April 25, 2024

Cây Bạch Dương và cậu bé

  • Sáp nhập quê hương “Bà chúa thơ Nôm”: Địa phương lý giải tên mới Quỳnh An
  • Tuyển futsal Việt Nam sẵn sàng tranh vé vớt World Cup
  • Bí mật vẻ đẹp “nghiêng nước nghiêng thành“ của “nàng Tây Thi“ xứ Tân Cương ở tuổi U45

  • … đón lấy những giọt nắng mai nhợt nhạt đầu tiên của mùa xuân giữa một rừng những cây bạch dương khác đang đu đưa trong gió nhẹ.

    Một ngày mùa xuân như bao ngày mùa xuân khác đã từng đi qua cuộc đời nó. Cây Bạch Dương vẫn đứng đó, giữa đất trời, giữa rừng bạch dương, thơ thẩn. Nó tự hỏi những cây bạch dương khác có cảm thấy cô đơn như nó không? Có cảm thấy nỗi buồn sâu thẳm đang gặm nhấm trong từng thớ gỗ? Có cảm thấy nỗi bất an cứ lơ lửng trong không khí mỗi khi nhìn về phía những gốc cây cụt đầu do bị chặt hạ đang nằm rải rác khắp khu rừng? Có tự hỏi bao giờ sẽ đến lượt mình, bao giờ mình sẽ trở thành những khúc gỗ mà người ta dùng để ném vào lò sưởi vào những ngày đông giá rét?

    Hẳn những cây bạch dương khác chẳng cảm thấy gì cả, bởi chúng vẫn cứ vô tư hát theo nhịp điệu của gió, rì rào và xào xạc.

    Hay chúng có cảm thấy, nhưng lại lựa chọn cách tảng lờ như không biết để sống một cuộc đời bình yên bằng cách cố huyễn hoặc mình bởi thứ cảm giác an toàn giả tạo?

    Nó không biết nữa. Nó không muốn xuôi theo dòng chảy của số mệnh. Nó muốn làm gì đó khác đi, nó muốn thoát khỏi số phận tang thương đang chờ nó phía trước với lưỡi rìu là tên đao phủ. Nhưng nó làm gì được? Làm gì được khi nó chỉ là một cái cây?

    Rừng bạch dương mọc quanh một con đường mòn ngoằn ngoèo và khúc khuỷu. Cây Bạch Dương biết con đường đó dẫn đến đâu: Đó là đường tắt để đi từ thị trấn đến trường học. Nó nghe lũ trẻ con nói thế vào mỗi buổi sáng khi chúng ríu rít kéo nhau đến trường, đùa cợt và cười nói xôn xao cả góc rừng. Lũ trẻ rất hiếu động, và nghịch ngợm. Chúng khắc đầy tên, và hình vẽ, và những ký tự chẳng ai ngoài chúng có thể hiểu nổi lên thân những cây bạch dương xấu số. Cây Bạch Dương thường nghe đồng loại của mình rên rỉ khi thân mình chúng bị lũ trẻ rạch lên những đường nét thô kệch và xấu xí khiến nhựa cây ứa ra, lấp lánh như nước mắt.

    Cây Bạch Dương không thích lũ trẻ. Không. Chúng quá ồn ào và phiền nhiễu. Nó không thích lũ trẻ con, hoàn toàn không, chỉ trừ một thằng bé. Một thằng bé với đôi mắt sẫm màu u uẩn. Một thằng bé luôn lầm lũi đi sau cùng trong đám bạn. Một thằng bé đã băng lại vết thương còn rỉ nhựa của nó bằng chiếc khăn tay bé nhỏ sau khi lũ bạn đã đi khuất. Một thằng bé đã gục đầu vào thân cây của nó mà khóc trong ánh hoàng hôn của một buổi chiều tà đẫm máu.

    Cây Bạch Dương và cậu bé - Ảnh 3.

    aints Perterburg. Ảnh: Dương Trần

    Thằng bé đó quen, quen lắm, nhưng Cây Bạch Dương chẳng thể nhớ nổi nó là ai. Có thể nó đã đến bên Cây Bạch Dương vào lúc nào đó, cùng với ai đó, nhưng có lẽ nó đã không quay trở lại trong một khoảng thời gian dài. Có lẽ vì thế mà mọi ký ức về thằng bé của Cây Bạch Dương đều nhạt nhòa và rời rạc, mơ hồ và mờ mịt.

    Thằng bé đó thường đi học rất sớm và trở về nhà khi trời đã tối mịt. Nó rất thích ngồi dưới gốc Cây Bạch Dương, tựa đầu vào thân cây mảnh khảnh và khép đôi mắt sẫm màu thật chặt, chặt đến mức đôi lông mày nó nhíu lại đầy mệt mỏi, như thể nó đang chẳng muốn nhìn, chẳng muốn thấy những gì đang diễn ra trong cuộc đời của nó nữa. Cây Bạch Dương không hiểu tại sao thằng bé lại buồn như thế, lại cô đơn như thế, nhưng nào có thể hỏi được, bởi suy cho cùng, nó cũng chỉ là một cái cây. Và tất cả những gì nó có thể làm chỉ là rung rinh rèm tóc xanh mượt như đáp lại tiếng gào thét xé ruột đang vang lên trong câm lặng từ trái tim non nớt bị tổn thương đến tội nghiệp của thằng bé.

    Một đôi lần, nó thấy thằng bé rút ra từ túi áo một tấm ảnh phai màu. Trên ảnh là một người đàn ông luống tuổi trong bộ quân phục vẻ nghiêm trang, chỉnh tề, và kiên định. Những giọt nước mắt của nó rơi lên bức ảnh, khiến nó vội vã dùng ống tay áo mà lau đi, như thể nó sợ tấm ảnh sẽ vì thế mà hỏng mất, vì thế mà nhòe nhoẹt, vì thế mà bất kỳ ý nghĩa gì mà tấm ảnh đó đang lưu giữ sẽ lập tức biến đi, tan thành mây khói.

    Cây Bạch Dương và cậu bé - Ảnh 4.

    Rừng bạch dương, mùa thu nước Nga. Ảnh: Dương Trần

    Mùa xuân qua đi, rồi đến mùa hạ, mùa thu, rồi mùa đông, rồi một lần nữa mùa xuân lại đến. Cứ thế, vòng tuần hoàn của bốn mùa cứ lặp đi lặp lại, nhàm chán và vô nghĩa. Cây Bạch Dương vẫn đứng cao đầy kiêu hãnh, thằng bé vẫn cứ đến, rồi lại đi, mang theo nỗi buồn mà Cây Bạch Dương sẽ chẳng bao giờ hiểu được. Dường như thằng bé đã cao lên dần sau từng năm, nó trở nên to lớn hơn, rắn chắc hơn, cứng cỏi hơn, nhưng đôi mắt nó thì vẫn buồn như thế. Một ngày mùa hạ, nó đến bên Cây Bạch Dương, ngước đôi mắt sẫm màu nhìn lên tầng lá xanh mướt mải. Cây rung rinh trong gió nhẹ, và thằng bé chợt mỉm cười, một nụ cười thật khó hiểu. Nó chạm tay vào thân cây, và thì thầm:

    Bố à, cuối cùng, con không còn là một đứa trẻ con nữa. Sắp rồi… Con sẽ không chịu khuất phục nữa.

    Rồi thằng bé bỏ đi. Cây Bạch Dương không hiểu, nhưng nó có cảm giác rằng, thằng bé sẽ không thường xuyên đến thăm nó nữa.

    Cây Bạch Dương và cậu bé - Ảnh 5.

    Rừng bạch dương, mùa thu nước Nga. Ảnh: Dương Trần

    Nghĩ đến đây, chợt cảm giác cô đơn trong Cây Bạch Dương như tăng lên bội phần, nhưng nó làm gì được, khi nó chỉ là một cái cây?

    Hạ qua, thu đến, thằng bé lại xuất hiện. Lần này, nó mặc trên mình bộ quân phục giống như người đàn ông trong tấm ảnh phai màu. Súng trên vai và đôi mắt kiên định. Trông nó thật sự giống người đàn ông ấy. Giống đến mức một vệt ký ức về người đàn ông ấy ngồi dưới gốc Cây Bạch Dương và kể chuyện cho một đứa trẻ vội vã lướt qua trí nhớ của Cây Bạch Dương, trước khi vụt bay mất hút vào miền vô định.

    Thằng bé, một lần nữa, lại nhoẻn miệng cười. Một nụ cười tạm biệt, trước khi bóng lưng cô độc biến mất sau những rặng cây bạch dương đỏ lá.

    À. Chiến tranh. Một trong những câu chuyện mà người đàn ông đã kể cho đứa trẻ. Câu chuyện về súng, về đạn, về những quả bom, về những cơn đau thấu xương khi bị đạn găm phải, và những nỗi đau không thể gọi thành tên, không thể hằn lên da thịt khi người thân hay đồng đội ngã xuống và không bao giờ tỉnh lại nữa. Câu chuyện về lí do tại sao ông lại phải ra đi. Câu chuyện về việc ông muốn bảo vệ đứa trẻ và mẹ của nó ra sao. Câu chuyện về việc ông yêu thương họ nhiều đến như thế nào.

    Cây Bạch Dương và cậu bé - Ảnh 6.

    Rừng bạch dương, mùa thu nước Nga. Ảnh: Dương Trần

    Ông cũng ra đi vào một chiều mùa thu lá đỏ như thế, để lại thằng bé đứng dưới gốc Cây Bạch Dương, nhìn theo trong cô độc.

    Hẳn ông đã ngã xuống.

    Hẳn thằng bé đã phải chịu đựng nỗi đau không hằn lên da thịt ấy.

    Hẳn thằng bé đã cảm thấy bất lực vì nó chẳng thể làm gì được để thay đổi số phận.

    Cây Bạch Dương và cậu bé - Ảnh 7.

    Rừng bạch dương, mùa thu nước Nga. Ảnh: Dương Trần

    Hẳn thằng bé đã phải chịu đựng trong một khoảng thời gian dài, rất dài, trước khi nó đủ lớn và chống lại số mệnh khắc nghiệt mà chiến tranh đã áp lên gia đình bé nhỏ của nó.

    Ồ. Cây Bạch Dương hiểu rồi.

    Nhưng mùa đông cũng đã đến.

    Con người một lần nữa cùng những chiếc rìu đáng tin cậy tiến vào rừng cây bạch dương.

    Bạn bè nó ngã xuống. Chúng được người ta chất thành đống, trước khi bị kéo đi, và hẳn sau đó sẽ bị chặt ra thành từng mảnh nhỏ làm củi nhóm lò.

    Nó khẽ thở dài, cành lá khẽ rung rinh, khi một gã con người tiến đến gần bên nó, lưỡi rìu vung cao.

    Nó chỉ là một cái cây. Nó không có khả năng thay đổi số phận nghiệt ngã.

    Nhưng cậu bé đó là một con người. Cậu ta có khả năng thay đổi vận mệnh của chính mình.

    Văn hóa – Giải trí | Cập Nhật Thông Tin 24h Nhanh Nhất
    Nguồn: Sưu Tầm


    Speak Your Mind

    *