May 3, 2024

Nhà hát Cô đầu – Góc nhìn lịch sử : “Lò nuôi văn chương” của những văn nghệ sĩ hàng đầu (Bài 2)

  • U23 Nhật Bản – U23 Uzbekistan (hiệp 2) 1-0: Yamada mở tỉ số
  • U23 Nhật Bản – U23 Uzbekistan (hiệp 2) 0-0
  • “Lý Mạc Sầu đẹp nhất màn ảnh“ quyến rũ nồng nàn ở tuổi U40 nhờ ngủ đủ giấc, ăn đúng cách

  • Nhà hát Cô đầu - Góc nhìn lịch sử văn hóa (Bài 2):

    Nhà văn Vũ Bằng ví những cô đầu như những “người vú nuôi” của giới văn sĩ Hà thành. Ảnh: Phạm Thứ

    Từ nơi tụ họp của giới văn nghệ sĩ…

    Trong “Ả đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chia sẻ, trong nghệ thuật Ca trù (Ả đào), cấu trúc bài bản bao giờ cũng có những phần gợi mở, mời gọi khách văn chương sáng tạo tại chỗ, đào kép sẽ nhanh chóng ứng tác đưa vào lời ca. Đây cũng là nét hấp dẫn, thu hút đông đảo người nghe. Bởi trong xã hội truyền thống Việt Nam, từ giới quan lại, nho sĩ cho đến tầng lớp bình dân, khả năng thơ phú vốn được xem như rất phổ cập. 

    Theo đó, các nhà hát Cô đầu cũng là nơi đi về, tụ họp của khách văn chương đô thị. Họ thường mang thơ của mình đến nhà hát để các đào nương phổ nhạc Ả đào, rồi nhâm nhi thưởng ngoạn cùng chúng bạn.

    Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan so sánh các cô đầu và các nhà thơ nhà văn giống như nhạc sĩ và ca sĩ của thời hiện đại. Nhiều chầu hát, lời thơ được các quan viên ứng tác tại chỗ, có giá trị như một cuộc bình văn nho nhã, thanh tao. Đây cũng chính là yếu tố tạo nên mối quan hệ khăng khít, gắn bó đặc biệt giữa các đào kép và giới trí thức thị thành trong cả một thời kỳ lịch sử.

    Mối quan hệ nghệ sĩ – khán giả đó được đánh giá như những tài tử – giai nhân, tri âm, tri kỷ trong không gian thính phòng sang trọng của nhà hát Cô đầu. Giới nghề Cô đầu cũng dần nâng tầm, khẳng định được vị thế của mình trong môi trường văn hóa nghệ thuật đô thị nói chung.

    Nhà hát Cô đầu - Góc nhìn lịch sử văn hóa (Bài 2):

    Một chầu Hát nhà ty cuối thể kỷ 19, 6 cô đầu với 1 kép đàn, trống chầu loại nhỏ. Chủ nhà ngồi giữa có thể là một viên quan. (Ảnh: Delcampe)

    Nghệ thuật Ca trù (Ả đào) có lẽ là đề tài nổi trội nhất, đã đi vào thơ ca, văn chương với tư cách một thể loại bao trùm đời sống xã hội từ thành thị tới nông thôn. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đưa ra rất nhiều những dẫn chứng về điều này trong “Ả đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật”.

    Trong đó, rất nhiều tác phẩm nổi tiếng, có chỗ đứng vững chắc trong nền văn học như: Tiếng ai hát giữa rừng khuya, Thần hổ của TchyA Đái Đức Tuấn; Chiếc lư đồng mắt cua, Đới Roi, Chùa Đàn của Nguyễn Tuân; Đứa con người cô đầu của Kim Lân; hay Giai thoại một chầu hát không tiền khoáng hậu Thạch Lam thẩm âm của Đinh Hùng…

    Trao đổi với Dân Việt, NSƯT Bạch Vân chia sẻ, các nhà hát Cô đầu giống như những “lò nuôi văn chương”, là nguồn cảm hứng vô tận cho giới văn nghệ sĩ thời bấy giờ. NSƯT Bạch Vân khẳng định: “Để có những cảm hứng cho văn chương thì Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng… phải ăn dầm nằm dề ở các nhà hát Cô đầu. Các cụ thời ấy nghe hát rất nhiều mới có cảm hứng để viết những tác phẩm để đời”.

    Nhà văn Vũ Bằng từng xem xóm cô đầu Khâm Thiên là “cái nôi văn nghệ của Hà Nội” giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20. Trong “Xóm Khâm Thiên: cái nôi của văn nghệ Hà Nội ba chục năm trước”, nhà văn Vũ Bằng cho biết, thời kỳ đó, ông “chưa thấy nhà văn, nhà báo đất Bắc nào mà lại không ra vào nhà hát cô đầu”. Các nhân sĩ thế hệ đi trước như: Phạm Quỳnh, Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Đỗ Mục, Sơn Phong thì thưởng thức tiếng tơ đồng Cô đầu ở nhà hát phố Hàng Giấy.

    Còn thế hệ Vũ Bằng với những Dương Phượng Dực, Doãn Kế Thiện, Hoàng Tích Chu, Phùng Tất Đắc, Phùng Bảo Thạch, Tạ Đình Bính, TchyA Đái Đức Tuấn, Ngym Trần Quang Trân, Song An Hoàng Ngọc Thạch, Á Nam Trần Tuấn Khải… lại lấy địa bàn các nhà hát Cô đầu Ngã Tư Sở, Khâm Thiên, Vạn Thái, Gia Lâm, Gia Quất… làm nơi đi về.

    Nhà văn Vũ Bằng ví những cô đầu như những “người vú nuôi” của giới văn sĩ Hà thành. Thậm chí, ông cho rằng: “một người không văn nghệ mà sống trong không khí ở Khâm Thiên dần dần cũng hóa ra thành văn nghệ sĩ lúc nào không biết”. Nhà văn Vũ Bằng cũng tiết lộ, các văn sĩ như: Phùng Bảo Thạch, Vũ Đình Chi, Lưu Văn Phụng, Hy Sinh, Vũ Liên, Nguyễn Triệu Luật, Ngô Tất Tố… lúc làm báo, mỗi khi bàn về nội dung bản thảo vẫn thường hội ý và kẻ ma-két ở nhà hát Cô đầu vào đêm khuya.

    Nhà hát Cô đầu - Góc nhìn lịch sử văn hóa (Bài 2):

    Ca nương, NSƯT Bạch Vân (giữa) chia sẻ, các nhà hát Cô đầu là nguồn cảm hứng vô tận cho giới văn nghệ sĩ thời bấy giờ. Ảnh: FBNV.

    Hay Vũ Trọng Phụng, Lưu Trọng Lư, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Trần Huyền Trân, Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương, Thâm Tâm, Ngọc Giao, Thanh Châu… cũng thường lấy nhà hát Cô đầu làm nơi cảm hứng sáng tác, đàm đạo văn chương thế sự. Hội tụ tài tử giai nhân, cũng chính nơi chốn ấy đã dệt nên những mối tình tri âm tri kỷ giữa nhà báo Hoàng Tích Chu và cô Đốc Sao, hay giữa nhà văn Nguyễn Tuân và danh ca Chu Thị Năm.

    … Tới những người phụ nữ tân thời

    Trong “ Ả đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền tiết lộ, các cô đầu Hà Nội lại chính là những phụ nữ đóng vai trò lịch sử, đi tiên phong khởi đầu nhiều trào lưu thời trang kiểu phụ nữ tân thời giai đoạn thập niên 30 thế kỷ 20.

    Ví dụ như mẫu áo dài Le Mur với quần sa tanh trắng, thân áo bó sát phô trương vòng 1 của họa sĩ Cát Tường, lúc đầu ra mắt không nhận được sự hưởng ứng của giới các cô gái “con nhà nền nếp”. Bí quá, họa sĩ Cát Tường nảy ra sáng kiến đàm phán với những bà chủ nhà hát Khâm Thiên, rồi đồng loạt may áo dài mới cho các cô đầu mặc thử ra diễu phố. Thế rồi sau đó, mẫu áo dài Le Mur nhanh chóng lan tỏa trong thời trang Hà Nội.

    Cũng chính trong phong trào giải phóng phụ nữ ở giai đoạn này, bên cạnh áo dài Le Mur, đôi guốc cao gót cũng được hàng trăm cô đầu phố Khâm Thiên đi tiên phong sử dụng đồng loạt để thay thế cho đôi hài mỏ vịt truyền thống.

    Những sự kiện đó cho thấy các cô đầu thực sự được đánh giá như những cô gái tân thời nổi trội của làn sóng văn hóa mới. Điều này còn thể hiện ở việc có những quảng cáo thương hiệu đã sử dụng hình ảnh cô đầu làm nhân vật chính. Ví dụ như bức tranh cô đầu quảng cáo cho tiệm thuốc ho Võ Văn Vân – 86 Hàng Bông.

    Các cô đầu cũng chính là những nghệ sĩ đầu tiên được các hãng đĩa hát danh tiếng ở Hồng Kông lựa chọn thu âm như những đại diện tiêu biểu cho nền âm nhạc Việt Nam. Đây là một biểu hiện sống động thể hiện thị trường nghệ thuật cung cầu thời đầu thế kỷ 20.

    Nhà hát Cô đầu - Góc nhìn lịch sử văn hóa (Bài 2):

    Ba cô đầu Hà Nội thập niên 30 của thế kỷ 20, nghệ nhân ca trù nổi tiếng Quách Thị Hồ đứng giữa (Ảnh tư liệu).

    Khoảng từ năm 1925 – 1935, nhà sưu tầm người Mỹ Robert Crumb đã đi vòng quanh thế giới để thu âm đĩa than 78 vòng, hợp tuyển những giọng nữ ca đặc sắc các vùng nhiệt đới trên thế giới (Hot Women: Women Singers From The Torrid Regions Of The World). Và, giọng hát cô đầu Ba Thịnh – phố Khâm Thiên đã góp mặt trong album với tư cách đại diện duy nhất của âm nhạc Việt Nam.

    Đáng chú ý, trong “Ả đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho rằng, sự hình thành của hệ thống nhà hát Cô đầu xứng đáng được coi như “cuộc cách mạng giới – giải phóng phụ nữ”. Ở góc độ “tự do luyến ái”, cũng có thể coi đây là “cuộc cách mạng tình dục” sớm nhất trên thế giới.

    Lý giải điều này với Dân Việt, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử, các cô đầu làm chủ kinh tế, họ được tự do trong việc yêu đương, tự do trong luyến ái. Họ có quyền sống độc thân, có quyền tự do ngủ với người họ mong muốn hoặc làm mẹ đơn thân mà không sợ những điều tiếng hay sự trừng phạt như “gọt đầu bôi vôi” hoặc “bỏ rọ trôi sông”. Dù rằng, vì điều đó mà sau này xã hội có nhiều thái độ phủ định gay gắt, khiến cho đào kép mặc cảm và người đời thi nhau lên án hai chữ “cô đầu”.


    Speak Your Mind

    *