April 30, 2024

Xử lý phim chiếu mạng độc hại: Hậu kiểm hay “thả gà ra đuổi”? (Bài 3)

  • Đọc sách cùng bạn: Biên bản một đời người
  • Văn nghệ sĩ gen Z nói về ngày 30/4: “Lịch sử Việt Nam là điều khiến chúng tôi kiêu hãnh và tự hào nhất”
  • Lê Đức Phát giành suất dự Olympic Paris

  • Nhiều bộ phim chiếu mạng cố tình khai thác chủ đề gây sốc, nội dung nhảm nhí, phản cảm… luôn ẩn chứa mối họa gây ảnh hưởng xấu cho khán giả, nhất là giới trẻ. Đây là một vấn đề rất phức tạp mà chúng ta đang phải đối mặt. 

    Việc kiểm soát và hậu kiểm nội dung các bộ phim ngắn chiếu mạng còn gặp nhiều khó khăn do sự rộng lớn và phức tạp của Internet. Việc loại bỏ hoặc hạn chế phim ngắn có nội dung không lành mạnh đòi hỏi sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng trực tuyến.

    Xử lý phim chiếu mạng độc hại: Hậu kiểm hay

    Phim chiếu mạng có nhiều hình ảnh nhạy cảm thường thấy gần đây. Ảnh: NSX

    Hậu kiểm phim chiếu mạng hay là “thả gà ra đuổi”?

    Khi Luật Điện ảnh 2022 ra đời, phim chiếu mạng đã chuyển sang hậu kiểm thay vì tiền kiểm. Điều này vừa phù hợp với xu hướng chung của thế giới vừa phù hợp với thực tế là không thể có nhân lực nhà nước để tiền kiểm khối lượng phim chiếu mạng khổng lồ được đưa liên tục lên mạng.

    Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định về việc thành lập Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng gồm 10 thành viên, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành làm tổ trưởng.

    Tổ công tác có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Luật Điện ảnh ngày 15/6/2022, Nghị định số 131/2022/NĐ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh.

    Tuy nhiên, trên thực tế là việc hậu kiểm gần như không hiệu quả bởi nhân lực quá mỏng.

    Chia sẻ với Dân Việt, Cục trưởng Cục Điện ảnh, ông Vi Kiến Thành thông tin rằng, với hình thức quản lý hậu kiểm, các nhà phát hành phim trên mạng phải chịu trách nhiệm phân loại thể loại phim, phân loại và hiển thị độ tuổi để cảnh báo người xem.

    Xử lý phim chiếu mạng độc hại: Hậu kiểm hay

    Phim “Thiếu niên giang hồ” thu hút hơn 5 triệu lượt xem trên Youtube. Ảnh chụp màn hình.

    Cơ quan nhà nước hậu kiểm chứ không tiền kiểm, không cấp giấy phép trước cho những phim chiếu trên mạng như phim chiếu rạp. Do vậy, để việc hậu kiểm đạt hiệu quả còn phải kết hợp chặt chẽ với cộng đồng.

    Bày tỏ quan điểm về hạn chế của hình thức hậu kiểm, PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội sẻ với Dân Việt: “Do chúng ta chưa coi các phim ngắn dưới dạng các clip này là một tác phẩm điện ảnh, chưa quy định trong Luật Điện ảnh, nên các chế tài với các sản phẩm này chủ yếu ở Luật An ninh mạng.

    Việc hậu kiểm các sản phẩm này rất khó và phức tạp khi phải đối mặt với nhiều hạn chế như quá trình hậu kiểm thường đòi hỏi thời gian và nỗ lực đáng kể từ các cơ quan quản lý và doanh nghiệp công nghệ. Trong khi đó, nội dung có thể đã lan truyền rộng rãi trước khi được loại bỏ, gây ra tác động tiêu cực lớn đối với người xem và xã hội.

    Bên cạnh đó, chúng ta cũng gặp khó khăn trong việc xác định và phân loại nội dung khi nội dung tiêu cực có thể không rõ ràng hoặc mơ hồ, làm trì hoãn quá trình hậu kiểm hoặc dẫn đến các quyết định không chính xác. Ngoài ra, một số cá nhân hoặc tổ chức có thể sử dụng các biện pháp để tránh được hậu kiểm, chẳng hạn như sử dụng các nền tảng phân phối nội dung không rõ nguồn gốc hoặc sử dụng các công nghệ che giấu.

    Cuối cùng, quyết định hậu kiểm nội dung thường phụ thuộc vào quan điểm và chuẩn mực của các cơ quan quản lý, thậm chí là của cá nhân có trách nhiệm, thể dẫn đến sự không thống nhất kiểm soát nội dung trên mạng”.

    Chia sẻ về những khó khăn của Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng, ông Vi Kiến Thành cho biết: “Hiện nay Cục Điện ảnh chỉ có 10 cán bộ làm kiêm nhiệm công việc kiểm tra các phim chiếu mạng chứ không có cán bộ chuyên trách cho việc này. 10 cán bộ này được chia hai ca sáng và chiều, thay nhau xem để kiểm tra phim chiếu trên mạng. Số lượng phim rất lớn. Cán bộ ở Cục một ngày chỉ xem được khoảng 5 – 10 phim, không thể kiểm tra được hết phim chiếu trên mạng”.

    Theo thống kê không chính thức, chỉ riêng kênh YouTube tại Việt Nam mỗi ngày có khoảng 120 giờ thời lượng video ngắn được tải lên (trung bình 1 video ngắn/60 giây). Điều đó cho thấy khả năng kiểm duyệt không thể đảm bảo được với tình hình thực tế.

    Xử lý phim chiếu mạng độc hại: Hậu kiểm hay

    Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng không thể xem hết tất cá các phim chiếu mạng. Ảnh: NSX

    Theo ông Thành, dù phim trên mạng đã được quy định rõ ở luật Điện ảnh về việc nhà sản xuất phải tự phân loại độ tuổi và đưa ra cảnh báo đối với khán giả khi phát hành phim, nhưng hiện cơ quan quản lý chỉ hậu kiểm theo hình thức kiểm tra đột xuất chứ không thể kiểm tra được toàn bộ các sản phẩm phim ảnh đưa lên mạng. Cơ quan quản lý không thể xem hết tất cả phim được đưa lên không gian mạng để xem họ phân loại đúng chưa và có nội dung gì vi phạm để yêu cầu gỡ bỏ.

    Để tháo gỡ phần nào những khó khăn, vừa qua Cục Điện ảnh đã xây dựng quy chế thưởng cho những người phát hiện phim sai phạm trên mạng báo về cho Cục Điện ảnh. Ai báo tin chính xác được thưởng 200.000 đồng kèm giấy chứng nhận đã phát hiện phim chiếu trên mạng vi phạm pháp luật và báo cho cơ quan quản lý. Quy chế này đã trình lên Bộ VHTTDL nhưng không được chấp thuận để ban hành.

    Theo ông Thành, người xem “phải tự có sức đề kháng, phải chú ý đến hiển thị phân loại phim để quyết định xem hay không”. Tình cảnh cũng tương tự với mọi loại nội dung trên mạng, không chỉ phim.

    Ông Vi Kiến Thành cho biết, những series video ngắn được dàn dựng, có kịch bản xuất hiện trên TikTok không được tính là phim chiếu mạng. Những nội dung này do Bộ TT&TT quản lý.

    Ông Thành khẳng định: “Bộ VHTTDL chỉ quản nội dung phim còn nội dung các web drama do Bộ TT&TT và Bộ Công an quản lý, lấy luật An ninh mạng làm căn cứ. Vừa rồi, chúng tôi làm báo cáo lãnh đạo Bộ về vấn đề này, về tình hình thực tế và xác định trách nhiệm cho rõ của các bên”.

    Người đứng đầu Cục Điện ảnh cho biết, Cục đã đề xuất có cuộc trao đổi giữa Bộ VHTTDL và Bộ TT&TT để phân định rõ trách nhiệm quản lý các nội dung trên không gian mạng bởi Bộ VHTTDL chỉ quản lý về phim.

    Liên quan đến việc quản lý các nội dung trực tuyến khác, Bộ TT&TT cùng với các cơ quan liên quan cũng đã kiểm tra toàn diện TikTok tại Việt Nam và xử lý nghiêm sai phạm. Từ ngày 15/5/2023, Đoàn kiểm tra liên ngành đã bắt đầu kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam.

    Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Cục PTTH&TTĐT), cho biết,  Cục PTTH&TTĐT sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như TikTok phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

    Xử lý phim chiếu mạng độc hại: Hậu kiểm hay

    Phim chiếu mạng “Tương sinh tương khắc” cũng gây nhiều ý kiến trái chiều sau khi công chiếu. Ảnh: NSX

    Quản lý và kiểm soát cần dựa trên sự đồng bộ một cách toàn diện

    Bày tỏ quan điểm với PV Dân Việt về việc làm trong sạch trong việc đưa sản phẩm lên mạng, PSG. TS Bùi Hoài Sơn đưa ý kiến: “Theo tôi, để bảo đảm sự trong sạch trong việc đưa sản phẩm lên mạng đồng thời bảo đảm quyền tự do của người dân là một thách thức khá phức tạp, nhưng có thể thực hiện được thông qua các biện pháp sau:

    Một là, Nhà nước cần thiết lập các quy định pháp lý cụ thể và rõ ràng đối với việc đăng tải nội dung trên mạng, bao gồm cả việc xác định và xử lý các nội dung không lành mạnh như bạo lực, loạn luân, và tội phạm song song với việc bảo vệ quyền tự do của người dân.

    Hai là, cần đầu tư vào công nghệ và quy trình hậu kiểm hiệu quả để loại bỏ hoặc kiểm soát nội dung không lành mạnh sau khi đã được phát hành thông qua sự hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp công nghệ, và cộng đồng trực tuyến.

    Thứ ba là cần tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức cho cả người sử dụng và nhà sản xuất nội dung về tầm quan trọng của việc bảo đảm sự trong sạch và trách nhiệm trong việc đăng tải nội dung trực tuyến, giúp giảm thiểu nhu cầu cho nội dung tiêu cực và tăng cường sự chủ động trong việc tạo ra nội dung tích cực.

    Thứ tư là nên thiết lập các cơ chế phản hồi và đánh giá để người dùng có thể báo cáo nội dung không lành mạnh và các vi phạm khác, cũng như để kiểm tra và đánh giá hiệu quả của các biện pháp hậu kiểm và quản lý nội dung.

    Thứ năm, vấn đề liên quan đến nội dung trên mạng là một vấn đề phức tạp và đòi hỏi sự hợp tác đa phương giữa chính phủ, doanh nghiệp công nghệ, tổ chức xã hội, và cộng đồng trực tuyến. Cần có sự hợp tác và tương tác chặt chẽ giữa các bên để đảm bảo sự trong sạch và bảo vệ quyền tự do của người dân”.


    Speak Your Mind

    *