April 29, 2024

Chạm tay, xoa tiền lên tượng: Tập tục cầu may hay chỉ là mê tín dị đoan?

  • Doãn Ngọc Tân ngất xỉu, cầu thủ và khán giả Thanh Hóa hốt hoảng
  • Thua Uzbekistan, U23 Indonesia chưa thể có vé dự Olympic
  • Bốc đầu xe mô tô phân khối lớn lúc 1h sáng để… lấy le với bạn nữ

  • Đua nhau xoa tiền lên tượng để lấy may

    Mới đây, ban quản lý đền Quán Thánh đã phải lắp camera, cử người túc trực nhằm ngăn cảnh hành động xoa tiền lên tượng đồng của người dân trong dịp đầu năm mới. Theo đó, quan tượng Huyền Thiên Trấn Vũ trong đền Quán Thánh có tới 4 camera an ninh hoạt động, đồng thời 3 – 4 người đứng cạnh liên tục giám sát, nhắc nhở người dân đặt tiền đúng nơi quy định.

    Chạm tay, xoa tiền lên tượng: Tập tục cầu may hay chỉ là mê tín dị đoan?- Ảnh 1.

    Nhiều người dân tới đền Quán Thánh để lễ bái vào những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024. (Ảnh: Ngọc Huyền)

    Ông Bùi Hồng Sơn (Phó Ban quản lý kiêm Thủ từ tại đền Quán Thánh) chia sẻ, hành động dùng tiền, khăn xoa vào chân tượng bị nghiêm cấm: “Chúng tôi đã liên tục nhắc nhở, thông tin đến người dân nhưng vẫn có một số người không tuân thủ. Thậm chí có người còn chui xuống gầm bàn chỉ để đặt được tiền lên chân tượng”.

    Trước đó, hành động này đã xuất hiện ở các đền chùa khác nhau trong cả nước nhiều năm qua. Tại chùa Bái Đính (Ninh Bình), hàng loạt du khách xoa tiền vào tượng phật Di Lặc, sờ tay vào tượng đá các vị La Hán với mong muốn sẽ mang lại may mắn, bình an. Cũng bởi vậy, hàng trăm bức tượng tại đây đều có vết, mang nguy cơ xuống cấp vì bị du khách sờ tay lấy may quá nhiều. 

    Chạm tay, xoa tiền lên tượng: Tập tục cầu may hay chỉ là mê tín dị đoan?- Ảnh 2.

    Việc chạm tay lên tượng Phật tại chùa Bái Đính đã trở thành thói quen nhiều năm nay. (Ảnh: Hải Đăng)

    Năm 2023, chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) cũng xuất hiện hàng loạt du khách tới chữa bệnh bằng cách dùng dầu gió xoa lên tượng “thần hổ”. Hành động này khiến nhiều vị trí của tượng hổ chuyển từ màu vàng sang đen, không còn nguyên màu sắc của bức tượng ban đầu.

    Sờ tay, xoa tiền lên tượng làm giảm tôn nghiêm nơi thờ tự

    Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng cho biết: “Việc sờ tay lên tượng/ vật thiêng là tập tục đã có từ lâu đời, không chỉ với người Việt mà còn tồn tại ở nhiều dân tộc, quốc gia trên thế giới. Đây đơn thuần là suy nghĩ mê tín dị đoan, không đúng đắn và thiếu cơ sở khoa học. Chúng ta đều biết, học trò không học hành không thể vì sờ đầu rùa tại Quốc Tử Giám mà đỗ đạt, người dân không chuyên tâm lao động cũng không thể cầu may bằng cách xoa tiền lên tượng Phật để sở hữu tiền bạc, phú quý”.

    Chạm tay, xoa tiền lên tượng: Tập tục cầu may hay chỉ là mê tín dị đoan?- Ảnh 3.

    Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng. (Ảnh: TL)

    Theo Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, hành động nói trên gây tổn hại, biến dạng cho các di tích, biểu tượng có giá trị cả về mặt văn hóa, lịch sử. Với việc hàng ngàn người chạm vào, tượng sẽ bị biến dạng, thay đổi về màu sắc. “Quan trọng hơn, việc sờ tay, xoa tiền lên tượng làm mất sự tôn nghiêm, trật tự của những nơi thờ tự, khiến các giá trị văn hóa đẹp đẽ ngày đầu năm không còn nguyên giá trị. Chúng ta vào đền, chùa để thể hiện lòng thành kính, nhưng lại động chạm vào đó, bằng những hành vi có tính chất chộp giật, thiếu phép tắc”. 

    Trong khi đó, ông Ngô Hương Giang, nhà nghiên cứu văn hóa cũng khẳng định, việc sờ tay, xoa tiền vào tượng là hiện tượng thường xuất hiện tại các ngôi đền, chùa hiện nay. “Không ít tượng Phật bị các du khách thập phương “tiếp cận” đến mức bóng, nhẵn. Những du khách này quan niệm rằng, ở những ngôi chùa “thiêng” thường có yếu tố may mắn khi chạm vào các bộ phận của tượng Phật. Với quan niệm mang tính “tâm lý” và có yếu tố mê tín, đằng sau các hành vi trên luôn là ước mong của con người về một cuộc sống may mắn, công việc hanh thông, thậm chí có người còn cho rằng chạm được vào tay chân hoặc một bộ phận nào đó của tượng thì sẽ được Phật “hiển linh”, trợ giúp chuyện kinh doanh, sức khoẻ”.

    Chạm tay, xoa tiền lên tượng: Tập tục cầu may hay chỉ là mê tín dị đoan?- Ảnh 4.

    Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang. (Ảnh: NVCC)

    Ông Ngô Hương Giang khẳng định: “Quan niệm này đi ngược với các giáo lý của nhà Phật. Phật dạy con người giác ngộ trước thế giới quanh mình từ đó sửa mình, giảm bớt các dục vọng để có cuộc sống an nhiên. Vì vậy, chúng ta đến chùa trước hết là để vãn cảnh, sau là để thân tâm bình an, chứ Phật không giúp con người làm giàu hay chữa bệnh. Tâm có an thì cuộc sống mới hạnh phúc. Và ngay cả hình thái “tượng Phật” cũng chỉ là biểu trưng vật chất cho sự hiện diện của “giáo lý”, “tư tưởng đức Phật” như một sự nhắc nhở về quá trình tu tập không ngừng của con người nhằm giải thoát khỏi “cõi khổ” do ham muốn, do dục năng mà có”.

    Ông Phạm Văn Nguyên, một người vãn cảnh chùa tại đền Quán Thánh, Hà Nội cũng tỏ ra bất bình trước thực trạng này: “Tôi không ủng hộ, thậm chí khó chịu khi nhiều người dùng tay xoa, nhét tiền vào tượng Phật. Hành động trên rất phản cảm, không đúng với Phật pháp. Tôi rất mong ban quản lý các ngôi đền, chùa sẽ có các biện pháp nghiêm khắc, thậm chí xử phạt các đối tượng này”.

    Tuyên truyền cho người dân là biện pháp quan trọng bậc nhất

    Tiến sĩ Trần Hữu Sơn khẳng định, việc tuyên truyền, quảng bá, định hướng dư luận để người dân thay đổi nhận thức là việc cần làm, trong đó báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng đóng vai trò quan trọng. “Nên đưa ra các thông tin khẳng định đây là việc làm mê tín dị đoan, cũng như đăng tải những bài phỏng vấn, câu chuyện mà ở đó cho thấy không có bậc Tiến sĩ nào đi Văn Miếu để chạm tay vào đầu rùa, hoặc một vị tỷ phú nào tới đền, chùa để xoa tiền vào tượng Phật”. 

    Trong khi đó, ông Ngô Hương Giang cho rằng: “Trước hết, tại nơi có những ngôi chùa lâu đời, là điểm đến thường xuyên của du khách, ban quản lý nên có các biện pháp tuyên truyền về giá trị cốt lõi của giáo lý, tư tưởng Phật giáo, đồng thời “thức tỉnh” người dân không nên mê tín thông qua các hình thức cúng dường hay chạm vào tượng Phật. Sự tuyên truyền này có thể bằng loa phát thanh hoặc bằng các biển báo đặt ở ngoài sân.

    Thứ hai, tại nơi đặt tượng Phật, Ban quản lý nên đặt các biển cảnh báo hoặc dựng các vật chắn để du khách không có “điều kiện” chạm vào tượng Phật”.

    Đi lễ đền, chùa, đến những địa điểm tâm linh vào dịp đầu năm là nét đẹp văn hoá truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, bên cạnh những tập tục cần được duy trì, phát triển, hiện nay, việc lễ bái đầu năm vẫn chứa nhiều tồn tại cần được khắc phục. 


    Speak Your Mind

    *