại cao như vậy cũng bởi hiệu ứng truyền miệng bất ngờ mà Đào, phở và piano mang lại, khởi điểm từ mạng xã hội với những khán giả cảm thấy tò mò, vì lâu lắm rồi mới có một bộ phim nói về đề tài lịch sử đất nước, khơi dậy tinh thần yêu nước bên trong họ. 

    Ban đầu phim chỉ chiếu ở Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, nhưng sau đó được các cụm rạp đem về trình chiếu phi lợi nhuận, thu hút lượng khán giả lớn. Đến tháng 3, phim đã được 17 nhà phát hành, cụm rạp và Trung tâm Văn hóa Điện ảnh một số tỉnh, thành phố tham gia phát hành, phát phổ biến phim trên phạm vi cả nước.

    Doanh thu hơn 20 tỷ đồng, "Đào, phở và piano" vẫn chưa phải phim Nhà nước có doanh thu "khủng" nhất?- Ảnh 1.

    Đào, phở và piano có doanh thu 20,8 tỷ đồng. Ảnh: NSX

    Thực chất, nếu tính theo giá thị trường, cụ thể là tỷ lệ ăn chia giữa nhà sản xuất và nhà phát hành, bộ phim Đào, phở và piano phải thu được 50 tỷ đồng mới hòa vốn.

    Đại diện Box Office Vietnam chia sẻ với Dân Việt: “Đây là một trường hợp vô cùng thú vị của điện ảnh Việt Nam. Nếu được thống kê chính xác, đầy đủ thì sẽ giúp chúng ta nhận thấy các bộ phim có chủ đề lịch sử, các bộ phim được cấp vốn bởi Nhà nước hoàn toàn có thể thu hút khán giả cả nước và tạo ra những “cơn sốt” tại phòng vé.

    Chúng tôi hy vọng sự thành công ngoài phòng vé của phim Đào, phở và piano sẽ tạo ra sự chú ý của các cơ quan quản lý Nhà nước, giúp cho những tác phẩm sau này có chiến lược truyền thông, quảng cáo, giới thiệu và phổ biến bài bản hơn, rộng rãi hơn”.

    Trước thành công này, nhiều người lầm tưởng phim Đào, phở và piano là phim Nhà nước có doanh thu cao nhất từ trước tới nay, nhưng thực tế không phải. Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ra mắt năm 2015 của đạo diễn Victor Vũ, được hợp tác sản xuất bởi Galaxy Media & Entertainment, Saigon Concert, PS Việt Nam, Hãng phim Phương Nam và Truyền hình K+ với sự đầu tư của Cục Điện ảnh Việt Nam đã thu về 77 tỷ đồng.

    Năm 2003, đạo diễn Lê Hoàng cho ra mắt phim Gái nhảy thu về 12 tỷ đồng – một con số kỷ lục thời điểm đó. Nội dung bộ phim xoáy sâu vào cuộc sống của những cô gái làng chơi, cũng như tệ nạn xã hội mại dâm, ma túy. 

    Doanh thu hơn 20 tỷ đồng, "Đào, phở và piano" vẫn chưa phải phim Nhà nước có doanh thu "khủng" nhất?- Ảnh 2.

    Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh do Nhà nước đặt hàng. Ảnh: NSX

    Theo trang trông tin của Cục Điện ảnh nhận xét: “Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là bộ phim do Nhà nước đặt hàng và trực tiếp mời Victor Vũ đạo diễn. Có thể nói trong nhiều năm trở lại đây, hiếm có bộ phim Việt nào do Nhà nước đặt hàng mà trước khi công chiếu một thời gian dài lại tạo nên sự háo hức trông đợi và kỳ vọng của khán giả lớn đến vậy”.

    Từ các trường hợp kể trên, có thể thấy câu chuyện phim Nhà nước đạt doanh thu cao là không hề khó, chỉ có ở cách làm thế nào mà ở đây theo nhiều chuyên gia đánh giá, cần có sự phối hợp chủ động hơn với các đơn vị tư nhân.

    Chia sẻ với Dân Việt, ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh cho hay: “Không phải Bộ VHTTDL không muốn phổ biến phim rộng rãi mà do các phim sử dụng ngân sách như Đào, phở và piano bị vướng cơ chế, chỉ được đầu tư kinh phí sản xuất chứ không có tiền cho quảng bá, phát hành. Hệ thống rạp lớn hầu hết là của tư nhân hay liên doanh với nước ngoài nên muốn phát hành ở các rạp đó thì phim phải phân chia lợi nhuận, nhưng doanh thu của phim do Nhà nước đặt hàng lại phải nộp vào ngân sách. Đến nay vẫn chưa có quy định về trích tỷ lệ phần trăm phát hành phim do Nhà nước đặt hàng đối với các đơn vị phát hành phim ở hệ thống rạp”, ông Vi Kiến Thành nói.

    Bởi lẽ đó, phim thiếu chiến lược quảng bá, truyền thông và không hề có sự chủ động trong khâu phát hành. Sự cố “sập web” của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cho thấy việc bị động về mặt chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật và nhân lực. Việc hai cụm rạp Beta Cinema và Cinestar nhận phát hành Đào, phở và piano phi lợi nhuận, tiền vé thu được nộp lại vào ngân sách Nhà nước cũng là “hữu xạ tự nhiên hương” chứ hoàn toàn không phải do Nhà nước chủ động đặt vấn đề.

    Trước những khó khăn liên quan đến việc sản xuất, phổ biến các phim sử dụng ngân sách Nhà nước, đại diện Cục Điện ảnh đề xuất Bộ VHTTDL chỉ đạo các cơ quan tham mưu, quản lý tiếp tục nghiên cứu xây dựng các chính sách, cơ chế để tạo hành lang pháp lý chắc chắn, không chồng chéo hoặc mâu thuẫn với các quy định đã được ban hành. 

    Lãnh đạo Cục Điện ảnh đề xuất rà soát các quy định có liên quan để điều chỉnh hoặc phối hợp với các Bộ, ngành khác kiến nghị điều chỉnh để đảm bảo hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thống nhất về quan điểm, chủ trương và thuận lợi khi áp dụng. Cần bổ sung quy định để có cơ sở thực hiện nhiệm vụ kết hợp sản xuất phim từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa, nhiệm vụ phát hành, phổ biến phim nói chung, trong đó chú trọng phát hành, phổ biến phim có sử dụng ngân sách Nhà nước (bao gồm cả sản xuất phim kết hợp nguồn xã hội hóa và nguồn ngân sách Nhà nước).


    Speak Your Mind

    *