May 9, 2024

Kể chuyện làng: Ra Giêng đi cấy

  • Người hùng Joselu là ai?
  • Phim về Ryuichi Sakamoto – chủ nhân giải Oscar, tượng đài âm nhạc Nhật Bản ra mắt
  • Đinh Thanh Trung – Tượng đài sụp đổ

  • Chắc cũng vì lẽ đó nên thay vì quay trở về Hà Nội sớm để bắt tay vào công việc, tôi lại cố tình nấn ná ở quê để phụ giúp bố mẹ việc cày cấy đầu xuân. Không dưng lại sực nhớ đến những ngày đầu xuân đã xa của tuổi thơ, đứa trẻ là tôi khi ấy lại được theo bố mẹ ra đồng cấy lúa vụ chiêm.

    Những năm 80 của thập niên trước, việc làm nông ở quê tôi đa phần đều rất thô sơ, không có nhiều trang thiết bị hoặc các loại máy cày, máy cấy như bây giờ. Bà con nông dân càng phải chăm chỉ hơn. Những cái Tết vì lẽ đó cũng trở nên vội vã để kịp cho mùa vụ. 

    Điển hình như ở nhà tôi, chỉ cần hết 3 ngày Tết, đến ngày mùng 4 Tết là chị em tôi đã phải nói lời tạm biệt với mùa xuân, để tranh thủ mấy ngày còn được nghỉ học để theo mẹ ra đồng cấy lúa. Dẫu cực khổ là thế nhưng bọn trẻ con chúng tôi rất thích vì cảm giác được hòa chung không khí sôi nổi của làng quê khi người người nhà nhà nô nức dắt trâu bò xuống ruộng cày bừa, gồng gánh phân gio. 

    Có cảm tưởng muôn nẻo đường làng khi ấy đều rộn ràng tiếng bước chân thậm thịch. Tiếng cười đùa vui tươi hòa cùng âm thanh réo rắt của bản nhạc xuân được phát ra từ những chiếc loa treo trên cột điện nghe náo nức vô kể.

    Kể chuyện làng: Ra Giêng đi cấy- Ảnh 1.

    Đi cấy lúa đầu xuân. Ảnh: Tác giả cung cấp

    Tôi thường thức giấc giữa lưng chừng giấc mơ sau tiếng gọi khẽ khàng của mẹ, nhìn qua sông thấy lác đác vài thửa ruộng đã bắt đầu được phủ một màu xanh mơn mởn như voan mỏng của lớp mạ non. Dù đã sắp ra Giêng nhưng thời tiết quê tôi năm nay vẫn còn rét đậm, cái rét dai dẳng theo những cơn gió tràn vào nhà, khiến ai nấy đều phải co ro. Có hôm trời hửng nắng vào gần trưa nhưng càng chiều đến càng tái tê rét.

    Bên cạnh đó, do hoàn cảnh khó khăn khiến việc mặc ấm cũng trở nên xa xỉ. Đôi khi một người phải mặc 5-6 lớp áo, vì đa phần các loại áo khi ấy đều được may từ vải chứ chẳng hề có áo phao áo dạ xa xỉ như bây giờ. Bọn trẻ con chúng tôi khi ấy vẫn quen với việc mặc áo rách áo vá ở bên trong, sau đó sử dụng áo lành lặn mặc ngoài. 

    Mãi cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể quên được cái áo chun để tránh rét thuở ấy. Mặc dù gọi là áo rét nhưng khi mặc vào, cảm giác nó vẫn giá lạnh như băng, phải chờ một ít thời gian để quen dần thì nó cũng ấm, dù chẳng thể so với những chiếc áo lạnh ấm áp như bấy giờ. 

    Chắc cũng vì lẽ đó nên vật phẩm quý giá nhất trong thời điểm ấy vẫn là chiếc cái áo bông, nhưng được truyền tay nhau từ đời này sang đời khác, vẫn khiến cho chiếc áo mất dần độ ấm áp, không thể chống nổi được giá rét ngoài cánh đồng. 

    Thế là trong “cái khó ló cái khôn”, các bà các mẹ khi ấy ở quê tôi thường mặc thêm áo tơi lá hoặc quấn thêm áo tơi “túi bóng” ở ngoài, giữa eo được thắt chiếc lạt chuối khô cho kín gió. Bà con quê tôi cứ lặng lẽ như thế mà kiên trì vượt qua biết bao mùa cấy.

    Nhà tôi vốn không nhiều đất đai, chỉ có hơn ba sào ruộng để trồng lúa. Mà kỳ thực gia đình vốn neo người nên cũng chỉ cần ba sào ruộng thôi, vì có cho thêm đất cũng chẳng có đủ sức để làm. Mấy chị em tôi thường đội trên đầu một cái nón tơi, khệ nệ mang theo ít cơm nắm, trà nóng rồi cứ thế lon ton theo bố mẹ ra ruộng. 

    Suốt dọc đường đi, mọi người gặp nhau trên bờ ruộng, mỉm cười dịu dàng dẫu môi đang tê cứng. Bao giờ cũng thế, khi đi cạnh những bờ ruộng, ánh mắt tôi dừng lại rất lâu vào những bóng lưng cần mẫn cùng biết bao đôi tay bất chấp thời tiết giá lạnh, đang thoăn thoắt cắm từng khóm mạ xuống lớp bùn còn sủi lên đám bọt vàng khé của ruộng mới bừa. Đây là kiểu cấy cày theo cách truyền thống.

    Trên cánh đồng xâm xấp nước, óng ánh một màu trắng bạc cùng ngọn gió xuân, tiếng cười nói xôn xao, khiến chúng tôi cảm tưởng mùa cấy như một ngày hội tràn ngập niềm vui. Trong khi những người đàn ông tranh thủ xúc mạ, rải mạ kết hợp với rải phân gio thì các cô các chị tỉ mẩn nắm từng dẻ mạ cắm xuống ruộng. 

    Việc cấy lúa tưởng chừng như nặng nhọc nhưng hóa ra lại đong đầy niềm vui. Vui hơn nữa là mọi người sẵn lòng san sẻ, giúp đỡ nhau khi phần ruộng nhà mình đã hoàn thành. Đôi khi nhiều người quen biết nhưng do bận rộn nên cả năm chỉ gặp nhau đôi lần vào vụ cấy gặt nhưng vẫn sẵn sàng giúp đỡ nhau, chẳng nề hà bất cứ điều gì.

    Mọi người cứ thế mải mê cày cấy cho đến khi tấm lưng đã ướt đẫm mồ hôi, cơ thể đã thấm mệt và đau nhức cũng là thời điểm những tiếng hò nhau lên bờ nghỉ ngơi vang lên ồn ã. Các bác, các ông sẽ tranh thủ quây quần bên điếu thuốc, nhấm nháp chén trà thơm. 

    Kể chuyện làng: Ra Giêng đi cấy- Ảnh 2.

    Bố tác giả gói bánh chưng mang ra rẫy. Ảnh: Tác giả cung cấp

    Trong khi đó, các bà các cô sẽ thư thái ngồi thưởng thức những miếng bánh, gói kẹo, sợi mứt còn dư trong dịp Tết, tranh thủ gói ghém mang theo. Gia đình tôi cũng không là ngoại lệ. Mỗi mùa cấy đến, bố mẹ tôi lại cặm cụi gói thêm bánh chưng, bánh tét, bỏ ít kẹo mứt cho đầy một giỏ để dành cho mọi người ra ruộng cấy có cái để ăn. Mặc dù bố tôi là người không thích ăn bánh chưng nhưng vì bố vẫn tranh thủ gói thêm, để ra Tết đi cấy mang theo còn có cái ăn. 

    Bánh chưng bố tôi gói rất khéo léo với nếp nương thơm dẻo hoà cùng nhân đậu xanh thơm lừng, quyện với thịt ba chỉ béo ngậy. Bố tôi gói khéo và chặt tay đến độ dù đã ra Tết gần tuần lễ rồi nhưng hạt nếp vẫn dẻo dính, thơm bùi khiến ai ăn cũng đều tấm tắc khen ngon. Trong làn gió xuân se sắt lạnh, mọi người ngồi cạnh nhau hào hứng nói cười râm ran, kể cho nhau nghe biết bao chuyện vui buồn trong dịp Tết và cả những ước hẹn đầu xuân.

    Giữa những buổi trưa êm đềm như thế, tôi thường ngồi trên những vạt cỏ ngan ngát xanh, nhìn từng vạt nắng tươi hồng, nghĩ về những cây lúa trong tương lai sẽ tươi tốt, trổ ra đòng đòng và nặng trĩu hạt vàng ươm. Thấp thoáng ở phía bên kia trên những cánh đồng, tôi nghe du dương trong gió những khúc hát da diết. 

    Một khúc hát chèo, một câu ca quan họ, hay một câu Kiều làm không khí xuân càng dâng tràn, càng náo nức. Tiếng hát véo von như hối thúc lòng người mau chóng hoàn thành công việc để còn đi dự hội làng. Những dịp lễ hội thật vui tươi với biết bao khúc hát giao duyên trong mưa xuân lất phất bay và hoa gạo nở đỏ tươi một vùng trời.

    Để rồi khi kỳ nghỉ Tết đi qua, bản thân phải trở lại thành phố, tiếp tục nhịp sống tất bật nhưng trong ba lô bao giờ cũng mang theo ít cân gạo mẹ để dành từ những mùa vụ trước. Thi thoảng, bưng bát cơm dẻo lại nao nao nhớ bố mẹ, mong ngóng về những ngày tháng vất vả gieo mạ non đầu xuân. Mùa xuân gieo vào cánh đồng làng tôi biết bao hy vọng vào một vụ mùa xanh tốt. 

    Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục “Kể chuyện làng” từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

    Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

    Bài viết cộng tác với chuyên mục “Kể chuyện làng” xin gửi về email: [email protected]; điện thoại liên hệ: 0903226305.


    Speak Your Mind

    *