May 2, 2024

Nguyễn Đình Tuấn Dũng: “Thay đổi quá các ca khúc nhạc xưa sẽ dễ trở thành kẻ lố bịch”

  • Sự thật vụ người bán vé số bị cướp ở Quảng Trị
  • “Diễn viên triệu USD” Thái Hòa có sa chân vì phim Xuân Lan?
  • Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng kháng cáo

  • Nguyễn Đình Tuấn Dũng sinh năm 1987 tại Hải Phòng. Anh tốt nghiệp khoa Thanh Nhạc của Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân Đội, từng ghi dấu ấn tại cuộc thi Vietnam Idol 2008.

    Sau 12 năm công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân đội, Tuấn Dũng quyết định rời môi trường này, tự do chinh phục những dấu mốc mới trên chặng đường âm nhạc. Anh được khán giả yêu mến với những ca khúc thuộc dòng nhạc “vượt thời gian” như của Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Nguyễn Trung Cang, Quốc Dũng… Trong các gameshow truyền hình, Tuấn Dũng tỏa sáng bằng lối hát nam tính, mộc mạc, dễ lay động lòng người.

    Nguyễn Đình Tuấn Dũng: "Thay đổi quá các ca khúc nhạc xưa sẽ dễ trở thành kẻ lố bịch"- Ảnh 1.

    Ca sĩ Nguyễn Đình Tuấn Dũng. (Ảnh: NVCC)

    Mới đây, PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với Tuấn Dũng: 

    Sau nhiều năm hoạt động nghệ thuật, anh định vị phong cách riêng của mình thế nào trên thị trường âm nhạc đầy sự cạnh tranh hiện tại?

    – Cụm từ “định vị phong cách” làm tôi hơi bối rối, vì chẳng biết phải nói về nó thế nào (cười). Từ trước tới giờ, tôi chỉ luôn quan niệm rằng mình là một người đàn ông hát tình ca – dòng nhạc cần sự chín chắn. Còn về trải nghiệm thì… cứ giữ sự nam tính vốn có, phong thái nên chân thành, khiêm cung, có một chút hài hước nhưng vừa đủ, cư xử bặt thiệp, hoà nhã với mọi người. Lúc ấy, tiếng hát tự trong con tim sẽ cất lên, khái niệm “định vị” sẽ không phải là việc của mình nữa.

    Nhiều người lựa chọn ở lại các nhà hát để có một nơi làm việc ổn định, bên cạnh đó vẫn dành thời gian cho những dự án cá nhân. Còn riêng anh, tại sao anh lại chọn rời nhà hát để trở thành một nghệ sĩ tự do như hiện tại?

    – 12 năm làm việc ở Nhà hát, với tôi, thế là đủ. Đủ để mình gặp được nhiều người, học hỏi được nhiều thứ, ngộ được ra nhiều điều. Đến thời điểm này, tôi muốn được tự do hơn, muốn tiếng hát của mình được bay xa và lan toả. Cũng bởi vậy, tôi mình bước ra ngoài và thực hiện thứ âm nhạc mà mình thích. Lý do chỉ đơn giản vậy thôi…

    Thực tế, giọng hát của Tuấn Dũng được giới chuyên môn cũng như nhiều khán giả yêu mến và đánh giá cao. Thế nhưng, nhiều năm qua, anh có lẽ vẫn không thực sự bứt phá như chính anh và khán giả của anh mong muốn?

    – Trước hết, cho phép tôi gửi lời cảm ơn khán giả, cảm ơn những ai đã đánh giá mình một cách ưu ái như vậy!

    Dạo gần đây, tôi may mắn được tham gia một vài chương trình truyền hình sở hữu độ phủ sóng cao. Có vị khán giả còn hỏi tôi: “Tay này đã tu luyện ở núi nào cho đến khi râu dài và tóc bạc như vầy mới xuất hiện?” (Cười)

    Tôi nghĩ một phần do trước đây ở trong môi trường được “bao cấp”, tôi có phần an phận. Phần còn lại bởi tự thấy trái còn non và xanh, chưa đủ chín nên chưa dám hái xuống đem bán. Giờ thì đến lúc rồi, dẫu không còn sớm nhưng vẫn chưa hề muộn. Tôi thấy mình đang có nhiều năng lượng, sẽ còn tiếp tục làm âm nhạc và cống hiến cho người nghe thêm nữa. 

    Bạn bè đồng nghiệp thường gọi anh là “Dũng tử tế”, sự tử tế ấy được thể hiện như thế nào trong âm nhạc?

    – Nói về điều này, xin cho phép tôi dài dòng một chút. Từ “tử tế” theo gốc Hán Việt nghĩa là làm một việc gì đó tỷ mỉ, kỹ càng. May mắn cho tôi trên con đường âm nhạc, mỗi một thời điểm lại gặp được những người thày dạy dỗ và dìu dắt. Thí dụ, quá trình làm album “Chợt như năm 18” phát hành mới đây, tôi có duyên làm việc với nhạc sĩ Huyền Trung. Từ khi bắt đầu nhận lời cho tới lúc giao dữ liệu, anh Trung luôn cho tôi thấy được sự “tử tế” trong âm nhạc. 

    Anh đòi hỏi sự kỹ càng, tỷ mỉ trong tiếng hát của tôi sao cho “cắn bản phối” nhất, “ăn-săm” (ensemble) nhất nhằm trở thành một tổng thể tốt nhất. Từ việc khuyến khích sử dụng lối hát đơn giản, đoạn nào có thể hoàn toàn tự do phóng khoáng, đoạn nào phải chính xác khuôn khổ, đoạn nào phải lấy hơi vào trúng tiếng snare của trống… Tuy vậy, cho đến lúc nghe lại, bản thân tôi vẫn có đôi chỗ chưa hài lòng.

    Với nhận thức nông cạn của mình lúc này, tôi cho rằng “tôn trọng khán thính giả” chính là thể hiện rõ ràng nhất của sự “tử tế” trong âm nhạc.

    Nguyễn Đình Tuấn Dũng: "Thay đổi quá các ca khúc nhạc xưa sẽ dễ trở thành kẻ lố bịch"- Ảnh 2.

    Tuấn Dũng cho biết anh đang trong thời điểm giàu năng lượng nhất. (Ảnh: NVCC)

    Nói đến album  “Chợt như năm 18”, có thể thấy các ca khúc anh thể hiện đều là những nhạc phẩm đã quen thuộc với hầu hết khán giả Việt Nam như Em đã thấy mùa xuân chưa, Chợt như năm 18, Tiếc nuối, Hãy yêu như chưa yêu lần nào, Còn yêu em mãi… Anh có làm mới chúng, hoặc đưa nét riêng gì của mình vào trong đó?

    – Trong album này, tôi chủ đích ưu tiên dành cho giới Audiophile – một cộng đồng thiểu số nhưng…có kinh tế, thông thái, kiêu hãnh, khá khắt khe và thực sự cần những sản phẩm có chất lượng.

    Còn với việc làm mới, tôi cho rằng những tác phẩm trong dòng nhạc mình theo đuổi hầu hết đều ngang hoặc hơn tuổi đời khiêm tốn của mình. Nó tồn tại từng ấy năm, chạm đến cảm xúc của biết bao nhiêu là thế nhân. Nếu thấy không phù hợp thì… không hát chứ chẳng dám thay đổi quá mà trở nên lố bịch. Cứ chân phương, mộc mạc, điềm tĩnh mà kể lại câu chuyện có lẽ là một cách khả dĩ nhất.

    Anh có chia sẻ về mối duyên được gặp gỡ vợ chồng nhạc sĩ Quốc Dũng và ca sĩ Bảo Yến trong những ngày tháng cuối cùng của vị nhạc si tài danh này. Những cảm nhận của anh về hai nghệ sĩ gạo cội này như thế nào?

    – Tôi đã phải chờ đến lần thứ 2 ghé Sài Gòn mới được gặp vợ chồng cô chú Bảo Yến – Quốc Dũng. Cô chú rất gần gũi, dù lúc đó chú Dũng đã rất mệt nên không nói được nhiều. Khi nghe tôi kể về việc chuẩn bị phát hành album có tới 4 bài của chú, cô chú đều động viên. Tôi cũng được hát cho cô chú nghe, sau đó cô Bảo Yến chia sẻ nhiều về lối hát, cách tập luyện cũng như thẩm mỹ âm nhạc và chuyên môn, nghề nghiệp…

    Chi tiếc rằng cơn mưa Sài Gòn chiều hôm đó là lần đầu và cũng lần cuối tôi được bắt tay nhạc sĩ Quốc Dũng. Ông đã ra đi vào đúng 10 ngày sau buổi gặp gỡ kỷ niệm đó.

    Ca khúc “Đường xưa” (Quốc Dũng) do Nguyễn Đình Tuấn Dũng thể hiện. (Clip: YTNV)

    Sự ra đi đột ngột của nhạc sĩ Tuấn “Gà” – người đồng hành đặc biệt của anh trong quá trình hoàn thiện sản phẩm có khiến anh hụt hẫng? Những “di sản” anh Tuấn để lại trong album này là gì?

    – Với tôi, nhạc sĩ Nguyễn Tuấn là một người anh, một người bạn đặc biệt. Anh Tuấn cho tôi cảm hứng, ý tưởng để thực hiện album này, anh cũng là người biên tập các ca khúc và kết nối tôi với nhạc sĩ Huyền Trung. 

    Tinh thần âm nhạc hào sảng, phóng khoáng của anh Tuấn trong album này còn khá nhiều. Việc anh Tuấn ra đi có làm tôi hụt hẫng, nhưng lại hứa với lòng thực hiện album này chỉn chu, đàng hoàng hơn. Đó là cách mà tôi tri ân người anh, người nghệ sĩ mà tôi trân quý.

    Tôi cũng phải chia sẻ thêm là trong ý định ban đầu, lẽ ra có một ca khúc của anh Tuấn viết riêng cho tôi trong danh sách ca khúc, nhưng vì một số lý do khách quan mà tôi chưa thể đưa vào trong thời điểm này. Tôi hứa với lòng sẽ sớm đem bài hát cuối cùng mà anh Tuấn viết cho tôi đến với khán giả trong một dịp thích hợp nhất!

    Cảm ơn những chia sẻ của anh!


    Speak Your Mind

    *