May 5, 2024

Những tiếng khóc xé lòng khi nhận lại hình ảnh liệt sĩ được phục dựng sau nhiều năm hy sinh

  • HLV Kim Sang Sik được bố trí ở biệt thự ngay cạnh trụ sở VFF
  • Ảnh Lưu Diệc Phi năm 16 tuổi được fan “đào“ lại, không hề có dấu hiệu lão hóa
  • Thuyền biểu diễn ca Huế trên sông Hương phải lắp đặt từ 2-3 camera giám sát

  • “Bà tôi không đợi được thấy di ảnh bác lần cuối!”

    Sinh ra khi đất nước đã hòa bình, không được chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh nhưng những người trẻ của nhóm Team Lee lại rất thấu cảm với sự mất mát của những gia đình có người thân hy sinh trong kháng chiến. Như một sự thôi thúc của trái tim, muốn làm điều gì đó thật ý nghĩa để trả món nợ ân tình với lớp lớp cha anh đã ngã xuống ngày hôm qua để hôm nay đất nước được “nở hoa”, người người được sống trong hòa bình, độc lập… 12 người trẻ đã thành lập nhóm tình nguyện phục dựng ảnh liệt sĩ để trao tặng cho các thân nhân.

    Những tiếng khóc xé lòng khi nhận lại hình ảnh liệt sĩ được phục dựng sau nhiều năm hy sinh- Ảnh 1.

    Các thành viên của nhóm Team Lee trao ảnh cho thân nhân liệt sĩ. Ảnh: Trang Đào

    Trưởng nhóm Lê Quyết Thắng, Phó nhóm Phùng Quang Trung đều là những người thuộc thế hệ 8x, 9x. Dẫu vậy, kể từ khi khởi động chương trình phục dựng ảnh liệt sĩ đến nay, nhóm đã hoàn thành hàng nghìn bức ảnh và trao tặng những bức ảnh đó cho thân nhân các gia đình. Hàng nghìn cuộc trao tặng di ảnh đã phục dựng là hàng nghìn lần các thành viên trong nhóm khóc theo tiếng khóc của thân nhân các gia đình liệt sĩ.

    Ngày 23/4 vừa qua, nhóm Team Lee lại tiếp tục trao di ảnh của 3 liệt sĩ Nguyễn Đồng Đức (1949 – 1968), Nguyễn Minh Tý (1935 – 1969) và Hoàng Long Xưởng (1957 – 1978). 

    Chia sẻ với Dân Việt, đại diện của nhóm Team Lee cho biết, trước hôm trao ảnh, dòng tin nhắn vội của anh Phùng Minh Đức (Sơn Tây, Hà Nội) – thân nhân của liệt sĩ Hoàng Long Xưởng đến Team Lee với tâm nguyện được phục dựng lại di ảnh của người bác liệt sĩ của mình để người bà đang nằm ốm nặng có thể nhìn thấy con trai lần cuối.

    Ngay lập tức, cả team bắt tay vào thực hiện phục dựng gấp rút trong chưa đầy 3 tiếng với niềm hân hoan cao độ. Tiếc thay, khi bức ảnh liệt sĩ Hoàng Long Xưởng chưa kịp trao đến tay gia đình thì nhóm nhận được tin mẹ của liệt sĩ đã không may qua đời. Không từ nào diễn tả được khoảnh khắc ấy… một khoảnh khắc đầy sự hụt hẫng và tiếc nuối.

    “Đây không phải lần đầu tiên chúng tôi gặp phải hoàn cảnh này… nhưng dù trải qua bao nhiêu lần thì sự hụt hẫng và tiếc nuối vẫn không bao giờ vơi giảm. Mỗi lúc như vậy, anh em đều cảm thấy bất lực trước sự khó lường của sinh mệnh”, Phó nhóm Phùng Quang Trung chia sẻ.

    Những tiếng khóc xé lòng khi nhận lại hình ảnh liệt sĩ được phục dựng sau nhiều năm hy sinh- Ảnh 2.

    Ảnh của Liệt sĩ Hoàng Long Xưởng trước và sau khi phục dựng. Ảnh NVCC

    Trong buổi trao ảnh, khi cầm trên tay di ảnh của người bác là chồng cũ của mẹ đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, anh Phùng Minh Đức nghẹn ngào: “Tôi với bác không phải ruột thịt, bác là chồng cũ của mẹ tôi. Nhưng từ nhỏ đến lớn, tôi được nghe rất nhiều từ mẹ và bà những câu chuyện về bác – một người lính anh hùng, nên từ lâu tôi đã coi bác ấy là người thân của chính mình.

    Mẹ tôi kể, đúng 5 ngày sau đám cưới, bác phải gác lại hạnh phúc cá nhân, rời xa mái ấm, rời xa tình yêu thương của bà và mẹ để lên đường ra chiến trận. Từng ấy năm, từ khi nhận được tin bác mất là từng ấy năm bà và mẹ ôm nỗi đau thương, tiếc nuối trong lòng. Ngay cả khi đến lúc già lẫn, bà vẫn nhắc và mong mỏi đợi chờ con. 

    Tình cờ trong một ngày thấy được những bức ảnh phục dựng của bạn Trung và Team Lee, tôi quyết định nhắn tin ngay cho nhóm với mong nguyện có thể để bà thấy hình ảnh đẹp của người con trai đã khuất lần cuối. Vậy mà, bà tôi không đợi được thấy di ảnh bác lần cuối! Tuy vậy, bức di ảnh này có ý nghĩa vô cùng lớn với gia đình chúng tôi, tôi thật sự biết ơn nhóm rất nhiều”.

    Những tiếng khóc xé lòng khi nhận lại hình ảnh liệt sĩ được phục dựng sau nhiều năm hy sinh- Ảnh 3.

    Nhóm Team Lee trao tặng ảnh liệt sĩ Hoàng Long Xưởng cho anh Phùng Minh Đức. Ảnh: Đào Trang

    “Em ơi, chị đón em về nhà đây!”

    Liệt sĩ Nguyễn Đồng Đức là người con thứ trong gia đình. Bức ảnh mà gia đình gửi để phục dựng là bức ảnh được chụp trong đơn vị với hy vọng nhận lại được một bức ảnh rõ nét hơn để thờ phụng. Trước ngày lên nhận di ảnh phục dựng, bà Nguyễn Thị Kim Thoa (Thái Bình) chị gái của liệt sĩ Nguyễn Đồng Đức không thể chợp mắt. Cả đêm bà ôm bức ảnh cũ của người em, vừa nhìn vừa khóc. 

    Bà Thoa nghĩ tới quãng thời gian hơn 50 năm gia đình bà đơn độc và vô vọng trong hành trình tìm hài cốt người em quá cố. Ngay đến khi trời sáng, dù đã gần 80 tuổi, đi lại đã khó khăn, nhưng giống như cảm thấy người em của mình đang đợi, bà nóng ruột lên đường, bước chân cũng như vội vã hơn.

    Những tiếng khóc xé lòng khi nhận lại hình ảnh liệt sĩ được phục dựng sau nhiều năm hy sinh- Ảnh 4.

    Ảnh của Liệt sĩ Nguyễn Đồng Đức trước và sau khi phục dựng. Ảnh NVCC

    Ôm di ảnh người em trai trong tay, bà Thoa khóc nghẹn gọi “Em ơi”. Bà kể với PV Dân Việt: “Tôi vẫn còn nhớ trong buổi sáng năm 1968, khi đang cấp cứu bệnh nhân, có mấy anh trực đài lại báo với tôi tin tức em trai tôi đã hy sinh. Tôi không thể tin… Cho đến năm 1971, khi trở về thị xã và nhận được giấy báo tử từ ủy ban, lúc bấy giờ gia đình mới làm lễ truy điệu cho em”.

    Niềm tin rằng, người em mình còn sống trong suốt 4 năm bỗng vỡ vụn trong chốc lát khi cầm trên tay tờ giấy báo tử. Các thành viên trong gia đình bà Thoa, người đứng trân, người khóc ngất… Bà bảo thương nhất vẫn là bố mẹ, có ai mà không đau đớn cho được khi mất đi “khúc ruột” của mình. Em nhỏ thì còn quá ngây dại để hiểu được sự mất mát, đứa em trai thứ 3 thì quyết rời nhà lên đường nhập ngũ cùng tâm nguyện hoàn thành lý tưởng dở dang của anh trai.

    Trong bức thư cuối liệt sĩ Đức gửi về gia đình chỉ vỏn vẹn vài dòng: “Em đang bị thương nghỉ dưỡng, nhưng em không thể về được chị ạ! Chị cứ cố gắng chăm sóc bố và các em giúp em để em hoàn thành ước mơ của em”. Bà Thoa trải lòng: “Hồi ấy chiến tranh, em tôi bị thương 2 lần, một lần ở cánh tay, 1 lần ở lưng. Tôi nhận được thư của em mà lo lắng không yên nhưng vì là chị cả nên phải gồng mình làm điểm tựa cho bố và các em. Bây giờ, hình ảnh của em được phục dựng đẹp như thế này, tôi rất xúc động. Em ơi, chị đón em về nhà đây!”.

    Những tiếng khóc xé lòng khi nhận lại hình ảnh liệt sĩ được phục dựng sau nhiều năm hy sinh- Ảnh 5.

    Bà Nguyễn Thị Kim Thoa ôm di ảnh đã được phục dựng của em trai – liệt sĩ Nguyễn Đồng Đức. Ảnh: Đào Trang

    “Em ơi, chị đón em về nhà đây!”, bà Nguyễn Thị Kim Thoa (Thái Bình) – chị gái của liệt sĩ Nguyễn Đồng Đức nghẹn ngào. (Nguồn clip: Đào Trang)

    “Tôi thương bố tôi lắm!”

    Hòa trong những giọt nước mắt là nụ cười của thân nhân liệt sĩ khi được thấy lại người thân quá cố trong một dung mạo thật đẹp, thật sống động. Con trai của liệt sĩ Nguyễn Minh Tý, ông Nguyễn Minh Hợi (Bắc Giang) không giấu được sự hạnh phúc, sự vui mừng trên gương mặt khi nâng niu di ảnh đã được phục dựng của cha.

    Những tiếng khóc xé lòng khi nhận lại hình ảnh liệt sĩ được phục dựng sau nhiều năm hy sinh- Ảnh 6.

    Ảnh của Liệt sĩ Nguyễn Minh Tý trước và sau khi phục dựng. Ảnh NVCC

    Ông Hợi tâm sự: “Khi nhìn lại ảnh này tôi rất nhớ đến bố tôi, đặc biệt là thời gian cùng bố mẹ. Trong trí nhớ của tôi, lên 10 tuổi, bố tôi mất. Lúc còn sống, bố lại ở chiến khu suốt, vì còn quá nhỏ và thời gian ở cạnh bố không nhiều, nên tôi còn chưa kịp cảm nhận và hình dung về gương mặt ấy nhiều. Điều làm tôi tự hào nhất là nghe các bác cô chú nói rằng, tôi giống bố tôi lắm! Khi cầm bức ảnh trên tay, cảm giác xao xuyến trong tôi ùa về, hệt như cảm giác gặp ông mỗi lần ông về phép. Tôi thương bố tôi lắm, mất sớm, bao hoài bão ước mơ còn dang dở mà phải bỏ lại”.

    Ôm theo những hoài bão dang dở của người cha liệt sĩ, ông Nguyễn Đức Hợi đã chọn tiếp bước con đường của cha. Sau bao năm cống hiến trong quân ngũ, tại đơn vị Quân đoàn 14, QK1 (Tràng Định, Lạng Sơn), ông giữ cấp bậc hạ sĩ và đã về hưu. Ông luôn tin đó là điều mà người cha quá cố của ông sẽ luôn tự hào dù ở bất cứ nơi đâu.

    Những tiếng khóc xé lòng khi nhận lại hình ảnh liệt sĩ được phục dựng sau nhiều năm hy sinh- Ảnh 8.

    Ông Nguyễn Đức Hợi nhận di ảnh bố mình – liệt sĩ Nguyễn Minh tí từ Team Lee. Ảnh: Đào Trang

    Kết thúc buổi trao di ảnh đầy cảm xúc, thân nhân anh Phùng Quang Trung chia sẻ thêm với Dân Việt rằng: “Tôi luôn nói với những thân nhân liệt sĩ là đừng cảm ơn chúng tôi, vì chính chúng tôi mới là người phải cảm ơn thế hệ cha ông đi trước đã hy sinh cho nền độc lập dân tộc, để giờ đây chúng tôi mới có cơ hội thực hiện việc làm ý nghĩa này. Chúng tôi không nhớ nổi đã từng phục dựng bao nhiêu bức ảnh của các anh hùng đất nước nhưng dù có cộng lại cả số lượng ảnh và thời gian thực hiện cũng không lớn bằng sự anh dũng của các anh”.


    Filed Under: Giải trí Tagged With: , , , , , , , , , , , , , ,

    Speak Your Mind

    *