April 29, 2024

Kể chuyện làng: Mùa mực đỏ quê nghèo

  • Doãn Ngọc Tân ngất xỉu, cầu thủ và khán giả Thanh Hóa hốt hoảng
  • Thua Uzbekistan, U23 Indonesia chưa thể có vé dự Olympic
  • Bốc đầu xe mô tô phân khối lớn lúc 1h sáng để… lấy le với bạn nữ

  • Những ngày tháng của gần 20 năm trước, dù không sinh ra và lớn lên cùng những người con của biển kia, nhưng tôi vẫn cảm nhận rõ cái thân quen của con đường cát nhỏ ngoằn ngoèo, của lối đi xuống bờ biển và những chiếc ghe thúng bập bềnh lênh đênh như phận dân biển xứ này. Nhưng kỷ niệm đáng nhớ với tôi là những mùa mực đỏ, loại mực mà có lẽ chỉ người nào gắn bó với biển mới biết.

    Kể chuyện làng: Mùa mực đỏ quê nghèo- Ảnh 1.

    Mực đỏ. Ảnh: Tác giả cung cấp

    Tôi luôn nghĩ rằng có sự hài hoà diệu kỳ nào đó giữa đất trời, biển cả và con người, gói gọn trong làng quê nhỏ bé này. Đó là những tháng đầu năm, khi trời nắng chói chang như đổ lửa lên những mái nhà thấp lè tè của làng biển nghèo cũng là lúc ghe thúng của ngư dân trúng mùa nhất. Và tôi thích thú nhất là được nhìn những ghe thúng làm nghề bóng mực cập bến mỗi sáng. Ngày đầu tới làng biển, tôi như bị thiêu đốt bởi cái nắng nóng bất thường và những trận gió mặn chát ào ào quạt về từ biển. Nơi tôi ở trọ là một dãy nhà nhỏ lợp tấm fibro xi măng thấp lè tè. 

    Dù có mấy cây xoài trồng phía trước nhưng cái nắng nóng như xuyên qua tán lá, đổ lửa xuống căn nhà trọ. Đó là nguyên nhân khiến tôi hay đi bộ sang bên kia đường, vòng qua một con hẻm nhỏ đầy mùi cá mắm để xuống biển, ngồi hóng gió gần mấy gốc dừa thấp và rặng hoa giấy có bông màu hồng lơ. Những người dân làng biển bảo ở đây có 2 mùa, mùa nắng và mùa rất nắng. 

    Sau Tết thường là mùa rất nắng. Nhưng bù lại, đó là lúc những ghe thúng của trai làng biển thường nặng cá mực sau mỗi chuyến đi. Thường từ rất sớm, có khi mặt trời còn chưa lên, ghe thúng đã cập bờ cát. Ghe mực thường về sớm nhất bởi nghề câu mực của ngư dân nơi đây chỉ phát huy tác dụng khi trời tối. So với những nghề lưới cá khác, câu mực được nhiều ngư dân chọn lựa vì sự ưu ái của thiên nhiên.

    Những tháng đầu năm, ngư dân bảo chỉ thả lưỡi câu xuống là mực nhào vô. Mà ở đây ngư dân câu mực bằng mồi giả (bằng nhựa) nên tốn ít chi phí. Trên những chiếc ghe, ngư dân thắp sáng bóng đèn rồi thả mồi xuống. Mực khi thấy ánh sáng lấp lánh là bơi tới và dính câu. Và không chỉ có mực, ngay cả con người cũng thường dính câu khi thấy những ánh sáng lấp lánh như vậy!

    Kể chuyện làng: Mùa mực đỏ quê nghèo- Ảnh 2.

    Phơi mực. Ảnh: Tác giả cung cấp

    Tôi không được đi câu mực cùng ngư dân ấy nhưng nhìn những chiếc giỏ đan đầy ắp mực kia thì hẳn đoán ra rằng phải rất nhiều mực. Và từ ngày đó tôi đã biết rằng, cách đánh bắt mực để chúng có giá trị nhất là câu, thay vì những nghề lưới khác. Như ngày nay, mực câu cùng kích thước và chủng loại có giá bán gần gấp hai lần mực lưới. Bởi mực lưới thì chúng bị bầm dập, ăn không còn ngon nữa. Và quan trọng nhất, chúng mất đi lớp phấn màu đỏ bên ngoài. Thậm chí, rất kỳ lạ là chỉ cần bảo quản, vận chuyển một thời gian là lớp phấn đỏ bên ngoài thường mất đi. Đó là nguyên nhân khiến những giỏ đầy ắp mực đỏ nhưng chỉ vài ngày sau sẽ bị phai màu, nhợt nhạt khi ướp đá để vận chuyển vào thành phố.

    Người dân làng biển này có nhiều cách chế biến mực. Trong đó dễ dàng nhất là phơi khô, bởi thời gian đó, việc vận chuyển và đưa đi tiêu thụ ở các đô thị là khá khó khăn, vất vả và tốn kém. Mực khô ở đây được những người phụ nữ làng biển làm sạch một cách tỉ mỉ. Họ dùng chiếc dao nhỏ vạch một đường dọc theo con mực màu đỏ au, nhè nhẹ lấy cái túi mực nhỏ xíu màu bạc mà không để chúng vỡ ra rồi cẩn thận rút thanh cứng của chúng bỏ đi. Sau đó, kéo dao xuống phía dưới móc những con cá nhỏ trong bụng chúng ra. 

    Cuối cùng dùng dao khứa nhẹ vào hai mắt của chúng, lặn rửa cho hết lớp nhầy nhầy màu đen. Lúc này, con mực được chẻ đôi, lộ ra lớp thân màu trắng mịn, chỉ còn lớp da mỏng màu đỏ sau khi rửa sạch. Tiếp đó, những người phụ nữ làng biển đặt con mực ấy lên giàn phơi, thường là bằng những thanh tre đan kín để dưới ánh nắng mặt trời. Cứ nửa ngày họ lại lật chúng lên, sau hai ngày nắng thì mực khô, chuyển sang màu vàng lơ như hổ phách đục. Ngày đó, hầu hết ghe thúng mực đều được chế biến thành mực khô để giảm trọng lượng và dễ bảo quản, vận chuyển.

    Nhưng điều tôi nhớ nhất là món ăn được chế biến từ món mực đỏ ở làng biển này. Với một người sinh ra và lớn lên ở vùng đồng bằng Bắc bộ, những món ăn của làng biển miền Nam Trung bộ ngày ấy thực sự rất đặc biệt và đáng nhớ. Khác với những người phụ nữ làm khô mực, người phụ nữ làm bánh xèo mực ở đây lại để cả con mực, chỉ rửa sơ qua bằng nước mà thôi. 

    Tôi nhớ quán bánh xèo mực của dì Năm nằm sát bờ sông Lũy, nhìn phía đằng sau là những chiếc ghe lớn đậu san sát, nghỉ ngơi sau mỗi chuyến câu xa. Quán bánh xèo mực của dì có cô con gái út phụ bán. Mặc dù dọc con đường nhỏ từ phía quốc lộ men theo sông Lũy đi tới phía ngọn hải đăng sát biển có tới 5,6 quán bánh xèo thì quán của dì Năm lúc nào cũng đông khách. Làng biển thì nhỏ bé mà khách ăn bánh xèo thì đông đúc.

    Kể chuyện làng: Mùa mực đỏ quê nghèo- Ảnh 3.

    Mực đỏ vài ngày sau khi phơi sẽ phai màu. Ảnh: Tác giả cung cấp

    Dì bắt đầu dọn quán, quạt than hoa từ lúc giữa trưa nắng nhưng thường phải tới 3 giờ chiều mới bắt đầu có bánh. Ngoài công việc thổi than hoa, dì còn giã ớt hiểm pha nước mắm trong khi cô con gái út uể oải gọt xoài, cắt dưa leo, rửa lá cóc và rau xà lách. Dì Năm bán bánh xèo tôm thịt, tôm mực nhưng tôi chỉ ăn bánh xèo mực. Những con mực đỏ mới được rửa sạch, tươi ngon dù dì mua từ lúc sáng sớm được đặt trên chiếc rổ nhựa. 

    Tôi để ý thấy rằng, khi dì Năm đã ngồi vào chiếc ghế gỗ thấp, phía trước mặt là bếp than với 6, 7 cái lỗ để đặt bếp là dì không có thời gian để đi đâu khác. Cái cảm giác háo hức khi thấy dì đổ muỗng bột nước màu trắng tinh lên chiếc chảo nhỏ màu đen xì rồi với tay lấy một con mực đỏ bỏ vào, đặt nắp lên. Bàn tay dì cứ thế làm liên tục, cho tới khi đậy xong mấy cái chảo nhỏ thì mở cái nắp đầu tiên, bỏ mấy cọng giá vào. Loáng cái, chiếc bánh xèo màu vàng ruộm được gập đôi lại, có con mực đã chín vẫn còn màu đỏ au bên trong. Khi ăn những chiếc bánh xèo mực đỏ ngọt thơm ấy, tôi không thể nào giải thích được tại sao ở một làng biển đầy nắng gió, mưa bão khắc nghiệt sao lại có thể sinh ra những món ăn ngon đến thế. Mà toàn những thứ được lấy từ chính làng biển này chứ không phải ở đâu xa xôi.

    Gần 20 năm rồi tôi mới có dịp trở lại làng biển này. Người dân nơi đây vẫn gắn bó với ghe thúng, với biển, với những con cá mực. Tôi định đi tìm quán bánh xèo ngày xưa bên bờ sông Lũy nhưng không hiểu sao vừa chạy loáng cái đã ra tới quốc lộ. Làng biển nghèo ngày xưa đã được mở rộng, thậm chí nâng cấp thành một đô thị nhỏ nhưng tôi thấy nó dường như nhỏ bé hơn. Và dãy nhà trọ dưới tán xoài, gốc bông giấy hồng lơ, cây dừa xơ xác… như đã trôi vào quá khứ, chỉ còn rải rác những giàn phơi mực đỏ ven đường như gần 20 năm trước mà thôi.

    Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục “Kể chuyện làng” từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

    Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

    Bài viết cộng tác với chuyên mục “Kể chuyện làng” xin gửi về email: [email protected]; điện thoại liên hệ: 0903226305.


    Speak Your Mind

    *