April 30, 2024

Sáp nhập làng xã: Nếu “ghép tên” một cách cơ học sẽ làm mất giá trị văn hoá, lịch sử của một vùng đất

  • “Phục dựng ảnh liệt sĩ trao tặng cho các thân nhân là cách chúng tôi tri ân Tổ quốc”
  • Martin Laas thắng chặng 25 Cúp truyền hình TP.HCM 2024
  • Chân dài quê Thanh Hoá sở hữu vòng 3 “trái táo“ 97cm nhờ “khổ luyện“

  • Liên quan đến việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, GS.TS Trần Trí Dõi, nguyên Trưởng khoa Ngôn ngữ học, trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có cuộc trao đổi cởi mở với PV Dân Việt

    Việc sáp nhập xã, phường đang gây xôn xao dư luận, nhiều người cho rằng việc này sẽ mất đi nhiều địa danh có tên Hán Nôm đẹp và ý nghĩa. Ông đánh giá sao về điều này?

    Theo tôi, việc sáp nhập xã, phường là một hoạt động thông thường trong quản trị hành chính của Nhà nước. Công việc này đương nhiên có liên quan đến vấn đề “đặt tên” cho đơn vị hành chính mới. Nếu đặt ra vấn đề khi lựa chọn tên mới cho đơn vị hành chính được sáp nhập mà làm “mất đi nhiều địa danh có tên Hán Nôm đẹp và ý nghĩa” thì đúng là rất đáng tiếc và không nên. 

    Nhưng ở đây có một câu hỏi phải được giải đáp: Thế nào là “mất đi” địa danh có tên Hán Nôm đẹp và ý nghĩa; có nghĩa là khi đặt tên cho đơn vị được sáp nhập, cần đưa ra một số tiêu chí lựa chọn tên gọi mới sao cho phù hợp với nhiều góc nhìn khác nhau; trong đó nên ưu tiên cho tên gọi mang đặc trưng văn hóa lịch sử hay truyền thống của vùng đất được đặt tên mới.

    Sáp nhập làng xã: Nếu "ghép tên" một cách cơ học sẽ làm mất giá trị văn hoá, lịch sử của một vùng đất - Ảnh 1.

    GS.TS Trần Trí Dõi, nguyên Trưởng khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC

    Mới đây, 11 quận, huyện, thị xã ở Hà Nội công bố tên phường, xã dự kiến sau sáp nhập, theo phương án dùng tên cũ của một trong các phường, xã hoặc ghép tên. Trong đó có nhiều ý kiến cho rằng có phương án dùng tên hay, như ở huyện Thường Tín giữ lại được Chương Dương (nơi cướp giáo giặc), Văn Bình (tên cổ) và Thượng Phúc (tên rất cổ của Thường Tín). Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, điều đáng tiếc là mất tên xã Hạ Hồi, tên Vạn Nhất (do ghép Vạn Điểm và Thống Nhất). Là nhà Ngôn ngữ học ông nghĩ sao?

    Ở trường hợp cụ thể được nêu ra của huyện Thường Tín, từ góc nhìn định danh của ngôn ngữ học, tôi xin có ý kiến như sau. Thứ nhất, tên gọi Chương Dương, Văn Bình, Thượng Phúc, như vậy, được cho là những tên gọi “hay” vì nó lưu giữ, thể hiện được văn hóa truyền thống của vùng đất. Nếu nhìn ở góc độ này thì khi nhập “một phần của xã Liên Phương” với “xã Hạ Hồi” mà đặt tên mới là Hà Liên thì chỉ thỏa mãn nguyên tắc “ghép tên” cơ học nhưng đã làm mất đi tên gọi liên quan đến chiến thắng của Quang Trung thì rất không nên nếu xuất phát từ góc nhìn văn hóa, lịch sử. 

    Còn trường hợp đặt tên Vạn Nhất cho đơn vị mới khi nhập hai xã “Vạn Điểm” và “Thống Nhất” thì đúng là rất không nên; trường hợp này, tôi nghĩ, nên giữ lại tên “Vạn Điểm” vì địa danh này liên quan đến một đơn vị “anh hùng” gắn liền với lịch sử ngành công nghiệp mía đường Việt Nam.

    Sáp nhập làng xã: Nếu "ghép tên" một cách cơ học sẽ làm mất giá trị văn hoá, lịch sử của một vùng đất - Ảnh 3.

    Một góc Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ảnh: Phạm Hưng

    Tại quận Đống Đa, nhập một phần phường Trung Tự vào Phương Liên thành Phương Liên – Trung Tự; Quốc Tử Giám và Văn Miếu thành phường Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nhiều người cho rằng, cách đặt tên ghép kiểu này hơi dài dòng, phải chăng có phần quá khiên cưỡng? Bởi khi làm giấy tờ, thủ tục hành chính, gây nhiều bất tiện?

    Trong trường hợp của quận Đống Đa, việc ghép tên hai tên cũ vào với nhau như “Trung Tự vào Phương Liên thành Phương Liên – Trung Tự; Quốc Tử Giám và Văn Miếu thành phường Văn Miếu – Quốc Tử Giám” là cách định danh cơ học máy móc và không cần thiết. 

    Ở những trường hợp này, dùng một tên Phương Liên hay Trung Tự, Quốc Tử Giám hay Văn Miếu là đã đủ về giá trị văn hóa. Những tên không dùng cho đơn vị hành chính mới nó không “mất đi” như chúng ta nghĩ vì những tên gọi đó tự nó đã trường tồn do giá trị văn hóa truyền thống của nó.

    Tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) nhập một phần phường Cầu Dền vào Thanh Nhàn lấy tên Thanh Nhàn; nhập một phần phường Cầu Dền vào Bách Khoa thành phường Bách Khoa; Quỳnh Lôi và Bạch Mai thành phường Bạch Mai; Đống Mác và Đồng Nhân thành phường Đồng Nhân. Nhiều người cho rằng cách rút gọn lại thế này không hợp lý. Ví dụ, cả Bạch Mai và Quỳnh Lôi đều là hai tên làng rất cổ xưa của Hà Nội. Nếu giờ phải xóa một trong hai thì sẽ rất tiếc nuối với người dân Thủ đô?

    Về cá nhân, xin nhắc lại là ở góc nhìn định danh, tôi đánh giá cao cách lựa chọn rút gọn này. Còn như cho rằng: “Nếu giờ phải xóa một trong hai thì sẽ rất tiếc nuối với người dân Thủ đô” vì những tên không được dùng “đều là hai tên làng rất cổ xưa của Hà Nội” thì lại là vấn đề khác. Vì những địa danh Đống Mác, Quỳnh Lôi, Cầu Dền là những tên làng hay vùng đất tuy không dùng cho một đơn vị hành chính hiện nay nhưng nó vẫn không bị mất đi nhờ giá trị văn hóa lịch sử của nó.

    Một số tên được cho vô nghĩa như nhập xã Cao Thành, Sơn Công, Đồng Tiến thành xã Cao Sơn Tiến?

    Về điều này, như đã được thể hiện ở câu trả lời trên, là không nên. Việc ghép như thế là cơ học. Nên chăng, chọn trong địa bàn của xã mới một địa danh tiêu biểu về văn hóa lịch sử để gọi tên mới có lẽ là có giá trị hơn.

    Ông có “hiến kế” gì trong việc sáp nhập làng xã này không?

    Về câu hỏi này, cá nhân tôi xin có đề nghị như sau. Thứ nhất, ở góc nhìn của người nghiên cứu Ngôn ngữ học về cách thức định danh tên gọi, tôi thấy tên gọi đơn vị hành chính càng ngắn mà nội dung chứa đựng hay lưu giữ được văn hóa lịch sử hay truyền thống là phù hợp nhất. 

    Thứ hai, ở góc nhìn xã hội học, tôi xin kiến nghị với cơ quan có trách nhiệm đặt tên nên giữ lại tên của một đơn vị hành chính cũ dùng cho một đơn vị hành chính mới. Ví dụ như, hai phường Thanh Xuân Bắc và Thanh Xuân Nam sáp nhập thì đơn vị hành chính mới vẫn nên gọi là “phường Thanh Xuân Bắc”. Vì sao lại nên như thế? Có ba lý do để nên làm như vậy. 

    Lý do thứ nhất, chẳng hạn, nếu hai phường Thanh Xuân Bắc và Thanh Xuân Nam sáp nhập mà đơn vị hành chính mới gọi là “phường Thanh Xuân Bắc” thì toàn bộ cư dân phường Thanh Xuân Bắc cũ không bị xáo trộn về mặt xã hội. 

    Lý do thứ hai, có một nửa cư dân thuộc phường mới được hưởng lợi “an dân”; điều mà chính quyền càng làm được nhiều cho dân thì càng tốt. 

    Lý do thứ ba, nếu mà như vậy thì bộ máy hành chính của phường xã mới sẽ chỉ phải tập trung vào xử lý những vấn đề giấy tờ của bộ phận bị đổi tên gọi; nhờ đó, sẽ giảm đi rất nhiều công việc, sẽ đỡ tốn tiền đóng thuế của dân hơn, sẽ giảm đi rất nhiều tiền của người dân chi phí do việc thay đổi tên địa danh cư trú mới hơn.   

    Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!


    Speak Your Mind

    *