May 8, 2024

Nét văn hóa độc đáo trong lễ đón dâu của người Giáy ở Lai Châu

  • Lịch thi chung kết Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024 diễn ra ở đâu, khi nào?
  • HLV Kim Sang Sik sắp được xem Đình Bắc thi đấu
  • Bộ Công an yêu cầu tỉnh Kiên Giang cung cấp hồ sơ liên quan công ty cây xanh Công Minh

  • Thổi pí kẻo – nét văn hóa đặc sắc trong lễ đón dâu của người Giáy ở Lai Châu

    Trò chuyện với Dân Việt, ông Lò Văn Phù, ở bản Giang (Bản Giang, Tam Đường, Lai Châu) phấn khởi cho biết: Người Giáy ở huyện Tam Đường xem đám cưới là ngày hội vui và họ tin rằng, đám cưới tổ chức càng lớn, càng đông vui thì hạnh phúc của đôi trai gái càng bền lâu.

    Trước khi diễn ra lễ cưới, đôi trai gái người Giáy phải trải qua một số nghi lễ theo phong tục như: “Thả mối mai” (dạm hỏi) và “mai mối lại” (mặc cả). Hai nghi lễ này chủ yếu bàn việc hôn nhân của đôi trẻ. Khi đã tìm được ngày tốt, nhà trai nhờ ông mối, bà mai đến nhà gái thông báo ngày giờ đón dâu.

    Nét văn hóa độc đáo trong lễ đón dâu của người Giáy ở Lai Châu - Ảnh 1.

    Lễ đón dâu của người Giáy ở xã Bản Giang được tái hiện tại Tuần Văn hóa – Du lịch huyện Tam Đường năm 2023. (Ảnh: Thanh Ngân)

    Đoàn nhà trai đi đón dâu, gồm đủ các thành phần như: Hai bà mai và đội “pí kẻo” bốn người, chú rể, phù rể, cùng đoàn người gồng gánh lễ vật. Lễ vật đi đón dâu của người Giáy gồm: 1 can rượu, 2 sọt bánh, 2 sọt gà và 1 cái sọt nhỏ cầm tay.

    Khi đi đón dâu, đoàn nhà trai xếp thành hai hàng. Hai bà mai đi trước, 4 người đàn ông trong đội pí kẻo (đội kèn, trống, chiêng) theo sau. Tiếp đến là chú rể, phù rể rồi đến những người gánh lễ vật. Trên suốt chặng đường đi đón dâu, đội nhạc lễ sẽ thổi pí kẻo cho đến cổng nhà gái mới dừng.

    Nét văn hóa độc đáo trong lễ đón dâu của người Giáy ở Lai Châu - Ảnh 2.

    Một trong những nghi thức bắt buộc trong lễ đón dâu của người Giáy ở Tam Đường, đó là bà mai của nhà trai phải hát bài xin mở cổng. (Ảnh: Thanh Ngân)

    Theo ông Phù, trong lễ cưới của người Giáy, đặc biệt là khi đi đón dâu, không thể thiếu đội thổi pí kẻo. Ý nghĩa của thổi pí kẻo là thông báo cho bà con dân bản biết về việc gia đình đi đón dâu. Nghe thấy tiếng pí kẻo, họ hàng của nhà trai và bà con dân bản ra đi theo sau đoàn, để đón dâu.

    Ở cổng nhà gái có 1 sợi vải hồng buộc ngang. Bên trong cổng có một bàn nhỏ, trên bàn có 2 cái chén, 2 chai rượu, 1 chậu nước lã và hai nhánh cây để làm phép, có 2 bà mối đứng chờ. Nhà trai sẽ phải trải qua lễ giữ cổng.

    Nét văn hóa độc đáo trong lễ đón dâu của người Giáy ở Lai Châu - Ảnh 3.

    Bà mối nhà gái mời rượu bà mai nhà trai. (Ảnh: Thanh Ngân)

    Khi bà mai bên nhà trai chào hỏi nhà gái, bà mối nhà gái cầm 2 bát nước, lấy nhánh cây nhúng nước hất lên những người đi đón dâu của đoàn nhà trai, với ý nghĩa rửa đi bụi bặm, những điều không may mắn. Sau khi làm phép xong, bà mối nhà gái hỏi nhà trai: “Đoàn nhà mình đi đâu?”.

    Bà mai nhà trai đáp: “Chúng tôi đã chọn được ngày lành tháng tốt nên hôm nay đưa đoàn sang xin đón cô dâu về, xin phép nhà gái được vào nhà để thưa chuyện”. Bà mối nhà gái lấy rượu ra mời 2 bà mai đoàn nhà trai lần 1 và yêu cầu phải hát bài mở cổng.

    Nét văn hóa độc đáo trong lễ đón dâu của người Giáy ở Lai Châu - Ảnh 4.

    Thổi kèn pí kẻo là một trong những nét văn hóa đặc sắc trong lễ đón dâu của người Giáy ở Tam Đườn. (Ảnh: Thanh Ngân)

    Hát bài xin mở cổng – nét đẹp trong lễ đón dâu của Giáy

    Bà mối của nhà trai hát bài xin mở cổng, với nội dung: Anh em hàng xóm láng giềng nghe tôi nói. Từ thời xưa trên trời, dưới đất, tổ tiên ta đã có tục lệ cưới hỏi, đón dâu, nên hôm nay nhà trai chúng tôi mang theo gà, rượu, bánh, đến xin bên gia đình ông bà ngoại. Đến trước cổng nhà thì thấy đóng cửa, nên xin phép gọi cửa mời nhà gái ra để bàn chuyện.

    Đoàn nhạc nhà trai đến lâu rồi, đã đến giờ tốt, xin phép nhà gái cho đoàn nhà tôi được vào nhà, đoàn nhà tôi không phải đi tay không, đoàn nhà tôi đã xin phép chính quyền, bản làng và các cụ tổ tiên trong nhà, đến nay đã đầy đủ thủ tục, lễ vật. xin nhà gái mở cổng để đón dâu về…

    Nét văn hóa độc đáo trong lễ đón dâu của người Giáy ở Lai Châu - Ảnh 5.

    Nhà gái mời rượu nhà trai, chúc mừng tân lang, tân nương hạnh phúc đủ đầy. (Ảnh: Thanh Ngân)

    Sau khi bà mai nhà trai hát hết bài xin mở cổng xong, bà mối nhà gái tiếp tục mời rượu lần 2 và mở cổng để nhà trai vào nhà. Lúc này, đoàn nhạc lễ thổi bài pí kẻo, với ý nghĩa xin tổ tiên, dòng tộc nhà gái để được vào nhà.

    Đoàn nhà trai bước vào nhà, đoàn nhạc lễ ngồi vào bàn pí kẻo đã chuẩn bị sẵn, còn bà mai và những người còn lại sẽ ngồi vào bàn uống nước ăn bánh kẹo, uống rượu, nói chuyện với nhau.

    Bà mối sẽ hướng dẫn đoàn nhà trai đặt lễ xin dâu. Hai sọt để nhốt gà, một sọt là gà trống, 1 sọt là gà mái, với ý nghĩa để nhà gái cúng tổ tiên báo cáo tổ tiên, xin phép tổ tiên tiếp nhận thành viên mới vào gia đình là chú rể. Hai gánh bánh với ý nghĩa để dâng lên cúng tổ tiên nhà gái báo cáo với tổ tiên nhà gái là nhà trai đầy đủ lương thực nên khi con cháu về làm dâu, con bên nhà trai tổ tiên nhà gái không cần lo lắng.

    Nét văn hóa độc đáo trong lễ đón dâu của người Giáy ở Lai Châu - Ảnh 6.

    Nhiều nét văn hóa đặc sắc, độc đáo trong lễ đón dâu của người Giáy ở Tam Đường, Lai Châu. (Ảnh: Thanh Ngân)

    Đoàn nhạc lễ thắp hương cảm tạ công ơn truyền dạy thổi pí kẻo của tổ tiên, sau đó thổi 1 bài nhạc tỏ lòng cảm ơn tổ tiên. Nhà gái mời rượu đoàn nhà trai. Đoàn nhạc lễ tiếp tục thổi bài nhạc vui chúc mừng đám cưới, chúc 2 vợ chồng trăm năm hạnh phúc, sớm sinh con cháu. Nhà gái lại tiếp tục mời rượu nhà trai.

    Đội nhạc lễ tiếp tục thổi bài xin dâu báo hiệu đã đến giờ tốt nhà trai xin phép được đón cô dâu về. Bà mối đại diện cho nhà gái sẽ về phòng đưa cô dâu ra trao cho bà mai đại diện cho nhà trai. Bà mai cầm tay cô dâu trao cho chú rể, rồi đoàn nhà trai xin phép đón dâu về. Trên suốt đoạn đường về đoàn nhạc lễ thổi bài nhạc vui mừng với ý nghĩa thông báo cho mọi người là gia đình đã đón được dâu về.

    “Tục cưới hỏi của dân tộc Giáy, xã Bản Giang đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ và bảo tồn cho đến ngày nay. Tục cưới hỏi của người Giáy nơi đây chứa đựng nhiều nét văn hóa độc đáo, đặc sắc và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào” – ông Phù cho hay.


    Speak Your Mind

    *