May 4, 2024

Lễ hội cầu mùa đầu năm độc đáo của người Dao tiền Bắc Kạn: Cho đi để nhận về

  • NSND Trung Hiếu: “Tôi sung sướng khi vào vai bộ đội phim Hoa ban đỏ”
  • Tay đua Phạm Lê Xuân Lộc giành lại áo vàng
  • Khai mạc Triển lãm “Dấu ấn Điện Biên Phủ trong Điện ảnh” tại Điện Biên

  • Mới tờ mờ sáng, người Dao tiền khắp bản trên, xóm dưới của thôn Nà Còi, xã Bành Trạch, huyện huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đã lục tục kéo nhau dậy sắp sẵn rau cỏ, cỗ bàn chuẩn bị cho Lễ hội cầu mùa được tổ chức vào 14 tháng Giêng (Âm lịch) hằng năm của thôn.

    Lễ hội cầu mùa đầu năm độc đáo của người Dao tiền Bắc Kạn: Cho đi để nhận về- Ảnh 1.

    Các hộ gia đình, dòng họ rải sẵn chiếu đợi xong nghi thức cầu mùa để bày mâm mời khách kéo lộc trong Lễ hội cầu mùa của người Dao thôn Nà Còi, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Triệu Đức

    Dù nghi lễ tận đầu giờ chiều mới được tiến hành nhưng để chu đáo, gia đình nào cũng dành thời gian, tâm huyết chuẩn bị từ rất sớm. Từ trưa, trên các lối mòn dẫn đến cánh đồng Nà Còi của thôn đã thấy các chàng trai, cô gái Dao trong trang phục sặc sỡ lần theo lối cỏ về dự hội.

    Không chỉ người Dao thôn Nà Còi mà du khách đến từ các huyện lân cận như Ngân Sơn, Pác Nặm (của tỉnh Bắc Kạn) cũng dần tề tựu. Lễ hội cầu mùa của người Dao tiền nơi đây không cầu kỳ, không quy mô như những vùng khác nhưng lại thu hút được đông đảo du khách bởi nét đặc sắc của lễ hội và sự mến khách của người dân bản địa.

    Lễ hội cầu mùa đầu năm độc đáo của người Dao tiền Bắc Kạn: Cho đi để nhận về- Ảnh 2.

    Mâm lễ trong Lễ hội cầu mùa của người Dao thôn Nà Còi, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn không cầu kỳ những vẫn đầy đủ thịt bánh. Ảnh: Triệu Đức

    Đầu giờ chiều, khi các mâm lễ của các hộ gia đình, dòng họ đã đông đủ, đến giờ hành lễ, thấy lễ bắt đầu lầm rầm chú quyết, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Tiếng thầy lễ khi rầm rì như lời thủ thỉ lúc lại thánh thót reo vui.

    Bài khấn chú hoàn thành, thóc ngô được gieo lộc trên những thửa ruộng bậc thang, các gia đình mang căng sẵn chiếu, đồ đựng đợi hứng lộc mang về. Lúc này các mâm lễ cũng đã được bày ngay ngắn trên đồng, đợi khách đến chung vui.

    Lễ hội cầu mùa đầu năm độc đáo của người Dao tiền Bắc Kạn: Cho đi để nhận về- Ảnh 3.

    Thầy lễ phát lộc sau khi đã khấn chú, người dân hứng lộc tại Lễ hội cầu mùa của người Dao thôn Nà Còi, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Triệu Đức

    Theo tín niệm văn hóa của người Dao tiền thôn Nà Còi, xã Bành Trạch của huyện Ba Bể, chủ mâm lễ nào mời kéo càng được nhiều khách đến chung vui thì năm đó tài lộc càng nhiều, thóc lúa sẽ đầy bồ, gà vịt sẽ đầy chuồng.

    Người dân nơi đây tin rằng, cho đi sẽ được nhận lại. Theo các cụ cao niên trong vùng thì đây cũng là một trong những phương thức giáo dục của người Dao tiền thôn Nà Còi về sự sẻ chia, lòng nhân hậu và sự hiếu khách. 

    Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Hoàng Hoài Nhung đến từ huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn không khỏi bất ngờ trước một Lễ hội cầu mùa ở một thôn vùng sâu, vùng xa như Nà Còi. Chị Nhung bảo, đã nghe nhiều về lễ hội này nhưng đây là lần đầu tiên được tận mắt thấy.

    “Thôn Nà Còi cách trung tâm xã Bành Trạch khá xa, chừng 16km, đường đi lại cũng còn khó khăn vì vẫn đang làm, chưa hoàn thiện, chỉ có thể đi lại bằng xe máy. Tuy nhiên, điều thú vị là đến với Lễ hội cầu mùa của người Dao tiền thôn Nà Còi không lo bị đói bụng dù bạn có quên mang theo tiền”, chị Nhung hào hứng.

    Lễ hội cầu mùa đầu năm độc đáo của người Dao tiền Bắc Kạn: Cho đi để nhận về- Ảnh 4.

    Một học sinh trong thôn thiệu về Lễ hội cầu mùa bằng tiếng Anh tại Lễ hội cầu mùa thôn Nà Còi, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Triệu Đức

    Ông Triệu Văn Đức, trưởng thôn Nà Còi cho biết, Lễ hội cầu mùa đầu năm của người Dao tiền thôn Nà Còi đã được truyền thừa dễ chừng cả trăm năm. Các cụ cao niên của bản cũng không biết lễ hội này có từ bao giờ, chỉ biết từ khi còn bé, bé lắm đã được người già dẫn đi dự lễ rồi.

    “Mâm lễ cầu mùa cũng không quá cầu kỳ, tùy điều kiện của các hộ mà sắp mâm. Tuy nhiên, trong mâm lễ của người Dao tiền chúng tôi không có cơm, thay vì đó là bánh chưng, và phải là bánh chưng mới chứ không phải bánh làm cho dịp Tết; còn lại thì nhà nào có gì mang đấy”, ông Đức cho biết thêm.

    Theo ông Đức, ngoài việc thực hành nghi thức cầu mùa, Lễ hội cầu mùa thôn Nà Còi con là nơi thể hiện rõ nét những đặc sắc văn hóa của người Dao nơi đây với các làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian. Năm nay, Lễ hội cầu mùa còn được giới thiệu bằng tiếng Anh thông qua các em học sinh là người trong thôn, đây cũng là dịp để các em tự tin hơn với môn học được cho là rất khó với người dân miền núi.

    “Thôn Nà Còi có 70 hộ với 325 khẩu, là thôn còn nhiều khó khăn, đường lên thôn hiện cũng đang làm, chưa bê tông hóa được hết. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trước Tết thôn Nà Còi đã có điện lưới Quốc gia nên Lễ hội cầu mùa năm nay của thôn niềm vui cũng được nhân đôi, nhân ba”, Trưởng thôn Nà Còi hồ hởi.

    Ông Hoàng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Bành Trạch cho biết, trên địa bàn xã hiện có rất ít lễ hội còn giữ được nét văn hóa đặc sắc như ở thôn Nà Còi. Tuy là thôn còn nhiều khó khăn nhưng việc tổ chức lễ hội của thôn cũng rất linh hoạt thông qua nguồn xã hội hóa, nguồn kinh phí được chi trả từ việc quản lý bảo vệ rừng…

    “Chúng tôi luôn ủng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống thông qua lễ hội như Lễ hội cầu mùa ở thôn Nà Còi. Tới đây khi con đường bê tông từ trung tâm xã đến thôn hoàn thành, tin rằng những đặc sắc văn hóa của người Dao tiền nơi đây sẽ được du khách biết đến nhiều hơn, và cũng có thể sẽ trở thành sản phẩm du lịch của địa phương”, ông Hoan cho biết thêm.


    Speak Your Mind

    *