May 4, 2024

Từ thuở mang gươm đi mở cõi…!

  • Đánh bại Công An Hà Nội, Nam Định tiến bước dài đến ngôi vương
  • HLV Hoàng Anh Tuấn bận rộn với U16, U19 Việt Nam
  • CLB Hà Nội suýt thua trên sân Vinh của Sông Lam Nghệ An

  • Mùa xuân năm Mậu Dần (1698), chúa Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725) sai Thống suất Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam lập phủ Gia Định, đặt 2 dinh: Lấy đất Nông Nại đặt dinh Trấn Biên, chỉ mới có huyện Phước Long, gồm 2 tổng Phước An và Long Thành; lấy đất Sài Côn (Sài Gòn) đặt làm dinh Phiên Trấn, chỉ có huyện Tân Bình, gồm 2 tổng Tân Long và Bình Dương.

    Xã thôn cư dân trù phú; tuy nhiên, vùng tiếp giáp 2 dinh vẫn còn nhiều đất hoang, nên Lễ Thành hầu dâng sớ đề nghị chúa tiếp tục cho chiêu mộ dân binh vùng Nam Bố Chính đưa vào, tự do chọn vị trí thích hợp khai khẩn. Do lời đề nghị ấy, khoảng hơn 20 năm sau, vùng đất mới có thêm khoảng 1.000 xã thôn, man, nậu, lần lượt hình thành 9 thuộc (tức 9 vùng đất tốt) là Hoàng Lạp (vùng Sông Bé hiện nay), Cảnh Dương (vùng Giồng Ông Tố hiện nay), Giản Thảo (Cầu Kho), Tân Thạnh, Thiên Mụ (Cần Giuộc, Cần Đước), Tam Lạch (Ba Giồng/Mỹ Tho), Quy An (Vĩnh Long), Quy Hóa (Bến Tre) và Bả Canh (Chợ Gạo, Cái Bè, Cao Lãnh).

    Từ thuở mang gươm đi mở cõi...!- Ảnh 1.

    Kênh Chợ Gạo đoạn qua thị trấn Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Hoàng Nam

    Tổ tiên chúng ta đi mở cõi chỉ bằng cây phảng – một loại nông cụ rất lợi hại – chứ không phải bằng vũ khí. Mà nếu có vũ khí thì cũng chỉ để chống lại thú dữ như voi, cọp, trăn, sấu mà thôi.

    “Ngụ binh ư nông” là chủ trương khai hoang mở ruộng, mục đích để dân chúng ấm no, mở rộng bờ cõi cho chúa Nguyễn, mà cũng là chủ trương của các vị đế vương đời trước. Tuy nhiên, các chúa Nguyễn có cái nhìn thoáng hơn: Cho một người Cai cơ hoặc Cai đội và một thư ký đứng ra chiêu mộ dân nghèo thiếu đất canh tác, kể cả tù binh, tù phạm – loại có thể được tha. Họ được dẫn gia đình theo, được cấp lương tiền, biên chế thành đội ngũ. Lúc thì khai hoang mở ruộng, lúc phải luyện tập võ nghệ, theo sự chỉ huy của viên Cai cơ. Nhưng cũng có lúc nông nhàn, họ có thể khai khẩn riêng cho mình, nhờ vậy mà cuộc sống gia đình họ khấm khá hơn trước.

    Theo biên chế quân đội nhà Nguyễn, cứ 5 người lập thành 1 Ngũ, 10 người lập thành 1 Thập. Ngũ trưởng hoặc Thập trưởng có nhiệm vụ chỉ huy đám dân binh dưới quyền mình (mà thường là anh em, bạn bè), khai khẩn thành lập Trại (trại ruộng), 1 xứ (1 xóm gồm nhiều trại ruộng). Nhiều Trại, nhiều Xứ thì lập 1 Đội, cử ra 1 Đội trưởng chỉ huy. Cứ 10 hay 15 đội thì lập 1 Cơ, do chính viên Cai cơ và viên Thư ký đó chỉ huy.

    Đến khi khai khẩn thành công và khai báo về trên, thì các Đội có thể được chuyển thành xã thôn, xây dựng các thiết chế văn hóa như đình, chùa, miễu, võ; thành lập chính quyền (viên Đội trưởng thường được cử làm Trùm cả, tức Trưởng xã thôn). Nhiều xã thôn thành lập 1 Thuộc. Khi hoàn thành thì viên Cai cơ và Thư ký ấy có thể được cử làm Cai tổng và Phó tổng.

    Theo Địa bạ Minh Mạng năm thứ 17 (1836), chủ trương khai khẩn đất hoang của chúa Nguyễn được thực hiện rất tốt, giúp chúa Nguyễn có rất nhiều ruộng đất ở miền Nam do các Thuộc quản lý. Có Thuộc quản lý 400 – 500 mẫu. Đặc biệt, Thuộc Thiên Mụ (Cần Đước) quản lý trên 2.000 mẫu. Ruộng đất tập thể (đất làng) ở vùng đất mới cũng nhiều hơn các địa phương khác, có làng 5 – 10 mẫu, có làng có đến 20 – 30 mẫu. 

    Còn những người bình dân hưởng ứng cuộc chiêu mộ vào Nam khai khẩn thường được 1 sở ruộng 8 – 10 mẫu (Nhà nước có lệnh nhắc nhở những kẻ lười biếng, khai khẩn dưới 2 mẫu; ngược lại, những người khai khẩn được nhiều ruộng thì bản thân họ và chính quyền hương đảng cũng được khen thưởng).

    Vùng đất mới phía Nam được mở rộng là nhờ có chủ trương, có nguồn vốn, đặc biệt là nhờ sức lao động cần cù của những người nông dân nghèo. Nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ sau này có câu: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Ngày xuân, chúng ta ngồi lại suy ngẫm: Tổ tiên chúng ta đi mở cõi chỉ bằng cây phảng – một loại nông cụ rất lợi hại – chứ không phải bằng vũ khí. Mà nếu có vũ khí thì cũng chỉ để chống lại thú dữ như voi, cọp, trăn, sấu mà thôi. 


    Speak Your Mind

    *