April 29, 2024

Bùi Trọng Hiền – người “giải mã” được bí ẩn hệ âm luật Ả đào: “Người ta say sưa đàn phô mà họ không biết”

  • Doãn Ngọc Tân ngất xỉu, cầu thủ và khán giả Thanh Hóa hốt hoảng
  • Thua Uzbekistan, U23 Indonesia chưa thể có vé dự Olympic
  • Bốc đầu xe mô tô phân khối lớn lúc 1h sáng để… lấy le với bạn nữ

  • Sau hành trình 9 năm ròng rã miệt mài nghiên cứu, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã ra mắt “đứa con tinh thần” là cuốn sách “Ả đào – Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật” thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, giới truyền thông…

    Gần 600 trang sách với 7 phần được trình bày một cách lớp lang và có hệ thống, “cha đẻ” của cuốn sách này được nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan dành nhiều lời khen ngợi cho sự cống hiến khi nghiên cứu chuyên sâu âm nhạc cổ truyền Việt Nam: “Tôi ca ngợi cuốn sách của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền vì đã đặt đúng tên của gọi là “Ả đào”. Ngoài khảo cứu về lịch sử, cuốn sách này có một khảo cứu quan trọng, có tính chất nền tảng, đó là khảo cứu về âm nhạc vì chưa có một công trình nghiên cứu nào khảo cứu kỹ lưỡng về âm nhạc của Ả đào. Trong khi âm nhạc của Ả đào là âm nhạc phức tạp nhất so với tất cả loại hình âm nhạc cổ truyền khác của Việt Nam. Đó là hình thức âm nhạc độc đáo nhất, sáng tạo nhất mà theo GS. Trần Văn Khê: “Ả đào là kiệt tác di sản của nhân loại, không có đất nước nào làm được”.

    Vì vậy, nếu tôi là nhà quản lý thì trước hết tôi sẽ động viên tất cả trường nhạc trong cả nước phải mua cuốn sách “Ả đào – Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật” của tác giả Bùi Trọng Hiền. Và nếu tôi có tiền thì tôi cũng sẽ mua cho tất cả các trường nhạc cuốn sách này để đào tạo, gìn giữ di sản một cách nghiêm túc, bài bản”.

    Bùi Trọng Hiền - người “giải mã" được bí ẩn hệ âm luật Ả đào: “Người ta say sưa đàn phô mà họ không biết"- Ảnh 1.

    Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền – tác giả cuốn sách “Ả đào – Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật”. (Ảnh: FBNV)

    PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền xoay quanh cuốn sách được các nhà nghiên cứu coi là bộ “sách giáo khoa” về ca trù mang tên “Ả Đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật”.

    Vì sao nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền lấy tên sách là “Ả đào – Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật” thay vì những tên gọi khác như: Ca trù, Cô đầu…?

    – Tôi lấy tên cuốn sách là “Ả đào” bởi bấy lâu nay, khi nói đến Ca trù, người ta thường nghĩ đến “nhà hát Cô đầu” cùng những thú chơi mà họ mặc định là “sa đọa, trụy lạc” – tàn dư của chế độ thực dân phong kiến thời đầu thế kỷ 20. Loạt hình nghệ thuật này thậm chí bị triệt bỏ khỏi xã hội tới khoảng thời gian 60 năm. Và đến giờ phút này, có thể nói rằng, đó là sự loại bỏ cảm tính. Những người yêu thương Ả đào dẫu cố gắng nói về nó, viết về nó nhưng người ta bắt đầu dùng từ khác là Ca trù bởi họ “sợ mang tiếng xấu” nên tránh dùng từ Ả đào, Cô đầu.

    Trong tất cả những tư liệu nghiên cứu từ nửa đầu thế kỷ 20 trở về trước, từ Ca trù được dùng rất hạn chế. Thực ra, mọi người cố tránh từ Ả đào, Cô đầu nên mới dùng từ Ca trù. Và hôm nay khi viết về nó, tôi muốn quay trở lại với những gì xưa cũ nhất, xuyên suốt cả nghìn năm lịch sử nên đã lấy tên là Ả đào.

    9 năm ròng rã (từ năm 2014 đến năm 2023) nghiên cứu để cho ra đời cuốn sách “Ả đào”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã phải đối mặt với khó khăn, trở ngại nào?

    – Đó quả thật là hành trình khổ ải. Là người nghiên cứu nhiều thể loại cổ nhạc khác nhau như: Tuồng Bắc, Nhã nhạc cung đình Huế, Bài chòi, Hát văn… tôi đều rất tự tin. Nhưng với Ả đào thì quả thật là một sự thách đố đối với những nhà nghiên cứu. Không ai biết ca trù có bao nhiêu bài bản? Cung, điệu Ca trù thế nào?…

    Sau này tôi mới hỏi kép đàn lão thành Nguyễn Phú Đẹ rằng: “Rốt cục Ca trù có bao nhiêu cung?”. Ông nói: “Thực ra, ngày xưa chỉ có mỗi hai cung là cung Bắc và cung Nam”. Trong khi các tài liệu lại nói có 5 cung là Nam, Bắc, Huỳnh, Pha, Nao. Điều này cho thấy muốn tìm hiểu sâu về Ả đào sẽ hoàn toàn như rơi vào hỏa mù, không biết đâu mà lần.

    Bùi Trọng Hiền - người “giải mã" được bí ẩn hệ âm luật Ả đào: “Người ta say sưa đàn phô mà họ không biết"- Ảnh 2.

    Ảnh từ trái sang: Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, tác giả Bùi Trọng Hiền (giữa) tại sự kiện ra mắt sách.

    Với nghệ nhân Ả đào trong quá trình nghiên cứu tôi tiếp cận họ khó vô cùng. Thứ nhất, thế hệ nghệ nhân này còn quá ít, các nghệ nhân này đều đã lớn tuổi. Họ từng có mặc cảm về quãng thời gian Ả đào bị “hắt hủi” nên các cụ nghệ nhân giấu nghề, “bế quan tỏa cảng”. Nhân nói đến chuyện giấu nghề, tôi cũng nói luôn, bản chất của Ả đào là giấu nghề. Sự giấu nghề còn được thể hiện trong giáo phường, trở thành tục lệ. Ví dụ, nếu tôi muốn được truyền dạy Ả đào từ nghệ nhân thì tôi phải xin phép để trở thành con nuôi của họ, có lễ trước đó đàng hoàng. Từ đó, ông trùm của giáo phường Ả đào mới có thể cho phép nghệ nhân dạy tôi. Chính tính giấu nghề đó cũng khiến cho những người làm nghiên cứu khó tiếp cận.

    Một người nghiên cứu như tôi trong những ngày đầu tìm hiểu về Ả đào không biết bắt đầu từ đâu. Thời điểm đó, khi nghe đào kép hát tôi chỉ biết là hay – không hay. Khi có cụ đánh trống chầu nhìn có vẻ oai phong, hấp dẫn lắm. Tuy nhiên, hỏi cụ Đẹ (nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ – PV) thì cụ trả lời: “Ông ấy đánh lung tung”. Tôi cũng hỏi thêm những nghệ nhân khác như cụ Nguyễn Thị Chúc thì cụ bảo: “Ông ấy đánh tôi rất khó hát!”. Điều này khiến tôi băn khoăn: Vậy thế nào là đúng?

    Năm 2014, trong đợt làm giám khảo Liên hoan Ca trù toàn quốc cùng kép đàn lão cụ Nguyễn Phú Đẹ, tôi mới chợt nhận ra ông là người cuối cùng và duy nhất có thể giải đáp mọi câu hỏi đúng – sai, hay – dở về loại hình âm nhạc hóc hiểm này.

    Sau đó, tôi có nói chuyện với vợ rằng mình phải dừng hết mọi việc, “cơm nắm muối vừng”, bắt đầu cuộc điền dã dài kỳ về nhà cụ Đẹ ở xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương. Quyết tâm của tôi là đào sâu đến tận cùng, giải mã bằng được mọi bí ẩn của hệ âm luật Ả đào để đưa ra ánh sáng khoa học.

    Bùi Trọng Hiền - người “giải mã" được bí ẩn hệ âm luật Ả đào: “Người ta say sưa đàn phô mà họ không biết"- Ảnh 3.
    Bùi Trọng Hiền - người “giải mã" được bí ẩn hệ âm luật Ả đào: “Người ta say sưa đàn phô mà họ không biết"- Ảnh 4.

    Hình ảnh nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền bên Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Phú Đẹ. (Ảnh: Bùi Trọng Hiền)

    Trong quá trình phục dựng hát Cửa đình kéo dài trong vòng 4 tháng, khi CLB Ca trù Hải Phòng liên tục đi về nhà cụ Đẹ học, mỗi lần như vậy tôi lại đi xe máy từ Hà Nội về Hải Dương để quan sát việc học. Đồng thời, khi họ học, tôi cũng học luôn để có thể kiểm soát việc đúng – sai trong quá trình học hỏi.

    Khổ ải nữa phải kể đến đó là quá trình xử lý 10 cuốn băng mốc trắng kéo dài khoảng 2 tuần không ngơi nghỉ. Sau đó, tôi đã thức trắng đêm để giải mã, bóc tách từng đoạn tư liệu âm thanh từ nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cung cấp, tư liệu vang quý hiếm còn lại của Ả đào, kể cả những tư liệu lưu trữ ở Mỹ hay Pháp… Như vậy, tôi kiểm soát được nguồn tư liệu với những bản nhạc Ả đào thu âm từ giai đoạn những năm 1920 – 1930. Kết quả của quá trình nghiên cứu là cho ra đời cuốn sách “Ả đào – Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật” căn cứ vào những gì còn gom được từ những danh ca, danh cầm đã khuất và trên cơ sở những tư liệu vang đó khi nghe được, tôi xác định quy luật cùng gợi ý của các cụ nghệ nhân để phân biệt thế nào là đúng, thế nào là đủ của các khuôn thước trong nhạc Ả đào.

    Clip: Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chia sẻ tại sự kiện ra mắt “đứa con tinh thần” là cuốn sách “Ả đào – Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật”. (Nguồn clip: Mỵ Lương)

    Ngoài sự động viên, ủng hộ của bà xã, ai là người đã luôn cổ vũ, “tiếp lửa” cho tác giả Bùi Trọng Hiền nhiều nhất trong quá trình thực hiện cuốn sách về Ả đào?

    – Khi nghiên cứu về Ả đào, một trong những tác nghiệp khó nhất đó là ghi âm. Nếu không ghi âm thì không thể giải mã được tiết tấu của giai điệu, cung điệu. Ví dụ với hai khuông nhạc tổng phổ Ả đào, tôi mất trung bình thời gian đến khoảng 5-6 tiếng để ghi âm. Đến khi “than thở” với anh Loan (Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan – PV) rằng: “Khổ quá anh ạ! Em làm mất 5, 6 tiếng”. Ngay sau đó, tôi nhận được câu trả lời từ anh rằng: “Em làm vậy là nhanh đấy”.

    Thật sự, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan là người đã động viên tôi rất nhiều trong suốt 9 năm qua. Trong giới chuyên môn Việt Nam khi tôi phát hiện và nghiên cứu về Ả đào, anh Loan là người đầu tiên tôi chia sẻ. Anh trao cho tôi rất nhiều niềm tin, là người “chống lưng” cho tôi suốt thời gian nghiên cứu.

    Nếu đọc cuốn “Ả đào – Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật” có riêng một chương Hình thức – Cấu trúc bài bản thì đó là tôi viết theo yêu cầu của anh. Khi ngay từ những ngày đầu nghiên cứu, anh Loan đã nói với tôi rằng: “Hãy cố gắng phân tích, giải mã xem rốt cục bài bản Ả đào là gì? Sơ đồ thể hiện như thế nào?…”

    Có lúc tôi mệt mỏi nhưng rồi vẫn nhớ lời dặn anh và tôi đã làm đến cùng để giải mã sơ đồ của phách, cung điệu, sự chuyển điệu của Ả đào… Bởi đây vốn là thể loại chuyển điệu cực kỳ phức tạp.

    Bùi Trọng Hiền - người “giải mã" được bí ẩn hệ âm luật Ả đào: “Người ta say sưa đàn phô mà họ không biết"- Ảnh 5.

    Theo tác giả Bùi Trọng Hiền cho biết, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan (bên trái) là người “chống lưng” cho anh suốt thời gian nghiên cứu về Ả đào. (Ảnh: FBNV)

    Liệu sau cuốn sách “Ả đào – Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật ”, tác giả Bùi Trọng Hiền có còn ấp ủ dự định thực hiện thêm những công trình nghiên cứu về loại hình nghệ thuật truyền thống mà đến những nhà nghiên cứu như anh cũng đánh giá là “hiểm hóc”, “cực kỳ phức tạp” này?

    – Tôi nghiên cứu vốn để thỏa mãn sự tò mò về tri thức và để lấp đầy những khoảng trống trong những hiểu biết của mình. Khi hiểu được giá trị của Ả đào, tôi tự coi đó như là một trách nhiệm với tiền nhân.

    Tôi nghĩ sau “Ả đào – Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật”, điều còn lại là kỹ thuật đàn đáy. Tôi cũng là người học đàn dân tộc từ nhỏ và là người nghiên cứu các loại cổ nhạc. Bởi vậy, tôi đã học các loại nhạc cụ để có thể hiểu sâu và tôi nhận ra một điều người học có thể bắt chước được âm nhạc của Chèo, Hát văn… Tuy nhiên, với riêng đàn đáy Ả đào thì điều này không xảy ra.

    Quý vị có thể lên mạng tìm kiếm bài Hát Nói của nghệ nhân Quách Thị Hồ và Đinh Khắc Ban đàn, đồng thời xem bài Hát Nói đó do đào kép trẻ và kép đàn khác thể hiện sẽ dễ dàng nhận thấy sự khác biệt “một trời – một vực”.

    Sau này, tôi mới hiểu được kỹ thuật đàn đáy “ác hiểm” không kém hệ âm luật, phải nói là quá khó. Phím đàn gắn theo hệ âm tương đối, khi đàn để ra cung điệu có những nốt kép đàn buộc phải nhấn hay chùn ngón thì mới ra đúng cao độ cung điệu. Thế nên tiếng đàn đáy luôn dao động, lung linh trong nhịp điệu thong dong, tưởng chừng đơn giản nhưng thật sự không thể bắt chước. Điều nguy hiểm bây giờ là đa số kép đàn không hề cảm nhận được cao độ cung điệu, vẫn “say sưa” đàn phô mà họ không biết. Đó là điều trăn trở mà tôi vẫn còn bỏ ngỏ và nghĩ rằng cần phải giải quyết trong tương lai.

    Cảm ơn những chia sẻ của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền!

    Bùi Trọng Hiền - người “giải mã" được bí ẩn hệ âm luật Ả đào: “Người ta say sưa đàn phô mà họ không biết"- Ảnh 6.
    Bùi Trọng Hiền - người “giải mã" được bí ẩn hệ âm luật Ả đào: “Người ta say sưa đàn phô mà họ không biết"- Ảnh 7.
    Bùi Trọng Hiền - người “giải mã" được bí ẩn hệ âm luật Ả đào: “Người ta say sưa đàn phô mà họ không biết"- Ảnh 8.
    Bùi Trọng Hiền - người “giải mã" được bí ẩn hệ âm luật Ả đào: “Người ta say sưa đàn phô mà họ không biết"- Ảnh 9.

    Một số hình ảnh tại sự kiện ra mắt sách của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền. (Ảnh: Mỵ Lương)



    Speak Your Mind

    *