May 18, 2024

Người Việt ngày càng chăm đọc Facebook, lười đọc sách?

  • Nguyễn Văn Khánh Phong bảo vệ thành công huy chương bạc thể dục dụng cụ châu Á
  • Thủ môn Đình Triệu bị chấn thương, mất trí nhớ tạm thời
  • Sông Lam Nghệ An lội ngược dòng thắng Khánh Hòa ở 'chung kết ngược'

  • Theo thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường DataReportal (Singapore), tính đến tháng 1/2023, lượng người dùng mạng xã hội Facebook trên toàn thế giới đạt mức 3,3 tỷ người, chiếm 43% dân số thế giới. Trong đó, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 7 với hơn 66 triệu người dùng. Không chỉ riêng Facebook, Việt Nam cũng nằm trong top 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok và Youtube nhiều nhất thế giới, với vị trí lần lượt là 6 và 9.

    Trong khi dẫn đầu trên các mạng xã hội, người Việt Nam lại không mấy mặn mà với việc đọc sách. Một thống kê của Hội Xuất bản Việt Nam năm 2023 cho biết, Việt Nam hiện chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách. Bình quân sách trên đầu người Việt chỉ là hơn 1 cuốn/ năm, trong khi con số này với Malaysia là10 cuốn/năm; Singapore là 14 cuốn; người Nhật, Pháp, Israel là 20 cuốn…

    Người Việt ngày càng chăm đọc Facebook, lười đọc sách?- Ảnh 1.

    Không ít người Việt đang ngày càng thờ ơ với các cuốn sách. (Ảnh: TL)

    “Đây là thời đại tiêu thụ thông tin ngắn”

    Chia sẻ với PV Dân Việt, Nguyễn Thu Thảo (32 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) thừa nhận đã lâu cô không cầm tới sách: “Trước kia, tôi cũng là người rất chăm đọc sách, tuy nhiên, dần dà công việc khiến tôi quen với việc sử dụng điện thoại và máy tính. Tôi vẫn đọc những thông tin hữu ích trên các thiết bị này, nhưng không còn thói quen đọc một cuốn sách chuyên sâu”. 

    Trong khi đó, Nguyễn Tùng Lâm (25 tuổi, Thái Nguyên) cho hay: “Thay vì đọc sách, tôi thường xem các thông tin dạng video bởi chúng sinh động, hấp dẫn, có nhiều chỉ dẫn cụ thể cho mình với từng loại thông tin cần thiết. Hiện tại, bạn bè xung quanh tôi cũng đều như vậy”.

    Người Việt ngày càng chăm đọc Facebook, lười đọc sách?- Ảnh 2.

    Dịch giả Nguyễn Tuấn Bình. (Ảnh: NVCC)

    Dịch giả Nguyễn Tuấn Bình (giám đốc công ty Bình Books) khẳng định, những năm qua, sách không đọ được với vô vàn các luồng giải trí dạng video: “Đây là thời đại tiêu thụ “thông tin ngắn”. Với người tìm đến sách để tra cứu thông tin phổ thông, sách cũng không thể đọ với wikipedia (bách khoa toàn thư mở trên Internet). Sách hiện tại chỉ đáp ứng cho người yêu sách, những người tìm hiểu thông tin chuyên sâu hoặc tìm phương thuốc giải toả cho tâm hồn” – ông Bình chia sẻ với PV Dân Việt.

    Trong khi đó, nhà văn trẻ Đức Anh (tác giả cuốn “Nhân sinh kép sống hai cuộc đời” vừa nhận giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam), cổ đông sáng lập công ty sách Linh Lan Books có cách nhìn tích cực hơn. Anh cho rằng, không nên bó hẹp khái niệm văn hóa đọc: “Sự phổ biến của công nghệ và các phương tiện truyền thông mới đã làm thay đổi cách chúng ta tiếp cận thông tin và giải trí. Tuy nhiên, tôi nghĩ văn hóa đọc có nghĩa rộng hơn đọc sách. Sau cùng, sự đọc mới quan trọng. Đọc là suy tư, sắp xếp, phân tích và sáng tạo. Sách chỉ là một yếu tố nhỏ. Và mạng xã hội, nếu cung cấp thông tin hữu ích, đó vẫn là nâng cao văn hoá đọc”.

    Coi mỗi chiếc điện thoại là một cuốn sách

    Khi được Dân Việt hỏi về vấn đề “mạng xã hội có nâng cao văn hóa đọc”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên phủ nhận điều này. Ông cho rằng: “Mạng xã hội là nơi cung cấp thông tin, dạy các kỹ năng, không phải nơi tích lũy vốn tri thức. Điều này chỉ có ở những cuốn sách, nơi có sự nghiên cứu và đầu tư, tìm tòi một cách chuyên sâu”.

    Người Việt ngày càng chăm đọc Facebook, lười đọc sách?- Ảnh 3.

    Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. (Ảnh: NVCC)

    Tuy nhiên, nhìn một cách lạc quan, ông Phạm Xuân Nguyên cho rằng, văn hóa đọc của người Việt đang phát triển: “Văn hóa đọc là đọc theo cảm hứng, sở thích, nhu cầu để nâng cao tri thức chứ không phải theo yêu cầu chuyên môn của học hành, thi cử. Có thể thấy, mỗi năm, thị trường sách tại Việt Nam hiện nay cho ra đời nhiều đầu sách khác nhau như sách viết, sách dịch, các công ty sách ra đời và làm việc một cách chuyên nghiệp ở từng mảng riêng. Cũng bởi vậy, người đọc hiện tại có nhiều thứ để lựa chọn, không ít cuốn sách bán chạy”. 

    Tuy nhiên, theo ông Phạm Xuân Nguyên, sách điện tử giúp cho việc đọc chưa được tận dụng một cách tối ưu: “Giá như mỗi chúng ta coi chiếc điện thoại như một cuốn sách thì văn hóa đọc đã phát triển hơn rất nhiều, bằng chứng là hiện nay rất ít người đọc sách trên internet với những thiết bị mình có. Trong lúc ngồi chờ tàu xe, uống cafe một mình, thay vì lướt mạng, chúng ta hoàn toàn có thể mở một trang sách ra đọc. Trên internet, có cả thư viện hàng ngàn cuốn sách đang đợi bạn. Chúng ta không nên giới hạn rằng đọc sách giấy mới là đọc”.

    Trong khi đó, dịch giả Nguyễn Tuấn Bình cho rằng, việc hô hào phát huy văn hoá đọc chỉ được một vài ngày theo phong trào, sau đó sẽ …đâu vào đấy. “Nhìn từ các nước xung quanh, tôi thấy nền tảng văn hoá đọc đi lên từ mặt bằng đời sống nói chung. Khi kinh tế nâng cao, người ta mới an tâm và tự khắc nghĩ tới cái đọc”.


    Speak Your Mind

    *