April 28, 2024

“Cản trở lớn nhất trong việc phát triển công nghiệp văn hóa chính là tầm nhìn của những người làm văn hóa”

  • Bí quyết giúp “bom gợi cảm gốc Việt“ U55 đứng bên chồng trẻ vẫn xứng đôi
  • Những lễ hội âm nhạc lớn nhất được tổ chức trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5
  • HLV Hoàng Anh Tuấn mong cầu thủ U23 được thi đấu nhiều hơn

  • Ngành công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam vừa đi qua một năm sôi động sau thời gian dài đình trệ vì đại dịch Covid-19. Sự đầu tư bài bản, quy mô của các nhà sản xuất đã mang tới nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng, chắp cánh cho những giây phút thăng hoa của hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước.

    Trong số những dấu son của năm 2023, không thể không kể tới đêm nhạc “Đàn chim Việt” – chương trình nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao. Sự kiện được sản xuất bởi ê-kip khoảng 1000 người, trong đó có 300 diễn viên biểu diễn, tái hiện lại những khoảnh khắc lịch sử đầy tự hào và vinh quang của dân tộc.

    PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Giám đốc dự án “Đàn chim Việt” về những tâm huyết của chị dành cho chương trình, cũng như quan điểm của chị về ngành công nghiệp văn hóa – vấn đề đang được nhắc tới rất nhiều trong những ngày gần đây.

    Đêm nhạc “Đàn chim Việt” kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao diễn ra vào tháng 8 là chương trình nghệ thuật được công chúng và giới chuyên môn đánh giá cao trong năm 2023 vừa qua. Sự kiện này cũng trong Top 5 các chương trình âm nhạc tiêu biểu được Dân Việt lựa chọn. Chị và ê-kip đã nảy sinh ý tưởng và bắt tay vào thực hiện chương trình này như thế nào?

    – Từ nhiều năm nay, tôi luôn quan tâm tới các vấn đề văn hóa nói chung, đặc biệt với những nhân vật để lại giá trị di sản lớn, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới quá trình phát triển của dân tộc. Là một người ngoại đạo, tôi yêu quý, trân trọng những người làm nghệ thuật và từng vinh hạnh góp sức mình trong vai trò tổ chức một số sự kiện về văn hóa. Thế nhưng, làm một chương trình quy mô lớn như “Đàn chim Việt” thì chưa từng có.

    Tại sao tôi muốn làm chương trình này? Nguyên do lớn nhất là bởi tôi vô cùng yêu kính nhạc sĩ Văn Cao. Ông là một tài năng lớn, với cuộc đời đầy thăng trầm, trong đó có không ít biến cố, ái oán vô cùng đặc biệt. Vượt lên trên tất cả, ông không oán trách, không kêu ca, vẫn sừng sững và kiên cường tồn tại. Đây là điều khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ.

    Nhạc sĩ Văn Cao là hàng xóm nhà tôi. Có một thời, âm thanh lóc cóc từ chiếc gậy của ông, hình ảnh người vợ xinh đẹp cùng chồng đi dạo đã khiến tôi dõi theo chăm chú. Cha tôi kể tôi nghe về cuộc đời của ông, về bản “Tiến quân ca” do ông sáng tác mà tôi thường hát mỗi buổi sáng Chào cờ đầu tuần. Những ký ức ấy in sâu trong tâm trí tôi suốt thời niên thiếu.

    Sau này, được xem và được tham gia một số sự kiện tôn vinh các danh nhân, nhà văn hóa, tôi ấp ủ mong muốn được làm điều gì đó cho Nhạc sĩ Văn Cao, đặc biệt trong dịp 100 năm ngày sinh của Nhạc sĩ.

    Cùng với những người bạn cùng chung ý tưởng, tôi đã bắt tay vào dự án nghệ thuật mang tên “Đàn chim Việt”. Ý tưởng của chúng tôi là tạo nên một đêm nhạc xứng đáng để tôn vinh tác giả ca khúc Quốc ca – một tài năng lớn của đất nước. Hơn thế nữa, thông qua chương trình, chúng tôi còn muốn truyền lửa cho thế hệ trẻ, gửi gắm tới họ thông điệp về tình yêu đất nước, tình đoàn kết của những người con cùng mang dòng máu Lạc Hồng. Những thứ ấy luôn có trong mỗi chúng ta, nhưng nhiều năm gần đây có thể bị ít nhiều mai một, không còn rõ rệt và mạnh mẽ như trước. Tôi cũng chứng kiến đâu đó ngoài kia, có những bất hòa, chia rẽ chưa hóa giải được với một số bà con Việt kiều từ Việt Nam ra đi trong thời loạn lạc. Khi làm dự án này, tôi thực sự mong mỏi đồng bào ta sẽ trở thành một khối gắn kết, là một đàn chim Việt mạnh mẽ để cùng nhau xây dựng một đất nước lớn mạnh, hùng cường như Bác Hồ từng mong muốn.

    “Cản trở lớn nhất trong việc phát triển công nghiệp văn hóa chính là tầm nhìn của những người làm văn hóa” - Ảnh 3.

    Việc thực hiện chương trình đồ sộ, hoành tráng như “Đàn chim Việt” chắc hẳn khiến ê-kíp tốn rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc. Trong quá trình thực hiện, với vai trò Giám đốc Dự án chị có gặp nhiều khó khăn và đâu là khó khăn lớn nhất?

    – Cái khó nhất của chương trình “Đàn chim Việt” ngoài vấn đề nội dung, thì chính là ngân sách. Trong bối cảnh nền kinh tế tương đối khó khăn hiện nay, việc huy động tài trợ cho một chương trình nghệ thuật quy mô lớn là không hề đơn giản. Trước thời điểm làm chương trình, đã không ít lần nhóm sản xuất chúng tôi chùng lại, tự hỏi liệu mình có thể đi tới cùng hay không? Thứ chúng tôi muốn làm không phải là một chương trình ca nhạc kỷ niệm thông thường, theo đó một số ca sĩ lên hát rất hay những ca khúc của tác giả rồi nói vài ba câu hoài niệm ngợi ca họ để rồi sau đó chương trình nhanh chóng rơi vào quên lãng. Chúng tôi muốn tạo dựng một sự kiện có quy mô và chất lượng nghệ thuật, bởi những dịp như thế này sẽ không lặp lại nữa, ít nhất trong thế hệ của chúng ta. Phải 50 năm, hay 100 năm nữa, chúng ta mới có một lễ kỷ niệm ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao với ý nghĩa như thế.

    Nhìn lại hành trình đã qua, tôi thực sự muốn được cảm tạ sự kiên trì của những người trong ê-kip, sự nhiệt thành của những “người hùng” lặng lẽ đứng sau, cùng chúng tôi huy động nguồn vốn cho dự án. Tôi cũng biết ơn những nhà tài trợ, không có họ thì không thể có một chương trình nghệ thuật như vậy.

    Một số hình ảnh trong chương trình nghệ thuật “Đàn chim Việt” diễn ra vào tháng 8/2023. (Ảnh: BTC)

    “Cản trở lớn nhất trong việc phát triển công nghiệp văn hóa chính là tầm nhìn của những người làm văn hóa” - Ảnh 5.

    Sau rất nhiều nỗ lực, chị và ê-kip sản xuất chương trình “Đàn chim Việt” đã gặt hái được trái ngọt. Nhìn lại, điều chị hài lòng nhất về đêm nhạc này là gì? Theo chị, hai màn đại cảnh “Tiến về Hà Nội” và “Tiến quân ca” có phải là thành công lớn nhất tại đêm diễn?

    – Cái tên “Đàn chim Việt” đã tự nó nói lên tất cả. Thông điệp của chương trình về một đàn chim Việt thực sự lớn mạnh, mỗi công dân Việt Nam – dù đang sinh sống ở nơi đâu trên thế giới cũng đều hội tụ về, trở thành thành viên trong khối gắn kết đó, đã được truyền tải một cách sinh động và trọn vẹn.

    Chúng tôi chọn dàn dựng đại cảnh “Tiến về Hà Nội” bởi ca khúc này đã ăn sâu vào tiềm thức của những người con đất Hà Thành, đặc biệt là thế hệ của chúng tôi trở về trước. “Tiến về Hà Nội” khi ấy đã như một bài Hà Nội ca, được cất lên trong tất cả các buổi gặp gỡ, hội họp, chia sẻ của những người sinh ra, lớn lên và làm việc trên đất Hà Nội. Cũng bởi vậy, với sự chỉ đạo Ban Tuyên giáo Trung Ương, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, chúng tôi quyết định phải lấy tác phẩm làm một trong những điểm nhấn của chương trình. Để dựng màn đại cảnh này, chúng tôi sử dụng sự phối hợp giữa thủ pháp nghệ thuật hiện đại, tạo nên cảm giác các cánh quân tiến về thủ đô trong sự chào đón của đồng bào một cách sinh động nhất.

    Với “Tiến quân ca”, điểm nhấn thứ hai của chương trình, chúng tôi đã thực hiện với kỳ vọng rằng ở một thời khắc nhất định nào đó, tất cả người dân Việt Nam sẽ cùng đứng lên, cùng cất tiếng hát Quốc ca. Vào thời điểm hơn 21h tối, thực hiện được điều này không hề đơn giản. Thế nhưng, với lực lượng quần chúng ở bên ngoài quảng trường – từ anh bộ đội đến các cháu sinh viên, những đại biểu tại Nhà hát Lớn, hàng triệu người xem truyền hình trực tiếp cùng ngân lên khúc hát “Tiến quân ca”, tôi nghĩ đó đã là một thành công nhất định.

    Tới giờ này, tôi vẫn nhớ lại khoảnh khắc ấy với tất cả sự tự hào và niềm xúc động, đó là khi tất cả các khán giả trong khán phòng đứng dậy mà không cần tới một lời mời nào. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, các nhà lãnh đạo và tất cả khán giả đã cùng cất lên tiếng hát từ trái tim của mình. Tôi tin, tình yêu nước trào dâng lên trong tất cả chúng tôi khi ấy.

    “Cản trở lớn nhất trong việc phát triển công nghiệp văn hóa chính là tầm nhìn của những người làm văn hóa” - Ảnh 6.

    Tuy đạt được nhiều thành công, sau khi chương trình diễn ra, cũng có không ít tranh cãi trái chiều về cách thể hiện tác phẩm của các nghệ sĩ, đặc biệt là diva Thanh Lam. Quan điểm của chị thế nào khi một số khán giả chỉ trích những sáng tạo trong “Đàn chim Việt”?

    – Là người tham gia làm chương trình này từ phút đầu tới phút cuối, thậm chí là hậu chương trình, hiện tại tôi vẫn còn xúc động khi nghĩ tới dự án “Đàn chim Việt”. Đó là một kỷ niệm, một niềm tự hào trong cuộc đời, mà tôi nghĩ không dễ gì có được. Sau đêm nhạc, cho tới tận giờ phút này, tôi vẫn thi thoảng nhận được những lời nhắn gửi chân thành từ những người làm nghệ thuật, giới chuyên môn cũng như nhiều khán giả theo dõi chương trình.

    Về những ý kiến trái chiều, như tôi đã nói, tuy là một chương trình quy mô lớn, đây cũng chỉ là sáng tạo của khoảng 1000 người trong ê-kip sản xuất, không thể là tiếng nói đại diện chung cho hàng triệu người Việt. Cũng bởi vậy, sự khen chê, đánh giá từ phía công chúng là điều hết sức bình thường. 

    Nhiều người hay nói rằng: “Đã là nhạc Văn Cao phải Ánh Tuyết hát, nhạc Trịnh Công Sơn thì phải Khánh Ly”. Đây đích thực đều là những nghệ sĩ tài năng, giọng hát của họ cũng khiến ca khúc thăng hoa, chạm tới trái tim khán giả. Thế nhưng, khi một nhạc sĩ sáng tác ra tác phẩm mà không có ý định độc quyền cho ca sĩ nào đó, thế rồi chỉ có vài ca sĩ hát tác phẩm của họ, chưa chắc đó đã là một thành công. Tôi cũng mạo muội nghĩ rằng nếu chúng ta cứ hát nhạc Văn Cao theo cách mà chúng ta vẫn hát xưa nay, chỉ 20, 30 năm nữa thôi, số khán giả nghe ông sẽ ít đi rất nhiều.

    Với thành quả mà “Đàn chim Việt” đạt được, chị có dự định tiếp tục cho ra đời các dự án nghệ thuật chất lượng tương tự trong thời gian tới?

    – Khao khát thì rất nhiều, nhưng để làm được lại là chuyện hề không đơn giản. Thực sự ở thời điểm này, tôi không còn muốn làm những chương trình chỉ mang tính âm nhạc, nghệ thuật thông thường. Tham vọng của tôi là tham gia làm những sự kiện đặc biệt tôn vinh những nhân vật không chỉ nổi tiếng mà còn phải để lại những dấu ấn mang tính thời đại, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

    Để thực hiện những chương trình như thế, ê-kíp thực hiện cần có tri thức, tài năng, cũng cần phải có sự hỗ trợ lớn từ phía nhà nước, những nhà tài trợ. Tôi không muốn làm các chương trình nghệ thuật như cách mà chúng ta vẫn thực hiện ở đâu đó, chỉ với dăm ba tiết mục lặp đi lặp lại, với những mô típ thiếu tính đổi mới và sáng tạo. Tôi nghĩ, những cách làm nghệ thuật như thế thực ra sẽ làm mai một dần tính văn hóa, đặc biệt là tính chân thiện mỹ mà văn hóa đang hướng tới.

    “Cản trở lớn nhất trong việc phát triển công nghiệp văn hóa chính là tầm nhìn của những người làm văn hóa” - Ảnh 7.

    Các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có nghệ thuật biểu diễn ngày càng được Nhà nước quan tâm, chú trọng. Từ kinh nghiệm tham gia tổ chức các chương trình nghệ thuật, chị đánh giá thế nào về tiềm năng của lĩnh vực này?

    – Thực ra, định nghĩa về ngành công nghiệp văn hóa rất đơn giản. Với mỗi ngành nghề, chúng ta phải có ý thức chuyên nghiệp hóa nó. Và khi chúng ta chuyên nghiệp hóa được nó thì đồng nghĩa với việc chúng ta đã biến nghề đó trở thành một ngành công nghiệp.

    Nhìn sang một số nước, đặc biệt là Hàn Quốc, chúng ta có thể thấy công nghiệp văn hóa đã mang tới cho họ những thành công nhảy vọt. Hãy nhìn vào những ban nhạc trẻ ở đó, khi BlackPink được vinh dự mời tới dự tiệc tại Hoàng gia Anh, BTS nhận đề cử Grammy 3 năm liên tiếp, điều này phần nào chứng minh sự thừa nhận của thế giới với nền công nghiệp giải trí của họ. Họ cũng dần tiệm cận được mức độ phát triển của những nền điện ảnh thế giới tiên tiến khi đã có phim đoạt giải Oscar.

    Điều này thể hiện hướng đi đúng đắn của chính phủ Hàn Quốc trong việc phát triển văn hóa. Họ đã nâng tầm thương hiệu quốc gia, không chỉ thông qua các sản phẩm tiêu dùng như Huyndai, Samsung…mà còn qua những sản phẩm văn hoá ngày càng được cộng chúng trên thế giới biết đến và thừa nhận. Thành công ấy khiến bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng đều muốn học hỏi và làm theo.

    Những năm gần đây, Việt Nam chúng ta cũng đang manh nha cái gọi là phát triển công nghiệp văn hóa và đã đạt được một số thành quả nhỏ. Tuy vậy, để làm được như họ hoặc gần bằng họ, chúng ta cần có sự chuyển dịch tư duy rất lớn từ những người làm quản lý văn hóa.

    “Cản trở lớn nhất trong việc phát triển công nghiệp văn hóa chính là tầm nhìn của những người làm văn hóa” - Ảnh 8.

    Theo cách nói của chị, cản trở lớn nhất trong việc phát triển công nghiệp văn hóa không phải ở cơ sở hạ tầng, mà chính ở tư duy của những người làm văn hóa?

    – Đúng vậy, khó khăn lớn nhất chính là tầm nhìn. Đôi khi, chúng ta nói về điều chúng ta mong muốn, nhưng chúng ta lại không biết mình đang thực sự mong muốn thứ gì. Phải xác định được đích đến, ta mới tìm được con đường đi hợp lý. 

    Theo quan điểm của cá nhân tôi, công nghiệp văn hóa không chỉ là các cuộc thi người mẫu, thi hoa hậu, một vài chương trình ca nhạc ở sân vận động của một số ca sĩ như Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn… Chúng ta cũng không thể cứ tổ chức hát quan họ Bắc Ninh, mời trầu du khách, hay đưa nghệ sĩ hát chèo lên sân khấu các liên hoan rồi cho rằng đó là chuyên nghiệp. Điều công nghiệp văn hóa, sự “chấn hưng văn hóa” đang cần là biết cách gạn đục khơi trong, biết gìn giữ giá trị truyền thống với sự sáng tạo, đổi mới mang tư duy hiện đại. Những sản phẩm văn hóa được sản xuất một cách nghiêm túc, đầu tư bởi người làm nghệ thuật đúng nghĩa.

    Gần đây, tôi rất thích ban nhạc Sức Sống Mới của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh. Họ chơi cả âm nhạc cổ điển, nhạc Việt Nam, nhạc dân gian, đôi khi kết hợp Đông – Tây với sự sáng tạo lớn khiến tác phẩm được biểu diễn có sự hòa quyện, không bị khiên cưỡng, được đông đảo khán giả trong và ngoài nước yêu thích. Tôi cho rằng đó cũng là một trong những ví dụ thú vị về những bước đi đúng đắn trong tiến trình xây dựng nền công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.

    Nhiều ý kiến cho rằng để các đêm nhạc ngày càng thu hút công chúng và mang lại giá trị kinh tế, hành lang pháp lý cần rộng mở hơn, tạo điều kiện cho nhà sản xuất. Vừa là một luật sư nổi tiếng, vừa là nhà sản xuất âm nhạc, chị nhận định thế nào về điều này?

    – Muốn có công nghiệp văn hóa thực sự, chúng ta cần có một hành lang pháp lý nghiêm khắc và cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiếm soát quản lý các hoạt động văn hóa trên nền tảng pháp lý đó, không cần phải can thiệp quá sâu vào nội dung cụ thể để tránh gây phiền hà, cản trở, làm nhụt chí những người muốn làm văn hoá thực sự, như vậy mới tạo môi trường lành mạnh và minh bạch cho công nghiệp văn hóa phát triển. Nếu chúng ta đưa ra những tiêu chí rõ ràng và cụ thể thì ai vi phạm các tiêu chí, quy định đó sẽ lập tức phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chính họ sẽ chịu thiệt thòi, thua lỗ, mất uy tín và thậm chí thất bại.

    Một ví dụ đơn giản là cứ đưa danh sách các ca khúc, tác phẩm bị cấm biểu diễn, các nhà tổ chức chương trình sẽ căn cứ vào đó để chọn lựa chúng, mà không phải xin xét duyệt để lấy giấy phép cho từng chương trình, gây rất nhiều phiền hà. 

    Chính công tác kiểm duyệt có phần rắc rối khiến những nhà sản xuất, những người muốn cống hiến cái hay, cái đẹp cho xã hội phần nào mất cảm hứng làm nghề. Một khung pháp lý với những quy định rõ ràng, tinh giản về mặt thủ tục sẽ tạo thêm điều kiện cho ngành công nghiệp biểu diễn nói riêng, các ngành công nhiệp văn hóa nói chung phát triển.

    Bên cạnh những khó khăn, thách thức, theo chị, đâu là lợi thế của Việt Nam trong việc phát triển công nghiệp văn hóa?

    – Việt Nam là một đất nước có dân số lớn hơn 100 triệu dân, với đa phần là dân số trẻ. Thanh niên, sinh viên, thậm chí là các cháu ở bậc học phổ thông đều được tiếp cận nhiều kiến thức, xu hướng nghệ thuật mới mẻ, hiện đại. Vì thế, nhu cầu đối với văn hóa/ các sản phẩm văn hóa của họ sẽ ngày càng lớn. 

    Đây là triển vọng vô cùng lớn cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Nếu chúng ta không biết khai thác và tạo điểu kiện để đáp ứng được nhu cầu này, đó thực sự là một lãng phí đáng tiếc cho nguồn thu ngân sách, cũng chính là một tổn thất kìm hãm sự phát triển văn hoá của đất nước.

    Cảm ơn những chia sẻ của chị! 


    Filed Under: Giải trí Tagged With: , , , , , , , , , , , , , , , , , ,

    Speak Your Mind

    *