April 28, 2024

Kể chuyện làng: Rơm quê mùa đông

  • Đánh bại Thái Lan, Iran đăng quang Giải futsal châu Á 2024
  • Thắng nghẹt thở Tottenham, Arsenal vẫn tạm giữ ngôi đầu
  • CLB Hà Nội nhọc nhằn vào bán kết Cúp quốc gia 2023 – 2024

  • Miền Bắc quê tôi bước vào đợt rét đậm rét hại với những cơn gió bấc và sương muối giăng đầy bầu trời. Bỗng điện thoại khẽ rung với tin nhắn của mẹ: “Trời ở quê mình rét lắm nhưng bố mẹ vẫn khỏe. Con nhớ chịu khó ăn uống vào nhé!”. Chỉ vài chữ giản đơn của mẹ mà lòng tôi chợt cảm thấy nao nao. Và rồi biết bao nỗi nhớ về mùa đông quê nhà một thời khó khăn chỉ biết nương tựa vào những sợi rơm vàng sau mùa để dành ủ ấm lại ùa về, gợi nhắc bao kỷ niệm trong tôi.

    Ở quê tôi khi xưa, do mải mê với công việc đồng áng nên nhiều người chẳng mấy quan tâm đến nhiệt độ mùa đông. Mọi người thường đoán biết thời tiết mùa đông có giá lạnh hay không bằng cách nhìn mấy làn sương bàng bạc phủ khắp các ngọn cây trong làng hoặc chăm chú nghe tiếng gió bấc rít từng cơn qua khung cửa sổ là nhận ra sắp có đợt rét kéo dài ra sao. Trời mùa đông, chỉ cần có đủ chăn ấm nệm êm và những chiếc áo khoác dày thì cũng chẳng có gì quá đáng sợ.

    Kể chuyện làng: Rơm quê mùa đông- Ảnh 1.

    Lũ trẻ nghịch bên đống rơm. Ảnh: Tác giả cung cấp

    Tuy nhiên, với lũ trẻ nông thôn thời bao cấp như chúng tôi khi ấy thì có rét mấy cũng chỉ khoác thêm manh áo mỏng mặc lồng vào áo ngoài nên môi lúc nào cũng tím ngắt, chân tay đỏ bừng vừa đau lại nhưng nhức. Dẫu khó khăn là thế nhưng chúng tôi vẫn phải đến trường đều đặn vào mỗi buổi sáng, còn tranh thủ buổi chiều về đỡ đần bố mẹ mọi việc trong nhà. Chiều về, đứa trẻ nào cũng thấm mệt cứ lê từng bước với đôi chân gầy guộc tê cóng bước nhanh trên con đường làng dài hun hút gió, với mong muốn giản đơn là được nhanh chóng sà vào bếp lửa nhà mình.

    Chắc cũng vì cố gắng phụ giúp gia đình từ những ngày ấu thơ nên lũ trẻ chúng tôi khi ấy đứa nào cũng giỏi giang, khéo léo. Tôi còn nhớ vào những năm khi lên 9 tuổi, bản thân tôi đã biết phơi rạ, thành thạo dùng đòn xóc bằng tre, có hai đầu nhọn sắp xếp trở rạ đi theo từng hàng thẳng tắp giữa ruộng khô cứng sau những ngày thu hoạch. Lại nhớ cả những ngày phụ anh trai gánh rạ về sân, tôi nhanh chóng ngồi tuốt rạ, cuốn thành từng tấm tranh thơm mùi nắng mới.

    Bản thân tôi vẫn còn nhớ sau vụ gặt tháng 10, bố tôi ngồi lặng lẽ giữa cánh đồng, tỉ mỉ chọn một ít rơm đủ nắng, óng ánh vàng, còn thơm phức mùi lúa để dành cho những ngày mùa lạnh giá. Khi những cơn gió bấc se sắt lạnh bắt đầu thổi, bố tôi thường cố gắng thức sớm, chọn góc sân có nắng để phơi lại mớ rơm cho khô hẳn. Bố tôi còn tranh thủ dọn sạch một góc nhà rồi trải thêm một lớp lá chuối khô xuống. Bố thường bảo tôi cùng phụ giúp bằng cách dùng cái sào đập nhẹ lớp rơm vừa phơi cho ra hết tất cả bụi vụn. Rồi cứ thế một tay ôm rơm, một tay bố tôi sẽ thong thả rắc đều từng lượt rơm trên mớ lá chuối khô đã trải. 

    Những sợi rơm loè xoè, còn thơm mùi ruộng đồng, sẽ được bố tôi làm lại thật gọn gàng, trải ra thật rộng cho bằng phẳng. Để cho chắc ăn hơn, bố tôi sẽ cẩn thận tết thành một khoanh rơm to bằng cổ chân người lớn như cách mẹ vẫn thường tết tóc cho chúng tôi để bao quanh cho rơm không tràn ra ngoài ổ. Sau cùng, bố tôi sẽ sử dụng manh chiếu sạch trải lên trên cùng. Công việc này nhìn giản đơn nhưng tốn nhiều thời gian, kéo dài từ tinh mơ cho đến khi trăng lên đầu ngọn cau mới hoàn tất, bố tôi leo xuống, cả thân người đẫm ướt mồ hôi và bụi vàng rơm rạ. Chỉ chờ có thế, bọn trẻ con chúng tôi hào hứng nhảy vào ổ rơm rồi phá ra cười thích thú. Bố tôi sẽ đứng quan sát từ xa với ánh mắt hiền từ, bao dung.

    Để rồi, sau biết bao bận rộn ngoài đồng ruộng, bố tôi lại tỉ mẩn sửa chữa lại mái nhà để chống dột ướt trong những ngày giá lạnh sắp đến. Bố tôi đã tranh thủ tận dụng chính những tấm tranh vàng óng sau nhà được vuốt phẳng phiu, xếp ngay thẳng ấy. Hoàng hôn dần buông, sau khi đã lợp xong nhà, thấy trời bắt đầu se sắt lạnh hơn, bố tôi lại chậm rãi dỡ bỏ rơm cũ, tỉ mỉ chất đầy lại một cây rơm mới để lưu giữ thức ăn cho trâu bò, giữ ấm cho đàn heo và làm chất đốt sưởi ấm cho những buổi chiều mùa đông.

    Với đứa trẻ mới lớn phải phụ mẹ đảm đương mọi công việc gia đình như tôi ngày ấy thì ngại nhất vẫn là những buổi trưa mùa đông đi học về, bố mẹ ra đồng đi cày, bản thân phải tự mình vô bếp nấu cơm bằng rơm cho mấy đứa em nheo nhóc la hét vì đói bụng. Thậm chí, có những hôm nhìn cái giỏ đựng rơm vơi chỉ còn một ít, hai chị em tôi vừa phải mặc áo mưa đi rút rơm lại tranh thủ tìm cách đậy, để rơm khỏi bị ướt. Nhớ cả những lần mấy sợi rơm ẩm vì mưa dai dẳng, bản thân loay hoay đốt cả buổi, rơm mới chịu bắt lửa, khói ùn lên cay xè cả mắt. Hoặc khi đang ngồi nấu bếp mà mải mê suy nghĩ chuyện bài vở trường lớp, đôi tay ngừng không cho tiếp đụn rơm kế vào bếp đang cháy, thế là lửa ngay lập tức sẽ tắt ngay. Lại nhớ lời mẹ tôi hay dặn rằng muốn nấu cơm bằng rơm phải thật sự tập trung và tỉ mỉ, chỉ cần thiếu cần thận một chút thì tro rơm sẽ nhanh tàn, cơm cũng không chín, hoặc vừa nhão lại vừa khê.

    Kể chuyện làng: Rơm quê mùa đông- Ảnh 2.

    Trẻ con hạnh phúc bên đống rơm. Ảnh: Tác giả cung cấp

    Tuy nhiên, khi hoài niệm về những sợi rơm vàng óng ở quê nhà đâu chỉ có nỗi khó khăn, vất vả mà còn có cả niềm vui, sự háo hức của trẻ thơ. Ai đã từng sinh ra và lớn lên ở đồng quê mà chẳng có một lần vui vẻ chơi trốn tìm quanh các gốc rơm ở đầu làng hoặc những ngày cả bọn phải đi chăn trâu, thi thoảng móc trộm khoai lang của vườn nhà ai bỏ hoang rồi dùng đất sét bọc quanh, chất rơm vào nướng dã chiến giữa cánh đồng để chống đói. Thậm chí, nhớ cả cảm giác vui mừng khi tình cờ phát hiện cả ổ trứng bé hồng, xinh xắn của con gà mái mơ đẻ vội bên đụn rơm dưới gốc cây. Những ký ức gắn liền với rơm rạ đồng quê ấy hiện ra thật sống động, khiến người ta có cảm tưởng như mới xảy ra vào ngày hôm qua.

    Và đương nhiên, hoài niệm sâu sắc nhất có lẽ là cảm giác được cuộn tròn trên ổ rơm khi những cơn gió se sắt của mùa đông tràn về. Mỗi bữa tối, khi từng cơn gió thao thiết ngoài cửa sổ, sau bữa cơm chiều đạm bạc, lũ trẻ chúng tôi lại hào hứng lăn vào ổ rơm nô đùa nghịch chán chê rồi nhanh nhẹn trùm cái chăn bông đã sờn cũ nhưng thơm tho mùi nắng ngủ say sưa. Dù chỉ sau vài đêm, cái ổ rơm lồng phồng ấy sẽ xẹp hẳn xuống, bằng phẳng tựa hồ có một chiếc bàn ủi vừa ủi qua. Dù thế, chúng tôi cũng chẳng lấy làm ái ngại vì khi có ổ rơm, gió bấc đã chẳng còn len lỏi dưới lưng nên chúng tôi cảm nhận được sự ấm áp và ngủ giấc sâu hơn dưới lớp chăn mỏng trong mái nhà lợp rạ.

    Ổ rơm ngày ấy như một thế giới thu nhỏ với bọn trẻ chúng tôi. Đó không chỉ là cái đệm giúp chúng tôi say giấc hằng đêm mà còn là nơi để mấy chị em tôi nằm đọc sách, rèn chữ bên ánh lửa ấm áp mỗi đêm. Cũng nhờ có ổ rơm mà lũ trẻ nhà nghèo như chúng tôi đủ sức để chống chọi với mùa đông rét mướt, rồi dần trưởng thành và khôn lớn theo năm tháng.

    Nhiều năm trôi qua, chúng tôi dần trưởng thành, rời xa quê hương. Dẫu đời sống ngày nay đã khác nhưng mỗi khi có dịp ngang qua cánh đồng mới gặt, nhìn thấy rơm được vun gọn rồi đốt làm tro bón ruộng, thấy từng làn khói xanh nhạt, gió rắc tàn tro bay lả tả, khóe mắt tôi lại cay xè. Thời gian đã trôi qua, thoáng một cái đã mấy chục năm nhưng biết bao kỷ niệm trong veo thời xa xưa vẫn mãi theo tôi trong suốt cuộc đời còn lại. Có cảm tưởng những sợi rơm vàng, êm ái như biết bao hồi ức đẹp bện chặt niềm thương nỗi nhớ và những ký ức về tuổi thơ mỗi khi tìm về với nguồn cội. Đôi khi nhớ lại thời quá vãng, lòng lại thầm hỏi: Chẳng biết mùa đông năm nay còn gia đình nào để dành rơm mới, rồi phơi nắng đem trải ổ cho bọn trẻ con hiếu động như chúng tôi khi xưa không nhỉ?

    Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục “Kể chuyện làng” từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

    Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

    Bài viết cộng tác với chuyên mục “Kể chuyện làng” xin gửi về email: [email protected]; điện thoại liên hệ: 0903226305.


    Speak Your Mind

    *