May 2, 2024

Dân ca Soọng cô: Nguy cơ thất truyền và những nỗ lực “như muối bỏ bể” (Bài 2)

  • Mâu thuẫn “đấu đá nội bộ” làm lộ rõ rủi ro tiềm tàng tại K-pop
  • HLV Shin Tae Yong muốn AFC phải tôn trọng U23 Indonesia
  • Khởi tố Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

  • Nguy cơ thất truyền

    Theo chia sẻ của NNƯT Lê Đại Năm (Trưởng ban liên lạc các CLB Sán Dìu Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam) với Dân Việt, ngày xưa, con cháu đồng báo Sán Dìu từ khi sinh ra và lớn lên đều nói tiếng mẹ đẻ. Từ khoảng 10 tuổi được ông bà, bố mẹ kể chuyện và dạy cách hát Soọng cô. Nhưng cách đây khoảng 30 năm, người nói được tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng người Sán Dìu chỉ còn lại khoảng 70% và số người biết hát dân ca Soọng cô chỉ còn 20%. Trong đó, chủ yếu là lớp già và trung tuổi.

    Hiện nay, theo khảo sát của ông Năm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và các tỉnh có đồng bào người Sán Dìu sinh sống, 60% số trẻ em (từ khoảng 15 tuổi trở xuống) không nói được tiếng Sán Dìu. Số lượng trẻ em hát được dân ca Soọng cô chỉ còn chưa đến 1%. Đây là con số hết sức đáng báo động.

    “Giai đoạn thịnh vượng nhất của dân ca Soọng cô là từ những năm 1975 trở về trước, thời điểm các nếp sinh hoạt, văn hóa của người Sán Dìu vẫn còn tiếp nối qua các thế hệ. Từ 1975-1985, các sinh hoạt đó dần mất đi tại một số nơi. Giai đoạn có nguy cơ mai một lớn nhất là từ 1985 đến 2010”, NNƯT Lê Đại Năm chia sẻ.

    Dân ca Soọng cô: Nguy cơ thất truyền và những nỗ lực "như muối bỏ bể" (Bài 2)- Ảnh 1.
    Dân ca Soọng cô: Nguy cơ thất truyền và những nỗ lực "như muối bỏ bể" (Bài 2)- Ảnh 2.

    NNƯT Lê Đại Năm (ảnh trên) và NNƯT Lục Văn Bảy nỗ lực truyền dạy văn hóa Sán Dìu và câu hát Soọng cô. Ảnh: NVCC

    Tại Tuyên Quang cũng có thực trạng tương tự. NNƯT Lục Văn Bảy (chủ nhiệm CLB Soọng cô xã Ninh Lai, Sơn Dương, Tuyên Quang) nhớ lại: “Từ những năm 1975 trở về trước, người Sán Dìu vẫn tổ chức đám cưới, đi chơi làng… và hát Soọng cô thâu đêm suốt sáng. Theo thời gian số người đi hát, nhất là dịp đám cưới ít dần. Thời điểm ấy, cũng vì hoàn cảnh lịch sử của đất nước, chủ yếu hát những bài cổ động về giải phóng miền Nam, giải phóng đất nước; thanh niên phải lo phát triển kinh tế. Tiếng hát Soọng cô vì thế giảm dần, đến những năm 80 không còn mấy người hát nữa”.

    Có nhiều nguyên nhân để lý giải về tình trạng đáng buồn này. Theo NNƯT Lê Đại Năm, xã hội đổi mới, xu hướng phát triển theo thời đại, trong giao tiếp hằng ngày, người Sán Dìu cũng nói tiếng Kinh, ít người còn giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Những đứa trẻ vì thế sinh ra cũng nói tiếng của người Kinh chứ không nói tiếng Sán Dìu.

    Người Sán Dìu thường sống vùng trung du bán sơn địa, gần với người Kinh, cùng với sự phát triển của đời sống, sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ, nhất là các dòng nhạc hiện đại vui nhộn, nên dần dần họ quên lãng đi tiếng hát Soọng cô. Thậm chí, có những đứa trẻ cảm thấy khó chịu khi ông bà hát hoặc bị ép phải học.

    Nếu không thấm nhuần được từ nhỏ thì rất khó để yêu thích được dân ca, nhất là với dân ca Soọng cô, nếu không hiểu biết tiếng mẹ đẻ và cảm được văn hóa Sán Dìu thì khó có thể hát được. Đó là còn chưa kể tới, phải biết cách lấy hơi, ngân dài, ngắn nên dù có biết tiếng thì nghe cũng rất khó hiểu, ngay cả người biết nghe, biết nói tiếng Sán Dìu cũng không dễ hiểu được.

    Dân ca Soọng cô: Nguy cơ thất truyền và những nỗ lực "như muối bỏ bể" (Bài 2)- Ảnh 3.

    NNƯT Lê Đại Năm nhiệt tình và hào hứng trò chuyện và cung cấp tư liệu về dân ca Soọng cô. Ảnh: Phạm Thứ

    “Không thể hoàn toàn trách các thế hệ trẻ khi mà các thế hệ đi trước cũng từng lãng quên chính văn hóa và cũng không đủ tâm huyết với văn hóa dân tộc mình để truyền dạy, lan tỏa tình yêu cho các cháu. Nhiều người hiện nay tham gia các CLB cũng chỉ cho có phong trào chứ một câu không thể hát. Nhiều cháu, tôi truyền dạy rất hào hứng và tiếp thu rất nhanh. Nhưng cũng có những gia đình ngần ngại, không ủng hộ vì sợ khi các cháu theo lớp truyền dạy văn hóa Sán Dìu sẽ ảnh hưởng đến chương trình phổ thông”, NNƯT Lê Đại Năm bày tỏ.

    Nỗ lực bảo tồn nhưng chỉ “như muối bỏ bể”

    Sau Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) năm 1998, ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, những làn điệu Soọng cô sau thời gian ngủ quên dần được thức tỉnh.

    Nhiều nghệ nhân tâm huyết cống hiến và kiên trì như NNƯT Lê Đại Năm và NNƯT Lục Văn Bảy vẫn âm thầm, nỗ lực để giữ lấy cái vốn quý của ông cha. Lần lượt các CLB Soọng cô được thành lập với sự tham gia của rất nhiều các thành viên. Ông Năm đánh giá, việc khôi phục được dân ca Soọng cô hiện tại cũng đã có thành quả. Theo thống kê ở 5 tỉnh có người Sán Dìu sinh sống, hiện nay có khoảng 70 CLB dân ca, trên 4.000 hội viên. Nhưng để phát huy và bảo tồn lâu dài là một vấn đề khá nan giải.

    Ông Năm cho biết, số những nghệ nhân còn hát được, hát hay, hiểu được tinh túy của Soọng cô không còn nhiều. Tuy có hơn 70 CLB nhưng các hội viên chủ yếu là những người đã trên 50-60 tuổi, còn những người từ 40 tuổi trở xuống biết hát Soọng cô cũng không nhiều, số thanh niên tham gia các CLB và biết hát Soọng cô chỉ đếm trên đầu ngón tay.

    Thậm chí, trong hội thi giao lưu dân ca Soọng cô mới nhất, ông Năm bày tỏ sự không hài lòng bởi một số tiết mục biểu diễn trong hội thi không phải hát Soọng cô mà là nhảy dân vũ trên các nền nhạc hiện đại cũng không phải của người Sán Dìu. Một thực tế đáng báo động, cho thấy nguy cơ mai một tiếng hát Soọng cô rất rõ ràng.

    Dân ca Soọng cô: Nguy cơ thất truyền và những nỗ lực "như muối bỏ bể" (Bài 2)- Ảnh 4.

    NNƯT Lê Đại Năm (Trưởng ban liên lạc các CLB Sán Dìu Việt Nam) mong muốn có nhiều hơn các buổi giảng dạy cho các em học sinh về văn hóa Sán Dìu. Ảnh: NVCC.

    Trao đổi với PV Dân Việt, ông Vũ Huy Cường, trưởng phòng Văn hoá và thông tin huyện Tam Đảo cho biết: “Hiện trên địa bàn huyện Tam Đảo có 8 CLB Soọng cô được thành lập theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh. Trách nhiệm của các CLB này là phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa của dân ca Soọng cô. Các CLB có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng và truyền dạy các cháu học sinh và những người trẻ tuổi các làn điệu. Ngoài ra, cũng hỗ trợ kinh phí các CLB cho các hoạt động xây dựng các chương trình nội dung cho các buổi luyện tập, các buổi giao lưu giữa các CLB và đầu tư trang phục. Theo kiểm tra, các CLB đã làm đúng theo các quy định và bước đầu đạt được những hiệu quả”.

    Đại diện chính quyền cho rằng bước đầu đạt được những hiệu quả, nhưng theo ông Năm, đó chỉ là những nỗ lực “như muối bỏ bể”. Chính những người như ông Năm hay ông Bảy cũng đã phải bỏ ra số tiền không nhỏ để tự cứu lấy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Nhiều lần, cả hai nghệ nhân đều đã nhận về không ít những lời nói không mấy thiện chí như làm những việc không đáng như làm những việc vô nghĩa hay “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

    Ông Năm cho biết, các kế hoạch đề xuất các đề án để thực hiện bảo tồn và phát triển, nhất là hướng tới thế hệ trẻ hiện nay đều đã có nhưng kinh phí để thực hiện và duy trì gần như là không đáng. Ông Năm hy vọng, có sự quan tâm nhiều hơn nữa từ chính quyền địa phương các cấp để có thể đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động này.

    Có thể thấy, dân ca Soọng cô được lưu truyền bao đời của đồng bào Sán Dìu đang đứng trước nguy cơ thất truyền rất lớn. Chẳng ai biết được, khi thế hệ những người có tâm huyết, dám hy sinh cống hiến như ông Năm và ông Bảy không còn, cái làn điệu Soọng cô có còn giữ được hay không. Chỉ mình câu Soọng cô không thể làm nên được Việt Nam, nhưng Việt Nam cần những làn điệu dân ca như Soọng cô để xây dựng nên nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 


    Speak Your Mind

    *