May 16, 2024

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng “đi giữa biển vàng”

  • Có một Hoàng Anh Gia Lai rất khác
  • Mẹ của Phan Quốc Việt khai có hồi môn 1.000 cây vàng, cho con trai vay 450 tỷ đồng để làm ăn
  • VAR hoạt động hết công suất ở vòng 19 V-League 2023-2024.

  • Biết tên tuổi nhà văn Nguyễn Khoa Đăng từ ngày ông còn dạy học và tham gia Hội Văn nghệ Thái Bình với một loạt các cây bút cùng trang lứa: Đức Hậu, Minh Chuyên, Dương Hướng, Hà Văn Thùy… , nhưng để mục sở thị, gặp con người bằng xương bằng thịt, thì phải vào tới Rạch Giá, nơi cùng trời cuối đất của nước Việt tôi mới có dịp hạnh ngộ.

    Ấy là những năm tôi đang làm phóng viên Báo “Người Giáo viên Nhân dân” (nay là báo Giáo dục và Thời đại), một tờ báo ngành mạnh nhất thời bấy giờ, phát hành tới từng trường phổ thông khắp cả nước. Ban phóng viên chúng tôi, tổ lao động XHCN liên tục hơn mười năm, phải thay phiên nhau mỗi năm một lần đi thực tế miền Trung, miền Nam, phát hiện các điển hình tiên tiến để viết bài gửi về tòa soạn.

    Ngày ấy, đi làm báo, như ra mặt trận, bởi muốn vào Sài Gòn phải ba ngày ba đêm vật vã lăn lóc trên tàu Thống Nhất, ghế cứng và sàn nằm chứ chưa có phòng giường nằm, mua được ghế ngồi cũng phải giấy giới thiệu, rồi xếp hàng cả ngày. La liệt sàn tàu là nylon, bao tải, giấy báo…, xí chỗ nằm ban đêm. Cả ra Bắc, vào Nam đều đầy ắp sắc áo lính, bởi Campuchia vẫn còn là chiến trường khốc liệt.

    Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng “đi giữa biển vàng”- Ảnh 1.

    Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng (phải) trong một buổi giới thiệu tác phẩm của mình. Ảnh: T.G

    Thấm thoắt đã một năm nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng tưởng như ông vẫn đi giữa đồng vàng Thái Bình và Kiên Giang, hai vùng quê ông đã gắn bó và tạo nên bản sắc nhà văn quê Lúa.

    Ba lô trên vai, tôi thích nhảy xe đò lang thang các nẻo đường phương Nam. Chưa ra được Côn Đảo thì tôi đi Phú Quốc. Ấy là năm 1978. Được biết ở Phú Quốc có nhiều thầy cô giáo từ Thái Bình vào khai mở trường mới. Sau ba ngày xếp hàng mua vé tàu ở Rạch Giá không được vì quá đông người, nhất là bộ đội đi công tác và đi phép (tuyến biển Rạch Giá – Phú Quốc chỉ có duy nhất một con tàu cổ lỗ, mỗi ngày một chuyến vào ra); rồi lên Hà Tiên hai ngày tá túc ở Đồn biên phòng Mũi Nai đợi đi nhờ thuyền; rồi đêm mưa giông giữa quần đảo Hải Tặc, suýt lật thuyền, may mà còn sống ra được Phú Quốc, gặp được các thầy cô giáo người Thái Bình ra dạy học ở Dương Đông, ở Hàm Ninh, vừa dạy học vừa cuốc đất trồng tiêu kiếm sống. Định nghĩa “Thầy cô giáo là người nông dân có nghề phụ là nghề dạy hoc” mà sau này tôi viết trong bút ký “Làng giáo có gì vui?” in trên báo Văn Nghệ thời kỳ đầu đổi mới, năm 1987, có chứng cớ từ ngày đó.

    Lần thứ hai tôi đến Kiên Giang là năm 1983. Các vị lãnh đạo Ty Giáo dục Kiên Giang giới thiệu với tôi một điển hình tiên tiến của tỉnh: Trường phổ thông Vĩnh Thanh Vân, nằm giữa trung tâm thị xã Rạch Giá. Ở đây, có cô giáo dạy văn Phạm Thị Tường Vy, một giáo viên tiêu biểu dạy giỏi cấp tỉnh. Chúng tôi đến thăm lớp, dự giờ. Đi dọc dãy hành lang, qua các lớp, đồng loạt vang lên bài ca quen thuộc tuổi học trò: “Em đi giữa biển vàng/Nghe mênh mang trên đồng lúa hát…”. Một cảm giác thật lạ. Bỗng thấymình như vào dự giờ ở Bắc Lý, Hải Nhân, Vũ Thư, Thăng Long…, những lá cờ đầu ngành giáo dục ở vùng châu thổ sông Hồng. Cảm giác gần gũi thân thương ấy, càng xốn xang khi vào lớp dự giờ: Trên bục giảng là cô giáo người Thái Bình, đẹp duyên dáng đoan trang trong bộ áo dài màu thanh thiên, với chất giọng đầy diễn cảm, kiến thức thâm sâu và một phong cách sư phạm tuyệt vời. Tôi như hòa cùng mấy chục đôi mắt học trò, hướng về phía cô, như nuốt từng lời…

    Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng “đi giữa biển vàng”- Ảnh 2.

    Tác giả Nguyễn Kho Đăng tặng sách cho bạn đọc. Ảnh: T.G

    Không ngờ cô giáo Phạm Thị Tường Vy lại là người vợ hiền của nhà giáo – nhà văn Nguyễn Khoa Đăng. Gặp tôi đến thăm nhà, căn hộ xinh xắn tại phố Phó Điều lớn nhất thị xã Rạch Giá, nhà văn ôm chầm lấy tôi. Đúng là “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”, là những người cùng xuất thân từ nghề giáo, lại say mê văn chương, từng đọc nhau, ngưỡng vọng nhau, chỉ gặp lần đầu đã thành tri kỷ. Cao lớn, đẹp trai như diễn viên điện ảnh với gương mặt phúc hậu, giọng Thái Bình sang sảng, chắc nhiều bóng hồng hâm mộ lắm đây. Tôi thầm nghĩ và quay sang nói với cô giáo Vy: “Chị không giữ ông “đi giữa biển vàng” này là dễ mất lắm đấy”. Chị Vy cười, nụ cười tỏa sáng đôi hàm răng ngọc, đùa lại: “Làm sao thoát khỏi bốn mẹ con tôi. Anh không biết tôi là “cô Hai năm tấn à?”.

    Bài báo về cô giáo Phạm Thị Tường Vy và trường Vĩnh Thanh Vân, tôi viết như nhập đồng, trong một đêm, hôm sau gửi ngay về tòa soạn để lên trang. Chỉ hai, ba tuần nữa, các trường học cả nước sẽ xôn xao về cặp uyên ương nhà văn – nhà giáo và hàng trăm thầy cô giáo Thái Bình trên quê hương kết nghĩa Kiên Giang.

    Những ngày làm khách của gia đình nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, tôi được đích thân cô giáo Tường Vy và mấy cô con gái nấu các món ngon miền Bắc, các món lạ phương Nam, được tác giả tặng tập truyện ngắn đầu tay “Khói đốt đồng” do Nhà xuất bản Kiên Giang mới in. Khói đốt đồng là hình ảnh sau mùa gặt ở miền Tây Nam Bộ, nhưng hồn cốt những truyện ngắn vẫn thấm đẫm mùi phù sa châu thổ sông Hồng. Trong câu chuyện thân tình, tôi làm một cuộc phỏng vấn:

    – Bài thơ “Mùa lúa chín” của anh được chọn in trong sách giáo khoa, được nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ nhạc thành bài hát “Em đi giữa biển vàng”, không biết được sáng tác ở Kiên Giang hay ở Thái Bình? Cả hai nơi đều là đất lúa, đều có “biển vàng”…

    – Mình vào Kiên Giang năm 1977, theo chủ trương tỉnh Thái Bình tăng cường cán bộ cho tỉnh kết nghĩa Kiên Giang. Hai năm sau, thấy quê mới hấp dẫn, liền đón vợ và ba cô con gái cùng cậu con trai út vào lập nghiệp. Bài thơ “Mùa lúa chín” được viết từ năm 1965, khi vợ chồng mình còn đang cùng dạy học ở Vũ Thư. Mỗi người một trường, cách nhau chục cây số. Trên đường về thăm vợ, đi qua những cánh đồng thơm ngát lúa trổ đòng, vàng rực mùa lúa chín. Đất Kiên Giang cũng là đất lúa, như ở Kiên Lương, ở Hòn Đất, cũng mùa vàng bát ngát. Nhưng cánh đồng Thái Bình quê mình nó khác lạ lắm…

    – Đến mức “Hương lúa chín/ Thoang thoảng bay/Làm say/ Đàn ri đá/ Làm xáo động/Cả hàng cây/ Làm lunglay/ Hàng cột điện…” thì chỉ có ở quê lúa Thái Bình. Và chỉ có nhà thơ Nguyễn Khoa Đăng mới nhận ra… Nhưng xin hỏi, hồi viết bài thơ, anh chị đã có cháu nào chưa? Chỉ người đã làm cha, làm mẹ mới có thể viết bài thơ cho trẻ con hay như thế.

    – Ông có phẩm chất một người cảm thụ thơ đấy – Nguyễn Khoa Đăng cả cười, nhìn xung quanh, như tìm ai đó – Con gái lớn của tôi, con Quỳnh Vân ấy, hôm nay đi học vắng. Hồi ấy vợ tôi vừa sinh cháu, giữa mùa lúa chín tháng mười. Những lúc ôm con gái bé bỏng vào lòng, tôi nhìn cánh đồng vàng và nghĩ đến những bước chân lon ton trên thảm vàng mênh mông…

    Tôi cũng nhớn nhác nhìn xung quanh. Thú thực khi ấy tôi chỉ ao ước được gặp cô con gái yêu, nhân vật đầu tiên, duyên cớ và cảm xúc thăng hoa, để nhà thơ viết lên tác phẩm để đời. Cô gái ấy, đang vào tuổi thần tiên 17, chắc cũng xinh đẹp như mẹ và có tâm hồn nghệ sĩ nhân ái nhân văn như cha…?

    *

    * *

    Những năm nhà văn Nguyễn Khoa Đăng cùng gia đình chuyển từ Kiên Giang lên Sài Gòn, tôi có dịp gặp gỡ ông thường xuyên hơn. Ấy là những năm tháng báo giấy lên ngôi. Các báo Văn Nghệ, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, An ninh Thế giới, Lao Động… tràn ngập trên các sạp báo vỉa hè, mỗi kỳ in hàng chục vạn bản.

    “Thế Giới Mới” – ấn phẩm của ngành giáo dục, do nhà báo lão luyện Lê Khắc Hoan chủ trương, trở thành tờ tạp chí lừng danh, gây cơn sốt trên các sạp báo Sài Gòn và khắp cả nước. Các nhà văn – nhà giáo Nam tiến sau 1975: Nguyễn Khoa Đăng, Lê Quốc Minh, Trần Quốc Toàn, Nguyễn Vũ Tiềm, Đỗ Quốc Anh, Đặng Hấn, Thanh Tùng, Lê Khắc Hân, Trần Đồng Minh… hội tụ về Sài Gòn, trở thành các cây viết chủ lực của “Thế Giới Mới” và “Tài Hoa Trẻ”. Mảnh đất Gò Vấp xa xôi, heo hút nhất Sài Gòn, không ngờ lại như có ma lực, tập hợp toàn những văn nghệ sĩ, nhà giáo gạo cội miền Bắc: Nguyễn Mạnh Tuấn, Trần Hoài Dương, Nhật Tuấn, Lê Quốc Minh, Nguyễn Khoa Đăng…

    Những lần vào Sài Gòn, tôi lại có dịp đàn đúm với những bạn văn chương, bạn nhà giáo. Một lần, không hẹn mà gặp, tòa nhà Botanic quận Phú Nhuận bỗng chật ních những gương mặt văn chương miền Bắc: Nhật Tuấn, Nguyễn Quang Thân, Trần Hoài Dương, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Khoa Đăng, Lê Khắc Hoan, Nguyễn Vũ Tiềm… Tình cờ, khi nhắc đến một bộ phim vừa đoạt giải thế giới, liền nảy ra tranh cãi giữa hai nhóm: Mấy ông cam đoan phim đoạt giải “Cành cọ vàng”, mấy ông khác dứt khoát giải “Sư tử vàng”, đến mức hai ông họ Trần: nhà thơ Trần Mạnh Hảo và nhà văn Trần Hoài Dương, dẫn đầu hai nhóm, cá cược với nhau, ai thua phải chiêu đãi phở, cà phê vào sáng mai tại quán Bồ Câu đầu đường Nguyễn Kiệm và Thích Quảng Đức. Nguyễn Khoa Đăng – thuộc nhómTrần Mạnh Hảo, liền mở điện thoại tra Google và tuyên bố xanh rờn: Giải “Cành cọ vàng”. Ông Trần Mạnh Hảo thắng cuộc”. Thế là sáng hôm sau, đúng 7 giờ 30, tất cả đến quán Bồ Câu ăn khao. Nhà văn Trần Hoài Dương lõm túi, phải chi hơn 2 triệu đồng, vẫn cười khơ khớ: “Khao toàn những tao nhân mặc khách Bắc Kỳ mà chỉ tốn gần trăm USD. Rẻ thối!”.

    Có lần hơi quá chén, tôi đã đánh giá thơ thiếu nhi của Nguyễn Khoa Đăng còn hơn cả thần đồng thơ Trần Đăng Khoa. Thì tính xem, không kể hơn hai mươi tập truyện, tập thơ và tiểu thuyết, không kể mấy kịch bản phim, rồi đóng phim như Nguyễn Tuân, Kim Lân, chẳng kém gì diễn viên gạo cội; không kể mấy năm làm “thầy cãi nhân dân” cho hàng trăm người nghèo oan ức ở Kiên Giang…, chỉ cần hai bài thơ phổ nhạc “Em đi giữa biển vàng” (nhạc Bùi Đình Thảo) và “Kiên Giang quê em” (nhạc Bùi Đức Thuyên) đã thấy nhỡn tiền. Thế mà bác khiêm tốn quá, hạ mình quá, đổi tên cúng cơm Nguyễn Đăng Khoa thành Nguyễn Khoa Đăng. Thầnđồng thơ Trần Đăng Khoa, người mà lẽ ra phải là Đăng Khoa em, hay Đăng Khoacháu, chứ không phải là ông Nguyễn Đăng Khoa với cái tên cúng cơm cha mẹ đặt cho từ năm 1940, vì hãi, vì nể, vì sợ tài cậu bé Trần Đăng Khoa sinh năm 1958, sau đúng 18 năm, một thế hệ, mà phải tự ti, tự kỷ, tự trọng… đành tráo từ, đổi tên thành Nguyễn Khoa Đăng… cho nó khiêm nhường (!)

    Tôi nói xơi xơi vậy, mà lạ thay nhà văn Nguyễn Khoa Đăng chỉ hiền lành cười trừ: “Nói gì thì nói, thơ thiếu nhi Trần Đăng Khoa vẫn là đỉnh cao của một thời. Với lại, đã là anh viết văn, nhất thiết phải khác người khác. Không hay được thì phải khác. Nguyễn Khoa Đăng là một sự khác đấy ông ạ”.

    Chỉ một câu ấy, mà tôi phục cho mãi tới bây giờ.

    Lần khác, tại nhà một người bạn, gặp cặp bài trùng Nguyễn Khoa Đăng và nhà thơ tài danh Thanh Tùng với bài thơ phổ nhạc “Thời hoa đỏ” để đời, nhà văn gốc Thái Bình khoe với tôi mới hoàn thành xong hai bộ tiểu thuyết quan trọng của đời mình: “Nước mắt một thời” và “Hoàng hôn lạnh”. Ông bảo, sống ở miền Nam hơn nửa đời người, nhưng tôi vẫn cứ là một anh nông dân Thái Bình ông ạ. Những năm trẻ tuổi mải lo kiếm sống, hiếm có dịp về quê. Giờ muốn về quê thì lại gối mỏi, chân chồn… Tôi đang giành phần còn lại của đời mình để trả món nợ sinh thành của quê hương.

    Đọc tiểu thuyết “Hoàng hôn lạnh” của Nguyễn Khoa Đăng, tôi bị ám ảnh bởi người mẹ mù lòa đêm đêm lại vật vã than khóc. Và người con mưu sinh ở phương Nam mỗi lần về thăm mẹ, như cào bới tâm can người đọc, chính là tác giả Nguyễn Khoa Đăng, chứ ai? Càng cuối đời, ông càng da diết tình yêu và nỗi thương nhớ quê hương Thái Bình. Ông hối hả viết về những kỷ niệm, những trải nghiệm của một thời tuổi trẻ, của làng quê yêu dấu. Chỉ có quê hương Thái Bình mới cho thơ ông cất cánh bay bổng: “Hương lúa chín, thoang thoảng bay/ Làm lung lay, hàng cột điện…”.


    Speak Your Mind

    *