April 26, 2024

Độc đáo Tết Nhảy người Dao Quần Chẹt ở Phú Thọ

  • Futsal Thái Lan lần thứ 3 vào chung kết Giải châu Á
  • Bắc Kạn tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người
  • HLV Giustozzi: Tuyển futsal Việt Nam đã chơi hết mình

  • Trải qua năm tháng, đời sống kinh tế của người Dao Quần Chẹt ở khu Xuân Thắng, xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã được nâng lên rõ rệt.

    Dù vậy, những giá trị truyền thống của cha ông vẫn được người Dao Quần Chẹt ở đây lưu giữ, truyền dạy và giữ nguyên bản sắc cho đến ngày hôm nay.

    Phú Thọ: Độc đáo Tết Nhảy người Dao Quần Chẹt - Ảnh 1.

    Để tổ chức Tết Nhảy, gia đình được chọn (nhà cái) phải chuẩn bị lợn, gà, lương thực và nhiều vật dụng từ đầu năm. Ảnh Thanh Tuấn

    Những ngày cuối năm, khi hoa đào bắt đầu khoe sắc, những nụ non cựa mình nảy nở, đâm chồi, nảy lộc, chúng tôi tìm đến khu Xuân Thắng, xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.

    Theo ông Dương Quang Hải (cán bộ địa chính xã Cự Thắng), khu Xuân Thắng hiện có 110 hộ với hơn 500 nhân khẩu quần tụ dưới chân núi Lưỡi Hái. Nơi đây đa phần người Dao Quần Chẹt sinh sống, 90% hộ có nhà xây kiên cố, cả khu chỉ còn 6 hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt 36 triệu đồng/người/năm.

    “Dù kinh tế đã đổi thay, người dân du nhập nhiều văn hóa ở khắp nơi qua giao tiếp, phim ảnh, mạng xã hội, nhưng đến nay, những giá trị truyền thống của văn hóa dân tộc Dao Quần Chẹt vẫn được người dân nơi đây giữ nguyên, truyền thụ cho con cháu”, anh Hải cho biết.

    Theo anh Hải, Tết Nhảy là một nghi lễ đặc biệt trong thờ cúng tổ tiên của người Dao Quần Chẹt, thường được tổ chức vào tháng Chạp.

    “Tết Nhảy là dịp để thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên; con cháu luyện âm binh để bảo vệ cuộc sống của gia đình, dòng tộc; cầu xin tổ tiên phù hộ, che chở cho mọi thành viên trong gia tộc được mạnh khỏe, ngày càng làm ăn phát đạt”, anh Hải chia sẻ.

    Phú Thọ: Độc đáo Tết Nhảy người Dao Quần Chẹt - Ảnh 2.

    Giã gạo làm bánh giầy được những nam thanh nữ tú đảm nhiệm. Ảnh Thanh Tuấn

    Cũng theo anh Hải, Tết Nhảy được tổ chức tại nhà tổ, nơi có bàn thờ tổ tiên của cả một nhánh của dòng họ và đã khai quang bộ tranh Tam Thanh.

    Để tổ chức “nhiàng chầm đao”, gia đình thuộc “nhà cái” phải chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm cần thiết khác làm lễ vật dâng cúng và đủ để thết đãi người dân trong khu suốt thời gian diễn ra Tết Nhảy.

    Theo chân anh Hải, chúng tôi có mặt tại nhà ông Dương Trung Vượng, một trong hai gia đình tại khu Xuân Thắng được chọn để tổ chức Tết Nhảy năm nay.

    Từ xa, chúng tôi đã thấy tiếng lợn, gà kêu. Lại gần, hàng chục người quây quần theo từng góc, vừa làm, vừa trò chuyện rôm rả. Người thì giã gạo làm bánh giầy, người thì đẽo dao bằng gỗ rồi cắt giấy vẽ, người lại nấu ăn, bày biện mâm cỗ cúng, người thì chuẩn bị treo tranh thờ.

    Phú Thọ: Độc đáo Tết Nhảy người Dao Quần Chẹt - Ảnh 3.

    Dán giấy, treo tranh cần nhiều người trong họ giúp gia chủ. Ảnh Thanh Tuấn

    “Năm nay gia đình tôi được chọn để tổ chức Tết Nhảy, gia đình rất vui và vinh dự. Tết Nhảy sẽ được tổ chức 3 ngày 3 đêm”, ông Vượng vui vẻ khoe.

    Cũng theo ông Vượng, để tổ chức Tết Nhảy, ngay từ đầu năm, gia đình đã phải chuẩn bị từ việc nuôi lợn, gà, tăng gia trồng trọt lấy lương thực để đáp ứng đủ cho họ hàng, anh em, làng xóm ăn trong 3 ngày.

    “Chuẩn bị xong lợn gà, lương thực, gia đình còn phải nhờ người chọn ngày đẹp hợp tuổi với gia chủ để làm Tết Nhảy. Ngoài ra, để Tết Nhảy được đầy đủ, gọn gàng, đúng theo phong tục xưa, ngoài các thành viên trong gia đình chuẩn bị, còn phải nhờ thêm rất nhiều người giúp đỡ việc mổ lợn, gà, vịt, giã bánh giầy, trang trí nhà cửa, dán cờ giấy, làm các bộ dao, kiếm, lệnh bài, bóc giấy bản làm tiền lễ, đẽo dao, kiếm làm đạo cụ phục vụ buổi lễ… “, ông Vượng cho biết.

    Theo truyền thống của người Dao Quần Chẹt, Tết Nhảy gồm 3 phần chính: Khai lễ, Chính lễ và Lễ tiễn đưa. Điều hành các phần lễ có thầy cúng, phụ các thầy cúng là những người đàn ông đã trải qua lễ cấp sắc. Gia đình thực hiện nghi lễ mở và treo các bộ tranh thiêng của người Dao là Tam Thanh, Hành Sư lên xung quanh tường nhà.

    Phú Thọ: Độc đáo Tết Nhảy người Dao Quần Chẹt - Ảnh 4.

    Không phải gia đình nào cũng được treo các bộ tranh Tam Thanh, Hành Sư trong dịp Tết. Ảnh Thanh Tuấn

    Trong phần khai lễ, thầy cúng lập đàn lễ, bày biện lễ vật, mời các thần linh, gia tiên về dự lễ. Phần chính lễ là quan trọng nhất và có thời gian dài nhất, bắt đầu bằng lễ khai đàn và kết thúc bằng lễ chiêu binh.

    Xuyên suốt nội dung phần chính lễ là các điệu múa, lời hát kết hợp với tiếng chiêng, trống, kèn rộn ràng. Nội dung câu hát, điệu nhảy kể lại quá trình vượt biển, tái hiện quá trình lao động, chiến đấu chống giặc, bảo vệ dân làng của các bậc tiền nhân…

    Phú Thọ: Độc đáo Tết Nhảy người Dao Quần Chẹt - Ảnh 5.

    Hát, múa chuông, múa rùa là phần đặc trưng nhất trong Tết Nhảy của người Dao Quần Chẹt nơi đây. Ảnh Thanh Tuấn

    Trước khi kết thúc phần lễ chính, thầy cúng làm nghi thức mời tổ tiên về chứng giám lòng thành của con cháu.

    Phần cuối cùng của Tết Nhảy là lễ tiễn đưa. Sau nghi lễ chiêu binh, mọi người bắt đầu làm cỗ cúng Bàn Vương, thần thánh và tổ tiên.

    Trước bàn thờ của gia chủ, thầy cúng dâng lên một cái thủ lợn để lễ tạ kết thúc Tết Nhảy. Nội dung chính của bài cúng là tạ ơn các thần linh, thổ địa đã về tiếp nhận và chứng giám lòng thành của gia chủ trong Tết Nhảy. Đồng thời, cầu mong thánh thần, tổ tiên phù hộ cho gia đình, dòng tộc, thôn bản sang năm mới được mạnh khỏe, bình an, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát đạt…

    Mặc dù Tết Nhảy là nghi lễ do một gia đình đại diện cho một dòng tộc tổ chức nhưng được cả khu tham gia với không khí náo nức, rộn ràng, giống như nghi lễ của cả cộng đồng. Những câu hát bằng tiếng Dao cổ, điệu nhảy như làm thức dậy vùng núi Lưỡi Hái khiến đất trời vào xuân trở nên tưng bừng và linh thiêng hơn…

    Văn hóa – Giải trí | Cập Nhật Thông Tin 24h Nhanh Nhất
    Nguồn: Sưu Tầm


    Speak Your Mind

    *