May 5, 2024

Tiến sĩ Hồ Lâm Giang: “Nạn quấy rối thể hiện sự suy thoái về văn hóa và đạo đức”

  • Lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm nay có những điểm mới gì?
  • Ronaldo lập hat-trick thứ 66 trong sự nghiệp
  • Phát hiện thi thể nam ở nhà trọ trong đêm

  • Mới đây, vấn đề quấy rối tình dục (QRTD) nơi công sở một lần nữa gây xôn xao dư luận khi nhiều người đồng loạt lên tiếng về chủ đề này. Dù pháp luật Việt Nam có đầy đủ chế tài để xử lý đối với những hành vi xâm hại tình dục cũng như gây tổn thương đến nạn nhân, QRTD vẫn là câu chuyện gây nhiều tranh cãi, khi việc thu thập chứng cứ là khó khăn, nạn nhân thường im lặng vì ngần ngại.

    Tiến sĩ Hồ Lâm Giang: "Nạn quấy rối thể hiện sự suy thoái về văn hóa và đạo đức"- Ảnh 1.

    Quấy rối tại môi trường công sở là câu chuyện được nhắc tới nhiều năm nay. Tuy vậy vẫn luôn là nỗi bức xúc âm ỉ. (Ảnh: TL)

    PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Hồ Lâm Giang, chuyên gia tâm lý – giáo dục về chủ đề này.

    Những ngày qua, không ít phụ nữ lên tiếng cho biết, họ từng bị quấy rối tại công sở và chịu ảnh hưởng nặng nề về tâm lý. Là một chuyên gia tâm lý, chị có thể đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc quấy rối tình dục đối với phụ nữ?

    – Hiện tại, chưa có thông số nào cụ thể về nạn quấy rối tình dục tại môi trường công sở. Tuy nhiên, có thể thấy, do đặc thù của môi trường này, nhiều nguy cơ dễ dàng nảy sinh, gây phiền toái cho những người làm việc tại đó (có thể là phụ nữ hoặc đàn ông). Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta dễ thể hiện cảm xúc của mình hơn, tuy nhiên không ít người thiếu văn hóa trong ứng xử, dẫn đến những hành vi có tính chất tình dục gây sợ hãi, ảnh hưởng tới tâm lý của người khác.

    Việc bị quấy rối sẽ khiến cho những người phụ nữ sống trong lo lắng, sợ hãi và ám ảnh. Nó không chỉ khiến công việc của họ bị ảnh hưởng, đời sống tinh thần bị tác động trong thời điểm đó mà còn tạo ra những tổn thương lâu dài, có những ấn tượng và cảm xúc tiêu cực với người khác giới.

    Tôi cho rằng, chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận và thừa nhận về những tác động tiêu cực và ảnh hưởng tới cuộc sống của những người phụ nữ đã và đang là nạn nhân của nạn QRTD để có thể bảo vệ họ, cũng như để họ có thể biết cách bảo vệ chính mình.

    Tiến sĩ Hồ Lâm Giang: "Nạn quấy rối thể hiện sự suy thoái về văn hóa và đạo đức"- Ảnh 2.

    Tiến sĩ Hồ Lâm Giang, chuyên gia tâm lý – giáo dục, người có nhiều nghiên cứu về bình đẳng giới. (Ảnh: NVCC)

    Vì sao nhiều phụ nữ giữ im lặng khi bị quấy rối tình dục, thưa chị?

    – Theo tôi, khi người bị QRTD im lặng không dám tố cáo, thì đa phần là bởi vì có nỗi sợ còn lớn hơn nỗi sợ bị QRTD. Đó có thể là mỗi sợ bị mất việc, bị mất cơ hội thăng tiến, và quan trọng hơn, là nỗi sợ mọi người biết mình là nạn nhân của việc bị QRTD.

    Cũng bởi vì nạn nhân lại là người phải lo sợ, nên thủ phạm của việc QRTD vẫn có vẻ nhởn nhơ và thậm chí vô tư hợp lý hoá hành vi quấy rối của mình.

    Nhìn sâu hơn về sự đánh giá người phụ nữ trong xã hội, vẫn còn không ít tư tưởng coi thường người phụ nữ và có sự nhìn nhận thiên lệch về vấn đề phụ nữ bị quấy rối tình dục. Nếu họ bị quấy rối, làm nhục thì trước tiên họ sẽ bị mất giá trị, coi thường. Thậm chí, sẽ có những người quay ngược lại đặt câu hỏi “Phải thế nào mới bị quấy rối”, “Không có lửa làm sao có khói”, “Cứ ăn mặc thế kia bảo sao chả bị quấy rối”…

    Người đàn ông, trong vai thủ phạm, lại có phần “vô tư” hoặc cố tình biện minh cho hành động của mình là “nam tính”, là “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”… Cuối cùng, hiện nay, pháp luật đã có nhiều điều luật xử lý vi phạm về QRTD, nhưng thực tế để kết tội những thủ phạm gây ra quấy rối tình dục thì rất khó và hình thức trừng phạt chưa đủ sức răn đe. Do vậy, kẻ chủ mưu thì rất khó có thể kết tội, trong khi nếu công khai tố cáo, thì người phụ nữ đã tự thông báo với mọi người rằng, mình là người bị người khác quấy rối, sàm sỡ, làm nhục gạ gẫm… Sự thông cảm không ít, sự thương hại thì nhiều và sự ê chề còn nhiều hơn nữa.

    Với tâm lý như vậy, những người phụ nữ là nạn nhân của nạn QRTD thường chọn cách im lặng, tự bỏ việc, hoặc trốn tránh thủ phạm.

    Vậy phụ nữ nên làm thế nào để bảo vệ bản thân trong môi trường công sở, khi họ gặp nhiều khó khăn và cản trở như vậy?

    – Theo tôi, cách xử lý vấn đề tốt nhất là khiến cho vấn đề không xảy ra. Phụ nữ nên học cách bảo vệ chính mình trong môi trường công sở bằng một số biện pháp sau đây.

    Thứ nhất là về nhận thức. Việc là nạn nhân của quấy rối tình dục không có gì là xấu, mà việc im lặng để cái xấu, cái ác diễn ra mới là điều không tốt. Nếu bạn có thể dám đứng lên, thì trong bạn đã có sự tự tin để đối diện và chiến đấu với những kẻ dám quấy rối tình dục. Những người phụ nữ như vậy lại ít có khả năng bị quấy rối, hoặc họ cũng mau chóng thoát khỏi sự ám ảnh và sợ hãi so với những người chỉ biết im lặng chịu đựng và gặm nhấm nỗi đau một mình.

    Bên cạnh đó, chúng ta nên có những hoạt động cụ thể tác động tới nhận thức của những người đàn ông về văn hoá ứng xử, văn hoá doanh nghiệp, sự nghiêm trọng của hành vi vi phạm đạo đức, quấy rối người khác sẽ khiến cho nam giới bớt “vô tư” hơn trong vai trò là thủ phạm. Kể cả khi anh ta là người chứng kiến nạn QRTD, anh ta cũng không dửng dưng nhìn nó diễn ra mà có ý thức bảo vệ người phụ nữ.

    Thứ hai là cần có những sự phòng ngừa từ môi trường làm việc và trong hoạt động công việc. Phụ nữ nên tránh những môi trường hoặc những hoàn cảnh khiến mình dễ dàng bị quấy rối. Bởi lẽ, thủ phạm QRTD cũng thường quan sát nạn nhân mới dám thể hiện hành vi này. Ví dụ: Tránh ăn mặc quá gợi cảm khi đi làm, tránh những nơi vắng vẻ, tối muộn ở một mình với người khác giới. Những người phụ nữ càng thể hiện sự sợ hãi, trốn tránh, im lặng càng khiến hành vi QRTD gia tăng và không dừng lại. 

    Trước khi có hành vi QRTD, thường thì đối tượng sẽ có hành vi thăm dò, nếu phụ nữ có thái độ “bật đèn đỏ” thì thủ phạm thường sẽ e ngại hơn hoặc không dám tiếp tục. Người phụ nữ cũng nên có sự cẩn trọng và giữ khoảng cách khi ứng xử với những hành vi gây rồi ban đầu, tránh việc khiến đối tượng hiểu là họ đang “bật đèn xanh” để lấn tới. Rõ ràng, việc đưa ra thái độ nghiêm túc và cứng rắn từ ban đầu, sẽ giảm thiểu nguy cơ bị QRTD.

    Thứ 3, tôi nghĩ, một cây làm chẳng nên non. Trên thế giới đã có nhiều phong trào mà những người phụ nữ yếu thế được lên tiếng để cùng tố cáo những người, những việc gây tổn thương và đe doạ họ. Người phụ nữ có thể lên tiếng cầu cứu về tình trạng của mình để nhận được sự hỗ trợ. Ví dụ như lên tiếng với lãnh đạo, báo cáo với đoàn thể, tổ chức… Ngoài ra, thì nếu có vấn đề về tinh thần, họ cũng nên tìm cách tự cứu mình, bằng việc tìm kiếm sự hỗ trợ về tâm lý, thoát khỏi ám ảnh lo âu hoặc thậm chí sang chấn về việc bị QRTD.

    Văn hoá công sở sẽ thế nào nếu vấn nạn quấy rối ngày càng tinh vi và phổ biến?

    – Thú thật, nếu môi trường công sở là một một trường mà nạn quấy rối không những không ngày một giảm đi, mà lại càng biến tướng tinh vi và phổ biến thì đó là điều thực sự đáng buồn. Nó báo hiệu sự suy thoái về văn hoá và xuống cấp về đạo đức, chưa đánh giá tới sự chuyên nghiệp hoá trong công việc, trong việc quản lý thời gian, cảm xúc, hoạt động làm việc nhóm, tác phong…

    Việc người đàn ông chọn nơi làm việc là nơi để QRTD phụ nữ, rõ ràng là sự thất bại của chúng ta trong khâu quản lý, tuyên truyền, giáo dục, và cả hành lang pháp lý để xử lý vấn đề này. Tôi nghĩ đây không chỉ là câu chuyện của nạn nhân hay thủ phạm gây ra QRTD, mà tôi nghĩ, đây là vấn đề chung của xã hội, của nền văn hoá, của nền kinh tế và hệ thống luật pháp của đất nước. 

    Cảm ơn bà đã chia sẻ thông tin.


    Speak Your Mind

    *