May 2, 2024

Sáp nhập xã, phường: Cần lắm một tầm nhìn!

  • Thua Iraq, U23 Indonesia phải tranh vé vớt dự Olympic 2024 với Guinea
  • U23 Iraq – U23 Indonesia (hiệp phụ 2) 2-1: Ali Jasim nâng tỉ số
  • U23 Iraq – U23 Indonesia (hiệp 2) 1-1: Zaid Tahseen gỡ hòa

  • Hồi bé, tôi là người luôn loay hoay tìm hiểu ý nghĩa của từng con phố, tên ngõ. May mắn ba tôi đã tìm mua được cho tôi cuốn sách “Những tên phố, tên đường” của tác giả nào đó, lâu rồi nên tôi không thể nhớ, để thỏa mãn phần nào mong muốn của tôi. Lúc đó tôi mới biết tới các vị tướng Đỗ Hành, Vũ Hữu Lợi… là ai bên cạnh các tướng Trần Quốc Toản, Yết Kiêu, Dã Tượng… đã quá nổi tiếng mà gần như ai cũng biết. Có điều, các biển tên phố cứ đổi nay là Đỗ Hạnh, Vũ Lợi, mai là Đỗ Hành, Vũ Hữu Lợi cũng làm bọn trẻ hoang mang.

    Hồi chiến tranh phải đi sơ tán nhiều nơi, không hiểu sao những cái tên như Mỹ Tiên, Phù Cừ, Phú Hữu, Khoái Châu, Vân Nội, chợ Chờ, Đông Thọ, Tiên Du… cứ mãi trong trí nhớ của tôi, trong khi những Tiền Phong, Quang Vinh… ở đâu thì tôi không thể nhớ.

    Sáp nhập xã, phường: Cần lắm một tầm nhìn!- Ảnh 1.

    Bởi vậy, đặt tên cần lắm một tầm nhìn, cần lắm một văn hoá và sự hiểu biết, hiểu biết cả về lịch sử, địa lý và nhiều điều nữa. (Ảnh: Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc)

    Khi lấy chồng được đưa về quê cha đất Tổ chào họ hàng, tôi ghé tai hỏi thầm chồng, rằng: “Sao tên quê anh toàn những Nhất Trí với Đại Thắng nghe như hô khẩu hiệu thế?”, ông ấy cười buồn và nói: “Tên cũ làng anh hay lắm nhưng chả biết sao lại bị đổi thành thế”. Sau này trước khi mất, ông ấy có xây cổng nghĩa trang làng và tên cũ của làng được khắc trên tấm biển, như thể hiện một sự nuối tiếc về một cái tên luôn nằm trong nỗi nhớ của cả dân làng.

    Khi cha mẹ sinh con, cả nhà từ ông bà, cha mẹ đến cô chú họ hàng ai cũng quan tâm đến việc đặt tên đứa trẻ, sao cho tên thật hay, có ý nghĩa mà không bị phạm huý đến ông cha hoặc các vị thần, vị tướng, hay danh nhân. Nay xã hội phát triển hơn, tư tưởng cởi mở hơn, người mình đã học phương Tây cách lấy tên những người mình yêu mến, kính trọng đặt cho con cháu. Để thấy, tên gọi của cá nhân quan trọng thế nào, huống hồ tên gọi của một làng, một xã, một địa danh.

    Các cụ ta xưa họ thâm thuý và sâu sắc lắm khi đặt tên làng xã mình. Những cái tên đó đã theo mỗi  người con của làng, xã đi khắp nẻo, với bao ký ức về từng gầu nước giếng làng mát rượi, mà ông bà cha mẹ họ đã kéo lên uống mỗi khi đi đồng về ngồi nghỉ trước khi về nhà. Là những chiếc mo nang nằm hững hờ dưới những rặng tre, tạo thành lũy che nắng che mưa cho lũ trẻ chơi các trò chơi dân gian, giờ đã dần mai một. Thật buồn mỗi khi trở về hoặc phải khai báo giấy tờ gì, những người con đó lại phải điền những cái tên lạ hoắc vào phần quê quán, chưa nói khi cần làm xác nhận gì về nhân thân, họ phải loay hoay với hết chỗ nọ nơi kia để tìm ra người có liên quan có thể giải quyết cho mình.

    Sáp nhập xã, phường: Cần lắm một tầm nhìn!- Ảnh 2.

    Các cụ ta xưa họ thâm thuý và sâu sắc lắm khi đặt tên làng xã mình. (Ảnh: Luật sư Quỳnh Anh)

    Sáp nhập xã, phường: Cần lắm một tầm nhìn!- Ảnh 3.

    “Một nước nông nghiệp với văn hóa làng xã đã thành dấu ấn khó phai mờ trong tiềm thức của người dân thì tên tuổi của làng, xã cũng là một điều khó tách rời khỏi lịch sử và văn hóa của họ”, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh chia sẻ!

    Không chỉ sáp nhập địa danh và ghép tên hoặc xóa tên, người ta còn sáp nhập các trường với tình trạng đặt tên tương tự. Trước ở Hà Nội người ta sáp nhập trường Trưng Vương và Nguyễn Du ở quận Hoàn Kiếm rồi treo biển tên trường cũ với tên mới là trường Trưng Vương – Nguyễn Du, giờ hình như tên nào lại về với trường ấy thì phải. Riêng vụ sáp nhập trường phổ thông cấp III Lý Thường Kiệt với cấp III Việt – Đức thì lấy Việt – Đức đặt cho trường mới, thật lạ và buồn.

    Bởi vậy, đặt tên cần lắm một tầm nhìn, cần lắm một văn hoá và sự hiểu biết, hiểu biết cả về lịch sử, địa lý và nhiều điều nữa. Không phải cứ thích, cứ tiện thì đổi rồi gán cho nó những cái tên rỗng nghĩa vô lối. Cứ nghĩ bố mẹ đặt tên xong, đứa con khi không thích lại đòi đổi rồi kéo theo bao thủ tục và thói quen phải thay đổi lại thấy vô lý. Chắc không ít người đã phải trải qua nỗi kinh hoàng trong hành trình dằng dặc xin xác định tình trạng nhân thân của mình và người thân, bao gồm cả người đã mất từ rất lâu rồi. Ai cũng hiểu mỗi sự phân chia đều kéo theo rất nhiều hệ luỵ, đặc biệt là việc mất hay thất lạc thông tin, ở nước ngoài có khi phải cất công giải thích Vinh Quang chính là làng Đông…

    Sáp nhập xã, phường: Cần lắm một tầm nhìn!- Ảnh 4.

    Cần cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng trong việc đặt tên địa danh, bởi nó thể hiện sự tôn trọng của chúng ta đối với các bậc tiền nhân, đối với nhân dân, với văn hóa và lịch sử dân tộc. (Ảnh: Luật sư Quỳnh Anh).

    Người dân mong lắm ít sự tách nhập. Thực tế đã chứng minh mong ước của người dân là hợp lý. Nếu chỉ tính theo số dân cơ học và một số chỉ tiêu khác mà chia tách thì sự chia tách đó cũng chưa phải hợp lý lắm. Rồi đi kèm với sự chia tách là đặt lại tên cũng thực là câu chuyện cười trong nước mắt. Chuyện gì xảy ra nếu quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng sát nhập lại và người ta áp dụng phương pháp ghép tên thô thiển để quận mới có tên Hai Kiếm!

    Cái tên thường gắn với cả đời người mà đời người thì được ví với trăm năm. Ấy là tên người. Tên địa danh thì có thể kéo dài đến thế kỷ, đến nghìn năm, hầu như chẳng ai nghĩ đến việc thay đổi nó.

    Người dân chúng tôi mong lắm các cơ quan hữu quan suy xét thật kỹ càng và khoa học khi sáp nhập làng xã và việc đặt tên, xét cả từ góc độ lịch sử, văn hóa và thói quen. Một nước nông nghiệp với văn hóa làng xã đã thành dấu ấn khó phai mờ trong tiềm thức của người dân thì tên tuổi của làng, xã cũng là một điều khó tách rời khỏi lịch sử và văn hóa của họ. Cần thận trọng khi làm những việc đó. Đấy cũng là thể hiện sự tôn trọng của chúng ta đối với các bậc tiền nhân, đối với nhân dân, với văn hóa và lịch sử dân tộc.


    Speak Your Mind

    *