April 29, 2024

Sáp nhập xã, phường: Người dân Hòa Xá, quê hương “chiếc gậy Trường Sơn” tiếc nuối khi mất tên xã anh hùng

  • Doãn Ngọc Tân ngất xỉu, cầu thủ và khán giả Thanh Hóa hốt hoảng
  • Thua Uzbekistan, U23 Indonesia chưa thể có vé dự Olympic
  • Bốc đầu xe mô tô phân khối lớn lúc 1h sáng để… lấy le với bạn nữ

  • Niềm tự hào đặc biệt của mảnh đất Hòa Xá

    Hòa Xá là xã nằm ở phía Tây Nam huyện Ứng Hoà, TP. Hà Nội, bên tả ngạn sông Đáy. Từ đầu thế kỷ 19 về trước, Hoà Xá có tên gọi cổ xưa là làng Nguyễn Xá, Tổng Thái Đường, huyện Hoài An, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng.

    Trong sử sách, Hòa Xá luôn được coi là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, người dân anh dũng, tài giỏi. Vào thế kỷ X, Hòa Xá có vị Tả đạo Tướng quân Nguyễn Đức Chính phò giúp vua Đinh dẹp loạn 12 xứ quân, lập nên nước Đại Cồ Việt năm 968. Qua các triều đại Lê, Lý, Trần, Nguyễn, nơi này đều có các bậc nho sĩ thành danh, giúp dân giúp nước.

    Sáp nhập xã, phường: Người dân Hòa Xá, quê hương "chiếc gậy Trường Sơn" tiếc nuối khi mất tên xã anh hùng- Ảnh 1.

    Ao cá Bác Hồ tại xã Hòa Xá (Ứng Hòa, Hà Nội). (Ảnh: Định Nguyễn)

    Hòa Xá cũng là nơi sớm có phong trào cách mạng, ngày 15/3/1943 chi bộ Đảng đầu tiên của Hòa Xá được thành lập (sau này là Đảng bộ Hòa Xá). Trong kháng chiến chống Pháp, Hoà Xá nổi danh với chiến công “5 ngày 3 trận”. Tại thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mảnh đất nơi đây trở thành quê hương của “chiếc gậy Trường Sơn”, biểu tượng của sự gắn bó quân dân, khao khát độc lập, thống nhất dân tộc của người Việt. 

    Với những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được đánh giá là xã xuất sắc nhất về phong trào tòng quân chống Mỹ cứu nước, lá cờ đầu về phong trào xây dựng lực lượng dân quân du kích vững mạnh. Năm 1973, nơi đây được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

    Một ngày tháng tư, chúng tôi có dịp về Hoà Xá để lắng nghe những câu chuyện thú vị về nơi đây. Nhiều người dân xã Hoà Xá cho biết, không biết cây đa đình làng đã có từ bao giờ nhưng trong tâm khảm bao thế hệ người dân nơi đây cây đa này đã chứng kiến những đổi thay của một vùng quê ven sông Đáy hiền hoà, cạnh đó là cây bàng ghi dấu tích lịch sử. Vào ngày 1/5/1943, thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Hà Đông, đồng chí Văn Tiến Dũng trực tiếp chỉ đạo chi bộ Đảng Hoà Xá tổ chức quần chúng treo lá Đảng Kỳ, mở đầu phong trào đấu tranh tiến tới cách mạng tháng Tám năm 1945 giành chính quyền về tay nhân dân.

    Sáp nhập xã, phường: Người dân Hòa Xá, quê hương "chiếc gậy Trường Sơn" tiếc nuối khi mất tên xã anh hùng- Ảnh 2.

    ông Đỗ Đô Thành (SN 1967, người trông nom Bảo tàng quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn tại Hòa Xá) nâng niu những hình ảnh quê hương. (Ảnh: Định Nguyễn)

    Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Đỗ Đô Thành (SN 1967, người trông nom Bảo tàng quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn tại Hòa Xá) cho biết, ông đã lớn lên bởi những truyền thống thiêng liêng và đầy tự hào ấy. Năm 20 tuổi, như nhiều chàng trai tại Hòa Xá, ông cất bước lên đường nhập ngũ theo khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Ông bảo: “Người Hòa Xá luôn tự hào là con dân của một xã anh hùng. Đi tới đâu, chúng tôi cũng nhắc tới quê hương mình với niềm tự hào và hãnh diện. Lịch sử của mảnh đất này được vun đắp từ bao đời nay, có cống hiến của những người con của Hòa Xá thuộc bao thế hệ”.

    Người Hòa Xá còn nổi danh về sự tinh tế, phong lưu trong cách sống. Sư thầy Thích Đàm Hạnh (trụ chì chùa Hòa Xá) cho rằng nơi đây người dân trọng cách ăn lối mặc, do cuộc sống khá giả, lại có nghề truyền thống là nghề lụa. “Người Hòa Xá chịu thương chịu khó nhưng họ không chọn cuộc sống kham khổ, họ biết thưởng thức và trân trọng những món ăn ngon, những thứ văn minh, đẹp đẽ”.

    Người dân xã Hòa Xá chia sẻ với PV Dân Việt. (Clip: Định Nguyễn)

    “Mong được giữ lại tên xã anh hùng Hòa Xá”

    Cũng bởi thế, gặp gỡ với PV Dân Việt, nhiều người dân Hòa Xá không giấu nổi sự tiếc nuối khi sắp tới, theo đề án của TP. Hà Nội, xã Hòa Xá sẽ cùng hai xã Vạn Thái, Hòa Nam sáp nhập thành đơn vị hành chính mới mang tên Thái Hòa. “Chủ trương, chính sách sáp nhập của Đảng và Nhà nước đưa ra, người dân chúng tôi đều đồng thuận, chỉ tiếc là sẽ không còn xã anh hùng Hòa Xá. Nếu có thể được, tôi thật sự mong lấy tên chung của 3 xã sau khi sáp nhập là Hoà Xá. Bởi như vậy các xã khác vẫn sẽ mang tên của một quê hương anh hùng, với chiếc gậy Trường Sơn đã đi vào lịch sử”, ông Đỗ Đô Thành bày tỏ.

    Sáp nhập xã, phường: Người dân Hòa Xá, quê hương "chiếc gậy Trường Sơn" tiếc nuối khi mất tên xã anh hùng- Ảnh 3.

    Đình Hòa Xá – di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. (Ảnh: Định Nguyễn)

    Luôn ghi nhớ trong mình những nét đẹp của quê hương, chị Phùng Thu Ngà (SN 1981, giáo viên trường THCS Nguyễn Trãi, Hà Nội) chia sẻ: “Khi nghĩ về quê hương Hòa Xá, tôi luôn rất trân trọng truyền thống mà cha ông đã gây dựng. Người Hòa Xá chăm chỉ, cần cù, luôn có trách nhiệm với những công việc của đất nước, làng xã, có tình yêu quê hương sâu đậm. Cũng bởi vậy, biết xã Hòa Xá không còn, tâm trạng tôi có chút tiếc nuối. Có thể dần dần, theo thời gian, những ký ức về cái tên đã gắn bó với bao đời sẽ bị nhòa đi bởi một cái tên mới, con cháu chúng tôi sẽ không nhắc tới nữa”. Chị Ngà cũng bày tỏ: “Theo chủ trương về sáp nhập, thu gọn bộ máy hành chính của nhà nước, tôi hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, tôi cũng mong các cơ quan chức năng tuyên truyền để người dân trong xã hiểu ý nghĩa của sự sáp nhập, giữ gìn, tôn vinh truyền thống của mỗi làng, mỗi xã sau khi có những thay đổi về đơn vị hành chính”.

    Trong khi đó, nhận câu hỏi của PV Dân Việt về sự sáp nhập, chị Phùng Thị Thanh Tuyền (48 tuổi, thôn Nhân Hòa, Hòa Xá) trả lời thành thực: “Tất cả những người con tại Hòa Xá – dù bạn có hỏi tới ai, tôi tin mọi người cũng đều tiếc nuối thôi. Với chúng tôi, cái tên Hòa Xá thiêng liêng, đáng tự hào lắm. Thế nhưng, vì chính sách, vì sự đổi mới, phát triển, chúng tôi cũng ủng hộ”.

    Sáp nhập xã, phường: Người dân Hòa Xá, quê hương "chiếc gậy Trường Sơn" tiếc nuối khi mất tên xã anh hùng- Ảnh 4.

    Cây đa tại Hòa Xá có tuổi đời hàng trăm năm. (Ảnh: Định Nguyễn)

    Chỉ khoảng hơn 70 người dân không đồng tình sáp nhập

    Trao đổi với PV Dân Việt, ông Dư Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Hoà Xá cho biết, theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường giai đoạn 2023-2025, các xã Hòa Xá, Vạn Thái, Hòa Nam sẽ sáp nhập thành xã Thái Hòa.

    “Sau khi lấy ý kiến của cử tri và họp Hội đồng Nhân dân xã theo quy trình, chúng tôi nhận được 97,56% ý kiến đồng thuận, chỉ khoảng hơn 70 người ý kiến không đồng tình và muốn giữ lại tên xã là Hòa Xá. Địa phương cũng có một chút tiếc nuối vì Hòa Xá là xã giàu truyền thống. Nơi đây được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1973. Tới năm 2000, Trường mầm non Hoà Xá được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”, năm 2002, Hoà Xá được công nhận “Làng văn hoá”, đình Hoà Xá cũng được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 2005… Tuy nhiên, đó là điều không thể khác đối với Hoà Xá khi dân số chưa đầy 6.000 người, diện tích 2,2 km,”, ông Dũng nói.

    Trước ý kiến nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nên giữ lại tên “Hoà Xá”, ông Dũng cũng thông tin thêm, bản thân xã Hoà Xá với Vạn Thái trước năm 1956 đã từng nhập ra, nhập vào và mang tên Thái Hòa. Đến nay, theo đề án, đơn vị hành chính mới sẽ nhập thêm xã Hoà Nam, lấy chữ Thái của “Vạn Thái” và lấy chữ “Hoà” của hai xã còn lại để đặt tên Thái Hòa. “Đây là phương án cũng hợp lý, nhân dân đồng thuận cao” – ông Dũng chia sẻ.


    Speak Your Mind

    *