May 2, 2024

Lên buôn Kri học đánh chiêng, múa suang

  • Trước khi thành công với điện ảnh, Lý Hải đã có sự nghiệp âm nhạc rực rỡ đến mức nào?
  • Lịch trực tiếp U23 châu Á: U23 Indonesia và Iraq tranh vé đi Olympic 2024
  • Phát hiện nam thanh niên nằm chết bên vườn thanh long ven lộ

  •  Anh bạn cùng đoàn ghé tai tôi nói nhỏ: “Nếu đánh chiêng dễ như cậu tưởng thì cần gì phải học đánh cồng chiêng”…

    Nhiệt tình truyền dạy, hăng say luyện tập

    Chúng tôi lên buôn Kri (xã Ea Sol, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đăk Lăk) vào một sáng “Trởi Tây Nguyên xanh/Hồ trong nước xanh…”. Vừa tới sân nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng buôn đã thấy rất xe máy đậu kín, đã thấy những nhóm người già trẻ lớn bé đứng túm tụm. Từ trong nhà văn hóa vẳng ra tiếng cồng chiêng bung boong trầm bổng. Anh Nguyễn Huy Dũng – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện cho biết: “Sáng nay khai mạc lớp truyền dạy kỹ năng đánh chiêng và múa suang của dân tộc Gia Rai”.

    Thế là chúng tôi vội vã bước lên bậc cầu thang, trong nhà văn hóa đang rộn ràng những nhịp chân nhún nhảy của các cô gái Gia Rai, đã thấy rạo rực tiếng cồng chiêng đầy sức hút. Cảm tưởng như được đứng trong không gian của một lễ hội Tây Nguyên vậy. Một không khí chan hòa, vui tươi…

    Lên buôn Kri học đánh chiêng, múa suang - Ảnh 1.

    Tác giả chụp ảnh với nhóm học viên đánh cồng chiêng. Ảnh: N.T.V

    Đúng là những bước chân nhún nhảy nhìn hấp dẫn thật, nhìn các cô gái múa mà tôi thấy như các cô đang cuốc lỗ, đang tra hạt, rồi lại thấy như đang gùi thóc gùi ngô về nhà vậy… Những động tác quen thuộc hàng ngày đã được đưa thành nghệ thuật thì thật hay, thật ý nghĩa.

    Anh Nguyễn Huy Dũng sau khi chờ chúng tôi đã vào hết trong nhà và tiếng chiêng đang lắng cùng điệu múa suang đã nhún chân bước cuối cùng thì giới thiệu với bà con về chuyến viếng thăm bất ngờ của đoàn chúng tôi. Bà con vỗ tay chào đón trong tiếng chiêng đón khách rất hân hoan. Anh Dũng cho hay: “Lớp học truyền dạy kỹ năng đánh chiêng và múa suang được mở trong khuôn khổ dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk và được Tổ chức JBCIA của Hàn Quốc tài trợ”.

    Tiếng vỗ tay, tiếng cười và dĩ nhiên tiếng cồng chiêng cùng vang lên. Chủ và khách như đã quen biết nhau từ lâu rồi nên hòa vào nhau nói cười vui vẻ. Tôi hỏi một người đàn ông Gia Rai mà theo tôi đoán chắc là trưởng lớp hay là người có trọng trách trong lớp: “Chào anh. Anh tên là gì?”. Người đàn ông cười rất vui cho tôi biết anh tên là Y Lay. Tôi lại hỏi: “Anh Y Lay là người ở buôn này à? Anh làm gì trong lớp?”. Y Lay cười lắc lắc đầu có vẻ như không muốn tự nói về mình. Thấy vậy anh Huy Dũng vội giới thiệu: “Lớp học này dược các giáo viên là các nghệ nhân cồng chiêng và múa suang của buôn Treng, xã Ea H’Leo sang giảng dạy. Anh Y Lay là Nghệ nhân Nhân dân. Đây là Nghệ nhân Ưu tú Y Chua. Còn cô gái Gia Rai xinh đẹp nhường kia tên là H’Uyên. Các thầy cô phải chạy xe máy 40km để đến đây truyền dạy. Báo cáo với đoàn là lớp học này được học vào buổi tối. Sáng nay khai mạc nên đoàn mới có cơ hội được dự đấy”.

    Lên buôn Kri học đánh chiêng, múa suang - Ảnh 2.

    Dàn cồng chiêng buôn Kri đang luyện tập. Ảnh: N.T.V

    Lên buôn Kri học đánh chiêng, múa suang - Ảnh 3.

    Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với các nghệ nhân và bà con buôn Kri. Ảnh: N.T.V

    Nghe anh Huy Dũng cho biết vậy, tôi thầm khen “Thầy cô tích cực nhiệt tình. Học trò hăng say luyện tập. Đúng là biết trân trọng những giá trị văn hóa của tổ tiên thì khó đến mấy cũng vượt qua được”. Được biết, huyện tổ chức thành nhiều lớp học cho phù hợp với địa bàn của huyện khá lớn (huyện Ea H’Leo có diện tích gấp đôi tỉnh Bắc Ninh) và mỗi lớp học được tiến hành trong hai tháng. Giáo viên tại chỗ – tức là những cá nhân là nghệ nhân trong huyện. Học trò cũng là người tại chỗ do buôn tuyển chọn và học ngay nhà văn hóa của buôn. Một lớp học sẽ có chừng 25 học viên với một đội chiêng là đàn ông và một đội múa suang là các chị em. Rất vui là các chị em tuy đều đã có gia đình nhưng luôn được gia đình ủng hộ việc học múa.

    Âm thanh của sự hòa đồng, cộng cảm

    Cồng chiêng Tây Nguyên đã góp phần tạo nên những sử thi đi vào những áng thơ ca đậm chất Tây Nguyên, vừa lãng mạn vừa hùng tráng. Khẳng định giá trị tồn tại và cố kết cộng đồng trên mảnh đất Tây Nguyên từ hàng ngàn đời nay. Mỗi giai điệu đều gắn với đời sống hàng ngày của người dân, nói lên tiếng lòng, tâm tư, tình cảm của đồng bào.

    Tôi có hỏi Nghệ nhân Nhân dân Y Lay: “Đánh chiêng chắc là khó lắm anh Y Lay nhỉ?”. Người đàn ông Gia Rai chừng 50 tuổi cười hiền hậu: “Cũng không khó lắm đâu. Quan trọng là mình yêu nó, mình coi nó như là con người của mình vậy”. Đúng là một câu trả lời rất “bà con”.

    Nói rồi Nghệ nhân Nhân dân Y Lay vui vẻ cho tôi biết: “Người Tây Nguyên có hai cách đánh cồng chiêng. Đó là cách đánh bằng dùi và cách đánh bằng cườm tay. Cách đánh bằng cườm tay thường được sử dụng khi ngồi đánh trong nhà dài, còn cách đánh bằng dùi được sử dụng khi người đánh chiêng đứng hoặc vừa đi vừa đánh. Đánh bằng dùi hay đánh bằng cườm tay đều yêu cầu người đánh chiêng phải có sức khỏe tốt bởi một buổi đánh chiêng thường kéo dài hàng tiếng, thậm chí có thể nhiều tiếng”.

    Theo đó thì dùi đánh chiêng được làm bằng gốc cây dứa dại hay bằng gỗ có bọc vải ở đầu dùi. Từng loại chiêng hay từng kích cỡ của chiêng mà dùi đánh cũng khác nhau. Anh Y Lay bảo: “Dùi mềm khi đánh sẽ có âm thanh tròn trĩnh, vang ngân trầm hùng. Còn dùi cứng cho âm thanh nghe sắc nhọn, nó thể hiện sự mãnh liệt của âm thanh. Còn nếu đánh bằng cườm tay thì âm thanh sẽ cảm giác xa xăm, bí ẩn”. Được nói rõ như vậy tôi mới sáng ra, thì ra khi đánh chiêng đâu thuần túy chỉ cho âm thanh bung boong mà cho người nghe nghe được nhiều sắc độ của âm thanh. Thế nó mới ra sự đa dạng, đầy màu sắc của đại ngàn Tây Nguyên. Tôi thầm nghĩ: “Đánh cồng chiêng đúng là phải dày công học, dày công khổ luyện bởi vì để diễn tấu được một bài chiêng là cả một vấn đề.

    Nghệ nhân Ưu tú Y Chua bổ sung thêm: “Trong dàn cồng chiêng thì mỗi thành viên giữ một vị trí cao độ và tiết tấu khác nhau. Do vậy khi dàn cồng chiêng cùng chơi thì từng người đánh phải nắm chắc từng thời khắc đánh chiêng. Điều làm nên sức cuốn hút và sự kỳ diệu của dàn chiêng chính là sự đồng cảm, sự tập trung, sự hào hứng khi cùng nhau trình diễn một bản nhạc cồng chiêng. Do vậy thái độ tình cảm và sức khỏe của người đánh cồng chiêng có ý nghĩa để dàn cồng chiêng được hòa đồng và được cộng cảm”.

    Anh Nguyễn Huy Dũng phấn khởi cho biết thêm về lớp học: “Lớp học mở ra nhằm mục đích phát huy vai trò của các chủ thể văn hóa trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên. Trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về diễn tấu chiêng và dân vũ Gia Rai nhằm góp phần tăng cường trao truyền di sản văn hóa cho thế hệ trẻ để tiếp tục kế thừa, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng thời xây dựng nòng cốt ở các buôn làng để tham gia các hội diễn, liên hoan và giao lưu văn hóa văn nghệ ở địa bàn. Đây cũng là một chủ trương có tính lâu dài để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng của tỉnh một cách bền vững”.

    Lên buôn Kri học đánh chiêng, múa suang - Ảnh 4.

    Những nhịp chầy đôi chầy ba. Ảnh: N.T.V

    Đúng là một chủ trương rất bài bản và có tính lâu dài. Tôi hỏi thêm: “Thế đợt sang Kon Tum tham dự lễ hội văn hóa vừa rồi, đội của huyện mình đại diện cho tỉnh đạt thành tích cao không?”. Anh Huy Dũng vui vẻ: “Nhờ tập luyện và thi với nhau thường nên đội đạt thành tích cao anh ạ”.

    Anh Huy Dũng còn bổ sung: “Nhờ việc mở các lớp học đánh cồng chiêng và múa suang mà chúng tôi đã phát hiện và bồi dưỡng những cá nhân có năng khiếu đánh chiêng và dân vũ để có một lực lượng dồi dào, đáp ứng được yêu cầu từ cấp buôn cho tới khu vực. Những cuộc tham dự lễ hội như vậy cũng tạo điều kiện để chúng tôi khai thác và phát huy những giá trị văn hóa tại địa phương và học hỏi, tiếp thu những giá trị đó ở các địa phương khác. Do vậy văn hóa cồng chiêng được bồi bổ thêm, múa dân vũ được bổ sung thêm nhiều động tác hay, hấp dẫn hơn”.

    Quay sang nghệ nhân trẻ H’Uyên, tôi hỏi: “Em học múa như thế nào?”. Cô gái Gia Rai da trắng, môi hồng, hàm răng trắng muốt, cười rất duyên: “Em được học từ bà từ mẹ. Còn điệu múa hôm nay cũng là múa suang truyền thống, nhưng em đã tự nghiên cứu để đưa vào đấy các động tác thể hiện hoạt động khi sản xuất và tạo thêm nhịp chân không chỉ nhún nhảy tại chỗ mà còn vừa bước đi vừa nhún nhảy”. 

    Nghe H’Uyên trả lời vậy tôi mới nhớ lúc các “học trò” của cô đang múa. Đúng là những bước chân nhún nhảy nhìn hấp dẫn thật, nhìn các cô gái múa mà tôi thấy như các cô đang cuốc lỗ, đang tra hạt, rồi lại thấy như đang gùi thóc gùi ngô về nhà vậy…

    Một buổi sáng “học đánh cồng chiêng” của tôi qua nhanh, đã đến lúc chào tạm biệt những “chàng trai cô gái” Gia Rai buôn Kri. Sự tích cực và “hồn nhiên” của họ đã gieo vào tâm trí tôi những dư cảm tốt đẹp. Bên tai tôi lại vẳng lên câu hát: “Đất chờ nước, nước theo anh về/Đất chờ nước, nước theo anh về/ Cho Tây Nguyên thêm xanh, cho tình em thêm xanh…” (Tình ca Tây Nguyên – nhạc sĩ Hoàng Vân).


    Speak Your Mind

    *