April 28, 2024

Chọi trâu Hải Lựu: Tiêu chí chọn chủ trâu ngặt nghèo và những điều cấm kỵ trước ngày lễ hội

  • Đánh bại Thái Lan, Iran đăng quang Giải futsal châu Á 2024
  • Thắng nghẹt thở Tottenham, Arsenal vẫn tạm giữ ngôi đầu
  • CLB Hà Nội nhọc nhằn vào bán kết Cúp quốc gia 2023 – 2024

  • Lễ hội “đấu ngưu” có tuổi nghìn năm 

    Cận Rằm tháng Giêng, xã Hải Lựu vẫn sôi nổi, nhộn nhịp như Tết chỉ mới gần tới. Từ người già tới trẻ nhỏ hào hứng, nô nức kéo nhau ra sân vận động nằm sát cạnh UBND xã Hải Lựu để xem công tác chuẩn bị cho lễ hội chọi trâu trong hai ngày 16-17 tháng Giêng sắp tới. Người dân nơi đây coi truyền thống từ lâu đời đó là “ngày Tết thứ hai” của vùng.

    So với lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, lễ hội chọi trâu tại Hải Lựu không nổi tiếng bằng và quy mô tổ chức cũng nhỏ hơn, nhưng những giá trị văn hóa – lịch sử và giá trị tinh thần gắn với người dân cũng không hề kém cạnh.

    Theo những ghi chép trong thư tịch cổ và các bản Ngọc phả đời Lê Trung Hưng, mục “phong tục” sách “Đại Nam nhất thống chí”, lễ hội chọi trâu truyền thống Hải Lựu có từ khoảng thế kỷ II trước Công nguyên, đầu thời kỳ Bắc thuộc.

    Chọi trâu Hải Lựu: Tiêu chí chọn chủ trâu ngặt nghèo và những điều cấm kỵ trước ngày lễ hội- Ảnh 1.

    Lễ hội chọi trâu Hải Lựu có truyền thống lâu đời và thu hút hàng vạn người tới xem. Ảnh: Xã Hải Lựu

    Cổ tục này gắn với sự kiện nhà Triệu (Triệu Đà nước Nam Việt) tan rã sau cuộc chiến tranh với nhà Tây Hán, kết thúc kỷ nguyên nhà Triệu (năm 111 TCN). Khi đó, tướng Lộ Bác Đức đem quân xâm lược nước Nam Việt của Triệu Ai Vương. Thừa tướng Lữ Gia quê gốc xứ Nghệ An là một tướng tài của triều đình đã rút khỏi kinh đô Phiên Ngung (thuộc Quảng Đông, Trung Quốc ngày nay) về đóng quân ở núi Long Động, huyện Lập Thạch chống lại quân Hán của Lộ Bác Đức hơn 10 năm.

    Suốt thời gian đó, ông đã cùng các thổ hào và nhân dân đánh cho quân nhà Hán thất điên bát đảo, trong đó lớn nhất là trận đánh trên sông Lô năm 111 TCN. Sau khi ông mất, được dân làng tôn làm Thành hoàng làng thờ ở đình Bạch Lưu Hạ, và có đến 20 đền, đình thờ ông ở các xã quanh vùng.

    Thuở ấy, để động viên tinh thần binh sĩ và dân chúng mỗi khi thắng trận, thừa tướng Lữ Gia cho mổ trâu khao thưởng, ăn mừng chiến thắng và đặt ra trò “đấu ngưu” (chọi trâu) để mua vui cho dân làng, quân sĩ. Từ đó, lễ hội đấu ngưu được lưu truyền qua nhiều đời, dần dần trở thành một cổ tục truyền thống của địa phương.

    Về nguồn gốc lễ hội chọi trâu Hải Lựu, truyền thuyết dân gian còn kể lại: Vào một buổi sớm mờ sương, ở đầu làng người ta nhìn thấy 2 con trâu trắng chọi nhau, không phân thắng bại, sau đó cả 2 con đều nhảy xuống sông rồi biến mất. Nơi đó sau gọi là Bến Ảnh, tên làng được gọi là “Bạch Ngưu” (vì kiêng húy của thần nên gọi chệch là Bạch Lưu) và lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu từ đó.

    Theo các già làng, truyền thuyết ấy cũng là một yếu tố minh chứng cho làng Bạch Lưu Hạ là nơi có lịch sử của lễ hội chọi trâu cổ xưa bậc nhất của người Việt Nam.

    Nhưng tới năm 1947, do thực dân Pháp đốt cháy mất đình Làng (Bắc Cổ) của xã Hải Lựu và do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ nên lễ hội chọi trâu bị gián đoạn 55 năm, đến năm 2002 mới được phục hồi.

    Trao đổi với Dân Việt, ông Đào Tiến Trung – Chủ tịch UBND xã Hải Lựu cho biết, chọi trâu Hải Lựu thời thừa tướng Lữ gia nhằm mục đích biểu dương lực lượng, cổ vũ tinh thần thượng võ. Tướng sĩ sau khi ăn thịt trâu chọi cũng tăng thêm nhuệ khí, thân hình tráng kiện, sức khỏe hơn người, từ đó mà Hải Lựu luôn trụ vững trước quân xâm lược.

    “Tới ngày nay, những con trâu chọi lại có một “sứ mệnh” khác. Người dân trang trọng gọi trâu chọi với cái tên “ông Cầu”. Những “ông Cầu” đại diện cho tâm tư, nguyện vọng, gửi gắm tình cảm, tín ngưỡng của người dân để tế Thành hoàng, cầu cho thế giới hòa bình, cầu cho quốc gia hưng thịnh, cầu xã tắc bình yên, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho mùa màng bội thu. Sau đó thì dắt trâu ra chọi để hoài niệm về sự hào hùng, về tinh thần thượng võ của cha ông xưa để lại.

    Đây là lễ hội hàng nghìn năm lịch sử, đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ người dân Hải Lựu. Người dân Hải Lựu luôn ý thức việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử cho đẹp thêm, lộng lẫy thêm. Mỗi mùa xuân nào người Hải Lựu cũng có 2 cái Tết. Đó là Tết Nguyên Đán và lễ hội này. Sau đấy, người dân mới yên tâm làm ăn hay có các hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Trung chia sẻ.

    Chọi trâu Hải Lựu: Tiêu chí chọn chủ trâu ngặt nghèo và những điều cấm kỵ trước ngày lễ hội- Ảnh 2.

    Các chủ trâu dắt trâu tế lễ Thành hoàng làng trước ngày khai mạc. Ảnh: Xã Hải Lựu

    Kết thúc lễ hội, trâu vô địch cũng được hiến sinh để tế lễ thành hoàng làng giống như ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Các già làng cho rằng, nếu cho rằng, trâu thắng hay bại cũng giết thịt thì chưa hiểu rõ về lễ hội. Còn quan niệm đây lễ hội có tính chất man rợ thì  thuộc về tập tính của loài trâu, nếu thả trên đồng chúng cũng tự lao vào húc nhau. Trâu chọi nhau cũng không tới mức chết luôn, thua sẽ bỏ chạy và các chủ trâu cũng bắt lại ngay sau đó.

    “Quan điểm của tôi cũng có thể coi đây là môn thể thao đối kháng của loài trâu, tới con người cũng có những môn thể thao đối kháng nhau, hạ đối phương knock-out thì tại sao lại cho lễ hội này có tính chất man rợ”, một già làng chia sẻ.

    Kỳ công “nghề” chăm trâu chọi ở Hải Lựu

    So với lễ hội chọi trâu ở nơi khác, các trâu thường do các cá nhân tự mua về chăm sóc, nuôi dưỡng; nét văn hoá độc đáo của chọi trâu Hải Lựu là các “ông Cầu” được các tập thể đã gắn bó lâu đời với nhau cùng tham gia nuôi dưỡng, huấn luyện. Mỗi tập thể thường là các xóm, làng hoặc họ tộc…

    Ông Đào Tiến Trung cho biết, ngay từ tháng 4/2023, UBND xã Hải Lựu đã giao chỉ tiêu trâu chọi năm 2024 cho các thôn dân cư để các thôn chủ động mua và chăm sóc trâu chọi. Lễ hội chọi trâu Hải Lựu 2024 có 20 trâu của các thôn dân cư. Các chủ trâu đã mua trâu và ký cam kết với xã nuôi hãm, chăm sóc và huấn luyện trâu từ tháng 7/2023 (tháng 6 Âm lịch). Đến nay 20 trâu qua kiểm tra đều đảm bảo các tiêu chuẩn tham gia lễ hội.

    Chọi trâu Hải Lựu: Tiêu chí chọn chủ trâu ngặt nghèo và những điều cấm kỵ trước ngày lễ hội- Ảnh 3.
    Chọi trâu Hải Lựu: Tiêu chí chọn chủ trâu ngặt nghèo và những điều cấm kỵ trước ngày lễ hội- Ảnh 4.

    Những “ông Cầu” luôn được các chủ chăm sóc kĩ càng, coi như người bạn trong nhà. Ảnh: Phạm Thứ

    Trước tiên, người được lựa chọn để đứng tên chủ trâu phải là người thuộc gia đình tiêu biểu, thường là gia đình văn hóa; có đầy đủ ông bà, cha mẹ, con cháu sống thuận thảo hòa hiếu và có điều kiện kinh tế khá giả.

    Còn đối với trâu, các chủ trâu phải lựa chọn loại trâu đực có tuổi đời ít nhất khoảng 8 tuổi; tướng mạo của trâu phải đẹp từ móng, gối, chân, đuôi, lông mi… Vòng ngực của trâu tối thiểu phải từ 2m15. Đặc biệt, trâu phải được thuần hóa, nghe lời của người để tránh những chuyện không hay xảy ra.

    Để chọn được “ông Cầu” ưng ý, anh Dương Anh Việt (24 tuổi, một trong những chủ trâu của hội thi) phải mất cả tháng tìm kiếm và “ông Cầu” của anh Việt được tuyển chọn từ gần 60 con trâu anh tìm được.

    Theo anh Việt, con trâu với người dân Hải Lựu có ý nghĩa tinh thần rất to lớn, nên luôn được chăm sóc rất đặc biệt. Cỏ cho ăn phải là cỏ non; ngoài ra còn được ăn thêm mật mía, trứng để trâu “vào thịt”. 3 tháng mùa đông là lúc trời rét, phải đốt lửa cho trâu sưởi ấm. Đó cũng là thời điểm rất quan trọng bởi trâu gần tới ngày ra sới chọi. Chuyện người dân ăn cùng trâu, ngủ cùng trâu tại Hải Lựu đã là điều hết sức bình thường.

    Bên cạnh đó, những “ông Cầu” cũng phải có một chế độ tập luyện để khỏe mạnh, cứng cáp hơn. Người huấn luyện thường dắt trâu ra bờ ruộng hay những vùng trũng để trâu tập húc hoặc trâu được thả tự do để rèn thể lực. Nhưng các chủ trâu cũng cần phải chú ý bởi trên các bãi tập có thể xuất hiện những con trâu khác. Chuyện trâu đánh nhau trước khi ra sới chọi là điều không chủ trâu nào mong muốn bởi mất đi tính linh thiêng, may mắn.

    Càng tới gần ngày lễ, những chủ trâu lại càng chăm sóc, giữ trâu cẩn thận, thậm chí là không cho ai tiếp cận để an toàn nhất cho trâu, tránh việc bị ai làm hại hoặc nhiễm bệnh. Nếu không được đại diện BTC dẫn tới tận nơi giới thiệu, PV cũng khó có thể tiếp cận những con trâu chọi để chụp ảnh hoặc phỏng vấn chủ trâu.

    Cả làng háo hức chờ ngày khai hội chọi trâu Hải Lựu

    Chưa cần phải tới ngày diễn ra lễ hội mới thấy được tình yêu của người Hải Lựu với lễ hội truyền thống này. Dạo một vòng quanh sới chọi gần ngày lễ hội diễn ra, PV Dân Việt ghi nhận rất nhiều người dân, đủ mọi lứa tuổi từ những người lớn tuổi, thanh niên tới các em học sinh từ cấp ba tới tiểu học hoặc thậm chí là những em nhỏ mới chỉ 2-3 tuổi vây quanh sới chọi để xem trâu tập luyện.

    Tình yêu với trâu của người Hải Lựu chẳng cần ai dạy bảo mà qua chính những lần được tiếp xúc với trâu từ bé. Anh Dương Anh Việt chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được làm chủ trâu và là người trẻ nhất được đứng tên chủ trâu từ lúc lễ hội được phục hồi. Thật sự, tôi cũng không biết phải diễn tả cảm xúc này thế nào. Chỉ biết là rất tự hào và biết ơn. Mình được tiếp nối cha ông, những điều hào hùng trong lịch sử”.

    Cách anh Việt không xa, anh Nguyễn Tiến Thành (26 tuổi) dù chỉ là đồng chủ trâu, không phải người chính thức đứng tên chủ trâu nhưng anh lại là người rất am hiểu, thuần thục với tập tính của loài trâu. Anh Thành lớn lên từ bé bên sới chọi và cũng chẳng nhớ mình bắt đầu quen và yêu mến loài trâu từ khi nào. Chẳng phải ai dạy, nhưng những câu chuyện lịch sử, những giá trị về lễ hội chọi trâu của Hải Lựu anh đều nắm rõ. Lập nghiệp tại Hà Nội, nhưng chưa năm nào anh vắng mặt mỗi khi lễ hội chọi trâu được tổ chức.

    “Thương lắm! Nuôi con trâu này rất là thương nó”, anh Thành bùi ngùi chia sẻ.

    Chọi trâu Hải Lựu: Tiêu chí chọn chủ trâu ngặt nghèo và những điều cấm kỵ trước ngày lễ hội- Ảnh 5.

    Những đứa trẻ tại xã Hải Lựu ngay từ nhỏ đã yêu mến, gần gũi với con trâu. Ảnh: Phạm Thứ

    Người Hải Lựu nuôi trâu chọi vì những giá trị tinh thần, chuyện “lời – lỗ” chẳng đáng. Gần một năm trời chăm bẵm, gần gũi, nếu thắng có tiền thưởng hoặc mổ thịt lời đến mấy chục triệu, nhưng nếu chia đều cho các hộ được vài triệu thì chẳng đáng là bao. Còn nếu thua, lỗ cũng mấy chục triệu nhưng cũng chia đều về các hộ thì thiệt hại cũng không đáng mấy.

    Qua mỗi mùa chọi trâu, tình làng nghĩa xóm giữa các đồng chủ trâu lại càng khăng khít hơn. Lễ hội chọi trâu cũng là cách để người Hải Lựu quảng bá quê hương mà theo họ là miền quê hẻo lánh được bao quanh bởi dòng sông Lô và các sườn đồi núi tới khắp mọi miền Tổ quốc.


    Speak Your Mind

    *