April 29, 2024

Tác giả gen Z viết tiểu thuyết lấy cảm hứng từ lịch sử: “Độc giả ngày nay đã cởi mở và lý trí hơn”

  • Thua Uzbekistan, U23 Indonesia chưa thể có vé dự Olympic
  • Bốc đầu xe mô tô phân khối lớn lúc 1h sáng để… lấy le với bạn nữ
  • Hoa hậu Nguyễn Thanh Hà: “Chiến thắng tại một cuộc thi là điều mà tôi rất tự hào”

  • Mới đây, Như Sơ – tác phẩm lãng mạn mang cảm hứng lịch sử đã được xuất bản, thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả trẻ. Mang giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế, tiểu thuyết nhanh chóng chứng minh sức hút của mình đối với người đọc khi bán hết 500 bản trong 6 ngày đầu phát hành, tạo nên nhiều bàn luận trên mạng xã hội.

    Tác giả của Như Sơ là Nguyễn Hà Việt Chi, sinh năm 1999 tại Hà Nội. Cô bắt đầu viết truyện lấy cảm hứng từ lịch sử và đăng lên mạng xã hội trọng những ngày mới bước chân vào Đại học. Chia sẻ với Dân Việt, Việt Chi cho biết cô cầm bút đơn giản bởi “quá yêu thích lịch sử, văn hóa nước nhà”.

    Tác giả gen Z viết tiểu thuyết lấy cảm hứng từ lịch sử: "Độc giả ngày nay đã cởi mở và lý trí hơn"- Ảnh 1.

    Tiểu thuyết “Như Sơ” của tác giả Việt Chi. (Ảnh: NVCC)

    Như Sơ – tác phẩm lãng mạn lấy cảm hứng từ lịch sử do Việt Chi sáng tác vừa chính thức ra mắt bạn đọc. Những ý tưởng cho tiểu thuyết này đã được bắt nguồn như thế nào?

    – Ý tưởng của Như Sơ đến từ câu nói có thật của Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải nhắn gửi đến phu nhân Phụng Dương của mình, vào giây phút mà bà sắp qua đời vì bệnh nặng. Nguyên văn câu nói đó là: Lai sinh chi nhật, nguyện vi phu phụ như sơ. (Tạm dịch: Nếu có kiếp sau, mong được làm vợ chồng như xưa.)

    Cái tên Như Sơ (như xưa, như thuở ban đầu) cũng được lấy ý từ chính câu nói trên. Bản thân tôi khi biết đến câu chuyện này đã luôn tự đặt câu hỏi: Như xưa là như thế nào, câu chuyện của hai người ra sao mà đến cuối đời vẫn lưu luyến nhắn nhủ, mong cầu vào kiếp sau nên duyên lần nữa? Câu nói thôi thúc tôi tìm hiểu sâu thêm về chuyện tình của hai người và viết thành tiểu thuyết.

    Tác giả gen Z viết tiểu thuyết lấy cảm hứng từ lịch sử: "Độc giả ngày nay đã cởi mở và lý trí hơn"- Ảnh 2.

    Tấm bia đá thời Trần cung cấp nhiều tư liệu về công chúa Phụng Dương tại đình Cao Đài (Mỹ Lộc, Nam Định). (Ảnh: Báo Nam Định)

    Như Sơ ca ngợi tình yêu thương son sắt, khoan dung của một nàng công chúa, dù khi kết hôn chồng đang say mê một người thiếp khác. Cách yêu này có khi nào không hợp với tinh thần của thời đại ngày nay, khi người phụ nữ ngày càng đề cao giá trị của bản thân?

    Như sơ ca ngợi tình yêu thương son sắt của công chúa. Nhưng nói là khoan dung nữa thì có vẻ hơi nặng và lạc hướng. Nói khoan dung sẽ khiến người ta nghĩ Trần Quang Khải đã có lỗi lầm, sai phạm gì to lớn lắm, nhưng ở Như Sơ không phải vậy. Trong tiểu thuyết, công chúa Phụng Dương chưa từng cho Trần Quang Khải có lỗi với mình, dù có thể nhiều bạn khi đọc Như Sơ sẽ cảm thấy bà cam chịu quá và nảy sinh tâm trạng bất bình, ấm ức thay cho công chúa.

    Thế nhưng, thực ra, ngay từ đầu, bản thân Phụng Dương (trong truyện) đã ý thức rất rõ việc mình là người đến sau và hôn nhân giữa nàng và chồng là do ban hôn, Trần Quang Khải ở vế bị ép. Chưa kể sau đó, Trần Quang Khải đối mặt với một sự mất mát rất lớn, cũng bởi vậy nàng không muốn ép buộc, không muốn gây áp lực thêm cho Trần Quang Khải.

    Nàng thấu hiểu, thông cảm cho Trần Quang Khải, đồng thời tôn trọng tình cảm của ngài và vị thiếp kia, bằng lòng kiên nhẫn ở bên cạnh, dùng tình cảm chân thành của mình để xoa dịu vết thương lòng của ngài, chờ đợi ngài mở lòng và đón nhận tình cảm của mình. Nàng cũng có niềm tin vào Trần Quang Khải, tin vào cả chính nàng, nên nàng luôn vun vén, bảo vệ cuộc hôn nhân của hai người, không hề lựa chọn từ bỏ.

    Và nếu như những gì tôi vừa giải thích ở trên, thì tôi thấy cách yêu này hoàn toàn phù hợp với thời hiện đại. Đó là một cách yêu lành mạnh, không đánh mất bản thân, không làm mất giá trị của bản thân, đồng thời còn cho thấy sự tôn trọng đối với chính mình và cả đối phương.

    Còn tất nhiên, hai thời đại khác nhau, quan niệm về tình yêu, hôn nhân có nhiều điểm khác nhau, ngay từ xuất phát điểm đã có sự khập khiễng khi mang ra so sánh rồi. Ngày xưa, tam thê tứ thiếp là chuyện bình thường và việc cư xử giữa người vợ cả với các thiếp thất trong nhà sao cho hòa hợp, êm ấm là điều đáng khen, ngay trong chính văn bia thờ công chúa Phụng Dương cũng ca ngợi điểm này của nàng. Ngày nay, xã hội thực hiện chế độ một vợ một chồng, tất nhiên việc khoan dung, chấp nhận chuyện chồng mình yêu thương người khác là không phù hợp, không bình thường. Chưa xét về mặt tình cảm, về mặt pháp luật đã là không chấp nhận được. Đến pháp luật còn đứng ra bảo vệ quyền lợi của bạn, thì cớ gì chính bạn lại phải chịu phần thiệt về mình?

    Nhìn lại, theo Việt Chi, điểm hấp dẫn, nổi bật nhất của thiên tình sử này là gì?

    – Nhiều bạn độc giả vẫn thường nói đùa về Như Sơ là có màn “lãng tử quay đầu”. Là tác giả, tôi nghĩ điểm nổi bật, hấp dẫn của chuyện tình này là ở chỗ tình cảm chân thành của Phụng Dương cuối cùng cũng nhận được sự trân trọng và đáp lại từ phía Trần Quang Khải. Dẫu ban đầu chưa được hòa hợp, nhưng qua bao năm tháng vun vén, cùng nhau trải qua nhiều chuyện, cả hai đã sống hạnh phúc bên nhau, dẫu giản dị mà dài lâu, bình yên kề cạnh sớm chiều, tới cuối đời vẫn quyến luyến không rời. Một cuộc hôn nhân có cái kết đẹp như vậy, hẳn là niềm mong ước của rất nhiều người.

    Vào thời điểm ốm nặng, công chúa Phụng Dương vẫn một lòng lo nghĩ cho chồng. Ở phía còn lại, Đại vương Trần Quang Khải chính là người viết ra bài minh (nghiên đá xưa để viết sử – PV) và đứng ra lập bia thờ cho nàng. Có thể thấy tình cảm giữa hai người son sắt, sâu nặng ra sao.

    Tác giả gen Z viết tiểu thuyết lấy cảm hứng từ lịch sử: "Độc giả ngày nay đã cởi mở và lý trí hơn"- Ảnh 3.

    Ngoài đời, Việt Chi là một tác giả gen Z kín đáo, hiếm hoi lộ diện. (Ảnh: NVCC)

    Là một tác giả thuộc thế hệ gen Z, tại sao bạn lại chọn đề tài lịch sử – một chủ đề hóc búa và gây ra không ít tranh luận?

    – Thực ra lúc viết, tôi không nghĩ nhiều như vậy, chỉ đơn giản là vì quá yêu thích nên cầm bút. Tôi luôn cảm thấy lịch sử, văn hóa nước mình rất đẹp và không thua kém bất kỳ nước nào, có những câu chuyện thú vị nằm ngoài chương trình học cơ bản trong sách giáo khoa, sẽ rất tuyệt nếu như câu chuyện đó được phổ biến rộng rãi hơn, nhiều người biết đến hơn. Rất có thể từ một phần của lịch sử đó sẽ khiến bạn đọc, đặc biệt là giới trẻ thêm hứng thú tìm hiểu về lịch sử, văn hóa nước nhà. Các bạn sẽ thấy lịch sử không chỉ có những con số khô khan hay sự kiện khó nhớ nữa, các nét văn hóa không còn xa lạ nữa. Qua đó, khoảng cách thời đại, thế hệ sẽ xích lại gần hơn, lòng ta sẽ thêm yêu đất nước, dân tộc hơn.

    Những năm gần đây, độc giả đã cởi mở và lý trí hơn nhiều với thể loại truyện lấy cảm hứng lịch sử, tức là khi đánh giá, họ không bài xích ngay từ đầu. Người đọc đã bằng lòng đón nhận hơn, ít ra đã đọc trước đã rồi mới đưa ra đánh giá, nhận xét. Nếu thấy có chỗ nào chưa thỏa đáng, họ sẽ góp ý, đồng thời động viên tác giả cố gắng hơn. Đấy là cũng là một điểm tạo động lực cho tôi có can đảm hơn khi lựa chọn thể loại này.

    Sự sáng tạo của người cầm bút với những nhân vật lịch sử từng gây nhiều tranh cãi. Trong tiểu thuyết của mình, nhân vật của Việt Chi hư cấu bao nhiêu %? Quan điểm của bạn về sự hư cấu đó như thế nào?

    – Trong tác phẩm của tôi, có nhân vật hư cấu 100%, có nhân vật hư cấu 50%. Với tôi, mức độ hư cấu của nhân vật phụ thuộc vào số thông tin tư liệu mà tôi tìm được về nhân vật đó và cả mức độ hư cấu của các tình tiết truyện nữa. Không phải thông tin về nhân vật nào cũng có thể còn lưu giữ đầy đủ đến hiện tại, và dù có thông tin thì chúng ta không thể biết chính xác được những gì họ đã trải qua, họ sẽ có phản ứng gì, xử lý ra sao. Cũng bởi vậy, để hình thành một câu chuyện có sự liên kết chặt chẽ, khó có thể thiếu phần hư cấu. Nhưng đồng thời, quy định đầu tiên tôi đặt ra luôn là ưu tiên viết bám sát theo lịch sử, các chi tiết hư cấu khác thêm vào đâu, với mục đích gì cũng không thể xa rời phần khung lịch sử được.

    Tất nhiên mỗi người sẽ có cách lý giải khác nhau, góc nhìn khác nhau và lịch sử còn để lại nhiều khoảng trống để chúng ta có thể tưởng tượng, sáng tạo, thậm chí là có những vấn đề còn đang tranh cãi… Người viết thì cần lý trí, cẩn thận trong việc cân bằng giữa thực và hư. Chúng ta có thể đặt ra các giả thuyết, nhưng cần có cơ sở, lý luận cụ thể, không nên sa đà, bảo thủ đảo trắng thay đen sự việc nào đó hay làm xấu đi hình ảnh tiền nhân. Tác giả cũng nên có trách nhiệm với những gì mình viết, với độc giả của mình, ví dụ như chú thích rõ ràng các nguồn tư liệu, nói rõ đâu là chi tiết thật, đâu là hư cấu… Như vậy sẽ tránh được những hiểu lầm, sai lầm không đáng có.

    Làm sao để các tác phẩm của Việt Chi tạo cho mình một nét riêng – không trộn lẫn với các tiểu thuyết ngôn tình hoặc lịch sử Trung Quốc đang tràn lan trên internet?

    – Thực ra đây cũng là một bài toán khó, tôi nghĩ vậy. Tiểu thuyết của Trung Quốc rất phát triển, phổ biến rộng rãi, có ảnh hưởng đến cả người đọc lẫn người viết, dù ít dù nhiều.

    Khi cầm bút, tôi luôn nhắc nhở mình rằng, mình là người Việt Nam, viết truyện lấy cảm hứng từ lịch sử Việt Nam và viết bằng tiếng Việt. Vậy thì phải cố gắng viết sao cho thật “Việt”. Trước hết về mặt câu cú, từ ngữ, cách diễn đạt phải đúng với tiếng Việt, tiếp theo đó là sử dụng các hình ảnh Việt, lồng ghép các nét văn hóa dân gian sao cho bối cảnh tạo ra đúng là ở Việt Nam, tạo cho độc giả cảm giác gần gũi, quen thuộc khi đọc. Đấy là nền chung.

    Ví dụ đọc truyện Trung Quốc độc giả quen với hình ảnh cây ngô đồng, hoa anh đào, đèn lồng, ô giấy… thì trong truyện lấy bối cảnh Việt Nam, tôi sẽ có hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, rặng tre, đèn bấc, ông bụt… Hay cách xưng hô không phải là huynh đệ tỷ muội, mà vẫn thuần là anh chị em như trong ca dao tục ngữ Việt Nam.

    Còn riêng hơn nữa thì có lẽ tôi cần cố gắng hơn về giọng văn và cách lý giải nhân vật, xây dựng tình tiết, cố gắng viết những điểm mới hơn, sao cho không đi vào lối mòn các mô típ truyện đã quá quen thuộc.

    Cảm ơn những chia sẻ của Việt Chi!


    Speak Your Mind

    *