April 28, 2024

NSND Thế Hiển: “Tôi luôn nhớ những gì người thương binh mù đã nói với mình”

  • Làm hòa Lê Nguyệt Minh, Petr Rikunov thắng luôn chặng 23
  • Phạt du khách tiểu bậy xuống biển Vũng Tàu
  • Bóng đá có gì trong những ngày lễ?

  • Ngày 6/3 vừa qua, nhạc sĩ, ca sĩ Thế Hiển đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân trong lễ trao tặng lần thứ 10 diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đó là thành quả của một chặng đường nghệ thuật miệt mài, sôi nổi, đầy sáng tạo và thăng hoa. Ở đó, ông không chỉ chinh phục khán giả với giọng ca ấm áp, truyền cảm, mà còn viết nên hàng loạt tác phẩm giá trị, sống trong ký ức khán giả nhiều thế hệ.

    Đến với những người lính, NSND Thế Hiển có các ca khúc “để đời” như: Hát về anh; Nhánh lan rừng; Vỏ ốc biển; Nỗi nhớ từ đảo xa; Lính đảo Trường Sa; Tiếng hát trên đảo Sơn Ca… Ông cũng thành công với loạt sáng tác nhạc trẻ như: Tóc em đuôi gà; Chuyện lứa đôi; Hoài niệm dấu yêu; Đợi chờ trong cơn mưa; Chuyện đời xưa – Chuyện đời nay... Ở tuổi gần 70, NSND Thế Hiển vẫn đau đáu với âm nhạc, với khát khao đem lại những vẻ đẹp chân – thiện – mỹ cho cuộc đời. 

    Mới đây, PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với ông về sự nghiệp và cuộc sống ở thời điểm hiện tại.

    Thưa nhạc sĩ, ca sĩ Thế Hiển, cảm xúc của ông thế nào khi nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân tại đợt phong tặng thứ 10, diễn ra vào ngày 6/3 vừa qua tại Hà Nội?

    – Với tôi, việc đón nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời của một người nghệ sĩ. Đó cũng là dấu mốc cho chặng đường gần 50 năm tôi gắn bó với nghệ thuật, đến với đồng bào, chiến sĩ ở khắp mọi miền đất nước, từ biên giới phía Bắc cho đến Trường Sa, cả những nơi xa xôi như Campuchia, Siem Reap…

    Những năm tháng tuổi trẻ, tôi đã hòa mình vào cuộc sống cần cù, vất vả của quân, dân ta, cùng họ vững bước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Cũng bởi vậy, tôi thêm vinh dự và tự hào khi nhận được danh hiệu cao quý này.

    NSND Thế Hiển: "Tôi luôn nhớ những gì người thương binh mù đã nói với mình"- Ảnh 1.

    NSND, nhạc sĩ, ca sĩ Thế Hiển. (Ảnh: HTV)

    Quay lại với những năm tháng tuổi trẻ, gần 50 năm trước, cơ duyên nào đã đưa ông tới với con đường nghệ thuật, khi trước đó chàng trai học Luật khoa Sài Gòn vẫn luôn khao khát mình sẽ trở thành một luật sư?

    – 30/4/1975 là cột mốc lịch sử vĩ đại của tổ quốc khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, kết thúc cuộc chiến đầy gian khó, hào hùng của nhân dân ta. Đó cũng chính là thời điểm tạo nên bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi, khi tôi đang là sinh viên năm thứ nhất Luật khoa Sài Gòn.

    Từ thời thơ ấu, tôi đã có luôn có ước mơ rằng sau khi học tú tài xong, mình sẽ học đại học và sau đó trở thành một luật sư giỏi. Lý do là bởi tôi được xem một vở kịch phỏng theo cuốn Đoạn tuyệt của nhà văn Nhất Linh, trong đó có vai luật sư do nghệ sĩ Phùng Há đảm nhận. Ở đó, bà bảo vệ nhân vật một cách thông minh, khẳng khái khi cô bị khép vào tội cầm kéo hại chồng. Mong muốn được bênh vực cho lẽ phải, giúp đỡ người yếu thế, nói lên nỗi oan ức, thống khổ của mọi người khiến tôi quyết tâm thi vào khoa Luật.

    Thế nhưng, sau giải phóng, luật pháp trước đó không còn hiệu lực. Chúng tôi buộc phải lựa chọn lại ngành học, hoặc Văn khoa, hoặc theo Sư phạm. Đang băn khoăn không biết lựa chọn như thế nào, trong một buổi tập hát dựng chương trình (khi đó tôi đang là hạt nhân phong trào của phường 9, quận Phú Nhuận), NSƯT Mỹ An có nói với tôi rằng: “Em có giọng hát đấy, em mà được học thanh nhạc để phát triển thì sau này em sẽ trở thành giọng ca tốt”.

    Ngay sau đó, bà lại bảo tôi: “Đoàn Bông Sen sắp sửa tuyển sinh, hệ trung cấp 4 năm vừa học vừa làm.  Cô khuyên em nên đến nộp đơn thi tuyển, cố gắng làm sao đi học được trung cấp thanh nhạc”. Nghe lời cô, tôi đã tới dự thi và may mắn đậu lại. Cứ như vậy, tôi theo học chương trình Trung cấp Thanh nhạc với sự hướng dẫn của các thầy cô từ Hà Nội và Trung ương cục miền Nam. Sau 4 năm, tôi đỗ thủ khoa, được lựa chọn ở lại làm diễn viên đơn ca của Đoàn nghệ thuật Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen. Từ những ngày tháng đó, tôi đi lưu diễn cùng đoàn khắp mọi miền Tổ quốc, được khán giả yêu mến và đón nhận.

    Sau những thành công với vai trò một nghệ sĩ biểu diễn, khi nào ông bắt đầu cầm bút sáng tác?

    – Những năm 1980, sau các chuyến lưu diễn, cứ trở về thành phố, tôi lại tham gia vào CLB Sáng tác trẻ ở Nhà văn hóa Thanh niên. Được sự động viên của các nhạc sĩ lúc đó, năm 1982, khi ở tuổi 27, tôi đã sáng tác ca khúc đầu tay cho mình – Khi bong bóng bay. Ca khúc viết về ước mơ của tuổi trẻ, những cảm xúc trong trẻo của tuổi 20, đã nhanh chóng được khán giả yêu ca nhạc TPHCM đón nhận.

    “Ngày xưa khi còn bé thơ

    Tôi thường thẩn thơ nhìn bong bóng muôn màu

    Mẹ trao cho chiếc bóng bay

    Tôi mê say đùa vui với bóng..”

    Năm 1983, trong chuyến đi tới Đặc khu Quảng Ninh phục vụ các chiến sĩ biên giới, tôi lại cho ra đời ca khúc Hát về anh. Tác phẩm này sau đó vang trên sóng phát thanh, lan tỏa khắp mọi miền tổ quốc. Những thành công ban đầu giúp tôi có thêm động lực, tôi tiếp tục tới Nhạc viện TP.HCM học sáng tác, theo đuổi cuộc đời ca hát và cầm bút.

    NSND, nhạc sĩ Thế Hiển hát ca khúc “Nhánh lan rừng” trong chương trình “Dấu ấn huyền thoại”. (Clip: Điền Quần Entertainment)

    Nhắc tới những tác phẩm của ông, không thể không kể tới Nhánh lan rừng. Ca khúc luôn được coi như một bài thơ đẹp và đầy lãng mạn về tình yêu người lính. Tác phẩm này có bắt đầu từ một câu chuyện có thật?

    – Tôi viết ca khúc Nhánh lan rừng năm 1986 tại Mặt trận 479 Siem Reap, Campuchia. Tôi luôn thấy biết ơn bởi trên mỗi bước chân đi, những cảm nhận về cuộc sống đã giúp tôi có những tác phẩm dâng hiến cho cuộc đời.

    Ở những sáng tác của mình, tôi không dựa trên một câu chuyện cụ thể nào mà luôn khao khát tìm đến những gì đẹp đẽ nhất, không chỉ đẹp về giai điệu mà còn đẹp về ca từ, trong đó chứa chất văn học, nghệ thuật. Sự ví von, liên tưởng, nhân cách hóa truyền tải cho người nghe vẻ đẹp của chân thiện mỹ, từ đó, chúng ta yêu cuộc đời, yêu con người hơn. Nhánh lan rừng cũng là một trường hợp như vậy.

    Trong suốt chặng đường hoạt động nghệ thuật, ông đã đi nhiều nơi, gặp gỡ rất nhiều. Chắc hẳn rất nhiều kỷ niệm còn đọng lại?

    Rất nhiều ký ức vẫn luôn ở trong tôi, mà sâu đậm nhất là tại những nơi gian khổ và ác liệt. Tôi vẫn nhớ thời điểm năm 1986, trong chuyến công tác sang Campuchia thăm các chiến sĩ Viện Quân y 7E. Trước mắt tôi, anh em nằm bị thương la liệt. Thế nhưng, trong hoàn cảnh đó, có một chiến sĩ đã bị mù mắt, người đang băng bó nắm tay tôi nói rằng: “Trước khi bị thương, em vẫn cùng đồng đội hát ca khúc của anh “một ba lô cây súng trên vai/ người chiến sĩ quen với gian lao”. Hôm nay được anh đến đây hát động viên, em mừng lắm, chúc anh nhiều sức khỏe.

    Một người thương binh mắt đã không còn, vậy mà anh vẫn nắm tay tôi, động viên tôi, kỷ niệm ấy khiến tôi vô cùng xúc động. Đó cũng là động lực khiến tôi tiếp tục đem tiếng hát của mình ca ngợi con người, ca ngợi cuộc sống này.

    Những năm gần đây, ở tuổi 70, ông vẫn dành thời gian ca hát, sáng tác và đào tạo cho thế hệ nghệ sĩ trẻ?

    – Đúng vậy, công việc chính của tôi bây giờ vẫn là biểu diễn, sáng tác. Bên cạnh đó, tôi cũng nhận dạy học trò tại nhà, trong đó một số bạn hiện giờ đã trở nên rất nổi tiếng như Mỹ Tâm, Tóc Tiên, Thái Thùy Linh… Thứ tôi muốn truyền đạt cho thế hệ sau không chỉ là kiến thức về thanh nhạc, mà còn là cái tâm, cái đức với nghề. Với tôi, không gì đẹp bằng người nghệ sĩ sống hòa mình, khiêm tốn, chân thành với cuộc sống, với khán giả. Chỉ khi có một tâm hồn đẹp đứng bên cạnh tài năng, họ mới là người nghệ sĩ chân chính.

    NSND Thế Hiển: "Tôi luôn nhớ những gì người thương binh mù đã nói với mình"- Ảnh 2.

    NSND Thế Hiển luôn hạnh phúc khi được đứng hát trước khán giả. (Ảnh: FBNV)

    Nhiều nghệ sĩ gạo cội thổ lộ họ khó có thể nghe được những ca khúc nhạc trẻ bây giờ? Với ông, điều đó có xảy ra?

    – Tôi luôn cho rằng mỗi lứa tuổi đều sẽ có thể loại âm nhạc dành cho lứa tuổi đó. Những người trẻ hiện tại thích những ca khúc đơn giản, dễ nghe, dễ thuộc, điều đó không sao cả. Tôi chỉ mong những người sáng tác sẽ tránh đi những vấn đề tầm thường, nhạy cảm, những ca từ không đẹp, mang tới suy nghĩ bậy bạ và bế tắc. Dù là ca khúc giải trí hay các sáng tác nghệ thuật, chúng ta cũng phải nên định hướng những điều chân thiện mỹ, mang đến cái thiện, cái đẹp trong cuộc sống.

    Nhất là ở thể loại nhạc Rap, không ít tác giả đang rơi vào trường hợp thiếu kiến thức về văn học, họ không viết được cái gì đẹp nên buộc phải viết bậy. Tin tôi đi, những ca khúc đó có thể rộ lên một thời gian rồi sẽ mất đi, bởi thứ giữ người nghe ở lại vẫn là những gì giá trị.

    Giống như trong một phiên tòa, khi tất cả đang yên lặng nghe xử, có một kẻ tới la toáng lên, mọi người sẽ chú ý tới anh ta trước, nhưng chỉ sau đó vài phút, họ liền tập trung vào phiên xử. Nghệ thuật cũng vậy, anh tạo ra một ca khúc tưởng là hit nhưng không mang tính chất thẩm mỹ, ít lâu sau rồi cũng bị rơi vào quên lãng.

    Tôi vẫn nói với các nghệ sĩ trẻ ở TP. HCM trong các cuộc tham luận và hội thảo rằng: “Cũng là mất công tư duy, suy nghĩ để sáng tác. Tại sao ta lại tư duy những cái bậy, tại sao ta không dành thời gian đó tư duy cái hay để có tác phẩm bền lâu, vừa cho mình cũng là cho mọi người”.

    Ở độ tuổi 70, ông vẫn đi lại rất nhiều nơi để biểu diễn, làm việc, thăm thú. Ông làm thế nào để giữ cho mình sức khỏe và nguồn năng lượng như vậy?

    – Tới tuổi này, đương nhiên tôi cẩn trọng hơn với sức khỏe. Quan trọng nhất là biết tự điều tiết thời gian làm việc, nghỉ ngơi phù hợp, biết giữ mình để có sức khỏe còn tiếp tục yêu đời. Giữ được sức khỏe thì mọi việc đều làm được.

    Những năm tháng này, tôi dành thời gian ưu tiên cho gia đình, con cháu nhiều hơn, bớt các hoạt động vô bổ. Tôi hài lòng với những gì mình đang có ở thời điểm hiện tại và luôn biết ơn, yêu thương cuộc sống này!.

    Cảm ơn những chia sẻ của ông!


    Speak Your Mind

    *