May 16, 2024

Văn Cao, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt… những tài thơ sáng ngời bản lĩnh trước bi kịch cuộc đời

  • Có một Hoàng Anh Gia Lai rất khác
  • Mẹ của Phan Quốc Việt khai có hồi môn 1.000 cây vàng, cho con trai vay 450 tỷ đồng để làm ăn
  • VAR hoạt động hết công suất ở vòng 19 V-League 2023-2024.

  • Bản lĩnh nhà thơ là ý thức tự trọng trong sáng tạo chữ nghĩa

    Bàn đến bản lĩnh của người cầm bút, nhà thơ Đặng Huy Giang cho rằng, đối với người viết, bản lĩnh chính là sự tự tin, tự làm chủ mình trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, đến mức tuyệt đối. Bản lĩnh đòi hỏi người viết tuyệt đối không chạy theo người khác, không giống người khác. Chính nhờ bản lĩnh mà sự khác biệt, độc đáo mới được hình thành, được xác lập.

    Văn Cao, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt… những tài thơ sáng ngời bản lĩnh trước bi kịch cuộc đời- Ảnh 1.

    Tọa đàm “Từ bản lĩnh đến bản sắc” diễn ra trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22. Ảnh: HTL

    Nếu không có bản lĩnh, chắc chắn ở thời kỳ đổi mới, Liên Xô cũ sẽ không có tiểu thuyết “Trái tim chó”, “Những đứa con phố Arbat”, tập thơ “Sợi dây thần kinh” của Bulgakov, Rybakob, Vyxotxki và một số tác phẩm khác, mới được công bố và được thừa nhận. Những tác phẩm này vẫn được các tác giả viết trước đó, ở thời kỳ có nhiều thứ bị cấm kỵ và bị trói buộc.

    “Có một thời, không ít nhà thơ bỏ sở trường, chạy theo sở đoản. Vốn viết thơ tình rất hay, nhưng lại xoay ra viết thơ sản xuất, chiến đấu… cho hợp thời. Rồi thơ sản xuất, chiến đấu… cũng chẳng đâu vào đâu và trở nên bất cập. Ấy là sự xa rời mình nên không thể trở thành mình. Ấy là sự tự đánh mất mình và đương nhiên trở thành người viết không có bản lĩnh…”.

    Theo nhà thơ Đặng Huy Giang, cố nhà thơ Chế Lan Viên từng “đào sâu, xoáy mạnh” về một hiện tượng có thật trong làng thơ. Ông chê những nhà thơ không dám là mình, đã không làm nên cơm cháo gì, mà còn khoe khoang một cách buồn cười hết chỗ nói. Đấy là sự đánh mất mình từ bản lĩnh đến tư cách. Đây cũng chính là một bi kịch đối với một người viết: “Những nhà thơ tuổi hổ/Lại nghĩ mình phận mèo/Đã liếm cá trong đĩa/Lại còn kêu meo meo”.

    Nhà thơ Hoàng Kim Ngọc lại cho rằng, bản lĩnh nhà thơ là sự hội tụ năng lực, sức mạnh nội sinh để vượt qua thử thách, khó khăn của cuộc sống đời thường để có thể chuyên tâm với thơ, bởi “cơm áo không đùa với khách thơ”. Hầu hết các nhà thơ khó có thể sống được bằng nghề, bằng những đồng nhuận bút ít ỏi nhưng nhà thơ có bản lĩnh là sẵn sàng kiếm sống bằng nghề khác để có thể theo đuổi sự nghiệp thơ ca. Họ xác định hạnh phúc là sau khi về với đất, cái còn lại là những câu thơ neo trong trí nhớ người đọc.

    Bản lĩnh nhà thơ còn là ý thức tự giác, tự trọng khi đề ra một kỷ luật nghiêm túc trong sáng tạo chữ nghĩa. Những nhà thơ đầy tài năng bao giờ cũng là người có tinh thần trách nhiệm, nặng lòng với con người, với đời sống. Ý thức sáng tạo là ý thức sống, bởi xét cho cùng thơ chính là thông điệp về đời sống.

    Thạch Quỳ có ý thức tự trọng nghề nghiệp khi tự đặt ra yêu cầu: “Cấm viết chữ người khác đã viết. Cấm viết ý nghĩ của người khác đã nghĩ. Cấm viết mông lung không dính dáng đến sự thật. Cấm viết sự trần trụi không cảm xúc và thiếu tính thẩm mỹ”.

    Bản lĩnh nhà thơ được thể hiện ở sự lao động hết mình, tự tin, dấn thân cho nghệ thuật, dám vượt lên cái cũ để đổi mới, đột phá, kiên trì bền bỉ xác lập một hướng đi cho thơ mình, không phải bị vài bài báo phê bình là chùn bước, nhụt chí. Dám dò dẫm tìm đường, mở một lối đi riêng, chấp nhận sự chê bai hoặc phản ứng của công chúng, đồng nghiệp thì người đó cũng xem như là có bản lĩnh. Một số nhà thơ Việt Nam nhờ lao động chữ nghĩa hết mình, đã trải qua bao nhiêu lần dò đường, mở đường thất bại để rồi cuối cùng cũng tìm cho mình một con đường đi đến được trái tim độc giả.

    Nhà thơ Lê Đạt ngay từ khi còn trẻ ông đã có ý thức cách tân thơ Việt. Ông xác định: “Thơ là một lạng cảm hứng cộng với một tạ mồ hôi” nên ông thực sự trở thành một phu chữ để tạo ra những đột phá, tạo sinh ngữ nghĩa thơ để “chữ bầu lên nhà thơ”. Sự dấn thân làm mới thơ chính là bản lĩnh nhà thơ và điều đó cũng được thể hiện qua hình tượng thơ của Nguyễn Lương Ngọc: “Đập vụn mình ra mà ghép lại/Nung chảy mình ra mà tìm lõi/Xé toang mình ra mà kết cấu”. Và những nhà thơ tiên phong “mở đường” đổi mới ấy đã được nhà thơ Thanh Thảo thay mặt các nhà thơ và độc giả ghi nhận giá trị và bày tỏ tình cảm trân trọng: “Người ta yêu những người cố mở đường mà thất bại, yêu những người biết thất bại mà dám mở đường. Bởi vì những người đó đã nghĩ đến sự tiến bộ của nghệ thuật”.

    Những tài thơ sáng ngời bản lĩnh trước “bi kịch” cuộc đời

    Theo nhà thơ Hoàng Kim Ngọc, nhà thơ bản lĩnh là phải luôn ý thức được, trong hoàn cảnh thế giới phẳng với những vấn đề toàn cầu hiện nay thì phải làm thế nào để tiếp thu văn hóa nhân loại mà không sa vào vọng ngoại, làm thế nào để giữ được bản sắc Việt, căn tính Việt để thơ Việt Nam có bản sắc riêng khác với thơ Trung Quốc, thơ Ấn Độ, Thơ Nhật Bản hay Hàn Quốc…

    Bản lĩnh của nhà thơ còn là phải giữ vững lập trường khi xác định sứ mệnh của nhà thơ là phải chống lại cái ác và tôn vinh vẻ đẹp nhân văn; không một thế lực nào có thể bắt mình nói những điều giả dối, trái với lương tâm. Ta có thể thấy bản lĩnh này qua bài thơ “Lời mẹ dặn” của nhà thơ Phùng Quán: “…Đi trọn đời trên con đường chân thật/Yêu ai cứ bảo là yêu/Ghét ai cứ bảo là ghét/Dù ai ngon ngọt nuông chiều/Cũng không nói yêu thành ghét/Dù ai cầm dao doạ giết/Cũng không nói ghét thành yêu/Tôi muốn làm nhà văn chân thật/ chân thật trọn đời/Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi/Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã/Bút giấy tôi ai cướp giật đi/Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá”…

    Văn Cao, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt… những tài thơ sáng ngời bản lĩnh trước bi kịch cuộc đời- Ảnh 2.

    Nhà thơ, nhạc sĩ Văn Cao, Hoàng Cầm, Lê Đạt… là ví dụ sinh động cho bản lĩnh nhà thơ. Ảnh: TL

    Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng đưa ra ví dụ, khi xuất hiện và thể hiện sắc nét hơn diện mạo mình qua tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” từ sau tập thơ “Ngôi nhà tuổi 17”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khi đó chưa 40 tuổi và đứng trước nhiều ý kiến phê bình, thậm chí cả đến sau này, thơ ông vẫn được viện dẫn ra như một ví dụ cho việc làm khó người đọc, gây khó hiểu và xa rời ngôn ngữ, văn hóa Việt. Nhưng chính ông, lại là một người bắt rễ sâu với văn hóa làng và biết cách dị biệt hóa để những hình tượng từ đó trở nên hấp dẫn, bí ẩn, thôi thúc khám phá.

    Nhà thơ Mai Văn Phấn, cho đến hiện tại, vẫn là một không gian tâm tưởng, suy niệm có khoảng cách với nhiều tác giả thơ khác ở thành phố cảng nơi ông sinh sống và rộng hơn thế. Có cảm tưởng ông đã tự trả lời khá thành công cho ước mong của mình với đời sống thơ ca nói chung, một sự hòa quện của văn hóa bản địa với tinh thần hiện đại.

    Nhà thơ Trần Quang Quý với “Siêu thị mặt” từng tạo nên một đời sống bề bộn, hỗn độn, chen chúc, luôn gấp gáp, luôn cấp bách bởi những lệch lạc, xô đẩy, lôi kéo, hăm dọa… 

    Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc trước đó, bằng sự thông minh, những ý nghĩ sắc gọn của mình, đã không ngừng chất vấn những vấn đề lớn của đời sống cộng đồng, tồn tại cá nhân một cách bền bỉ và bướng bỉnh thông qua việc kết nối những hình ảnh rất sinh động. 

    Nhà thơ Dương Kiều Minh bền bỉ tạo dựng không gian huyền mặc, bảng lảng của mình với cảnh giả thôn dã, chuyển động thiên nhiên, nhưng điều liên tưởng từ đó lại rộng và sâu hơn những gì giản dị được kể đến…

    “Câu chuyện sáng tạo để hình thành nên những khác biệt, nhiều màu vẻ trong nhóm những người có nhiều gần gũi với nhau cả về quá khứ dâng hiến, hoàn cảnh sống, thân phận và biến cố như các bậc tài danh Văn Cao, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt… đến hôm nay vẫn còn làm chúng ta suy nghĩ, ngạc nhiên và khâm phục. Đó là những ví dụ thật sinh động cho bản lĩnh, cá tính nhà thơ với những câu hỏi cần tiếp tục xới lên về cái nhìn kỹ hơn, công bằng hơn trong tiến trình đổi mới thơ ca đất nước”, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng nói.


    Speak Your Mind

    *