April 28, 2024

Liền anh làng Hoài Trung hơn 30 năm tìm và lưu giữ cả “xác” và “hồn” Quan họ

  • Đánh bại Thái Lan, Iran đăng quang Giải futsal châu Á 2024
  • Thắng nghẹt thở Tottenham, Arsenal vẫn tạm giữ ngôi đầu
  • CLB Hà Nội nhọc nhằn vào bán kết Cúp quốc gia 2023 – 2024

  • Người lưu giữ cả “xác” và “hồn” Quan họ

    Những ngày đầu Xuân, liền anh Dương Đức Thắng (48 tuổi), Phó chủ nhiệm CLB Quan họ Hoài Trung liên tục bận rộn với các hoạt động trình diễn, giao lưu chia sẻ về Quan họ với các đoàn khách mời từ mọi miền Tổ quốc về thăm xứ Kinh Bắc. Anh Thắng cũng thường xuyên được mời mang theo những kỷ vật Quan họ để trưng bày và giới thiệu trong các sự kiện văn hóa.

    Đó là những kỷ vật anh cùng các thành viên CLB Quan họ Hoài Trung cất công sưu tầm hơn 30 năm nay. Trên mỗi đồ vật được ghi tên, địa chỉ cụ thể để thấy được dấu ấn, thói quen, cuộc đời của các bậc nghệ nhân tiền bối. Các kỷ vật chủ yếu từ 70-80 năm đến 100 năm tuổi, gắn bó mật thiết với các lớp nghệ nhân tiêu biểu đã được ghi nhận là “báu vật nhân văn sống” hoặc của những lớp nghệ nhân tinh hoa được phong tặng đợt đầu tiên khi dân ca Quan họ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể năm 2009.

    Liền anh làng Hoài Trung hơn 30 năm tìm và lưu giữ cả “xác” và “hồn” Quan họ- Ảnh 1.

    Anh hai Dương Đức Thắng say sưa kể những câu chuyện về các kỷ vật Quan họ. Ảnh: NVCC.

    “Đây là cái cơi trầu bằng gỗ khảm trai tranh vinh quy bái tổ – kỷ vật của bà nội em (nghệ nhân Nguyễn Thị Hạp) đấy ạ! Cụ vốn là con gái cụ Đàm Phú – một gia đình Quan họ có tiếng phong lưu ở Hoài Trung. Thuở ấy, đây là thứ không thể thiếu mỗi lần cụ đi chơi để mời Quan họ bạn. Sau này, khi lấy ông nội em là cụ nghệ nhân Dương Văn Quyến, cơi trầu này cũng được mang theo nhưng bị thất lạc. Lần tìm theo lời kể của hai cụ, em biết được thông tin về kỷ vật quý giá này đang ở làng Chọi. Nhưng cũng phải mất mấy năm thuyết phục ròng rã, người ta mới cảm động mà để lại cho”, anh Thắng thuyết minh cho khách tham quan về những kỷ vật Quan họ bằng cách nói chuyện theo đúng kiểu đối đáp, thưa gửi của người Quan họ.

    Với vẻ mặt phấn khích, anh Thắng tiếp tục say sưa giới thiệu về những kỷ vật khác: “Còn đây là bộ ấm chén bằng đồng chạm họa tiết, hoa văn độc đáo gắn với cụ nghệ nhân Nguyễn Văn Thị của làng Diềm bị thất lạc nhiều năm. Em cũng phải mất công dò tìm và chuộc lại được ở trên Bắc Giang. Rất may là vẫn còn nguyên vẹn cả cái khay và bộ ấm gồm 5 chén”.

    Anh Thắng cầm lên một con dao nhỏ và ngân nga bài thơ: “Con dao bé bé sắc thay/ Chuôi sừng bít bạc về tay ai cầm/ Yêu ai nhớ vụng nhớ thầm/ Trách ông Nguyệt lão se nhầm duyên ai”.

    “Đây là con dao đặc trưng của Quan họ. Đầu hình rồng và đuôi hình phượng, nhưng bịt đầu này (lưỡi dao) lại thành cái lá trúc. Một con dao thôi mà đủ các hình tượng. Nhiều người có thể biết tới bài thơ trên qua ca dao, nhưng phải về với Quan họ mới biết hình dáng nó thế nào”, anh Thắng tiếp tục.

    Mất tới gần nửa ngày có khi cũng chưa nghe hết được tất cả câu chuyện về hơn 200 kỷ vật được anh Thắng sưu tầm được.

    Từ chiếc nón quai thao, ô soạn lục, dải yếm, bao lưng với đầy đủ chất liệu gấm, the sồi, lụa… đến chiếc đèn dầu dùng trong hát canh; rồi cơi trầu, bình vôi, cối giã, ống phóng, ấm chén, nồi đồng, mâm cỗ Quan họ… Tất cả như đưa người tham quan chìm đắm trong miền ký ức sống động của Quan họ thuở xa xưa đáng nhớ.

    Hơn một năm trước, Nghệ nhân nhân dân Trần Thị Phụng trải qua một cơn ốm nặng, tưởng như không qua khỏi nên đã gọi anh Thắng tới để giao lại toàn bộ “gia tài Quan họ” của cụ từ năm 1938.

    Liền anh làng Hoài Trung hơn 30 năm tìm và lưu giữ cả “xác” và “hồn” Quan họ- Ảnh 2.
    Liền anh làng Hoài Trung hơn 30 năm tìm và lưu giữ cả “xác” và “hồn” Quan họ- Ảnh 3.
    Liền anh làng Hoài Trung hơn 30 năm tìm và lưu giữ cả “xác” và “hồn” Quan họ- Ảnh 4.
    Liền anh làng Hoài Trung hơn 30 năm tìm và lưu giữ cả “xác” và “hồn” Quan họ- Ảnh 5.

    Một số kỷ vật Quan họ được anh Thắng sưu tầm. Ảnh: Phạm Thứ

    Trả lời PV Dân Việt, anh Thắng cho biết: “Ngay từ lúc còn nhỏ, tôi đã ý thức việc giữ gìn những hiện vật của ông bà mình. Tới năm 1996, khi tỉnh Hà Bắc tổ chức Liên hoan tiếng hát người cao tuổi, tôi cũng đưa các cụ nhà mình đi. Trên đó, tôi được nghe nhiều câu Quan họ rất lạ và trang phục các cụ mặc cũng đa dạng, rồi có nhiều kỷ vật độc đáo. Khi đó, tôi nảy sinh ra suy nghĩ rằng, không chỉ học cái vốn liếng và giữ gìn kỷ vật của các cụ nhà mình không thôi nữa.

    Một điều may mắn cũng là thuận lợi cho tôi vì là con cháu của ông bà nội là hai nghệ nhân nổi tiếng mẫu mực, một phần cũng vì thời đó ít người trẻ như tôi mà ham mê Quan họ nên tới đâu các cụ cũng biết, cũng quý lắm! Thuở ấy, các cụ kỹ tính, không phải ai cũng dạy. Từ chỗ làm thân, học câu Quan họ của các cụ, rồi được các cụ quý như con cháu trong nhà. Trong quá trình đó, tôi cũng dạm hỏi xem, khi xưa chơi Quan họ, các cụ có những đồ dùng gì, hiện tại các cụ còn giữ hay không. Rồi tôi cũng nắm được là cụ này còn cái này, cụ kia còn cái kia, hay cái nào thất lạc thì dò hỏi xem tung tích ở đâu. Vậy nên tới cuối đời, đặt vấn đề xin lưu giữ lại các kỷ vật là các cụ đều đồng ý ngay”.

    Không phụ lòng tin gửi gắm của các nghệ nhân tiền bối, cuối năm 2022, anh hai Dương Đức Thắng cùng CLB Quan họ Hoài Trung thành lập Phòng trưng bày Quan họ xưa và nay, sẵn sàng đón tiếp phục vụ quý khách gần xa đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa Quan họ. Các kỷ vật cũng thường xuyên được Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Ninh mượn trưng bày trong các sự kiện văn hóa trong và ngoài tỉnh.

    “Bách khoa toàn thư” về Quan họ

    Ròng rã hơn 30 năm, không chỉ sưu tầm các kỷ vật Quan họ, anh Thắng cũng đã kịp làm dày cái vốn liếng các câu Quan họ cổ để bảo tồn, nối dài cái vốn quý của cha ông.

    Vốn là con cháu đời thứ sáu trong dòng dõi Quan họ nhà nòi (cháu nội của 2 nghệ nhân Quan họ mẫu mực nức tiếng Dương Văn Quyến và Nguyễn Thị Hạp của Hoài Trung – một trong 49 làng Quan họ gốc). Từ thuở còn trong nôi, anh Thắng đã được hát ru và kể chuyện bằng những câu Quan họ. Vậy nên, “dòng máu Quan họ” đã ngấm vào trong anh từ lúc nào cũng chẳng biết.

    Lên 4 tuổi, anh Thắng thuộc trọn bài “Lòng vẫn đợi chờ”. 10 tuổi, anh đã nằm lòng khoảng 50 câu Quan họ và ca được giọng “La rằng” (giọng khó nhất Quan họ). Tới 16 tuổi, vốn liếng của ông bà nội và 5 cụ nghệ nhân khác ở trong làng đã được anh Thắng học hết.

    Liền anh làng Hoài Trung hơn 30 năm tìm và lưu giữ cả “xác” và “hồn” Quan họ- Ảnh 6.

    Anh hai Dương Đức Thắng (hàng đầu) trong buổi phục dựng lối hát truyền thống “Hát chúc hát mừng”. Ảnh: NVCC.

    “Quan họ mênh mông thiên kinh vạn quyển, ai biết lối nào đi lối ấy, không bao giờ hết”, đó là câu nói mà ông bà nội nói với anh Thắng khi anh được nghe những bài Quan họ rất mới lạ từ các nghệ nhân làng khác.

    Đó cũng là lý do thôi thúc anh hai làng Hoài Trung lên đường tìm gặp những nghệ nhân trong vùng để học các câu Quan họ mà làng Hoài Trung không có.

    Việc sưu tầm thời điểm đó cũng khó khăn vì chưa có thiết bị ghi âm, chủ yếu học truyền miệng, nghe các cụ rồi tự nhẩm, nhập tâm thật kỹ, kết hợp ghi chép rồi về nhà tự luyện, nếu lấn cấn chỗ nào thì sau lại đến để các cụ uốn nắn lại. Càng học lại càng say, anh Thắng thấy nhiều bài làng mình không có lại càng muốn học cho bằng được.

    “Nhiều năm trước, một lần đang làm việc, bỗng dưng tôi nghĩ đến câu hát “Năm cung”. Nhẩm lại thấy quên một câu, tôi vội phi xe thẳng đến nhà cụ Nhi (nghệ nhân Ngô Thị Nhi) ở làng Diềm để hỏi nhưng cụ đi vắng không có nhà. Bứt rứt, vì không thể nhớ lại câu hát, hỏi thăm biết cụ đến chơi nhà con gái ở Lạng Sơn. Tôi lập tức bắt xe khách đến tìm gặp cụ hỏi cho bằng được. Giữa vùng đồi trồng na bạt ngàn, dưới ánh nắng chói chang vậy mà vừa thoáng thấy bóng tôi cụ Nhi nhận ra ngay và bảo Thắng tìm lên tận đây để hỏi Quan họ đấy à”, anh Thắng hồi tưởng.

    Liền anh làng Hoài Trung hơn 30 năm tìm và lưu giữ cả “xác” và “hồn” Quan họ- Ảnh 7.
    Liền anh làng Hoài Trung hơn 30 năm tìm và lưu giữ cả “xác” và “hồn” Quan họ- Ảnh 8.
    Liền anh làng Hoài Trung hơn 30 năm tìm và lưu giữ cả “xác” và “hồn” Quan họ- Ảnh 9.
    Liền anh làng Hoài Trung hơn 30 năm tìm và lưu giữ cả “xác” và “hồn” Quan họ- Ảnh 10.

    Anh Thắng thường xuyên có những hoạt động giao lưu, chia sẻ để lan tỏa nét đẹp nhân văn của Quan họ. Ảnh: Phạm Thứ – NVCC.

    Quá trình học hỏi như vậy, anh Thắng không chỉ biết các câu Quan họ mà còn biết rất nhiều các câu chuyện nhân văn của các nghệ nhân để ghi chép và kể lại mỗi lần có dịp. Có những nghệ nhân lớn tuổi khi PV Dân Việt tìm gặp có thể đã quên chính câu chuyện cũ của mình nhưng nhờ có anh Thắng bên cạnh khéo léo khơi gợi nên các nghệ nhân đều nhớ lại.

    Tới nay, qua quá trình sưu tầm và học hỏi, cái vốn liếng của anh Thắng cũng đã lên tới cả trăm bài Quan họ cổ. Nhiều nghệ nhân cũng vì quý mà tặng cho anh Thắng những cuốn sổ chép tay. Anh Thắng đang lưu giữ 18 cuốn sổ lưu nét chữ viết tay của các cụ nghệ nhân với khoảng 1.500 bài; hàng trăm bản ghi âm các làn điệu cổ và giọng hát của các nghệ nhân. Riêng hệ thống giọng lề lối, anh Thắng chắt lọc được 7 câu giọng Hừ la, 86 câu giọng La rằng, 36 câu giọng Kim lan, 19 câu giọng Tình tang, 23 câu giọng Cây gạo, 17 câu giọng đón khách gió mát, 15 câu giọng Cái hừng.

    Không chỉ từ các nghệ nhân trong vùng, anh Thắng còn dày công tìm kiếm tư liệu tại các đơn vị trung ương như Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam. Ngược lại, anh Thắng cũng đóng góp rất nhiều các tư liệu quý giá cho Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cũng như các cơ quan chuyên môn, các nhà nghiên cứu hay truyền thông – báo chí. Nhiều người phải công nhận, anh Thắng như một cuốn “Bách khoa toàn thư” về Quan họ. Cần trò chuyện hay các thông tin về Quan họ, gặp anh Thắng là có thông tin nhanh nhất.

    Từ khi dân ca Quan họ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể nhân loại, anh Thắng cũng tích cực tham gia phục dựng canh hát truyền thống, hỗ trợ các cơ quan chuyên môn của trung ương và địa phương trong công tác sưu tầm, làm phim tư liệu để bảo tồn di sản.

    Liền anh làng Hoài Trung hơn 30 năm tìm và lưu giữ cả “xác” và “hồn” Quan họ- Ảnh 11.

    Một số bằng khen và giấy chứng nhận của anh Thắng trong việc góp phần bảo tồn dân ca Quan họ. Ảnh: Phạm Thứ

    Soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca, Đài Tiếng nói Việt Nam nhận xét: “Anh hai Dương Đức Thắng kế thừa sự nghiệp của ông cha và có niềm đam mê sâu sắc với Quan họ. Anh Thắng luôn cầu thị, học hỏi những gì là tinh túy nhất của Quan họ để làm dày cái vốn liếng của mình và truyền trao lại cho các liền anh, liền chị trong và ngoài làng Hoài Trung cũng như các lớp thế hệ sau này. Anh hai Hoài Trung cũng rất chịu “chơi”, sẵn sàng bỏ tiền, bỏ của để phục dựng lại cái vốn của cha ông như mới nhất là phục dựng lối hát truyền thống hát chúc hát mừng mà tôi có dịp được tham dự.

    Điều mà tôi rất thích khi được làm việc với anh hai Thắng, đó là anh luôn trả lời vào đúng trọng tâm những gì mà các nhà chuyên môn, cũng như báo chí cần, không lan man, dài dòng. Đặc biệt, mỗi lần nhắc tới vấn đề gì của Quan họ, anh Thắng có thể trả lời ngay mà không cần sự chuẩn bị. Làm được như vậy, anh Thắng phải thành thục nghề chơi, hiểu biết sâu sắc, chuẩn mực lề lối, và đặc biệt phải được các nghệ nhân rất mực tin yêu, quý mến”.


    Speak Your Mind

    *