May 20, 2024

“Hoa hậu trả lại vương miện khi thấy không còn xứng đáng là ý thức về bản thân, tôn trọng xã hội”

  • Mẫu nội y Hàn Quốc gây chú ý ở phố cổ Hà Nội, giữ dáng nuột nà bằng cách nào?
  • Trung “ruồi” ẵm Huy chương Vàng đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất
  • Song Hye Kyo chống nắng, chống già từ thức uống rẻ tiền

  • Ngày 6/5, Hoa hậu Hoàn vũ Mỹ 2023 (Miss USA 2023) Noelia Voigt thông báo sẽ từ bỏ vương miện sau gần 8 tháng đăng quang với lí do tinh thần đang ở tình trạng bất ổn. Người đẹp 24 tuổi là Hoa hậu đầu tiên trong lịch sử 72 năm của cuộc thi này xin từ nhiệm.

    Chỉ hai ngày sau, 8/5, trong một bài đăng trên Instagram, Hoa hậu Tuổi Teen Mỹ 2023 (Miss Teen USA 2023) UmaSofia Srivastava cũng đã xin từ chức sau nhiều tháng đấu tranh với những quyết định của mình. Cô gái 17 tuổi nói trong thông cáo rằng: “Các giá trị cá nhân của tôi không còn hoàn toàn phù hợp với định hướng của cuộc thi”.

    “Hoa hậu trả lại vương miện khi thấy không còn xứng đáng là ý thức về bản thân, tôn trọng xã hội”- Ảnh 1.

    PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: NVCC

    Việc hai Hoa hậu Mỹ cùng từ bỏ vương miện khiến nhiều người hâm mộ khá bất ngờ. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy việc trả lại vương miện khi bản thân không còn phù hợp với định hướng của cuộc thi là hành động văn minh, thể hiện sự tự trọng cần thiết, tôn trọng chính mình và tôn trọng ban tổ chức cũng như công chúng.

    Từ sự việc này nhìn nhận lại các Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp… bước ra từ các cuộc thi sắc đẹp của Việt Nam. Một số người đẹp sau khi đăng quang đã vướng phải những lùm xùm về hành vi ứng xử, phát ngôn lệch chuẩn và bê bối đời tư… gây bức xúc trong dư luận nhưng chưa ai tự nguyện trả lại vương miện.

    PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội về vấn đề này.

    Từ chuyện hai Hoa hậu Mỹ xin từ bỏ vương miện khi thấy mình không xứng đáng đang gây nhiều bất ngờ cho người hôm mộ thời trang và nhan sắc, ông nhìn nhận như thế nào về hành động này?

    – Tôi nghĩ, văn hóa của mỗi quốc gia khác nhau nên mọi sự so sánh đều rất khó. Tuy vậy, tôi cho rằng, hành động của các Hoa hậu Mỹ khi tự nguyện trả lại vương miện khi họ cảm thấy không phù hợp là một hành động có ý nghĩa và rất đáng khâm phục. Điều này thể hiện nhận thức của các Hoa hậu này về chính bản thân họ và sự tôn trọng của họ dành cho cuộc thi và vai trò của mình trong xã hội.

    Bằng cách này, họ không chỉ thể hiện thái độ chân thành của chính bản thân mình mà còn gửi đi một thông điệp tích cực về việc đề cao giá trị cá nhân và tôn trọng đối với tiêu chuẩn của cuộc thi. Đây cũng có thể tạo ra một tiền lệ cho các thế hệ Hoa hậu tương lai về trách nhiệm xã hội và đạo đức của họ trong vai trò Hoa hậu. Đồng thời cũng là bài học tốt cho các quốc gia khác trong những trường hợp tương tự.

    Nhìn nhận lại các Hoa hậu ở Việt Nam, mặc dù vướng rất nhiều lùm xùm về phát ngôn hoặc bê bối đời tư, gây mất lòng tin và bức xúc đối với dư luận nhưng vẫn không chịu từ bỏ vương miện. Điều này phải chăng là người đẹp của chúng ta thiếu đi sự tự trọng cần thiết?

    – Tôi cho rằng, điều này có thể xuất phát từ nhiều lý do, không nhất thiết là thiếu sự tự trọng. Đầu tiên có thể là áp lực từ công chúng và bên tổ chức cuộc thi để giữ vương miện. Chúng ta đang sống trong một xã hội có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều nhau. Chỉ cần thử vào facebook và xem các bình luận về một chuyện nào đó là có thể thấy thông tin đa chiều đến mức hỗn loạn như thế nào.

    Trong một môi trường xã hội như thế, các Hoa hậu cảm thấy buộc phải giữ vương miện để tránh những hậu quả tiêu cực về danh tiếng và sự nghiệp cá nhân. Thế nên, tôi nghĩ, một số Hoa hậu có niềm tin rằng, việc giữ vương miện là trách nhiệm của họ và họ cảm thấy phải thực hiện nhiệm vụ này dù có những sự cố xảy ra.

    Đối với họ, việc từ bỏ vương miện có thể được coi là một hành động sẽ gây tổn thất lớn đối với hình ảnh của họ cũng như bên tổ chức cuộc thi. Bên cạnh đó, tôi cho rằng, trong một số trường hợp, có thể thiếu các quy định hoặc có quy định nhưng chưa chặt chẽ, từ phía ban tổ chức cuộc thi hoặc chính từ các cơ quan quản lý Nhà nước để xử lý những tình huống phức tạp như vậy. Điều này khiến việc ra quyết định từ bỏ vương miện trở nên khó khăn hơn đối với các Hoa hậu.

    Chuyện Hoa hậu của Việt Nam không chịu từ bỏ vương miện dù hình ảnh và tên tuổi “trượt dốc” sau nhiều scandal ầm ĩ, phải chăng cũng vì dư luận còn quá dễ dãi bỏ qua mọi chuyện khiến họ không nghiêm khắc với chính mình?

    – Tôi nghĩ, điều này có thể là một phần của vấn đề. Trong một số trường hợp, dư luận có thể có xu hướng quá dễ dãi hoặc nhanh chóng quên đi những scandal và vấn đề gây tranh cãi của các Hoa hậu, đặc biệt là khi họ vẫn tiếp tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông và tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội hoặc sự kiện. Đây là những điều chúng ta cần quan tâm nhiều hơn vì Hoa hậu không chỉ là biểu tượng sắc đẹp của một cuộc thi, mà còn được xem là tấm gương cho nhiều bạn trẻ trong xã hội.

    Tuy nhiên, cũng cần xem xét rằng có nhiều yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến việc quyết định từ bỏ vương miện, bao gồm áp lực từ gia đình, bạn bè, cũng như các hợp đồng và cam kết với các đối tác thương mại. Ngoài ra, có thể có những quy định hợp đồng hoặc điều khoản trong các thỏa thuận liên quan đến việc giữ vương miện mà các Hoa hậu cần phải tuân thủ.

    Theo ông, cần thiết phải có những quy định “cứng” về mặt pháp luật để tạo tiền lệ cho sự việc này như thế nào? Cần có những quy định cụ thể về tiêu chí chọn người đăng quang và các hành vi bị cấm sau khi đăng quang ra sao?

    – Tôi tin là việc có những quy định “cứng” về mặt pháp luật có thể giúp tạo ra một khung pháp lý rõ ràng và minh bạch, từ đó định rõ trách nhiệm và hành vi được yêu cầu từ các Hoa hậu, bao gồm các quy định về tiêu chí chọn người đăng quang, các điều kiện và yêu cầu mà các ứng viên phải tuân thủ, cũng như các hành vi bị cấm và hậu quả của việc vi phạm các quy định này.

    Trong Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn đã có một số quy định từ điều 14 đến điều 16 quy định về hình thức, thông báo tổ chức cuộc thi, điều kiện, thủ tục tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu; hay tại điều 12 của Nghị định 38/2021/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn háo và quảng cáo đã có quy định xử lý vi phạm quy định thi người đẹp, người mẫu, tuy nhiên, những quy định này vẫn chưa đủ cụ thể và bao quát đến các hành vi vi phạm đa dạng hiện nay.

    Vì thế, việc có những quy định cụ thể hơn nữa về tiêu chí chọn người đăng quang và các hành vi bị cấm sau khi đăng quang cũng là cần thiết, giúp rõ ràng các tiêu chuẩn và nguyên tắc đạo đức mà các Hoa hậu phải tuân thủ, cũng như tạo ra một cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp vi phạm.

    Dù vậy, việc thiết lập các quy định này cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo tính công bằng và minh bạch, cũng như tránh việc đặt ra quá nhiều hạn chế gây hạn chế sự phát triển và sáng tạo trong cuộc thi Hoa hậu.

    Ngoài ra, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị tổ chức cuộc thi, các cơ quan quản lý nhà nước, và các bên liên quan khác để thực hiện và tuân thủ các quy định này một cách hiệu quả, giúp tăng cường sự minh bạch và đảm bảo tính công bằng trong quá trình tổ chức và quản lý cuộc thi Hoa hậu.

    Cảm ơn PGS.TS Bùi Hoài Sơn đã chia sẻ thông tin.


    Speak Your Mind

    *